TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tín điều Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Thứ sáu - 31/12/2021 19:16 | Tác giả bài viết: |   1956
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” chỉ ra chân lý cao cả của mầu nhiệm Nhập thể, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.
Tín điều Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

TÍN ĐIỀU ĐẦU TIÊN VỀ ĐỨC MARIA: ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA

WGPQN - Đâu là giáo huấn của Giáo hội liên quan đến tư cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria?

Chân lý mặc khải cơ bản và quan trọng nhất về Đức Mẹ của chúng ta, để từ đó hết thảy những vai trò và vinh dự khác của Mẹ tuôn trào, đó chính là Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) số 509 tóm tắt giáo huấn ấy như sau: “Đức Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ vì là Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, người Con hằng hữu ấy cũng chính là Thiên Chúa”. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” chỉ ra chân lý cao cả của mầu nhiệm Nhập thể, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.

Giáo huấn của Giáo hội liên quan đến tư cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria có nguồn gốc sâu xa từ trong Thánh kinh và Thánh truyền, và đã được định tín tại Công đồng Êphêsô năm 431. Giáo hội cử hành mầu nhiệm của đức tin Công giáo này vào ngày 1 tháng 1.

“Mẫu cách thần linh” của Đức Maria – hay nói cách khác là tư cách “Mẹ Thiên Chúa” – hầu như đã trở nên rất thân quen đối với nhiều người Công giáo. Một trong những lời kinh lâu đời và được cầu nguyện nhiều nhất, kinh Kính mừng, cầu khẩn cách rõ ràng “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời”. Cách tiêu biểu, chúng ta thường gọi Đức Maria là “Đức Mẹ”, điều đó chỉ ra sự tham dự của chúng ta vào đời sống thần linh trong tư cách là nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Rm 8,15-17; Gl 4,4-7; Kh 12,17). Chúng ta không thể gọi Mẹ là Đức Mẹ của chúng ta, trừ khi đầu tiên và trên hết, Mẹ chính là Mẹ của Ngài.

Kể từ thế kỷ thứ năm, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” của Đức Maria đã được thiết định cách chắc chắn, và rõ ràng nó ít gây tranh cãi nhất trong số các tín điều Kitô giáo liên quan đến Đức Maria. Như thế, giáo huấn này là một điểm khởi đầu thích hợp cho việc đối thoại đại kết cũng như gìn giữ sự chính xác cho giáo huấn liên quan đến việc Chúa Giêsu Kitô là ai, như sẽ được trình bày dưới đây.

[…]chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về thân mẫu của Ngài, đấng mà từ đó “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” (Ga 1,14).

Logic của Thánh kinh

Không có nơi nào trong Thánh kinh sử dụng cụm từ “Mẹ Thiên Chúa”. Nhưng Đức Maria được minh định là “mẹ Chúa Giêsu” (x. Mt 2,13.20; Lc 1,31; 2,34; Cv 1,14) và là mẹ của Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35; Gl 4,4). Ngay cả trước khi Chúa Giêsu sinh ra, bà Êlisabét công bố rằng Đức Maria là “thân mẫu của Chúa tôi” (Lc 1,43; x. GLHTCG 495). Thật rõ ràng, xuyên suốt cả Tân ước, Đức Maria được nhận biết trong tư cách là mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng cứu rỗi chúng ta.

GLHTCG số 481 tóm tắt nền tảng niềm tin Kitô giáo về Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật: “Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính, thiên tính và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng hợp nhất trong một ngôi vị duy nhất của Con Thiên Chúa”. Cho nên thánh Phaolô có thể viết rằng khi thời gian đến hồi viên mãn, “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến, sinh làm con một người phụ nữ” (Gl 4,4).

Chính vào thời đã định, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (x. Ga 1,1), Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, “đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thánh kinh dạy rằng Chúa Kitô là Emmanuel – vị Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta (x. Mt 1,23).

Nếu chúng ta đón nhận hai giáo huấn Kinh thánh a) Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu và b) Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, vậy thì chúng ta phải kết luận rằng Đức Maria là mẹ của Thiên Chúa. Kết luận ngược lại sẽ chối bỏ (a) hoặc (b) hoặc cả hai, và do đó rơi vào một trong các lạc giáo cổ xưa đã bị Giáo hội tông truyền phi bác.

Mẫu vị là gì?

Để hiểu được giáo huấn của Giáo hội về tư cách làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, điều quan trọng là phải làm sáng tỏ ý nghĩa mà chúng ta muốn nói qua ý niệm mẫu vị.

Mẫu vị là một mối tương quan được thiết lập khi một người phụ nữ thông truyền bản tính nhân loại của chính mình cho con cái. Việc trao ban bản tính này xuất hiện tại thời điểm thụ thai, và được dưỡng dục liên tục qua quá trình mang thai, sinh con, và đời sống của đứa trẻ. Vào lúc thụ thai, một nhân vị, tức một bé trai hay bé gái thực sự – chứ không đơn thuần là một thân xác vật chất – tiến vào hiện hữu. Đây là sự thật, dù chúng ta biết rằng người mẹ không tạo ra linh hồn của đứa trẻ, thứ được tạo ra và phú ban trực tiếp bởi Thiên Chúa.

Đức Maria đã không trao ban cho Chúa Giêsu thần tính hay ngôi vị thần linh của Ngài, là điều thuộc về Ngài từ thuở đời đời. Đức Maria cũng không trao ban cho Chúa Giêsu linh hồn nhân loại của Ngài, là điều Ngài được phú ban khi trở thành con người trong cung lòng trinh nguyên của mẹ (x. GLHTCG, số 471). Trong tư cách là một người mẹ thực sự, Đức Maria đã trao ban cho Chúa Giêsu một bản tính nhân loại y hệt như của chính Mẹ, và Mẹ là mẹ của một ngôi vị, chứ không đơn thuần là một thân xác hay bản tính.

Còn đây là bước ngoặt. Nơi Chúa Giêsu Kitô, có hai bản tính – nhân tính và thần tính – và hai bản tính này được hợp nhất mà không lẫn lộn trong cùng một Ngôi vị thần linh, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, điều được gọi là ngôi hiệp. Bởi vì Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là một Ngôi vị thần linh – tức là Thiên Chúa – vậy nên Đức Maria được gọi cách xác đáng là “Mẹ Thiên Chúa”.

Có hai tử vị, nhưng chỉ có duy nhất một người Con. Chúa Kitô là Con thật của Thiên Chúa Cha từ thuở đời đời, nhưng Ngài cũng là Con thật của Đức Maria, được sinh ra khi thời gian đến hồi viên mãn (x. Gl 4,4).

Các Giáo phụ nói gì về điều này?

Truyền thống Kitô giáo sơ thời, cách đặc biệt là phụng vụ, đã làm chứng cho niềm tin Kitô giáo rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Theo lời tuyên xưng cổ kính nhất của đức tin Kitô giáo, Kinh Tin kính các Tông đồ (x. GLHTCG 194), các tín hữu trong gần hai thiên niên kỷ đã tuyên xưng đức tin của mình vào “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, Đấng được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria”. Sub tuum praesidium (“Chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi ngài…” [Kinh Trông cậy]), một kinh nguyện về Đức Maria cổ xưa có niên đại từ thể kỷ thứ ba, gọi Đức Maria cách dứt khoát là “Mẹ Thiên Chúa”.

Mẫu vị thần linh của Đức Maria được chứng thực đầy đủ trong những tác phẩm của các Giáo Phụ. Chẳng hạn, thánh Irênê (+202) đã viết: “Đức Trinh nữ Maria, … khi vâng phục lời của Người, đã lãnh nhận từ sứ thần tin mừng rằng mình sẽ cưu mang Thiên Chúa”.[1]

Thánh Ephrem xứ Syria (+373), trong Thánh ca Nhập thể đầy thi vị của ngài, đã sáng tác như sau:

Nơi cung lòng Đức Maria, một Trẻ thơ đã nên hình nên dạng,
Đấng tự thuở đời đời vẫn đồng hàng với Chúa Cha…
Dù vẹn tuyền đức khiết trinh
vì Nữ trinh đã nên Thân mẫu;
Dù vẫn mãi là đấng trinh nguyên
ngài đã cưu mang một Hài nhi trong cung lòng;
Vị nữ tỳ, công trình Đấng Thượng trí
đã trở nên Mẹ Thiên Chúa.[2]

Thánh Athanasiô (+373), trong khảo luận Về sự Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa Chống bè Ariô, đã viết:

Ngôi Lời, người con được Chúa Cha sinh ra từ trời cao, Đấng vĩnh cửu, không thể diễn đạt, không thể giải thích, không thể đạt thấu, chính là Đấng được sinh ra trong thời gian dưới trần thế, bởi Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa - để cho những kẻ thoạt tiên được sinh ra dưới trần thế có thể được sinh ra lần nữa từ trời cao, bởi Thiên Chúa.[3]

Trên đây chỉ là một vài trong số những tư tưởng giáo phụ có quy chiếu đến giáo huấn về Đức Maria trong suốt bốn thế kỷ đầu của Kitô giáo. Dĩ nhiên, sau định tín của Công đồng Êphêsô năm 431 (xin xem bên dưới), giáo huấn này đã được thiết lập cách vững chắc như một phần của kho tàng đức tin được trao phó cho Giáo hội (x. 1Tm 6,20).

Chúng ta có thể mắc sai lầm ra sao?

Về mặt lịch sử, có ba sai lầm liên quan đến làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Đầu tiên, một số người cho rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, nhưng không phải là người thật. Theo đó, vì Chúa Kitô đã không nhận một bản tính nhân loại từ Đức Maria, nên không thể gọi Đức Maria là mẹ của Ngài.

Sai lầm thứ hai, phổ biến nhiều hơn vào thời nay, đó là xem Chúa Kitô thực sự là một con người, nhưng không phải là Thiên Chúa. Như thế, Đức Maria thực sự là mẹ của Đức Kitô, nhưng không có nghĩa là mẹ của Thiên Chúa.

Sai lầm thứ ba, được gọi là thuyết Nestôriô, chính là điều đã dẫn đến tuyên tín của Giáo hội tại Công đồng Êphêsô. Quan niệm ấy cho rằng có hai ngôi vị nơi Đức Kitô, một ngôi vị thần linh và một ngôi vị nhân loại, và Đức Maria chỉ sinh ra ngôi vị nhân loại. Đức Maria có thể được gọi một cách đúng đắn là Mẹ Chúa Kitô (Christotokos) hay thậm chí là  Người Tiếp nhận Thiên Chúa (Theodokos), nhưng không phải là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos).

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn Giáo hội đã hóa giải những sai lầm này như thế nào.

Cuộc đối đầu tại Êphêsô

Trong thông điệp “Kỷ niệm 1500 năm Công đồng Êphêsô” (Lux Veritatis, năm 1931), Đức Giáo hoàng Piô XI mô tả lại diễn biến những sự kiện đưa đến các quyết định của công đồng đại kết này.

Nestôriô, một đan sĩ tại Antiôkia, người trở thành thượng phụ Constantinốp vào năm 428, công khai giảng dạy rằng Chúa Kitô đã không là Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa chỉ ngự trong Ngài như trong một đền thờ. Nói cách khác, ông dạy rằng có hai ngôi vị nơi Đức Kitô, và do đó, Đức Maria là Christotokos (Mẹ Đức Kitô), chứ không phải là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa). “Christotokos” trở thành khẩu lệnh của những người theo Nestôriô.

Giáo huấn Kitô giáo chân chính đã được bênh vực bởi thánh Cyrilô, vị thượng phụ thành Alexandria. Thánh Cyrilô không chỉ hăng hái bảo vệ đức tin Công giáo giữa đoàn chiên của chính ngài, nhưng ngài còn gửi các lá thư cho Nestôriô trong một nỗ lực mang tính khoan dung và huynh đệ để đưa dẫn ông ta trở lại với đức tin Công giáo.

Khi những nỗ lực ấy thất bại, Cyrilô đã thượng tố lên Đức Giáo hoàng Cêlestinô, ngài viết: “truyền thống cổ kính của các Giáo hội răn dạy chúng ta rằng những vấn đề như thế này cần được thông tri cho Đức Thánh Cha”.[4] Cêlestinô đã kết án giáo huấn của Nestôriô và chỉ định Cyrilô với tư cách là đại diện của ngài để dàn xếp cuộc luận chiến.

Giữa tình cảnh ấy, Hoàng đế Theođôsiô triệu tập một công đồng đại kết tại Êphêsô để thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp. Dưới sự chủ trì của thánh Cyrilô, và với thẩm quyền cùng sự phể chuẩn đầy đủ của Đức Giáo hoàng, Công đồng đã kết án giáo huấn sai lạc của Nestôriô và xác nhận cách đầy đủ thần tính của Đức Kitô:

Kinh thánh không dạy rằng Ngôi Lời đã liên kết ngôi vị của một con người với chính Ngài, nhưng dạy rằng Ngài đã trở thành xác phàm. Tuy nhiên, khi nói rằng Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, điều đó chỉ có nghĩa khi Ngài đã thông phần xác thịt và máu huyết như chúng ta, do đó, Ngài đã đảm nhận thân xác của chúng ta, và đã sinh ra làm người bởi một người phụ nữ, đồng thời vẫn không gạt đi Thần tính hay việc được sinh ra bởi Chúa Cha; vì khi mang lấy xác phàm, Ngài vẫn chính là Đấng mà Ngài đã là.[5]

Quyết định của Công đồng Êphêsô là một ví dụ điển hình của cách thức mà tín điều chính thức về Đức Maria khởi nguồn từ các giáo huấn chính thức liên quan đến Ngôi vị của Chúa Kitô và sẽ luôn bảo vệ cũng như gìn giữ chúng. Bằng việc tuyên bố rằng Đức Maria là Theotokos, Giáo hội đang khẳng định Đức Maria thực sự là một người mẹ, do đó, cũng khẳng định nhân tính của Đức Giêsu. Bằng việc khẳng định rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Giáo hội khẳng định không chỉ thần tính của Đức Giêsu, nhưng còn cả sự kết hiệp nhân tính và thần tính của Ngài trong một Ngôi vị thần linh duy nhất.

Những can hệ về đại kết

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là lời tuyên bố của Công đồng Êphêsô, ngoại trừ là một sự phi bác cần thiết đối với lạc giáo Nestôriô, cũng là nguyên nhân mang tới niềm hoan hỷ và sự tán dương khắp các phố phường tại Êphêsô:

Dân chúng tại Êphêsô được lôi cuốn đến với Đức Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa bằng một lòng sùng mộ lớn lao, và được nung nấu bởi một tình yêu nồng nhiệt, thế nên khi họ biết được phán quyết do các Nghị phụ Công đồng thông qua, họ đã chào đón các ngài với con tim ngập tràn hoan hỷ, và quây quần bên các ngài thành một đoàn hội, rồi cầm đuốc sáng trên tay, họ hộ tống các ngài về nhà.[6]

Cho đến ngày nay, sự sùng mộ dành cho Theotokos là một điểm hòa hợp giữa nhiều nhóm Kitô hữu, đặc biệt là các Giáo hội Chính thống Đông phương, như Công đồng Vatican II dạy bảo:

Thánh Công đồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh (Lumen Gentium [LG],số 69).

Trong số các Kitô hữu theo Tin Lành tại Tây phương, có những quan điểm khác nhau liên quan đến vai trò của Đức Maria trong công trình cứu độ (Unitatis Redintegratio, số 20). Điều thú vị là cả ba nhà sáng lập phong trào Cải cách Tin lành – Luther, Calvin và Zwingli – đều xác nhận mẫu cách thần linh của Đức Maria.

“Muôn thế hệ sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1,48)

Từ rất sớm, Giáo hội đã tôn vinh Đức Maria với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (GLHTCG, số 971). Vì mối quan hệ thâm tình mẹ-Con với Đấng Cứu chuộc thế gian, Giáo hội thừa nhận một “chức phận và phẩm vị cao cả” của Mẹ, cũng như sự thật rằng Mẹ cũng là “ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần” (LG, số 53).

Bằng một cách thức phi thường nhưng vẫn mang tính suy phục, Mẹ cộng tác cách tự do trong công trình cứu độ của người Con nhờ lòng vâng phục, đức tin, đức cậy, và đức mến nồng nàn (LG, số 61). Mẹ là mẹ của chúng ta trong trật tự của ân sủng, là người mẹ mới của tất cả những ai đang sống trong Chúa Kitô (x. St 3,20), người mẹ của tất cả các môn đệ yêu dấu của Chúa Kitô (x. Ga 19,27), những kẻ tuân giữ các huấn lệnh và làm chứng cho Ngài (x. Kh 12,17).

Vì lẽ đó, Giáo hội tôn kính Đức Maria “với tâm tình con thảo và sùng kính ngài như một người mẹ hết mực dấu yêu” (LG, số 53). Sự sùng kính này không phải là sự phụng thờ, điều được dành riêng cho một mình Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là tình yêu dành cho một người mẹ, đấng luôn nhắc nhở chúng ta chúng ta bước theo Con của Mẹ (x. Ga 2,5), để Ngài có thể được biết đến, được yêu mến và được tôn vinh, và để tất cả mọi người có thể được hiệp đoàn vào một gia đình duy nhất trong Chúa Kitô, hầu vinh danh Ba Ngôi Chí Thánh.

Phần bổ sung: Đức Maria theo những nhà Cải cách Tin lành

Martin Luther: “Bởi công trình này, bà được trở nên Mẹ Thiên Chúa, vậy nên biết bao nhiêu điều thiện hảo đã được trao cho bà mà không một ai có thể với tới… Maria không chỉ là mẹ của Đấng được sinh ra [tại Bêlem], nhưng còn là mẹ của Đấng, trước khi có thế gian, đã được sinh ra bởi Chúa Cha từ vĩnh cửu, từ một người Mẹ trong thời gian và đồng thời vừa là Thiên Chúa vừa là con người”.

John Calvin: “Không thể phủ nhận việc Thiên Chúa, khi tuyển chọn và đặt định cho Maria làm Mẹ người Con của Người, đã ban cho bà vinh dự cao cả nhất… Êlisabét gọi Maria là Mẹ của Đức Chúa, bởi vì sự hiệp nhất ngôi vị trong hai bản tính của Chúa Kitô khiến bà Êlisabét có thể nói rằng, phàm nhân được cưu mang nơi cung lòng của Maria cũng đồng thời là Thiên Chúa vĩnh cửu”.

Ulrich Zwingli: “Bà được tặng ban điều không hề thuộc về trật tự tạo thành, hầu bà có thể sinh ra Con Thiên Chúa bằng xương bằng thịt”.

-- Các phát biểu ở trên của Martin Luther, John Calvin và Ulrich Zwingli được trích từ tác phẩm Khởi đầu hộ giáo: Cách giải thích và bảo vệ đức tin Công giáo, San Juan Catholic Seminars, Farmington, New Mexico, 1993-96.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Trích trong: Leon J. Suprenant và Philip C. L. Gray, Sự thật Đức tin: Giải đáp các thắc mắc Công giáo, Tập I, Emmaus Road Publishing, Steubenville, Ohio, 1999, 187-194. Tại books.google.com.vn 

Tác giả: Leon J. Suprenant và Philip C. L. Gray
Nguồn: gpquinhon.org (31.12.2021)

 

 


[1] Thánh Irênê, Chống lạc giáo, 5, 19, 1, trong William A. Jurgens và cộng sự, Đức Tin của các Giáo phụ sơ thời, tập 1, The Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 1970, 101.

[2] Ibid., 312.

[3] Ibid., 340.

[4] Trong Thông điệp Lux Veritatis, số 12.

[5] Trong Ibid., số 28; x. GLHTCG, số 466.

[6] Trong Ibid., số 41. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây