TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Ý NGHĨA ĐẠI LỄ THĂNG THIÊN

Thứ tư - 18/05/2022 10:14 |   1462
Bốn mươi ngày sau Đại Lễ Phục Sinh, các Ki-tô hữu sẽ cử hành Đại Lễ Chúa Thăng Thiên.
 Ý NGHĨA ĐẠI LỄ THĂNG THIÊN
 Ý NGHĨA ĐẠI LỄ THĂNG THIÊN: Thăng Thiên không phải là „chuyến du hành vũ trụ“
 
 

 


Bốn mươi ngày sau Đại Lễ Phục Sinh, các Ki-tô hữu sẽ cử hành Đại Lễ Chúa Thăng Thiên. Thực ra, Đại Lễ này vẫn còn

thuộc về mầu nhiệm Vượt Qua: Chặng đường cứu độ của Thiên Chúa băng qua sự chết để đi vào sự sống mà chúng ta sẽ được tham dự vào. Vì thế, trước đây, nội dung của ngày Đại Lễ Thăng Thiên đã được cử hành chung trong ngày Đại Lễ Phục Sinh – hay cũng được cử hành chung trong Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chỉ nơi Thánh Lu-ca, cụ thể là trong sách Công Vụ Tông Đồ, nội dung về việc Chúa Giê-su thăng thiên mới được tách ra khỏi cuộc Phục Sinh, và cũng có sự khác biệt xét về yếu tố thời gian.
 
Dựa vào Sách Tông Đồ Công Vụ, Đại Lễ Chúa Thăng Thiên sẽ được cử hành vào ngày thứ bốn mươi sau Đại Lễ Phục Sinh. Cuốn sách này thuật lại rằng: „Trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra và nói chuyện với các môn đệ về Nước Thiên Chúa“ (Cv 1,3). Bốn mươi ngày sau Đại Lễ Phục Sinh tương ứng cách đối xứng với bốn mươi ngày chuẩn bị trước Đại Lễ này, tức bốn mươi ngày Mùa Chay – và vì thế cho thấy, giờ đây con đường dẫn tới sự viên mãn của Chúa Giê-su được mô tả như là một thời gian mà trong đó các môn đệ thích ứng với hoàn cảnh mới của mình. Các ông sẽ phải học để hiểu cho được, cả lúc này đây lẫn trong tương lai, Chúa Giê-su sẽ hiện diện bên cạnh các ông cũng như sẽ ở lại với các ông theo cách nào. Ngài đã hứa sẽ ở gần các ông luôn mãi, cũng như đã hứa rằng, Ngài sẽ tái trở lại. Bên cạnh đó, Ngài cũng trao cho các ông sứ mạng công bố và làm chứng cho tất cả thế giới về công trình cứu độ.
 
1.”Con người sẽ thấy được chỗ của mình trong Thiên Chúa “:
 
Đại Lễ Thăng Thiên “không hề muốn nói với chúng ta rằng, Chúa Giê-su đã đi tới một nơi nào đó xa cách với con người và thế giới“ -  Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã giảng như thế trong Thánh Lễ nhậm chức Giám Mục Rô-ma của Ngài vào ngày mồng 07 tháng 05 năm 2005, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran. “Cuộc Thăng Thiên của Chúa Ki-tô không phải là một cuộc du hành vũ trụ để đi tới một thiên thể xa xôi nhất; vì căn bản mà nói, tất cả mọi thiên thể đều cũng phát sinh từ những yếu tố vật lý giống như trái đất. Cuộc Thăng Thiên của Chúa Ki-tô có nghĩa là, Ngài không thuộc về thế giới của quá khứ và của sự chết nữa, tức thế giới mà cuộc sống chúng ta bắt buộc phải có. Nó có nghĩa là, Ngài hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài – Người Con Vĩnh Cửu – đã mang kiếp sống nhân loại chúng ta tới trước tôn nhan Thiên Chúa, Ngài đã mang theo bản thân Ngài thịt và máu trong thân hình đã được biến đổi.
 
Và điều đó có nghĩa là – Đức Bê-nê-đíc-tô giải thích tiếp: “Con người sẽ thấy được chỗ của mình trong Thiên Chúa; nhờ Chúa Ki-tô, kiếp nhân sinh được đón nhận vào trong sự sống nội tại nhất của Thiên Chúa. Và vì Thiên Chúa bao bọc và gánh mang toàn thể vũ trụ, nên cuộc Thăng Thiên của Chúa Giê-su có nghĩa là, Chúa Giê-su đã không rời xa chúng ta, nhưng giờ đây và cho đến muôn đời, Ngài sẽ ở sát ngay bên từng người một trong chúng ta, vì Ngài ngự bên cạnh Chúa Cha. Mỗi người trong chúng ta đều được phép gọi Ngài bằng một danh xưng thân mật nhất; mỗi người đều có thể gọi tên Ngài. Chúa Giê-su luôn luôn hiện diện trong khoảng cách có thể nghe thấy rõ. Chúng ta có thể xa cách Ngài về nội tâm. Chúng ta có thể sống khi chúng ta quay lưng lại với Ngài. Nhưng Ngài vẫn luôn luôn chờ đợi chúng ta và luôn luôn ở gần chúng ta.
 
2.”Lên Trời không có nghĩa là đi vào một khu vực xa xôi nào đó của vũ trụ, nhưng là lưu lại ngay bên cạnh“:
 
Trong cuốn sách của Ngài với tựa đề „Chúa Giê-su Thành Nazareth“ (cuốn 2, trang 306tt), Đức Nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết về sự Thăng Thiên của Chúa Ki-tô như sau:
 
Những câu cuối cùng trong cuốn Tin Mừng theo Thánh Lu-ca có nội dung thế này: ´Sau đó, Chúa Giê-su dẫn các môn đệ tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ…`(Lc 24, 50-52). Những lời kết thúc ấy gây ngạc nhiên cho chúng ta… Trong khi chúng ta nghĩ rằng, các Tông Đồ sẽ trở về lại với sự hoang mang và sầu muộn … Thế nhưng các ông đã nhận được một sứ mệnh mà nó có vẻ như không tưởng … Phải chăng sự chia tay lần cuối của Chúa Giê-su sẽ làm cho các môn đệ đau buồn?
 
Các môn đệ đã không cảm thấy mình bị bỏ rơi bởi biến cố chia tay này. Các ông không nhìn Chúa Giê-su như là một sự biến mất khỏi các ông để đi vào trong một bầu trời xa tắp. Các ông biết được một cách rõ ràng về một sự hiện diện mới của Chúa Giê-su. Các ông ý thức rằng, ngay trong lúc này đây, Chúa Giê-su đang hiện diện bên cạnh các ông bằng một cách thức mới và đầy quyền năng. Các ông biết rằng, Chúa Giê-su đã được nâng lên, và được đặt „ngồi bên hữu Thiên Chúa“, sự hiện diện của Ngài theo một cách thức mới cũng bao hàm việc giờ đây Ngài đang ở bên cạnh các ông một cách không thể tách rời, giống hệt như việc chỉ có Thiên Chúa ở gần chúng ta.
 
Niềm vui của các Tông Đồ sau cuộc Thăng Thiên của Chúa Giê-su đã chỉnh sửa cái nhìn của chúng ta về biến cố này. Lên Trời không có nghĩa là đi vào một khu vực xa xôi nào đó của vũ trụ, nhưng là lưu lại ngay bên cạnh. Các Tông đồ đã có được một kinh nghiệm rất mãnh liệt về việc Chúa Giê-su đang ở ngay bên cạnh mình, đến độ các ông không ngừng vui mừng về chuyện đó…
 
Những lời từ trong đám mây – tức nơi mà Chúa Giê-su biến mất – không miêu tả sự biến mất của Chúa Giê-su như là một chuyến công du tới những vì sao, nhưng miêu tả sự kiện ấy như là một sự bước vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa không ở trong một không gian bên cạnh những không gian khác. Thiên Chúa là Thiên Chúa – Ngài là điều kiện tiên quyết và là nền tảng của tất cả mọi không gian mà chúng đang tồn tại, nhưng Ngài không ở trong bất cứ một không gian nào trong những không gian đó … Sự hiện diện của Ngài không ở trong không gian, nhưng hiện diện trong chính Thiên Chúa. ´Lên ngồi bên hữu Thiên Chúa` có nghĩa là tham dự vào không gian ấy của Thiên Chúa. …
 
Sự ra đi của Chúa Giê-su cũng chính là sự đi đến, là một cách thế mới của sự gần gũi, một sự hiện diện bền vững… Vì Chúa Giê-su ở bên Chúa Cha, nên Ngài sẽ không ở xa, nhưng ở trong sự gần gũi của chúng ta…
 
3.Thăng Thiên “không phải là một cuộc chia ly”:
 
Còn trong bài Huấn Dụ trước khi Đọc Kinh REGINA COELI tại quảng trường Thánh Phê-rô, trưa Chúa Nhật Đại Lễ Thăng Thiên, ngày 01 tháng 06 năm 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giải thích về Đại Lễ này như sau:
 
Chúa Giê-su lên đường, Ngài được rước lên Trời, có nghĩa là trở về cùng Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài tới thế gian. Ngài đã hoàn tất công việc của mình, và giờ đây Ngài trở về cùng Cha. Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc chia ly, mà là một cách hiện hữu mới: Ngài vẫn lưu lại bên chúng ta cho tới mãi muôn đời trong một cách thức mới. Với cuộc Thăng Thiên của Ngài, Đấng Phục Sinh đã hướng cái nhìn của các Tông Đồ về Trời cao, và Ngài cũng muốn lôi kéo cả cặp mắt của chúng ta về đó nữa, để chỉ cho chúng ta thấy rằng, cùng đích của con đường chúng ta chính là Thiên Chúa Cha. Chính Ngài đã nói, Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta trên Trời. Nhưng Chúa Giê-su vẫn luôn lưu lại – với một cách thức cách đầy công hiệu và hiện tại - trong những biến cố của lịch sử nhân loại với quyền năng và hồng ân Thánh Thần của Ngài; Ngài đứng về phía mỗi người chúng ta: ngay cả khi chúng ta không thấy được Ngài bằng mắt, thì Ngài cũng vẫn ở đó! Ngài đồng hành với chúng ta, Ngài dẫn dắt chúng ta, Ngài cầm lấy tay chúng ta và tái nâng chúng ta đứng dậy mỗi khi chũng ta ngã quỵ.
 
(theo te deum/rv sk)
 
Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu


http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/suyniem/MuaChay&PhucSinh/92YNghiaLeThangThien.htm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây