TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 22/11/2024 13:11 |   159
[Chúa Giê-su] thấy hai anh em kia là Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê… Người gọi các ông… Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mt 4,18-22)

30/11/2024
Thứ bảy tuần 34 THƯỜNG NIÊN

Thánh Anrê, tông đồ

Thánh Anrê

Mt 4,18-22


ơn gọi và gia đình
[Chúa Giê-su] thấy hai anh em kia là Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê… Người gọi các ông… Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mt 4,18-22)

Suy niệm: Trong số mười hai tông đồ thì có đến hai cặp là anh em với nhau: cặp Si-mon Phê-rô và An-rê, cặp Gio-an và Gia-cô-bê. Đặt mình trong bối cảnh của Tin Mừng mới thấy việc Chúa Giê-su kêu gọi các ông phát sinh lắm vấn đề thật bức xúc. Là những lao động chính trong nhà, các ông đồng loạt bỏ lưới bỏ thuyền để đi theo Đức Giê-su theo kiểu “cầm cày không ngoái cổ lại đàng sau”, chắc hẳn các ông đã để lại không ít khó khăn cho công việc làm ăn của cả gia đình, chưa kể đến những tình cảm quyến luyến. Các ông quảng đại bỏ mọi sự theo Chúa đã đành mà thân nhân của các ông cũng phải hy sinh lớn lao để hiến dâng các ông cho Chúa. Tin Mừng còn cho biết gia đình các ông sau này vẫn tiếp tục hỗ trợ cho thầy trò các ông trên đường truyền giáo nữa (x. Mt 8,15; Mt 27,56).

Mời Bạn: Giáo Hội Việt Nam vốn được tiếng là giàu ơn gọi. Thế nhưng theo đà phát triển của xã hội hiện nay, đã có nhiều trường hợp gia đình không còn mặn mà với việc cho con cái bước theo con đường tu trì, thậm chí còn cản trở, chống đối. Để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, không thể không phát triển ơn gọi. Bạn, gia đình bạn, góp phần thế nào trong công cuộc này? Nhất là khi chính bạn hoặc con em bạn được ơn Chúa kêu gọi, bạn và gia đình bạn có sẵn sàng đáp lại bằng thái độ hiến dâng quảng đại chưa?

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hy sinh từ bỏ những việc nhỏ trong đời thường để sẵn sàng từ bỏ theo như ơn gọi đòi hỏi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần quảng đại, để con sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Amen.

Ngày 30 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Đức Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Trong nhiệm cục ân sủng, Mẹ vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ Hội Thánh, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết kêu cầu Mẹ, để nhờ sự trợ giúp của Mẹ, chúng con luôn tiến bước vững vàng, nhờ luôn biết hướng nhìn về Mẹ, như dấu chỉ và hình ảnh cánh chung của Hội Thánh. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ bảy tuần 34 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Ki-tô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 7, 15-27

“Sẽ trao quốc gia và quyền hành cho dân thánh của Ðấng Tối Cao”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Tôi là Ða-ni-en, lòng tôi kinh khiếp, tôi run sợ vì những sự đã thấy, các thị kiến trong đầu óc tôi khiến tôi bối rối. Tôi tiến lại gần một vị hầu cận, hỏi người ý nghĩa thật về những sự đó. Người liền giải thích cho tôi và bảo rằng: “Bốn con thú to lớn đó là bốn quốc gia sẽ dấy lên trên địa cầu. Nhưng các thánh của Thiên Chúa Tối Cao sẽ lên ngôi và sẽ nắm giữ quốc gia đến muôn muôn ngàn đời”.

Sau đó, tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ về con vật thứ tư, nó khác xa mọi con thú kia và rất dữ tợn: nanh móng nó bằng sắt, nó cắn nuốt nhai nghiến, và lấy chân giày đạp những gì còn sót lại. Tôi cũng muốn biết rõ về mười cái sừng trên đầu nó, và một cái sừng mới mọc lên, trước khi ba cái sừng kia bị nhổ đi: cái sừng mới mọc lên lại có mắt và miệng, nó nói lên những điều trọng đại, và nó lớn hơn các sừng khác. Tôi nhìn xem chiếc sừng ấy giao chiến với các thánh và nó toàn thắng, cho tới khi vị Bô Lão đến trao quyền xét xử cho các thánh của Ðấng Cao Cả, tức là tới thời kỳ các thánh chiếm đoạt quốc gia.

Người lại bảo như thế này: “Con vật thứ tư là quốc gia thứ tư trên địa cầu, nó rộng lớn hơn mọi quốc gia, thôn tính cả hoàn cầu và giày đạp phá huỷ địa cầu. Còn mười chiếc sừng là mười vua trong nước đó. Sau mười vua ấy, thì một vua khác dấy lên, có quyền thế hơn các vua trước, và đánh đổ được ba vua. Ông ta nói những lời phạm đến Ðấng Chí Tôn, tàn sát các thánh của Ðấng Tối Cao, ông tưởng mình có thể thay đổi cả thời gian và luật pháp, và người ta sẽ trao vào tay ông một thời kỳ, hai thời kỳ và nửa thời kỳ.

“Ðoạn sẽ có phán quyết để truất phế, tiêu diệt và huỷ hoại ông ta cho tận tuyệt. Còn quốc gia, quyền hành và sự cao sang dưới các tầng trời, sẽ trao cho dân thánh của Ðấng Tối Cao: nước Người là nước hằng hữu, mọi vua chúa sẽ suy phục vâng lời Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 82. 83. 84. 85. 86. 87

Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời

Xướng: Hãy chúc tụng Chúa đi, con người ta hỡi.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, hỡi Ít-ra-en.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, các thầy tư tế của Chúa.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, mọi người tôi tớ Chúa.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, thần hồn các vị hiền nhân.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, người thánh và lòng khiêm nhượng.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 22, 1-7

“Sẽ không còn đêm tối nữa, Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.

Thiên thần Chúa chỉ cho tôi là Gio-an, thấy sông nước hằng sống, sáng ngời như thuỷ tinh, từ toà Thiên Chúa và Con Chiên chảy ra. Ở giữa công trường thành phố và hai bên sông, có cây sự sống sinh hoa kết quả mười hai mùa, mỗi tháng một mùa, và lá cây thì dùng cứu chữa các dân ngoại lành đã. Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Toà Thiên Chúa và Con Chiên sẽ dựng lên trong thành ấy, các tôi tớ Người sẽ phụng thờ Người. Họ sẽ chiêm ngắm tôn nhan Người, và khắc tên Người trên trán họ. Cũng không còn đêm tối nữa: họ không cần đến ánh sáng đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời nữa: vì Chúa là Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ, và họ sẽ thống trị muôn đời.

Thiên thần lại bảo tôi rằng: “Những lời này rất trung trực và chân thật. Chúa là Thiên Chúa thần trí các tiên tri, đã sai thiên thần Người đến chỉ cho các tôi tớ Người biết những sự sắp phải xảy đến. Và đây tôi vội vã tiến đến. Phúc cho kẻ vâng giữ các lời ghi trong sách này”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 3-5. 6-7

Ðáp: Ma-ra-na-tha! Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến! (1 Cr 16, 22b và Kh 21, 20b)

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của Ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. 

Xướng: Vì Chúa là Thiên Chúa cao sang, là Ðại Ðế siêu việt chư chúa tể. Ở nơi tay Người những vực sâu của địa cầu, là của Người những chỏm núi cao. Bể khơi là của Người: vì chính Người tạo tác, và đất khô do tay Người đúc nắn ra. 

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lại, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 34-36

“Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Ki-tô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Ki-tô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

PHẢI TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN (Lc 21,34-36)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi đã trình bày và xác quyết về việc Chúa đến, hôm nay Đức Giê-su trình bày cho chúng ta thái độ phải có để chờ đợi Chúa đến: đó là tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta còn phải hiểu rộng ra việc Chúa đến: đó là Chúa đến trong hiện tại bằng ơn thánh, trong giờ chết của mỗi người và trong ngày cánh chung của toàn thể nhân loại. Trong ngày đó, người khôn ngoan đích thực sẽ cho là một ngày an vui hạnh phúc. Còn người khờ dại thì coi ngày đó là ngày báo oán. Chúng ta khôn hay dại? Hãy dùng quyền tự do mà định đoạt ngay từ bây giờ.

2. Đức Giê-su báo trước một điều bất ngờ: Ngày Con Người quang lâm và mỗi người sẽ ra trình diện với Người. Ngày đó là ngày nào? Không ai biết được vì chỉ có Chúa Cha mới biết. Để chuẩn bị cẩn thận cho ngày phán xét, Đức Giê-su kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: phải thường xuyên canh phòng tâm hồn mình cho khỏi mọi chước cám dỗ; phải liên lỉ cầu xin Chúa giúp sức cho mình được trung thành bền đỗ làm tôi Chúa, sống đẹp lòng Chúa đến giây phút cuối cùng. Vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát.

3. Vì lý do Chúa đến cách bất ngờ và việc phán xét có tính cách nghiêm minh, không ai có thể thoát được như chiếc lưới bất ngờ chụp xuống, nên Chúa truyền lệnh phải đề phòng bằng cách tiêu cực và tích cự: tỉnh thức và cầu nguyện.

Cách tích cực: Phải sống thanh thoát: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con” (Lc 21,34). Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để lòng mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, quá lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà quên lãng những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

Cách tích cực: “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

– Phải tỉnh thức: là ở trong tư thế tỉnh táo, cẩn thận để có thể đối phó kịp thời với mọi cảnh ngộ và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào.

– Phải cầu nguyện: vì sức con người yếu đuối, và tự mình không làm được gì, nên cần phải cầu nguyện để cho được sức chống trả những cám dỗ, những thử thách, và bách hại để dễ dàng xứng đáng đón nhận Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

4. Chúa bảo chúng ta phải đề phòng vì cái chết luôn luôn đến bất ngờ: “Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đúng như vậy, tuy bất ngờ nhưng không hoàn toàn bất ngờ vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp thời chuẩn bị.

Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; mỗi chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu.

Và quan trong hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gửi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị sẵn sàng.

5. Chúa đang đến trong từng biến cố cuộc sống, chứ không chỉ đến trong uy nghi của giáo đường; Ngài đến trong từng sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, chứ không chỉ đến trong những phút cầu kinh, nguyện ngắm; Ngài nói qua những biến cố cuộc sống, Ngài hành động ngay cả khi chúng ta  không tưởng nhớ đến Ngài. Ngài yêu thương dù chúng ta phản bội Ngài, Ngài tha thứ dù chúng ta quay mặt làm ngơ với Ngài. Ngài luôn có đó trong từng hơi thở của chúng ta. Xin Ngài cho chúng ta  luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện: Hãy nghĩ về sự chết.

Một vị đan sĩ tên là Mésique bất trung với ơn gọi, ông đang sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng, Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đồng hồ ấy. Ông xin người ta cho ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở trong đó suốt 12 năm trời. Hằng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng: “Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ dám phạm tội”.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho mọi người một ấn tượng sâu đậm (Góp nhặt).

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Anrê, tông đồ

Ca nhập lễ               

Trên bờ biển Galilêa, Chúa thấy hai anh em Phêrô và Anrê và Người kêu gọi các ông: các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính thánh An-rê, người ngư phủ đã tin Ðức Giê-su là Ðấng Mê-si-a và mau mắn giới thiệu cho em mình. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố miềm tin của chúng con để chúng con cũng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng con gặp gỡ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Rm 10, 9-18

“Lòng tin có là nhờ nghe, còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi.

Nhưng người ta kêu cầu thế nào được với Ðấng mà họ không tin? Hoặc làm sao họ tin được Ðấng họ không nghe nói tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng? Mà rao giảng thế nào được, nếu không được ai sai đi? Như có lời chép rằng: “Cao quý thay chân những người rao giảng sự bình an, rao giảng tin lành!” Nhưng không phải mọi người đều suy phục Tin Mừng cả đâu. Vì Isaia nói rằng: “Lạy Chúa, nào có ai tin lời chúng con rao giảng?”

Vậy lòng tin có là nhờ nghe, còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe đến? Quả thật, tiếng của những vị đó đã vang dội ra khắp địa cầu, và lời của những đấng ấy được truyền đến tận cùng thế giới.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. 

Alleluia: Ga 9, 19

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các ngươi hãy theo Ta; Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 18-22

“Các ông bỏ lưới mà đi theo Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toan năng hằng hữu, xin thương chấp nhận của lễ chúng con dâng trong ngày lễ kính thánh An-rê tông đồ, và ban cho chúng con luôn làm đẹp lòng Chúa. Ước chi của lễ này cũng đem lại cho chúng con chính sự sống thần linh của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các tông đồ

Ca hiệp lễ

Anrê nói với em ông là Simon rằng: Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia, tức là Đức Kitô. Và ông đưa Phêrô đến cùng Chúa Giêsu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa hiệp thông với bí tích Thánh Thể. Xin cho bí tích này tăng thêm sức mạnh cho chúng con, nhờ đó chúng con có thể noi gương thánh An-rê: vác thập giá mình đi theo Ðức Kitô và được vào thiên quốc hưởng vinh quang muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

VÂNG THEO TIẾNG GỌI CỦA CHÚA
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Chỉ một tiếng gọi thân thương “các anh hãy đi theo tôi” và một lời hứa “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” của Chúa Giê-su, thánh tông đồ An-rê và em của ngài là thánh Phê-rô đã bỏ chài lưới mà bước đi theo Người. Đối với những người làm nghề đánh bắt cá, thì chài lưới được coi là như là tài sản quý giá, gắn liền với nghề nghiệp và cuộc đời của họ, nhưng giờ đây để đáp lại tiếng Chúa kêu mời, hai anh em đã để lại tất cả phía sau.

Chúa Giê-su cũng không hứa sẽ ban vinh quang, danh dự hay uy quyền giống như một người thầy ở thế gian thường đưa ra cho các môn đệ, nhưng hai ông vẫn nghe theo tiếng gọi của Chúa để ra đi.

Chắc chắn, lúc khởi đầu hai anh em tông đồ cũng chưa hiểu hết về tiếng gọi và lời hứa của Thầy, vì ngay cả sau một thời gian theo Chúa mà thánh Phê-rô, vị tông đồ trưởng, vẫn còn nhiều lần hiểu sai về sứ mạng của Người. Nhưng với sự phục sinh của Thầy, các ngài mới thực sự khám phá ra giá trị của lời kêu gọi và lời hứa mà xưa kia Người đã nói với các ông. Từ hai người đánh cá tầm thường ngày nào, thánh An-rê và thánh Phê-rô đã trở thành hai vị truyền giáo lỗi lạc ở các đất nước lớn sau này. Thánh Phê-rô đã đi từ Giê-ru-sa-lem tới An-ti-ô-ki-a và Rô-ma để thực hiện sứ vụ, còn thánh An-rê lại đi rao giảng cho người Hy Lạp. Cả hai anh em đã vâng theo tiếng gọi của Chúa cho đến trọn cuộc đời, minh chứng rõ ràng là người anh chịu tử đạo bằng cách đóng đinh trên thập giá hình chữ X, còn người em thì xin được đóng đinh ngược trên cây thập tự. Nhờ các ngài, nhiều người đã biết Chúa Phục sinh và tin theo Người. Các ngài đã trở thành những “kẻ lưới người” thực sự.

Thưa anh chị em, mừng lễ thánh An-rê hôm nay, mỗi chúng ta hãy nhạy bén để nhận ra tiếng gọi của Chúa và can đảm bước đi theo Người. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin Chúa củng cố niềm tin cho mỗi người chúng ta. Amen.

 

Ghi nhận lịch sử

Lễ kính thánh Anđrê tông đồ đã được cử hành ngay từ đầu thế kỷ V vào ngày 30 tháng 11, theo lịch của Giêrusalem, như Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô và các sách bí tích xa xưa làm chứng. Lễ này từng được thánh Grégoire thành Nazianze và các Giáo phụ khác biết đến, và luôn được cử hành một cách đặc biệt long trọng từ thời Đức giáo hoàng Simplice (468-483). Vị giáo hoàng này đã cung hiến một thánh đường kính thánh Tông đồ Anđrê vào năm 475 ở Rôma, gần nhà thờ Đức Bà Cả ở Esquilin.

Thánh Anđrê (tiếng Hy-lạp là andreas, “can đảm”), là một trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Là con ông Giona và là anh thánh Phê-rô, ngài xuất thân từ Bétsaiđa, một làng nằm ở phía bắc hồ Tibêriade, và làm nghề đánh cá ở Caphácnaum. Là môn đệ thánh Gioan Tẩy Giả, ngài là người đầu tiên trong số các Tông đồ tương lai được gặp Chúa Giêsu bên giòng sông Giorđan, ngay buổi sáng sau ngày Chúa chịu phép rửa. Nghe Gioan Tẩy Giả nói về Chúa Giêsu: Đây là Con Chiên Thiên Chúa, ngài đã đi theo Chúa cùng với một môn đệ khác (chắc là Gioan tác giả sách Tin Mừng) và hỏi Chúa Giêsu: Rabbi, thầy ở đâu? Và Người trả lời: Hãy đến mà xem. Tin Mừng Gioan viết thêm: Họ đi và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1, 35tt.). Sáng hôm sau, Anđrê dẫn anh là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu sau khi đã nói với anh: Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia !

Ơn gọi chính thức của Anđrê và Phêrô được Tin Mừng Mátthêu (4, 18 ss) kể lại: Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anđrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”

Các sách Tin Mừng còn nhắc đến thánh Anđrê ba lần khác:

Lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 8): Ở đây có cậu bé có năm cái bánh và hai con cá

Khi ngài gặp những người tân tòng gốc Hy Lạp ở Đền Thờ (Ga 12, 22);

Trước khi Chúa nói lời tiên báo về việc Con Người ngự đến (Mc 13, 3).

Theo một số truyền thuyết, về sau thánh Anđrê đi giảng Tin Mừng cho nước Nga, dân tộc Scythes, và nước Hy Lạp, tại đây ngài chịu tử đạo ở Patras, bị treo trên thập giá hình chữ X (thập giá thánh Anđrê).

Giáo Hội Constantinople có lòng sùng kính nhiệt thành đối với thánh Anđrê bổn mạng của Giáo Hội này, và gọi ngài là “vị được kêu gọi đầu tiên”. Ngài cũng được tôn kính như Đấng Sáng Lập Giáo Hội Kiev (Ucraina) và như bổn mạng chính của Tô Cách Lan.

Trong số các họa sĩ, Murillo đã vẽ Cuộc Tử Đạo của thánh Anđrê (viện bảo tàng Prado, Madrid).

Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ lấy ý chủ yếu từ ơn gọi và cuộc tử đạo của thánh Anđrê.

Lời Nguyện của ngày nhắc đến vai trò rao giảng Tin Mừng và mục tử của thánh Anđrê. Khi kêu xin sự chuyển cầu của ngài, phụng vụ nhìn nhận ngài đã “rao giảng Tin Mừng và hướng dẫn Hội Thánh”.

Nhưng trước khi nhận sứ mạng, đã có ơn gọi dựa trên một chọn lựa được thực hiện vì tình yêu. “Chúa yêu thương thánh Anđrê, môn đệ mà Người đã chọn.” (Điệp ca 2 Kinh Sáng). Cũng thế, trong Bài Đọc I thánh lễ, chúng ta đọc thấy: … Làm sao nghe được Lời nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai đi?

Trong tiểu sử ơn gọi của thánh Anđrê, có một chi tiết đáng chú ý. Sau khi tìm thấy Chúa Giêsu, ngài cảm thấy cần phải cho những người khác biết. Trước hết ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia! Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1, 40t.). Trong một bài giảng về Tin Mừng Gioan (Bài đọc 2 Kinh Sách), thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh về ơn gọi của thánh Anđrê như sau: “Ngài không giữ kho tàng này cho riêng mình: ngài vội chạy đi tìm em mình, để chia sẻ với em điều tốt lành ngài đã nhận được.” Như thế thánh Anđrê bộc lộ “một tình bạn và tình anh em đích thực, một tình cảm sâu xa và một sự chân thành rất tự nhiên… nghĩ mình không có khả năng cắt nghĩa mọi sự, ngài đã dẫn em mình đến chính nguồn ánh sáng.”

Chủ đề ơn gọi và sứ mạng không thể không kèm theo thập giá, được gợi ý trong Lời Nguyện sau hiệp lễ: “Xin cho việc kết hiệp với bí tích của Chúa làm cho chúng con mạnh sức, lạy Chúa, để noi gương thánh Anđrê, chúng con mang trên mình thập giá Chúa Giêsu, và được sống với Người trong vinh quang.”

Bài đọc I thánh lễ (1 Cr 1, 18 – 2, 5) gợi ý về thập giá: Tôi đã quyết không biết gì nơi anh em, ngoại trừ Đức Giêsu Kitô, và Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cũng vậy, câu Xướng đáp của Bài đọc 2: “Tất cả những ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa đều phải biết đến đau khổ.”  Đoạn kết bài Thánh thi giờ Kinh Sáng như sau: “Trước ngưỡng cửa nhà Người, thập giá Người, ôi Giêsu, cho chúng con dấu hiệu…. Xin kính chào, Thập giá ban sự sống !” Điệp ca của kinh Magnificat ca mừng thập giá thế này: “Kính chào, thập giá vô cùng cao quí! Ngươi đã mang thân thể của Thầy ta: hãy tiếp nhận môn đệ của Người.” Một truyền thống kể lại cuộc tử đạo truyền thuyết của thánh Anđrê rằng, khi nhìn thấy cây thập giá mà ngài sắp phải treo lên, ngài chào thập giá như sau: “Ôi thập giá tốt lành, thập giá từ lâu mong đợi, thập giá được yêu mến chừng nào, hãy trả ta về với Thầy chí thánh của ta, Đấng đã cứu độ ta nhờ ngươi!”

Một bức tranh thánh cổ mô tả thánh Phêrô và thánh Anđrê đang trao cho nhau nụ hôn bình an. Chính bức tranh này được giáo chủ Constantinople, Athenagoras I, trao tặng Đức giáo hoàng Phaolô VI năm 1964, khi hai vị gặp nhau trên núi Ô-liu trong khi trao đổi nụ hôn hoà giải. Lễ thánh Anđrê vì thế mời gọi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Constantinople, được đại diện bởi thánh Anđrê, với Giáo Hội Rôma, được đại diện bởi thánh Phêrô.

Enzo Lodi


CHIA SẺ NIỀM TIN CHO NGƯỜI TA GẶP GỠ
(LỄ THÁNH ANRÊ 30/11)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Anrê hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Anrê, người ngư phủ đã tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia và mau mắn giới thiệu cho em mình. Xin Chúa nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà củng cố niềm tin của chúng ta, để chúng ta cũng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng ta gặp gỡ.

Thánh Anrê quê ở Bétsaiđa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó theo Chúa Kitô. Người cũng đã dẫn em là thánh Phêrô đến gặp Chúa. Chính người cùng với thánh Philípphê đã giới thiệu những người ngoại giáo với Chúa Kitô và đã cho biết có một em bé mang theo bánh và cá khi những người nghe Chúa giảng không có gì ăn. Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, người đã đi loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi và đã bị đóng đinh thập giá ở Akhaia.

Chia sẻ niềm tin cho những người chúng ta gặp gỡ, với lòng hăng say và thiết tha gắn bó với thập giá của Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa… Đi dọc theo bờ biển Galilê, Chúa Giêsu thấy ông Phêrô và ông Anrê đang quăng chài xuống biển. Người bảo họ rằng: Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.

Chia sẻ niềm tin cho những người chúng ta gặp gỡ, với lòng phấn khởi, hăm hở, mau mắn giới thiệu Chúa cho người khác, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Sau khi ở lại với Chúa Giêsu và được học biết nhiều điều, thánh Anrê đã không cất giấu kho tàng ấy cho mình, nhưng đã vội chạy đi gặp em để cho em cũng được thông phần ơn phúc với mình… Thánh Anrê xưa là một ngư phủ, đã bỏ lưới bỏ chài đi theo Chúa, thoạt khi nghe lời Người giảng dạy. Thánh nhân đã được Chúa tặng ban sự sống muôn đời. Vì yêu Chúa Kitô và muốn giữ luật Người, thánh nhân đã kiên trì chịu khổ nạn.

Chia sẻ niềm tin cho những người chúng ta gặp gỡ, với lòng khát khao cho mọi người được hưởng ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18A, vịnh gia đã cho thấy: Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu. Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu bảo các ông: Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. Một tiếng gọi, cần một lời đáp: Chúa đã cất tiếng mời gọi, và các ông đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa. Những lời thánh Anrê nói với em mình, phát xuất tự tâm hồn của một người rất mực khao khát Đấng Mêsia đến, và khi thấy Đấng ấy xuất hiện, người đã mau mắn vội vã loan báo cho những người khác biết tin mừng lớn lao đó. Thánh Anrê nghĩ rằng: mình không đủ sức giải thích mọi điều, nên đã dẫn em đến gặp Đức Kitô là chính nguồn mạch ánh sáng. Thánh Anrê đã tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia và mau mắn giới thiệu cho em mình, ước gì chúng ta cũng biết chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng ta gặp gỡ. Ước gì được như thế!

HÃY LÀM NGƯỜI TRUNG GIAN – XIN CHỚ LÀM CÒ!
(Lễ Kính Thánh Anrê Tông đồ - 30-11)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Người trung gian được hiểu là người thứ ba ở giữa hai đối tác với vai trò chuyển tiếp hoặc làm cầu nối cho một quan hệ, một dịch vụ nào đó. Để thực sự làm người trung gian đúng nghĩa và hữu hiệu thì cần phải hiểu biết cả hai phía mà mình muốn làm trung gian và ít nhiều có chút tình với những người mà mình làm môi giới.

Trong thực tế đời thường có đó nhiều người trung gian vẫn biết rõ đối tác mình làm chiếc cầu nối cho một mối quan hệ chẳng hạn “ông mai, bà mối”. Tác nhân trung gian này xem ra có tấm lòng với những người mình làm trung gian nhưng vẫn còn hạn chế. Một hình thức không mấy đẹp của người trung gian đó là “cò”. Cũng làm trung gian nhưng các tay cò chỉ nhắm đến lợi nhuận là các “phết phẩy” là phần trăm hoa lợi sẽ thu được. Dĩ nhiên cái tình, tấm lòng của mấy anh chị cò này thỉnh thoảng cũng có nhưng chẳng đáng kể so với lợi nhuận muốn đạt. Và vẫn có đó nhiều anh chị cò tìm mọi cách để trục lợi “con mồi” cách nhẫn tâm vô tình.

Trong đức tin Kitô giáo thì Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Theo viễn kiến này thì hạn từ “hiểu biết” lại được hiểu theo nghĩa Thánh Kinh là một sự gắn bó thiết thân tự căn tính như hình ảnh nên một xương một thịt của nghĩa tình phu thê. Chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, do đó chúng ta nhìn nhận Người là Đấng Trung Gian duy nhất. Và chính Chúa Kitô cũng đã từng khẳng định sự thật này: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Tông đồ Anrê, một người anh em của thánh Phêrô được các bản văn Tin mừng tường thuật như là người trung gian dù không đích thực như Đấng Trung Gian Duy Nhất nhưng có đó nhiều nét mô phỏng. Khi được thầy Gioan tẩy giả giới thiệu, Anrê và một bạn đồng môn khác đã đi theo Chúa Giêsu và ở lại với Người suốt ngày hôm ấy thì trước hết ông đã về giới thiệu cho Phêrô, anh mình rồi dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Nhờ sự trung gian này, Chúa Giêsu đã tìm được người đứng đầu cho Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập (x.Ga 1,35-42). Không thương anh Phêrô và thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu nhờ đã đi theo và ở lại với Người ngày hôm trước thì sẽ chẳng có việc trung gian của ngài Anrê (x.Ga 1,35-39).

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều nuôi trên dưới mười ngàn người no nê thì chính Anrê đã biết có một em bé có mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ rồi dẫn em đến với Chúa Giêsu (x.Ga 6,1-15). Tình yêu, quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện. Chắc chắn Anrê không thuộc số người hay xua đuổi trẻ thơ (x.Mc 10,13-16). Phải gần gũi và hòa đồng với nhóm người không đáng kể tên này thì Anrê mới biết rõ là có em nhỏ mang theo năm chiếc bánh và hai con cá. Đã từng chứng kiến Thầy làm cho nước hóa thành rượu ngon tại Cana, đã chứng kiến việc Thầy chữa lành người bất toại ở hồ Bétsaiđa, nên dù có phân vân tính toán như Philipphê nhưng Anrê vẫn tin vào quyền năng của Thầy và đám đông hôm ấy đã hưởng ân lộc no nê.

Dịp Lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giêsu, họ đến gặp Philiphê, Philiphê nói với Anrê và hai ông đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu (x.Ga 12,20-22). Philipphê vốn cũng đã từng làm trung gian dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu thế mà lần này ông lại phải nhờ đến Anrê. Phải chăng Philipphê hiểu được khả năng trung gian của bạn đồng môn, Anrê? Chính nhờ hai vị trung gian này mà tính phổ quát của ơn cứu độ đã dần hé mở.

Dưới ánh sáng Lời mạc khải, chúng ta tin rằng ngoài tấm linh hồn là quà tặng Thiên Chúa ban trực tiếp cho từng người thì hầu hết các ân ban chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa đều qua trung gian. Thiên Chúa ban tấm thân xác này qua trung gian tổ tiên ông bà, nhất là cha mẹ chúng ta. Ngay cả ơn đức tin chúng ta cũng đón nhận từ Thiên Chúa qua trung gian mẹ cha và Giáo hội… Dĩ nhiên Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành trung gian hữu ích để ơn lành của Người, ơn phần hồn, ơn phần xác, tuôn đổ xuống trên tha nhân.

Mong sao Kitô hữu chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo Hội biết noi gương ngài tông đồ Anrê để làm trung gian cho tha nhân với Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô một cách hết tình trong sự vô cầu vì xác tín rằng mình đã lãnh nhận cách nhưng không thì biết chia sẻ cách nhưng không (x.Mt 10,8b). Xin cho các đấng bậc có được chút tình với chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, nhất là các con chiên đau yếu bệnh tật và xin cho chúng ta luôn vững tin vào Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để phục vụ con người đến hiến cả mạng sống của mình (x.Mt 20,28).

Hãy làm người trung gian, xin chớ mang kiếp “cò” ân lộc của Thiên Chúa.

XA TÍT TRÙNG KHƠI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đi theo tôi!”.

“Những người tự mãn thường đạt điểm thấp trong các bài kiểm tra đo lường hạnh phúc. Hãy tìm một điều gì đó cao cả hơn, ‘một Ai đó’ vĩ đại hơn! Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn của ao đầm! Hãy ra xa tít trùng khơi cho những gì vô biên!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng “Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn! Hãy ra ‘xa tít trùng khơi’ cho những gì vô biên!” được gặp lại qua Lời Chúa ngày lễ kính thánh Anrê tông đồ.

Trong cái nhìn của Thiên Chúa, bạn và tôi luôn được nhắm cho một điều gì đó cao cả hơn, vĩ đại hơn và cũng vĩnh cửu hơn. Không chỉ biển hồ Galilê, Chúa Giêsu muốn Anrê, và mỗi chúng ta chèo ra ‘xa tít trùng khơi’ để “lưới người như lưới cá”. Đó là một đại dương bao la hơn, mênh mông hơn và cũng thách thức hơn; một trùng khơi có tên “Thế Giới”. Nó đã vẫy gọi Anrê, vẫy gọi bao người, và nó cũng đang vẫy gọi bạn và tôi. Bởi lẽ, thế giới ngày nay vẫn là một thế giới còn khá xa lạ với Thiên Chúa, nếu không nói - thù nghịch với Ngài - đang cố loại trừ Ngài.

Thế nhưng, “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” - bài đọc một. Như Anrê đã được sai đi, từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được sai đi; để rồi, cùng Anrê và bao chứng nhân Tin Mừng mọi thời, chúng ta vươn ra ‘xa tít trùng khơi’ để buông chài. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận sứ vụ lớn lao này, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”. 

Và dẫu cho sứ vụ cao cả đến thế, ơn gọi đến với Anrê và các bạn chài của ông xem ra vẫn không mấy ấn tượng. Chúa Giêsu không tỏ mình cho họ cách đặc biệt; thay vào đó, Ngài gọi họ ngay trong nghề nghiệp của họ. Cũng thế, với chúng ta, chính giữa cuộc sống thường nhật của mình, bạn và tôi khám phá Ngài. Ở đó, Ngài tỏ mình, gọi và làm cho tình yêu Ngài được cảm nhận trong mỗi trái tim; cũng ở đó, Ngài biến đổi và giục giã.

Chúa Giêsu không nhìn các môn đệ về mặt thể chất nhưng về mặt tâm linh, không nhìn ngoại hình nhưng ‘thấy sâu hơn’ tấm lòng. Ngài chọn họ không vì họ xứng đáng là tông đồ nhưng vì họ có thể trở thành tông đồ; không vì con người thật của họ mà vì con người họ có thể trở thành. Ngài không từ chối những điều tốt đẹp chưa định hình, không chọn những gì họ có, họ là; Ngài chọn những trái tim! Ngài cũng chọn gọi bạn và tôi như thế.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy đi theo tôi!”. “Trên bờ hồ Galilê, một vùng đất không thể tin được, cộng đồng môn đệ Kitô đầu tiên ra đời. Ước gì sự hiểu biết về sự khởi đầu này khơi dậy trong chúng ta ước muốn mang Lời, tình yêu và sự dịu dàng của Chúa Kitô đến mọi vùng ngoại vi, trong mọi bối cảnh, ngay cả những vùng khó khăn và kháng cự nhất. Mọi không gian sinh hoạt của con người đều là những mảnh đất để gieo hạt Lời, chúng sẽ trổ sinh hoa trái cứu độ!” - Phanxicô. Bao linh hồn đang ở tận trùng khơi. Đừng hài lòng với những con cá quèn, bạn được gọi cho một điều gì đó cao cả hơn, một biển lớn mất hút cuối chân trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tự mãn với những gì trong ao đầm. Cho con dám ra khơi để có thể đánh bắt cho Chúa từ mẻ này đến mẻ khác, mẻ các linh hồn!”, Amen.

 


AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Bảy tuần 34TN -Thánh Anrê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây