TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một Giáo hội, Một Nhà, Một Gia đình

Thứ tư - 15/09/2021 19:07 | Tác giả bài viết: |   978
Hướng tới Ngày Thế giới những người Di dân và Tị nạn năm nay (26/09/2021)
Một Giáo hội, Một Nhà, Một Gia đình

ỦY BAN MỤC VỤ DI DÂN
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Hướng tới Ngày Thế giới những người Di dân và Tị nạn năm nay (26/09/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp với chủ đề: “Tiến tới một cộng đồng 'chúng ta' ngày càng rộng lớn hơn”, nhằm xây dựng gia đình nhân loại trong công lý và hòa bình, bảo đảm không ai bị loại bỏ lại đằng sau. Ngài kêu gọi tất cả, các tín hữu công giáo và mọi người trên thế giới, cùng quan tâm và thể hiện tình liên đới đối với những người dễ bị tổn thương khi di tản. Theo Đức Thánh Cha, “Làn sóng di dân có thể được xem là ‘biên cương’ mới cho sứ vụ, một cơ hội đặc biệt để loan báo Chúa Kitô và làm chứng cho đức tin Kitô trong tinh thần bác ái và tôn trọng sâu sắc dành cho các cộng đồng tôn giáo khác”. Đức Thánh Cha kêu gọi nỗ lực phá đổ những bức tường ngăn cản chúng ta và xây dựng các nhịp cầu kiến tạo văn hóa gặp gỡ, với ý thức sâu sắc về mối liên kết sâu sắc của chúng ta. Ngài nói rằng các phong trào di dân là cơ hội để chúng ta vượt qua sợ hãi và để cho mình được phong phú bởi sự đa dạng khả năng của mỗi người.

Tôi xin giới thiệu các bài suy tư được gợi ý do Phân Bộ Di Dân và Tị Nạn của Bộ Phát triển Con người toàn diện: “ONE CHURCH, ONE HOME, ONE FAMILY” và “A CHURCH THAT REACH OUT” của Rev. Marcel Uwineza, S.J., Ph.D., do ông Antôn Uông Đại Bằng và Gioan Lê Quang Vinh chuyển ngữ.

+Louis Nguyễn Anh Tuấn

Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân – HĐGMVN.

 

* * *

MỘT GIÁO HỘI, MỘT NHÀ, MỘT GIA ĐÌNH

 

Trong hoàn cảnh người di dân và tỵ nạn ngày nay, một Giáo hội biết lắng nghe đang sẵn sàng nghe tiếng kêu của người mù Ba-ti-mê. Anh cố gắng kêu lên bất chấp đám đông bảo anh im lặng (Mc 10,46-52). Thánh sử Mác-cô tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành người ăn xin mù lòa Ba-ti-mê ở vùng ngoại ô của thành Giê-ri-cô. Khi suy niệm việc chữa lành  này, chúng ta nhớ lại hoàn cảnh tuyệt vọng của Ba-ti-mê: anh là người mù và là người ăn xin. Hai trạng thái này khiến anh trở thành một người bị bỏ rơi dễ bị tổn thương. Rất có thể anh đang xin của bố thí từ những khách hành hương mộ đạo đang trẩy về Giêrusalem. Mặc dù gặp tình cảnh bi đát, anh đã không mất đi khả năng lắng nghe và lên tiếng nói. Anh nghe biết rằng trong đoàn người đang đi ngang qua đám đông, có một người Na-gia-rét hay làm phép lạ, và anh kêu lớn tiếng khiến mọi người kinh ngạc: “Lạy Thầy Giêsu, Con vua Đa-vít, Xin thương xót tôi” (Mc 10,47). Tin đáng vui mừng là Chúa Giêsu không bảo Ba-ti-mê im tiếng trong khi đám đông cố gắng trấn áp tiếng kêu của Ba-ti-mê và họ đã không thành công!

Trong Ngày Thế Giới Người Di Dân và Tỵ Nạn này, câu chuyện của anh mù Ba-ti-mê đòi hỏi chúng ta lắng nghe nỗi thống khổ và đau đớn của họ, và cũng như Chúa Giêsu, chúng ta không phớt lờ cũng không ngăn cấm họ, nhưng thay vào đó, chúng ta dành cho họ sự đón tiếp niềm nở, chứng tỏ rằng giáo huấn của Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô không phải là một công thức trừu tượng nhưng là một mệnh lệnh phải thực hành giáo huấn ấy để có thành quả rõ ràng. Giáo huấn ấy một lần nữa mời gọi chúng ta  trở nên “một Giáo hội, một nhà, một gia đình.” Như Martin Luther King Jr. đã có lần lưu ý, một trong những bổn phận của Kitô giáo, là loan báo rằng “tất cả mọi cuộc sống con người đều phản ánh thần tính Thiên Chúa, và mọi hành động bất công đều phá hủy và làm xấu đi hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người.” Vì thế, nếu Giáo hội không nuôi dưỡng mối liên kết vốn không thể phân chia giữa lòng yêu mến Chúa và tình yêu đối với người lân cận thì có lẽ Giáo hội không còn trung tín với giáo huấn và lệnh truyền của Đức Kitô. Với tuyên bố chọn lựa ưu tiên của mình là đứng về phía người bị bỏ rơi, người nghèo khổ và người bị gạt ra ngoài lề xã hội trong nhân loại chúng ta, Giáo hội phải nhận ra gương mặt của Thiên Chúa trong những con người đó. Nếu chúng ta có thể nhận thấy Thiên Chúa trong gương mặt của người đói khát, người trần truồng, người đau yếu, người xa lạ và người bị giam cầm (Mt 25,31-46) như Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, “chúng ta sẽ là những người biết cảm tạ Thiên Chúa vì đã có thể gặp gỡ, yêu thương và phục vụ Chúa trong  những người ấy.” Trừ khi người ta chấp nhận rằng việc thuộc về một cộng đồng chủng tộc, tôn giáo hay quốc gia là một hình phạt đáng bị loại trừ, còn không thì chẳng có gì có thể biện minh cho việc hạ thấp nhân phẩm của quá nhiều con người đã trở thành nạn nhân chỉ vì nhân thân của chính họ và vì gốc gác của họ. Về phương diện thần học, những lời đó khẳng định tư tưởng này: làm người trong ý nghĩa sâu xa nhất có nghĩa là trở thành bình đựng món quà bản ngã mà Thiên Chúa ban tặng. Vì thế, chúng ta không có bất cứ lý do gì để hạ thấp chính mình, và chắc chắn cũng không có lý do để bị người khác hạ thấp, để coi thường hay quay lưng lại với người khác, bởi vì nếu làm như thế, chúng ta hạ thấp Thiên Chúa. Đó là vì mỗi con người nhân vị là một phương cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta hiểu rằng mình là “Một Giáo hội, Một Nhà và Một Gia đình” trong đó những người đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ đã trở nên những người con trai và con gái của cùng một Cha (Ga 1,12). Điều này đòi hỏi sứ mạng làm Kitô hữu của chúng ta phải đem lại sự hòa giải giữa những con người và người nhóm người vốn chịu ảnh hưởng bởi lòng thù hận trong quá khứ. Trong số những người này chúng ta phải kể đến người tỵ nạn và người di cư. Để nuôi dưỡng sự hòa giải này, nhà thần học Robert Schreiter lưu ý “chúng ta phải học biết quá khứ, nhận ta những thương tích đã chịu và những thương tích đã gây ra, kể lại những câu chuyện về họ xác nhận căn tính của họ, khám phá chính họ là những người dự phần vào cùng một quá khứ và liên đới chịu trách nhiệm về tương lai chung của họ.” Nếu chúng ta thực hiện điều này thì sẽ có nhiều khả năng được biến đổi.

Có một câu chuyện kể về người phụ nữ giàu có giúp đỡ một người di dân vô gia cư có đôi chân bị sưng tấy. Bà tiến lại gần anh ấy và hỏi: “Anh đang đi đâu vậy?” Anh trả lời: đến Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô. Bà nói: “Nhưng đôi chân anh không cho phép anh đi bộ đến đó.” Và bà gọi taxi cho anh đi. Khi người tài xế taxi dừng xe, anh ta do dự không muốn chở người khách này vì người này có mùi hôi hám. Sau vài phút, người tài xế cũng đồng ý chở họ. Anh di dân ấy cùng với người phụ nữ lên xe và nói chuyện mãi trên đường đến Vatican. Họ nói về quá khứ của anh, cuộc sống anh đã trải qua và những thử thách khi bỏ xứ Syria để thành người tỵ nạn, phải mất cả gia đình vân vân. Khi đến nơi họ muốn đến, người phụ nữ trả tiền xe, nhưng anh tài xế lúc đầu đã do dự không muốn chở họ, bây giờ liền nói: “Không, thưa bà. Chính tôi mới là người phải trả tiền cho bà vì bà đã khiến tôi lắng nghe một câu chuyện làm thay đổi trái tim tôi và thay đổi cái nhìn của tôi về cuộc sống.”

Không phải vô lý khi chúng ta tưởng tượng rằng Chúa Giêsu đã đem lại cho đám đông sự thay đổi trong trái tim và tâm trí của họ. Đám đông này trước đó đã thất bại khi cố gắng ngăn chặn không cho anh Ba-ti-mê kêu xin sự giúp đỡ và ơn cứu độ. Thánh sử Mác-cô diễn tả sự thay đổi tâm hồn của đám đông bằng những lời này: “Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!" (Mc 10,49).

Những người đi theo Chúa Giêsu đôi khi có thể là những rào cản. Có những Kitô hữu tham dự vào những sinh hoạt của cộng đoàn và chia sẻ đời sống cộng đoàn, nhưng vẫn có thể là những chướng ngại vật ngăn chặn sự thật trong Tin Mừng của Chúa Giêsu. Mối đe dọa cho Kitô giáo không phải lúc nào cũng từ bên ngoài, nhưng có khi do cách sống của những người tự gọi mình là Kitô hữu và do những người không thật sự hiểu được ý nghĩa thật sự của lời Chúa Kitô giảng dạy và các lệnh truyền của Người. Cũng có một số người không thật sự muốn chấp nhận chúng ta là “một nhà và một gia đình.”

Theo quan điểm và nhận thức phổ quát cũng như địa phương của chúng ta về Giáo hội, đã bao nhiêu lần chúng ta dập tắt những tiếng nói làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu? Những tiếng nói này bao gồm cả tiếng than van của người di cư và người tỵ nạn. Họ cũng là những chi thể trong Thân Mình mầu nhiệm Đức Kitô. Vì thế, nhu cầu cấp bách của những người tuyệt vọng phải thúc đẩy chúng ta phá vỡ những rào cản được dựng nên bởi những kẻ muốn dập tắt tiếng kêu than của những con người túng quẫn, nhờ đó họ cũng có thể đến với Chúa Giêsu là Đấng chúng ta tuyên xưng bước theo. Chúng ta có thể tưởng tượng anh mù Ba-ti-mê đã nhảy lên vui sướng như thế nào (Mc 10,50). Chúng ta không thể nhìn thấy chính xác nơi Chúa Giêsu đang đứng, nhưng rõ ràng Người từ chối giữ im lặng.

Chúng ta cũng chứng kiến chính việc từ chối giữ im lặng như thế nơi những người tìm chỗ trú ẩn và sự an toàn khi họ gõ cửa nhà chúng ta, gõ cửa biên giới chúng ta và trên hết, gõ cửa lương tâm chúng ta. Trong họ và nơi họ, Giáo hội mời gọi con người nhận ra rằng chúng ta là thành phần của một gia đình. Giống như anh mù Ba-ti-mê, không sợ hãi dù đám đông chèn ép anh, chúng ta với tư cách là một gia đình nhân loại, phải vượt qua sự nghi ngờ và sợ hãi tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thật là sai lầm khi để những mối nghi ngờ và nỗi sợ hãi điều khiển cách suy nghĩ và hành động của chúng ta đến chỗ làm cho chúng ta trở nên thiếu khoan dung, khép kín và có lẽ thậm chí thành người phân biệt chủng tộc mà không nhận thức được. Nếu như thế nỗi sợ hãi sẽ tước đoạt ước muốn và khả năng gặp gỡ tha nhân là người khác với chúng ta. Nỗi sợ hãi sẽ tước đoạt khỏi chúng ta cơ hội gặp gỡ Chúa (Bài giảng trong Thánh Lễ ngày Thế Giới Người Di Dân và Tỵ Nạn 14 tháng 1 năm 2018)

Chúng ta là một Giáo hội, một nhà, một gia đình khi chúng ta cùng nhau hành động để xóa bỏ thành kiến đối với người di dân và người tỵ nạn. Những thành kiến làm phương hại đến cộng đồng nhân loại cùng chung cảnh ngộ và đầy ân phúc. Hành động của Thiên Chúa trong thế giới này mời gọi chúng ta đón nhận và quan tâm chăm sóc nhau. Việc mở lòng ra sẽ giúp chúng ta xóa đi những thành kiến đáng sợ và làm cho lòng bác ái phát triển. Nhà thần học Canada Bernard Lonergan nói rằng thành kiến là “sự biến dạng của việc phát triển trí tuệ”. Con người bị gắn chặt vào những phạm trù bất biến vì các thành kiến. Thành kiến có thể phát sinh từ một “động lực vô thức”, bắt rễ sâu từ việc con người lớn lên chỉ biết coi thường người khác. Sâu xa hơn, thành kiến có thể bắt nguồn từ “tính ích kỷ cá nhân, và có loại thành kiến mạnh mẽ và mù quáng hơn do lòng ích kỷ của một nhóm người.” Tính ích kỷ chỉ lo mưu cầu lợi ích cho cá nhân, cho nhóm hay chủng tộc của mình bắt người khác phải trả giá. Hơn nữa, có một “loại thành kiến phổ biến về lương tri, chuyên biệt hóa trí tuệ theo nghĩa riêng và cụ thể, nhưng thường tự xem mình như toàn năng.” Trong khi những điểm mù và thành kiến thường là một phần của tâm thần, thì “con đường” của Chúa Giêsu, và cũng phải là con đường của gia đình duy nhất là Giáo hội, đón nhận cả người giàu lẫn người nghèo, người bị bách hại và người bị khinh chê, người thượng lưu và người thuộc giai cấp thấp. “Con đường” của Chúa Giêsu không cho phép tin vào thành kiến. Khi Chúa Giêsu gặp gỡ người tội lỗi, người phong cùi và người phụ nữ bên giếng nước ở Samaria (Ga 4,1-42). Chúa Giêsu khẳng định rằng “con đường” mà Người giảng dạy không thuận theo tầm quan trọng của chủng tộc, dân tộc, văn hóa hay quê hương của con người. “Con đường” mà Chúa Giêsu dạy loan báo quyền năng tối cao của Thiên Chúa và Ngài muốn tạo thành đồng thời mời gọi chúng ta trở nên con trai và con gái của Ngài.

Việc trở nên con người nhân vị có giá trị vượt xa việc thụ thai và sinh ra. Thiên Chúa ban cho chúng ta được hiện hữu là trao cho chúng ta những lời mời gọi và sứ vụ. Chúng ta được mời gọi yêu thương nhân loại mà Ngài trao cho chúng ta. Tình yêu này được thể hiện cụ thể trong việc chăm sóc những người nhỏ bé nhất trong chúng ta (xem Mt 25,31-46). Tình yêu này không phải là một loại cảm xúc nào đó, nhưng là một hành động nhằm mưu ích cho người khác và thực hiện điều thật cụ thể. Thiên Chúa không từ bỏ chúng ta và cũng không sống cách xa chúng ta, nhưng Ngài đã quyết định đến cắm lều ở giữa chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô (Ga 1,14). Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta với tình yêu hoàn toàn tự hiến, thì mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa phải được xác định qua việc chúng ta gặp gỡ tha nhân. Như Johann Baotist Metz lưu ý, một trong những lời khác với quy chuẩn thông thường mà Chúa Giêsu nói là: “Ai “thấy” anh chị em mình là “thấy” Thiên Chúa.” Tình yêu đối với người lân cận không khác tình yêu đối với Thiên Chúa, mà chỉ là mặt trần gian của cùng một đồng xu.”

Để kết luận, tôi xin cùng bạn quay lại với việc Chúa Giêsu chữa lành cho anh  mù Ba-ti-mê. Chúng ta nhớ lại rằng câu hỏi mà Chúa Giêsu dành cho anh Ba-ti-mê: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51) cũng giống như câu hỏi mà Người đã hỏi Gia-cô-bê và Gio-an, hai người con ông Dê-bê-đê: “Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (Mc 10,36). Thánh I-nha-xi-ô Loyola, vị thánh mà năm nay Giáo hội kỷ niệm 500 năm ngài hoán cải, cũng hỏi câu hỏi đó với người đi linh thao: “Bạn muốn xin ơn gì?” Không giống như các con ông Dê-bê-đê xin địa vị cao trọng, tính toán xem sẽ được gì khi đi theo Chúa Giêsu, Ba-ti-mê chỉ thưa với Chúa Giêsu ước muốn đơn sơ: “Lạy Thầy, xin cho con được nhìn thấy”. Và điều gì xảy ra khi anh được nhìn thấy? Anh đi theo Chúa Giêsu trên con đường của Người, khác các môn đê gặp khó khăn khi bước theo Chúa Giêsu trên con đường của Người. Chúng ta biết các ông đã sợ hãi như thế nào (Mc 10,32). Không giống như các môn đệ, người ăn xin mù lòa trở thành gương mẫu trong đời môn đệ và trong đức tin. Với “đôi mắt đức tin mở ra” giống như đôi mắt người ăn xin ấy, tất cả chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, tạo thành một cộng đoàn, nơi ấy không ai bị trấn áp, tạo thành một ngôi nhà nơi đức tin triển nở và nơi mọi người cùng thở không khí trong lành bởi vì chúng ta biết chăm sóc “ngôi nhà chung của chúng ta,” và tạo thành một gia đình nơi đó những người chạy trốn các cuộc bách hại hay chiến tranh có thể dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của việc làm người.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa chữa lành sự mù lòa về mặt luân lý của chúng ta, ý thức về  luân lý mà chúng ta gọi là lương tâm, vốn giúp cho chúng ta phân biệt điều phải điều trái, để chúng ta chăm sóc những người nhỏ bé nhất trong chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa chữa lành sự mù lòa vì kém tin. Đức tin cho chúng ta tầm nhìn vượt qua các giác quan, vượt ra ngoài thế giới chúng quanh chúng ta, để nhận ra rằng chúng ta không chỉ là DNA và IQ. Chúng ta có một linh hồn, một mục đích và có cùng một vận mệnh đó là kết hiệp với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta món quà nhìn thấy và thấu suốt để quyết tâm chăm sóc người khác và chia sẻ món quà mà chúng ta nhận được. Một câu ngạn ngữ của người Rwandan nói rằng “Iso ntakwanga akwita nabi”, nghĩa là “Hãy cho tôi biết tên của bạn và tôi sẽ nói bạn là ai.” Ba-ti-mê có nghĩa là Con trai của Ti-mê, Ti-mê có nghĩa là “tôn vinh”. Cầu chúc tất cả chúng ta trở nên những người con trai và con gái biết tôn vinh Thiên Chúa bằng cách tôn vinh người di dân và người tỵ nạn. Có như thế chúng ta mới là những chứng nhân của một Giáo hội, một nhà, một gia đình.

Lm. Marcel Uwineza, S.J., Ph.D.
Bản dịch của Gioan Lê Quang Vinh

WHĐ (15.9.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây