TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

NÉN HƯƠNG DÂNG THẦY

Chủ nhật - 25/04/2021 22:10 |   840

NÉN HƯƠNG DÂNG THẦY

(Kỷ niệm 10 năm lễ giỗ cha Giám đốc Augustino Nguyễn Văn Tra).

Cha Augustino Nguyễn Văn Tra, Giám đốc tiên khởi của Chủng viện Lê Bảo Tịnh, Người có một niềm tin yêu vào Mẹ Maria. Cả một đời hết mình chăm lo cho Chủng viện... Ngài là tấm gương sáng của những môn sinh Lê Bảo Tịnh. Chúng con xin thắp nén hương trong ngày Lễ Giỗ của người thầy kính yêu.

Năm 1968 sau tết Mậu Thân, tình hình chiến sự tại Banmêthuột tương đối lắng dịu. Tuy nhiên không khí ảm đạm của thời buổi chiến tranh vẫn bao trùm làm cho đời sống dân cư vẫn luôn thấp thỏm lo âu. Sau khoảng thời gian này các mặt trận lại xảy ra tại một vài trại định cư tập trung các làng mạc công giáo. Tháng 5/1968 cuộc chiến xảy ra tại làng Trung Hòa, giáo xứ Vinh Hòa; tháng 8/1968 trận chiến lại xảy ra tại đồn Daksak, nơi có giáo họ Thổ Hoàng, thuộc giáo xứ Vinh An, quận Đức Lập làm đoạn đường giao thông quốc lộ 14 Banmêthuột – Quảng Đức bị tắc nghẽn. Trong thời điểm này chủng viện Lê Bảo Tịnh chiêu sinh khóa đầu tiên…

Địa điểm thi lúc bấy giờ là trường tiểu học La San Lam Sơn. Tôi không nhớ chính xác con số các thí sinh lúc bấy giờ là bao nhiêu, nhưng loáng thoáng thì cũng biết rằng không những các thí sinh là người của Giáo phận Ban-mê-thuột mà còn tập trung nhiều người thuộc các tỉnh thành khác; riêng các xứ đạo tại những vùng chiến sự như Vinh An và Vinh Hương thì được can thiệp để đi tham dự cuộc thi bằng phương tiện máy bay trực thăng vì đường bộ đã bị cắt đứt. Tại trường thi lần đầu tiên chúng tôi được gặp cha Giám đốc. Những cậu bé vừa học xong chương trình tiểu học, mắt nai ngơ ngác nhìn cha Giám đốc với một con mắt kính trọng và lạ lẫm. Tuy nhiên tất cả những ngỡ ngàng ban đầu đều được xóa tan khi Ngài lên tiếng trấn an và khích lệ những sỹ tử bé con lần đầu tiên đi thi mà chưa biết phải làm gì. Tại phòng thi chúng tôi hồn nhiên và lo lắng hoàn thành các bài tập. Sau một ngày thi cử mọi người ra về. Riêng tôi vẫn mang theo hình ảnh của cha Giám đốc mà khi ấy tôi chưa biết rõ tên của Người… Ngày treo bảng tôi và một vài người bạn nữa rủ nhau đi xe đạp tới trung tâm Caritas. Đám đông bu trước tấm bảng treo trước cổng chính, có những giọng nói ồ lên vui mừng khi thấy tên mình trên bảng, đồng thời có những người buồn thiu rẽ đám đông lẳng lặng rời xa không buồn nói. Tôi nhỏ con, còn bé tý cho nên phải chờ mọi người tản ra rồi mới vào xem được. Tôi lần theo những hàng chữ từ trên xuống, nín thở và vui mừng khi thấy tên mình. Chúng tôi trầm trồ bộc lộ niềm vui với nhau. Vào giờ phút đó, một giọng nói hiền dịu cất lên: “Con có tên không?” –Tôi vừa quay lại vừa trả lời: “Thưa cha con đậu rồi”. Bàn tay của cha xoa nhẹ trên đầu tôi thể hiện sự khích lệ lớn lao… Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với cha, trong lòng dậy lên một niềm hãnh diện với một cảm giác ấm áp và tin tưởng.
Ngày nhập học của niên khóa đầu tiên là ngày Lễ Sinh nhật Đức Mẹ 08/09/1968. Trong Thánh lễ đầu tiên nơi Nhà Chúa chúng tôi lắng nghe cha Giám đốc kể về cuộc thi hoa hậu được tổ chức cho các bé mẫu giáo mà tất cả các bé đã bầu cho người thân yêu duy nhất đó chính là người mẹ của mình. Ngài dẫn dắt các chú tiểu đến với một người mẹ, mẹ của tất cả những người mẹ, đó chính là Mẹ Maria. Ngài nói: “tình yêu của các con dành cho Mẹ phải hồn nhiên như bé thơ”. Ngài thổi vào tâm hồn của chúng tôi lòng yêu mến Mẹ. Ngài đặt tên cho chúng tôi là lớp Vô Nhiễm. Kể từ đó CV Lê Bảo Tịnh được trao gửi trong tay Mẹ Maria… Những tháng ngày tại trung tâm Caritas và Tòa Giám Mục, chúng tôi được các cha giáo và mọi người chăm lo từng ly từng tý; đặc biệt là cha Giám đốc chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, từng viên thuốc, từng giờ học và Ngài luôn nhắc nhở: “Các con là lớp anh cả của Chủng viện, các con phải trở nên xứng đáng”. Những lời nhắn nhủ này đã theo chúng tôi suốt cả cuộc đời, ngay cả bây giờ khi thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ và người cha thân yêu đã về yên nghỉ trong vòng tay của Chúa từ nhân…

Năm 1972, Ngài rời cương vị Giám đốc về Quản xứ Thánh Tâm, nhà thờ Chính tòa Banmêthuột. Tiếp theo là giáo xứ Kim Mai (1975-1995), Chính Nghĩa (1995-2008). Năm 2008 về nhà hưu dưỡng Giáo phận… Quãng thời gian sau năm 1975 là một khoảng thời gian khó khăn về mặt xã hội, làm ngăn trở tất cả những cuộc giao lưu tình cảm. Thỉnh thoảng anh em chúng tôi mới ghé thăm được một vài cha giáo. Mãi cho tới 30 năm sau, năm 2005 tổ chức anh em Cựu chủng sinh Gia đình Lê Bảo Tịnh mới được thành lập. Kể từ đó không có năm nào chúng tôi không đến với cha giáo của mình. Riêng lớp Vô Nhiễm đã nhiều lần tổ chức lễ bổn mạng nơi giáo xứ Chính Nghĩa để cùng được quây quần quanh người thầy kính yêu. Những lần gặp mặt như thế chúng tôi lại lắng nghe những câu chuyện kể về những ngày đầu thành lập Chủng viện, Ngài cố ý kể để chúng tôi ghi chép lại. Riêng tôi, tôi thật sự xúc động và đặt ra nhiều câu hỏi để gợi cho cha kể về những điều mà chúng tôi chưa hề biết. Ngài kể: “Buổi chiều ngày Lễ Truyền Tin năm 1968, khi ấy Ngài đi dạo với Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai trên con đường trong khuôn viên Tòa Giám mục. Bỗng Đức cha Phêrô quay lại và nói với Ngài một cách trịnh trọng: “Tôi đã có quyết định đặt cha lên làm Giám đốc Chủng viện”. Cha Augustino với một tư thế trân trọng đón nhận sứ vụ mới…” Kể từ đó Ngài dành toàn tâm cho Chủng viện. Thời gian trước đó Ngài nguyên là Tuyên úy Dòng Nữ Vương Hòa Bình… Có những sự kiện qua lời kể của Ngài, chúng tôi đã thể hiện xuyên suốt trong những bài viết được ghi lại trong kỷ yếu 40 năm CV Lê Bảo Tịnh. Càng về sau sức khỏe của Ngài càng yếu đi nhưng năm nào Ngài cũng đến với anh em chúng tôi trong ngày Giỗ Tổ.

Ngày 26/10/2009, Ngài từ giã cõi đời để về chốn bình an, thọ 87 tuổi với 58 năm Linh mục. Đọc lại tiểu sử của Ngài với một bề dày phục vụ và có những điều chúng tôi chưa hề biết. Trong lòng những người học trò dấy lên một niềm kính phục. Hình ảnh của Cha Cựu Giám đốc là một biểu tượng lớn của một con người sống đời phục vụ không bao giờ nói về mình mà chỉ biết tới Giáo hội và tha nhân. Niềm tự hào lớn lao của Cựu Chủng sinh Lê Bảo Tịnh là đã có những người thầy vĩ đại. Sự vĩ đại ở đây bao hàm trong giá trị nhân bản của Kitô giáo, đó chính là tinh thần khiêm tốn, yêu thương và phục vụ. Tinh thần đạo đức và lòng yêu mến Mẹ Maria đã ăn sâu vào huyết quản của chúng tôi để trong những nghịch cảnh của đường đời nghiệt ngã chúng tôi vẫn luôn có một tầm nhìn hướng thiện.

Cha Augustino Nguyễn Văn Tra, Giám đốc tiên khởi của Chủng viện Lê Bảo Tịnh, Người có một niềm tin yêu vào Mẹ Maria. Cả một đời hết mình chăm lo cho Chủng viện… Ngài là tấm gương sáng của những môn sinh Lê Bảo Tịnh. Chúng con xin thắp nén hương trong ngày Lễ Giỗ của người Thầy kính yêu.

Hoàng Công Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây