TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Quảng Bá Và Thực Hành Học Thuyết Xã Hội

Chủ nhật - 18/12/2022 18:23 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Tạ Anh Vũ |   907
Những lời dẫn nhập vào thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho các tín hữu Do Thái có thể được xem là một đúc kết ngắn gọn của việc Truyền Thông của Thiên Chúa qua sự kiện Thiên-Chúa-Làm-Người (Incarnation).
Quảng Bá Và Thực Hành Học Thuyết Xã Hội

TRUYỀN THÔNG KITÔ GIÁO TRONG VIỆC QUẢNG BÁ VÀ THỰC HÀNH HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

 

Mục Lục

1. Những Khái Niệm Cơ Bản

1.1 Truyền Thông

1.2 Một Số Kiểu Mẫu Truyền Thông

2. Truyền Thông Xã Hội dưới cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo

2.1 Truyền Thông của Thiên Chúa – Sự Trao-Ban-Chính-Mình trong Tình Yêu

2.2 Thiên Chúa Ba Ngôi: Truyền Thông trong Hiệp Thông và Hiệp Thông nhờ vào Truyền Thông

2.3 Chiều Kích Truyền Thông trong Mặc Khải của Thiên Chúa

2.4 Truyền Thông của Thiên Chúa trong qua Đức Giê-su Kitô: Sự kiện Thiên-Chúa-Làm-Người (Incarnation)

2.5 Giáo Hội – Hình Ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi: Một thực tại mang tính truyền thông

3. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo Trong Mối Liên Hệ Với Truyền Thông Công Giáo

3.1 Những Vấn Đề Căn Bản trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

3.2 Truyền Thông Xã Hội của Giáo Hội Việt Nam: Một Cái Nhìn Sơ Lược

4. Hoàn Cảnh Xã Hội ở Việt Nam và Tác Động Của Nó Trong Truyền Thông Xã Hội: Một Vài Nét Sơ Lược

5. Những Suy Tư Trên Phương Diện Truyền Thông Kitô Giáo

6. Tạm Kết Luận 

 1. Những Khái Niệm Cơ Bản

1.1 Truyền Thông

Để giải quyết một vấn đề chúng ta trước hết phải biết gọi tên vấn đề đó, sau đó chúng ta phải có khả năng hiểu được vấn đề. Với cách thức này chúng ta tiếp cận vấn đề được đặt ra và tìm tòi những phương cách để giải quyết nó. Vì thế, trước hết chúng ta cần có một định nghĩa về truyền thông. Trên phương diện xã hội học, có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những định nghĩa khác nhau về truyền thông tùy thuộc vào bối cảnh và góc độ các nhà nghiên cứu đó suy tư về hiện tượng này, ví dụ như trong lãnh vực thông tin, trên phương diện xã hội, trong nghiên cứu văn hóa hoặc nhân chủng học[1]. Nhìn chung các nhà nghiên cứu đều hiểu truyền thông, theo bản chất của nó, là một tiến trình qua đó con người biểu lộ, biểu hiện chính mình, chia sẽ những ý nghĩa, những giá trị đời sống để đi tới gần gũi thân thiện với nhau hơn qua việc hướng đến những ý nghĩa giá trị chung[2]. Chúng ta có thể tổng hợp những ý tưởng định nghĩa cho truyền thông như sau:

 “Truyền thông là một quá trình có tính năng động, đối thoại, và luôn tiếp diễn. Trong quá trình này con người chia sẻ với nhau những giá trị, ý nghĩa của đời sống; họ thực hiện việc này bằng cách sử dụng những biểu tượng, những dấu hiệu, những phương tiện và những phương cách phù hợp với bối cảnh xã hội và văn hóa mà họ đang sống.”[3]

1.2 Một Số Kiểu Mẫu Truyền Thông

Để có một cái nhìn rõ nét hơn về truyền thông, chúng ta xem qua một số kiểu mẫu (models) truyền thông, được các nhà nghiên cứu phác họa lên. Trong bài này, chúng ta chỉ giới hạn trong một số kiểu mẫu căn bản.

Kiểu mẫu thứ nhất được Claude E. Shannon và Warren Weaver giới thiệu trong việc nghiên cứu lý thuyết truyền thông dựa trên phương diện toán học vào năm 1948. Cả hai nhà nghiên cứu đều là kỹ sư về thông tin viễn thông. Họ tìm hiểu và phân tích quá trình truyền tải thông tin qua cuộc gọi điện thoại, được mô tả trong biểu đồ dưới đây[4]:

  

Kiểu mẫu truyền thông này cho thấy đây là kiểu truyền thông một chiều. Những yếu tố liên quan đến ngôn ngữ, ngữ cảnh và bối cảnh của quá trình truyền thông không được xem xét đến. Nó cũng không chú ý đến những yếu tố làm nên tác nhân truyền thông như sự phản hồi, mức độ tham gia tích cực của người nhận thông tin khi tham dự vào quá trình truyền thông. Tính chủ động của người nhận tin cũng đưa đến việc phải quan tâm đến sự hiểu biết, khả năng truyền đạt cũng như tình trạng tâm lý và bối cảnh văn hóa của người nhận tin. Harold Lasswell đề xướng ra một công thức căn bản để phân tích quá trình truyền thông, kiểu mẫu dưới đây đưa ra những nhân tố tạo nên một quá trình truyền thông[5]:

  

Với công thức trên đây, sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông phải được quan tâm đến, và người ta cũng phải để ý đến hiệu quả của truyền thông tác động nên người nhận. Dù vậy, kiểu mẫu của Lasswell vẫn còn mang tính chất truyền thông một chiều, chỉ nhắm đến việc truyền đạt thông tin để thuyết phục người nhận. Everett Rogers, trong bài nghiên cứu của mình, cũng giới thiệu những kiểu mẫu khác của Osgood, Westley và MacLean, cũng như của Berlo, nhưng các nhà nghiên cứu này cũng chỉ đưa ra những kiểu mẫu tương tự như của Shannon và Weaver, chỉ biến cải đôi chút, có nghĩa là tất cả những kiểu mẫu này vẫn nằm trong phạm vi truyền thông một chiều: chú trọng đến việc truyền đạt của người gửi thông điệp với mục đích thuyết phục, “biến đổi” cách nhìn và hành xử của người nhận, ở đây người nhận ở trong một trạng thái tiếp nhận thụ động[6]. Toàn bộ quá trình truyền thông theo cái nhìn truyền thông một chiều dường như chưa được xem xét đầy đủ, ví dụ như điều gì đang diễn ra giữa người truyền tin và người nhận tin? Người nhận phản ứng như thế nào với thông tin được truyền đạt? Cách thức người nhận hiểu về thông tin được gửi đi có tương ứng với cách thức (ý định) thông điệp được người truyền đạt gửi đi? …

Vì thế, Rogers đưa ra một kiểu mẫu truyền thông được hiểu là một quá trình “tuần hoàn (circle: có đi và có đến, rồi có đến và có đi trở lại), mang tính hai chiều” mà trong đó cả hai người gửi tin và người nhận tin đều lệ thuộc vào nhau, cả hai đều có ảnh hưởng lên việc diễn đạt và gửi đi thông điệp cũng như việc tiếp nhận và hiểu về thông điệp đôi bên trao cho nhau. Truyền thông không phải là một quá trình nhằm thuyết phục người khác, nhưng nó là một quá trình sinh động hướng tới việc hiểu nhau và hướng đến việc đồng thuận về một vấn đề, chia sẻ một ý nghĩa được truyền tải, vì thế nó đòi hỏi một hoạt động mang tính hỗ tương. Ở đây, chúng ta cũng phải ý thức về bối cảnh và những ảnh hưởng xã hội tồn tại trong những mối quan hệ giữa các cá nhân trong mạng lưới xã hội họ đang sống. Everett Rogers và Lawrence Kincaid một kiểu mẫu “truyền thông hội tụ” (convergence communication). Xin mời xem biểu đồ dưới đây[7]:

  

Biểu đồ của Kincaid cho chúng ta thấy có những lưu chuyển của quá trình trao đổi thông điệp người tham dự A biểu lộ ý tưởng của mình cho người tham dự B. Sau khi đã hiểu được thông điệp đến từ A, B giải thích cho A mình hiểu thông điệp đó như thế nào. Sự tương tác hai chiều này được tiếp tục khi A nói lúc này mình hiểu B bắt được thông tin như thế nào và cả hai tiếp tục trao đổi để cho thông tin mình gửi đi càng lúc càng được hiểu rõ hơn. Việc này cuối cùng dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau. Ta gọi kiểu mẫu truyền thông này là truyền thông có tính “đồng tham dự” (Participatory Communication).

2. Truyền Thông Xã Hội dưới cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo

Khi các nhà nghiên cứu truyền thông trên phương diện xã hội học họ chỉ nói đến những khái niệm như ‘truyền thông’, ‘truyền thông của con người’, etc. Hiện nay, khi nghe nói đến truyền thông thì người ta thường liên tưởng đến báo chí, truyền hình, phim ảnh, radio, và trong xã hội hiện đại ngày nay người ta nghĩ nhiều đến Internet, mạng xã hội, youtube, hoặc apps, vv… Nhưng dưới cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo những hình thức truyền thông hiện đại chỉ là một phần của TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI. Khái niệm “Truyền Thông Xã Hội” được dùng lần đầu tiên trong Công Đồng Vatican II. Khi các thành viên trong ban chuẩn bị phác thảo văn bản “Inter Mirifica”[8] có liên quan đến truyền thông để các nghị phụ công đồng thông qua, họ đã giải thích rằng những khái niệm như “truyền thông đại chúng” (mass media), “truyền thông quảng bá” (media of diffusion), những hình thức truyền thanh, truyền hình (audio-visual means) hay những hình thức tương tự không diễn tả đầy đủ điều mà Giáo Hội quan tâm. Vì thế, các thành viên trong ban này ưu tiên dùng một khái niệm mới “Truyền Thông Xã Hội” (Social Communication), điều này được các nghị phụ công đồng chấp thuận và công bố trong công đồng. Khái niệm “Truyền Thông Xã Hội” hàm chứa việc truyền thông TRONG xã hội loài người và CỦA xã hội loài người[9]. Với cái nhìn này, Truyền Thông Xã Hội nhắm đến bất cứ hình thức tương tác mang tính chia sẻ trao đổi giữa con người với nhau, bao gồm cả những phương tiện sử dụng, những hình thức truyền thông trong xã hội loài người: từ thuở sơ khai đến thời hiện đại ngày nay. Dưới chiều kích này truyền thông xã hội chú trọng đến sự tương tác của con người mà qua đó con người biểu lộ chính mình và chia sẻ những giá trị sống trong bối cảnh văn hóa xã hội mình đang sống. Sau này khoa tâm lý học khi sử dụng và giải thích khái niệm biểu lộ của cá nhân (communication of the self) thường dùng khái niệm Truyền Thông Xã Hội làm bối cảnh cho việc biểu lộ của cá nhân.

Dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, đặc biệt qua các hiến chế như “Dei Verbum”, “Lumen Gentium”, “Gaudium et Spes” và sắc lệnh “Ad Gentes”, ý tưởng về Truyền Thông Xã Hội đã gợi lên sự cần thiết của việc suy tư thần học làm nền tảng cho truyền thông. Tài liệu hướng dẫn mục vụ “Communio et Progressio” lần đầu tiên đưa ra những suy tư mang tính thần học liên quan đến truyền thông xã hội. Ngay câu đầu tiên, tài liệu này nói: “Sự hợp nhất và tiến bộ của con người sống trong xã hội là mục đính chính của truyền thông xã hội và của tất cả những phương tiện nó sử dụng.”[10] Sau đó tài liệu này còn giải thích thêm “Những kênh truyền thông mặc dù được xác định để tiếp cận những cá nhân, nhưng chúng cũng chạm đến toàn bộ xã hội và ảnh hưởng đến nó.”[11] Những hình thức truyền thông khác nhau này không thể thiếu được trong việc vận hành xã hội hiện đại và có tính tích cực là đem con người đến gần lại với nhau, vì mục đích của truyền thông xã hội là tạo thuận lợi cho nhiều cuộc gặp gỡ trong xã hội và đào sâu thêm về ý thức xã hội của con người để đi đến kết quả là “cá nhân càng có sự gắn kết hơn với người khác và có thể tích cực đóng góp phần của mình trong tiến trình lịch sử, được hướng dẫn bởi bàn tay của Thiên Chúa.”[12] “Communio et Progressio” nhấn mạnh nền tảng có tính thần học cho truyền thông nằm ở trong 2 yếu tố: (1) mọi sự kiện truyền thông đều có cội rễ trong sự truyền thông nội tại của Thiên Chúa, đó là sự Trao-Ban-Chính-Mình trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, diễn ra giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi hướng tới con người, (2) Đức Kitô là nhà truyền thông tuyệt vời (dịch theo bản tiếng Đức: Chúa là Bậc Thầy về truyền thông)[13]: Người, trong bản tính Thiên Chúa và con người thật, đã hiệp nhất con người với Thiên Chúa và hiệp nhất giữa con người với nhau. Đỉnh cao của việc truyền thông của Đức Kitô đó là: vì tình yêu Người Trao-ban-chính-mình cho loài người. Kiểu mẫu truyền thông của Đức Kitô chính là kiểu mẫu tiêu biểu cho truyền thông Kitô giáo, hay nói giữa chúng ta cho truyền thông Công Giáo. Biểu đồ dưới đây miêu tả truyền thông Công Giáo như thế nào[14]:

  

2.1 Truyền Thông của Thiên Chúa – Sự Trao-Ban-Chính-Mình trong Tình Yêu

Khái niệm chính yếu cho việc suy tư về sự Truyền Thông của Thiên Chúa (divine communication) là khái niệm Trao-Ban-Chính-Mình của Thiên Chúa (Self-Communication of God; tiếng Đức Selbstmitteilung Gottes: dịch sát nghĩa là sự Tự-biểu-lộ, Tự-thông-truyền). Trong cách diễn giải của ngôn ngữ Việt Nam chúng ta có từ Tự-Mặc-Khải. Karl Rahner chỉ ra với khái niệm trên đây một ý nghĩa thần học quan trọng: Khi Thiên Chúa thể hiện mình cho con người nhận biết Ngài, thì Người hoàn toàn trao trọn những gì Người là trong bản chất Thiên Chúa của mình mà không dấu diếm bất cứ điều gì có trong bản chất này. Món quà được trao cũng chính là con người tặng món quà đó[15]. Điều này luôn diễn ra trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

2.2 Thiên Chúa Ba Ngôi: Truyền Thông trong Hiệp Thông và Hiệp Thông nhờ vào Truyền Thông

Gisbert Greshake, một nhà thần học người Đức, đã diễn tả Ba Ngôi như sau: “Thiên Chúa là sự hiệp thông trong đó BA Ngôi Vị cùng thực hiện (sống) MỘT đời sống thiên tính là sự Trao-Ban-Chính-Mình cho nhau dưới ba hình thức tương tác trong tình yêu.”[16] Chúng ta thấy có những chiều kích căn bản của truyền thông ẩn chứa trong sự miêu tả trên đây về đời sống của Ba Ngôi. Đó là những chiều kích sau[17]:

Sự hiệp thông của Ba Ngôi có thể được xem là một sự “trao đổi” liên tục của sự hiệp nhất và khác biệt và là thực tại nguyên thủy có trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Dưới cái nhìn này, cuộc sống của Thiên Chúa bao hàm những khoảnh khắc trao ban cho nhau được diễn ra tùy thuộc vào từng cách CHO và NHẬN của mỗi Ngôi Vị. Có nghĩa là mỗi một Ngôi Vị “truyền đạt” (communicate himself) cho Ngôi Vị khác với một cách thức rất riêng biệt chỉ thuộc về Ngôi Vị đó.

Chúa CHA thể hiện bản chất của mình khi CHA hoàn toàn trao tặng chính mình cho CON, tất cả những gì CHA là, tất cả những gì CHA sở hữu. Với phương cách này, Chúa Cha thể hiện bản tính Thiên Chúa là Tình Yêu TRAO TẶNG.

Chúa CON khi hoàn toàn đón nhận sự Trao-Ban-Chính-Mình của CHA với lòng biết ơn, với lòng tôn trọng, với những gì có trong con, Người thể hiện mình là Tình Yêu ĐÓN NHẬN, tình yêu ĐÁP TRẢ.

Chúa THÁNH THẦN đón nhận cả hai sự CHO và NHẬN trong yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con. Người thể hiện mình trong việc kết hợp cả hai Tình Yêu Trao Ban và Tình Yêu Đón Nhận nên một Tình Yêu Duy Nhất, Tình Yêu HIỆP THÔNG. Chúng ta có thể nói rằng: Chúa Thánh Thần có thể được xem như là Bầu Khí nhân vị đầy yêu thương, Bầu Khí đó được tạo ra bởi sự trao ban của CHA và sự đón nhận của CON, trong tình yêu.

Như vậy chúng ta có thể nói: Đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi có sự chia sẻ sống động giữa các Ngôi Vị với nhau, sự chia sẻ đó chính là việc Trao-Ban-Chính-Mình (self-communication) và đây là một quá trình CHO và NHẬN từ lẫn nhau, được thực hiện bởi các Ngôi Vị. Tất cả ba sự Trao-Ban-Chính-Mình này làm nên MỘT đời sống của Thiên Chúa. Từ sự chia sẻ sống động này Thiên Chúa đi đến chia sẻ đời sống nội tại của mình với thế giới, với con người.

2.3 Chiều Kích Truyền Thông trong Mặc Khải của Thiên Chúa

Những gì là tuyệt hảo nhất, những gì là hoàn mỹ nhất, những gì là chân thật nhất, được Thiên Chúa thể hiện qua việc tạo dựng nên vũ trụ và đỉnh cao của việc tạo dựng là Chúa gọi con người từ hư vô đến với hiện hữu trong trật tự tạo dựng của Thiên Chúa. Lời Chúa được phán ra trong hư vô, trong một “mớ hỗn độn”, một trật tự thế giới được hình thành. Lời Chúa phán ra con người được dựng nên trong trật tự đã được sắp xếp nơi Thiên Chúa, để nó có thể sống trong đó[18]. Đặc biệt nhất, đó là con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa: điều này cho con người một phẩm giá không thể thay thế hay mua bán được. Hơn nữa vì giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có khả năng sáng tạo, tổ chức và xây dựng đời sống của mình. Giống hình ảnh Thiên Chúa con người có khả năng thể hiện mình, biểu lộ mình. Con người không thể nào không truyền thông được[19]. Thiên Chúa tạo nên con người để nó được tham dự vào đời sống CHO và NHẬN của Ba Ngôi, cũng như hưởng những ân sủng từ đời sống Hiệp Thông này.

Lịch sử Mặc Khải của Thiên Chúa có thể được xem là một tường thuật về sự “truyền thông” của Thiên Chúa nơi dân tộc được Chúa chọn, đó là dân tộc Israel[20]. Thiên Chúa ‘nói’ Lời của Ngài với con người, Người truyền đạt Lời của Chúa cho người trong lịch sử cụ thể của nó. Con người khi nghe Lời của Chúa, cần có câu trả lời cho Lời ấy[21]. “Dabar” được hiểu trong Kinh Thánh Cựu Ước là điều thoát ra khỏi môi miệng của con người (Gr. 17:16; Ds. 30:13), nhưng trước khi dabar được nói ra, điều đó đã nằm trong trái tim của người nói, đã được nhẩm đi nhẩm lại trong lòng của người nói, đã được luôn nghĩ đến trong tư tưởng của người truyền đạt (St. 17:17; Tv. 14:1; Gr. 3:16; Is. 65:17). Với cách hiểu này, Lời của Đức Chúa trước hết được ấp ủ trong tâm tư của Thiên Chúa, sau đó được biểu lộ truyền đạt cho con người. Lời của Đức Chúa khi truyền đạt cho con người có 3 chiều kích: (1) con người có thể hiểu được (cognitive), (2) mang tính sáng tạo với ý nghĩa là mang sự sống mới cho con người (creative), (3) làm biến đổi con người (transformative). Điều này xuyên suốt quá trình Mặc Khải của Thiên Chúa cho dân Do Thái.

Truyền thông của Thiên Chúa luôn có 4 khuôn mẫu nhất định:

1.Từ lòng thương xót, từ tâm tình Chúa dành cho con người, Người truyền đạt Lời của Đức Chúa với con người (điển hình như: St. 12:12, Xh. 3:7ff., và còn nhiều ví dụ khác trong Cựu Ước).

2.Lời của Đức Chúa tạo nên, đưa con người vào cuộc sống mới và đồng thời tạo ra một trật tự mới để con người sống trọn vẹn nhân phẩm của mình và sống chung với người khác, khi luôn luôn giữ liên lạc với Thiên Chúa (điển hình St. chương 1 và 2, đặc biệt Xh. 20:1-17; trong thời lưu đày Is. 40:26; 45:12; 48:13).

3.Lời của Chúa biến đổi đời sống của từng cá nhân, khi người đó đón nhận Lời và Thần Khí của Lời có một quyền năng tạo nên đời sống cộng đoàn và củng cố đời sống đó.

4.Lời của Đức Chúa luôn đồng hành cùng cộng đoàn qua những giai đoạn thăng trầm của đời sống.

Nhìn vào toàn cảnh Lời của Đức Chúa được mặc khải cho dân tộc Israel, ta thấy sự Truyền Thông của Thiên Chúa có những đặc điểm sau:

Khi truyền đạt Lời tới cho con người, Thiên Chúa tạo điều kiện cho con người bước vào một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa: có khi giống như sự tương quan giữa chủ nhân và đầy tớ, có khi giống như tương quan giữa người cha và con, có khi giống như một người bạn, có khi giống như người chồng với người vợ, có khi giống như một người cố vấn, vv… Qua đó, Lời của Đức Chúa cho con người một căn tính mới.

Lời của Thiên Chúa không có trừu tượng, nhưng được truyền đạt cụ thể trong lịch sử và qua lịch sử của con người. Khi truyền đạt Lời cho con người, Chúa dùng rất nhiều cách ví dụ như những hiện tượng thiên nhiên, những kinh nghiệm của con người trong xã hội thời đó, những sự kiện lịch sử, những thị kiến, những khoảnh khắc xuất thần, vv… Chúa dùng nhiều loại người khác nhau để truyền đạt Lời ví dụ như các tư tế, những nhà thông thái, các tiên tri, các vị vua, những người giàu có, những nhà nông, những người chăn cừu, phụ nữ cũng như đàn ông… Lời được truyền đạt qua nhiều phương pháp như sấm truyền, những câu chuyện, những lời dạy, những suy niệm, các bài thơ, những văn chương truyền thống chuyển tải sự khôn ngoan trong đời sống con người như tục ngữ, dùng những kho tàng văn hóa quý báu của các dân tộc láng giềng hay nói cách khác dùng kho tàng văn hóa quý báu mà con người thu thập được qua nhiều thời gian, vv…

Cố Hồng y Carlo Martini, nhà thần học chuyên về Kinh Thánh, khi còn là Tổng giám mục của Tổng giáo phận Milanô, đã suy niệm và đề cập đến truyền thông dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Những suy tư về truyền thông của ngài được viết trong 2 lá thư mục vụ mở ra chương trình thảo luận học hỏi và thực hành truyền thông trong 2 năm cho Tổng giáo phận Milanô[22]. Trong 2 lá thư đó, lá thư thứ nhất “Effata ‘Apriti’”, Martini xây dựng nền tảng truyền thông trên mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và trên mầu nhiệm Mặc Khải; lá thư thứ hai “Il Lembo del Mantello” chỉ ra một số nguyên tắc trong truyền thông, và nhu cầu thiết yếu của việc đào tạo và giáo dục về truyền thông. Đặc biệt, ngài đưa ra một số đặc điểm của Truyền Thông của Thiên Chúa[23]:

1.Truyền Thông của Thiên Chúa được chuẩn bị trong thinh lặng và trong sự “bí ẩn” huyền nhiệm của Thiên Chúa (Ep 3,9), “… mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16,25-26).

2.Truyền Thông của Thiên Chúa diễn tiến không ngừng (progressive), sự kiện nối sự kiện (cumulative), được thực hiện trong lịch sử (historical). Có nghĩa là Truyền Thông của Thiên Chúa không được thực hiện chỉ trong một thời điểm lịch sử nào đó, nhưng nó bao gồm nhiều thời gian khác nhau, nhiều sự kiện khác nhau. Vì thế, chúng ta phải “đọc” tất cả những sự kiện này với những yếu tố thời gian của chúng để hiểu ý định Chúa muốn. Truyền Thông của Thiên Chúa xảy ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, vì thế Chúa dùng nhiều cách khác nhau để tỏ mình ra. Những sự kiện Chúa để xảy ra và Lời của Đức Chúa là phương tiện truyền thông có liên hệ với nhau và giải thích cho nhau. Toàn bộ lịch sử Mặc Khải cũng được gọi là lịch sử Cứu Độ được ghi lại trong Kinh Thánh và được xem là một “Cuốn sách về Truyền Thông của Thiên Chúa”.

3.Truyền Thông của Thiên Chúa diễn tiến trong một cách thức mang tính biện chứng. Truyền thông này không diễn ra từ sự vẻ vang này đến sự huy hoàng khác, chỉ có ánh sáng mà không có bóng tối. Thật ra, đây là một sự tiếp nối giữa các sự kiện có cả ánh sáng lẫn bóng tối. Chỉ có sự tìm tòi kiên nhẫn cho việc khám phá toàn bộ quá trình của các sự kiện và của Lời của Đức Chúa mới dẫn tới sự hiểu biết hoàn toàn về điều Chúa muốn truyền đạt. Điều kiện đó là chúng ta phải có lòng ước muốn tìm kiếm và đón nhận những dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, biết chuẩn bị tâm hồn để tiếp nhận thông điệp của Người. Truyền thông thường đòi hỏi thời gian, sự khôn ngoan và sự tôn trọng người khác.

4.Truyền thông mà Thiên Chúa thực hiện không đạt đến sự toàn mỹ bao lâu việc này còn xảy ra trong thế gian. Chúng ta phải biết phân biệt giữa truyền thông ở thế gian (in via), chúng ta là những khách hành hương, và truyền thông trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa (in patria). Truyền Thông mà Thiên Chúa thực hiện ở trong thế giới của chúng ta có giá trị làm cho chúng ta “nếm thử” trước sự toàn mỹ của Thiên Chúa trong thời gian viên mãn khi chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là (1 Ga 3,2). Vì thế, tất cả mọi sự truyền thông dù có tốt đến đâu vẫn chưa được trọn vẹn khi chúng ta nhìn vào sự hoàn tất mang tính cánh chung của Nước Thiên Chúa. Điều này cũng nói lên rằng: trong thế gian này, chúng ta không bao giờ hiểu một cách trọn vẹn người khác với cách thức mà họ sống và biểu lộ chính mình. Đó luôn luôn là một điều bí ẩn, một lãnh vực không thể nào giải thích cho tận gốc được, chúng ta cũng cảm nhận điều này trong chính con người của chúng ta.

5.Truyền thông của Thiên Chúa mang tính nhân vị (personal), Thiên Chúa truyền ban chính mình chứ không phải là điều gì đó. Bất cứ điều gì Chúa biểu hiện cho chúng ta đều là một dấu chỉ hay một biểu tượng của thánh ý Chúa đó là Chúa trao ban chính mình là quà tặng lớn lao. Đồng thời Truyền Thông của Thiên Chúa cũng mang tính liên nhân vị (interpersonal), Chúa tác động đến chúng ta qua Lời của Người, điều này đòi hỏi nơi chúng ta sự chú ý, sự tiếp nhận và lắng nghe. Nếu không có sự trả lời hay hồi đáp thì không có truyền thông thực sự. Thiên Chúa hằng sống thức tỉnh chúng ta cảm nhận được niềm tin và hy vọng.

6.Cuối cùng, Truyền Thông của Thiên Chúa bao hàm tất cả mọi hình thức truyền thông mang tính liên nhân vị (interpersonal communication). Truyền thông của Ngài chứa đựng thông tin tác động đến người nhận và đồng thời là sự biểu lộ chính mình cho người nhận. Trong việc truyền thông của mình, Thiên Chua thông tin cho con người về bản thân của Ngài, đồng thời Ngài cũng tác động đến con người qua những lời hứa ban, qua những đe dọa và những cảnh báo, nhưng tất cả những hình Chúa truyền đạt cuối cùng vẫn là sự biểu lộ chính bản chất của Người cho con người thấy.

Tất cả Thiên Chúa làm với mục đích là cho con người có một cuộc sống hoàn hảo hơn đúng với nhân phẩm nó được tạo dựng nên: giống hình ảnh của Thiên Chúa. Xin xem biểu đồ trình bày toàn bộ quá trình truyền thông của Lời ở dưới đây:

  

2.4 Truyền Thông của Thiên Chúa trong qua Đức Giê-su Kitô: Sự kiện Thiên-Chúa-Làm-Người (Incarnation)

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.” (Dt. 1:1-3)

Những lời dẫn nhập vào thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho các tín hữu Do Thái có thể được xem là một đúc kết ngắn gọn của việc Truyền Thông của Thiên Chúa qua sự kiện Thiên-Chúa-Làm-Người (Incarnation). Tất cả những gì tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất và chân thực nhất, mà Thiên Chúa ấp ủ trong lòng mình, nay được Người CON là điều quý giá nhất của CHA, truyền tải cho con người. Chúa Giê-su, với Ngôi Vị là CON, đã chia sẻ những điều ấy với Cha trong đời sống của Ba Ngôi, nay tự mình mang đời sống này đến chia sẻ nhân loại trên cương vị là con người như bao người khác. Điểm khác biệt duy nhất với những người khác, chính là Người mang trong mình đời sống liên kết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì thế, sự kiện Thiên-Chúa-Làm-Người được thực hiện qua CON, nhưng là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Có thể nói tất cả những khoảnh khắc trong toàn bộ đời sống của Chúa Giê-su là truyền thông, có nghĩa là sự trao ban: bối cảnh được sinh ra trong nghèo khó, những năm ẩn dật ở Na-gia-rét, thân phận là con của một ông thợ mộc, 40 ngày thử thách trong sa mạc, những chối bỏ, khinh thị đến từ người khác khi rao giảng Nước Trời, và Cuộc Khổ Nạn, cái chết trên Thánh Giá. Tất cả những sự kiện trong đời sống của Chúa Giê-su nơi trần thế cho chúng ta thấy Người đã “nói” gì với chúng ta[24]. Tác giả chỉ sơ lược dưới đây những chiều kích truyền thông căn bản của Chúa Giê-Su trong thời gian ở với con người với thân phận, hình ảnh cụ thể của con người (con người thật) và với trái tim yêu thương của Thiên Chúa Cha, được liên kết bởi Chúa Thánh Thần (Thiên Chúa thật)[25].

Khi hòa mình vào dòng người chịu phép rửa sám hối bởi Gioan Tẩy Giả, Chúa Giê-su đã hòa mình vào dòng người đang đi tìm kiếm Thiên Chúa để thoát ra khỏi khủng hoảng xã hội, chính trị, tôn giáo thời đó. Chúa đồng hành cùng với những người này trong việc họ tìm kiếm cái Chân, Thiện, Mỹ đến từ Thiên Chúa. Việc chịu phép rửa tội là để họ tẩy rửa những gì là “nhơ bẩn” đã che mắt họ không còn có thể tìm ra những Chân, Thiện, Mỹ ấy. Chúa Giê-su đến từ nguồn của Chân, Thiện, Mỹ muốn gần gũi họ và chia sẻ đời sống với họ.

Chúa Giê-su đến với con người với tư cách là người giới thiệu và quảng bá Nước Thiên Chúa. Chúa thực hiện việc này qua lời rao giảng, qua các việc chữa lành, làm phép lạ, qua đời sống của Chúa. Chúa rao truyền cho con người như là một thầy dạy tuyệt hảo. Trong Tám Mối Phúc Thật, Người đã công bố Nước Thiên Chúa một cách ngắn gọn xúc tích để con người có thể nhớ được, dễ thấm nhuần và sống chương trình của Nước Thiên Chúa (Mt 5:1-12; Lc. 6:20-26). Chúa sử dụng tâm tình của người nghe, những giá trị căn bản được thừa nhận trong bối cảnh văn hóa xã hội và tâm linh của họ được nhắc đến để giải thích và hướng họ đến giá trị và trọng tâm của Nước Chúa. Người đã không bỏ đi những giá trị đó nhưng hoàn thiện nó với thông điệp của Người (Mt. 5:17). Nơi nào Chúa đến, thì Chúa không bỏ qua cơ hội để quảng bá Nước Thiên Chúa. Chúa còn dùng những ví dụ và những câu chuyện trong đời sống hằng ngày, những sự kiện xảy ra trong xã hội để con người có thể mường tượng được hình ảnh của Nước Thiên Chúa như thế nào: người con bỏ nhà đi xa, người khách bộ hành bị cướp dọc đường, người tìm được kho báu, người nông dân gieo hạt, người chủ thuê thợ làm công, người phụ nữ ủ bột làm bánh, những sự kiện xã hội, chính trị cũng được Chúa sử dụng đến trong việc giải thích hay hướng dẫn. Nếu như những lời dạy của Chúa Giê-su làm cho con người biết và hiểu về Nước Thiên Chúa, thì những lần chữa lành bệnh tật, sự quan tâm của Người dành cho những người bị loại ra bên lề xã hội là những bằng chứng cụ thể Chúa muốn đưa con người đến với Chúa Cha, cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời họ.

Trong bữa Tiệc Ly, với sự hiện diện đầy thân tình và yêu thương của Chúa, với lời truyền đạt đầy thân thương, sâu sắc “Này là Mình Ta”, “Này là Máu Ta”, Chúa Giê-su không phải chỉ cử hành nghi thức truyền thống mà một người cha người Do Thái phải làm trong lễ Vượt Qua. Với Chúa Giê-su ở đây không còn là nghi thức thông thường, nhưng là một khoảnh khắc thiêng liêng sâu đậm, gần gũi thân thương với người đồng bàn. Sự hiện diện thiêng liêng này mang lại cho các môn đệ cảm xúc được tiếp xúc thật gần gũi với đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giê-su muốn chia sẻ qua suốt cuộc đời rao giảng và hoạt động của Người. Vì thế, Chúa Giê-su được gọi là “người truyền thông hoàn hảo” (trong bản dịch tiếng Đức: Người được gọi là Bậc Thầy về truyền thông)[26]. Bởi vì, truyền thông nơi con người của Chúa Giê-su là điều gì đó “hơn hẳn việc biểu tả những ý tưởng và biểu hiện của cảm xúc. Ở mức độ sâu xa nhất, đó là sự trao ban chính mình trong tình yêu. Truyền thông của Đức Kitô, thật vậy, hàm chứa thần khí và sự sống.”[27]

Điều mà Chúa muốn truyền ban cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, được minh chứng và thể hiện nơi cây Thánh Giá. Có thể nói, Thánh Giá là một “Cử Chỉ” tối hậu của Tình Yêu Thiên Chúa trao ban cho con người. Cử chỉ ấy nói CÓ, nói lời đón nhận con người, đối với sự từ chối KHÔNG, khi con người không chấp nhận Thiên Chúa. Thánh Giá chính là hành động đến từ Thiên Chúa để tỏ cho con người biết sự trung tín của Ngài, nhưng cũng là hành động đến từ con-người-thật Giê-su hướng về Thiên Chúa, mang đến cho Thiên Chúa Cha tất cả những giới hạn của con người trong đời sống tương quan 3 chiều Tôi – Thiên Chúa – Người Khác, đời sống đòi hỏi việc Cho và Nhận đi đến chỗ giới hạn tột cùng là sự Chết. Tuy vậy, Thiên Chúa là Người nói câu cuối cùng quyết định tất cả: Người nói Lời Sự Sống.

Nói tóm lại, Lời của Đức Chúa trong Cựu Ước, qua con người của Chúa Giê-su trở thành máu thịt (Ga 1:14), trở thành con người thật mà loài người có thể chạm đến, nhìn thấy, hiểu được, và cảm nhận được[28]. Sự truyền thông của Chúa Giê-su chính là sự trao ban đời sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi cho con người. Những người tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm sự thông hiểu về đời sống con người và ý nghĩa của nó được Chúa Giê-su hướng dẫn, chỉ đường qua những kinh nghiệm và hiểu biết của con người, để rồi hướng họ về sự nhận biết Thiên Chúa trong những sự kiện của đời sống. Đặc biệt sự kiện Thiên-Chúa-Làm-Người nơi Đức Kitô không phải là sự truyền tải thông tin về Thiên Chúa và những đòi hỏi của Chúa đối với con người. Trên hết, qua con người Đức Kitô, con người hiểu được họ là ai trong sự tương quan với Thiên Chúa: Họ là một nhân vị tự do, được Thiên Chúa yêu thương, và được Thiên Chúa mời gọi sống trong hiệp thông với Ngài và qua đó sống trong hiệp thông với người khác. Với tinh thần và với cách thức sống như Chúa Giê-su, con người có thể trải nghiệm sự kiện Hiện Xuống mới, là được Chúa Thánh Thần “đả thông” và hướng dẫn, con người vượt qua những giới hạn của mình hướng đến Thiên Chúa và tha nhân. Đây chính là ơn gọi chung cho tất cả mọi Kitô hữu[29].

2.5 Giáo Hội – Hình Ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi: Một thực tại mang tính truyền thông

Nếu nói Giáo Hội là Hình Ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi thì sự xác tín này nói lên tính truyền thông có trong bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội được sinh ra dựa trên nền tảng của sự Trao-Ban-Chính-Mình của Thiên Chúa. Theo hiến chương của Công Đồng Vatican II “Lumen Gentium”: trong Đức Kitô, Giáo Hội là bí tích hoặc là “dấu chỉ và phương tiện” của sự hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa và với loài người[30]. Nói một cách khác: qua sự hiện diện của Giáo Hội, người ta nhìn thấy được sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau; qua hoạt động của Giáo Hội con người có cơ hội cụ thể để bước vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa. Vì thế, ta có thể sử dụng câu nói của Avery Dulles: “Giáo Hội là Truyền Thông.”[31] Nhà thần học này giải thích thêm: “Giáo hội là một mạng lưới truyền thông rộng lớn, được thiết lập nên để đưa con người ra khỏi sự cô lập và lạc loài, và để đưa họ, theo từng cá nhân hay từng nhóm, vào hiệp thông với Thiên Chúa, trong Đức Kitô.”[32] Jürgen Werbick, một nhà thần học người Đức cũng có cái nhìn về căn bản tương tự như Dulles trong lập luận của ông, đối với nhà thần học này thì khi sống hiệp thông với Thiên Chúa và giữa các thành viên của mình giáo hội thể hiện mình như là một văn hóa (sống) mới và có tính truyền thông đặc biệt giữa nhân loại[33].

Trong giáo hội học chúng ta có được những khái niệm Communio/Koinonia. Hai trạng thái Communio hoặc Koinonia chính là sự biểu lộ rõ rệt và có thể cảm nhận được của đời sống “văn hóa mới có tính truyền thông đặc biệt” mà Werbick đã đề cập đến. Hiệp thông dưới cái nhìn về Communio hoặc Koinonia chính là chúng ta chia sẻ, trao truyền cho nhau cái quý giá nhất mà chúng ta có: đó là đời sống Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta như Người đang chia sẻ cho nhau trong Ba Ngôi và như Chúa Con đang chia sẻ một cách đặc biệt trong Giáo Hội cho con người. Sự chia sẻ này có thể được định dạng trong ba chiều kích truyền thông căn bản của Giáo Hội: Làm Chứng (martyria), cử hành Phụng Vụ (leiturgia), và thực hành các Công Việc Bác Ái (diakonia)[34].

Từ ba chiều kích truyền thông căn bản này, Giáo Hội có thể khai triển rộng ra những hình thức truyền thông riêng biệt cho những hoàn cảnh và những trường hợp khác nhau, trong công tác mục vụ cũng như trong các hoạt động truyền giáo. Cũng giống như Chúa Giê-su, mục đích chính của truyền thông của Giáo Hội không phải là đem thông tin về Thiên Chúa, về Chúa Giê-su đến cho người khác, nhưng qua chính đời sống của nhà truyền thông, Giáo Hội đem thực tại của Nước Chúa đến cho người khác, chia sẻ đời sống hiệp thông với Thiên Chúa, mở lòng đón nhận người khác bước vào sống trong thực tại này, từ đó chính bản thân của họ cũng có thể làm được như những người đã chia sẻ cho họ.

3. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo Trong Mối Liên Hệ Với Truyền Thông Công Giáo

3.1 Những Vấn Đề Căn Bản trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo là một kho tàng quý giá về sự hiểu biết và những kinh nghiệm khôn ngoan cho con người biết nên làm thế nào để xây dựng một xã hội công bằng và để sống nên thánh giữa những biến đổi của xã hội hiện đại. Học thuyết này được hình thành từ những văn bản của các Đức giáo hoàng, những văn bản của các công đồng chung, và của các hội đồng giám mục trên toàn cầu. Chúng ta cần phải đọc và suy tư thật kỹ lưỡng mới có thể nhận ra được những tư tưởng sâu sắc và phong phú của các ngài, chứ không thể lướt qua những cấu trúc và nội dung của nó trên phương diện nghiên cứu học thuật. Tác giả chỉ xin nhấn mạnh một số đề tài quan trọng của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và liên hệ những đề tài đó với những yếu tố căn bản của Truyền Thông Kitô Giáo.

Cuộc sống và nhân phẩm của cá nhân con người: Giáo Hội Công Giáo xác tín và nhận định rằng, cuộc sống của con người là thiêng liêng, và nhân phẩm của con người, được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, là nền tảng đạo đức trong việc xây dựng xã hội.

Con người là một nhân vị riêng biệt, nhưng được tạo nên để sống đời sống liên kết trong gia đình, trong cộng đồng, xã hội và nhất là sống trong tương quan với Thiên Chúa. Xã hội phải hỗ trợ nó trong đời sống tương quan này như thế nào để con người có thể tích cực đóng góp phần mình cho xã hội.

Con người phải được bảo đảm những quyền con người qua xã hội và phải có những trách nhiệm gì đối với xã hội.

Giá trị của những đóng góp cá nhân qua công việc để xây dựng xã hội và những quyền của người lao động.

Tình liên đới với những người nghèo khó và những người dễ bị đẩy ra bên lề xã hội, xa hơn nữa tình liên đới với những quốc gia, dân tộc nghèo, kém phát triển.

Trách nhiệm bảo vệ công trình tạo dựng của Thiên Chúa: trách nhiệm bảo tồn trái đất, bảo vệ môi trường.

Mục đích của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo cho thấy rõ ràng: Giáo hội trình bày cái nhìn của mình về con người và xã hội, giáo hội đề cao những giá trị cổ võ và hỗ trợ cho đời sống con người và xã hội. Giáo Hội nhắc nhở cho các thành viên của mình về sứ vụ sống ơn gọi Kitô hữu trong những vấn đề liên quan đến con người và xây dựng xã hội dưới ánh sáng của Đức Tin Công Giáo. Nếu nhìn vào những điều căn bản của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, thì việc quảng bá học thuyết này gắn liền với việc Truyền Thông Xã Hội mang tính Công Giáo, đã được trình bày ở trên. Để cho mọi người biết Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, chúng ta thấy có rất nhiều phương cách để thực hiện. “Truyền Thông” mà Chúa đã làm nơi dân tộc Chúa chọn, đặc biệt nơi con người của Đức Kitô, có nhiều hình thức, nhiều cách thức, được lựa chọn trong nhiều bối cảnh xã hội khác nhau. Vấn đề chính không nằm ở trong cách truyền thông, nhưng nằm ở chỗ con người truyền thông. Chúng ta cần có những con người truyền thông có tinh thần như Chúa Giê-su, có tâm tư thao thức cho con người, cho xã hội và cho Giáo Hội, đồng thời những con người đó phải có trình độ hiểu biết về những vấn đề xã hội, tâm linh, tâm lý, cũng như có khả năng sử dụng những phương tiện truyền thông một cách linh hoạt và sáng tạo. Việc này cần có một chương trình đào tạo.

3.2 Truyền Thông Xã Hội của Giáo Hội Việt Nam: Một Cái Nhìn Sơ Lược

Theo cái nhìn cá nhân của tác giả, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào vừa rộng vừa sâu về hoạt động truyền thông của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, có thể với thời điểm hiện nay cái nhìn này quá mang tính chủ quan. Nếu xét truyền thông theo những yếu tố đã được trình bày ở các phần trên (martyria, leiturgia, và diakonia), truyền thông Công Giáo ở Việt Nam được thực hiện qua việc cử hành các thánh lễ, dạy giáo lý, các khóa học cho giáo lý viên, những dịp hội họp lớn cho giới trẻ, các nhóm sinh hoạt, các khóa hôn nhân, những công việc từ thiện như phát quà, khám bệnh cho người nghèo, những hoạt động có tính nghệ thuật trong các ngày lễ lớn, những ngày kỷ niệm, vv… được tổ chức:

Trong các giáo xứ

Ở các điểm mục vụ hay truyền giáo của các cộng đoàn dòng tu,

Nơi các trung tâm mục vụ (thuộc giáo phận, cũng như thuộc các nhà dòng), từ một vài năm gần đây,

Qua những hoạt động đặc thù của các giáo phận, với những hoàn cảnh khác nhau của từng giáo phận, ví dụ như mục vụ di dân, mục vụ cho người nghèo, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV, truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số, vv…

Cũng cần phải nói rằng Giáo hội Công Giáo ở Việt Nam còn bị giới hạn trong phát hành sách báo, phim ảnh, giới hạn trong truyền thông qua những phương tiện hiện đại như Radio, TV, Cyber Space, Apps, etc… Có những hoạt động còn mang tính truyền thống, giới hạn trong giáo xứ, có những hoạt động chỉ được biết đến giữa những nhóm những thành viên quen biết nhau, ví dụ như những nhóm người lao động, sinh viên xa quê (mục vụ di dân). Họ gặp gỡ chia sẻ thông tin hữu ích cho những người mới, an ủi nhau trong hoàn cảnh xa nhà, mở trang mạng để dễ liên lạc với nhau. Có những nhóm thiện nguyện mở quán ăn cho người lao động với mức lương thấp, đi giúp tặng quà, khám bệnh cho người nghèo được tổ chức một cách tự phát, tác giả có gặp gỡ một số nhóm và được họ CHO những kinh nghiệm về đời sống về niềm tin rất quý báu. Nhưng ít người biết đến họ. Cách truyền thông này là cách truyền thông qua các hoạt động cụ thể, đề cao tình người, đề cao giá trị con người. Đây không phải là điều mà Học Thuyết Xã Hội muốn đạt đến hay sao?

Nhìn chung có rất nhiều hoạt động “truyền thông”, nhưng chúng ta biết đến các hoạt động đó hay không? Chúng ta biết họ hoạt động như thế nào? Có những thành công nào hay có những khó khăn gì? Chúng ta có nhận ra được họ đóng góp cụ thể điều gì cho xã hội và cho việc giới thiệu và xây dựng giáo hội? Họ cần nơi chúng ta điều gì? Một số nghiên cứu sâu sẽ giúp cho Giáo Hội có một cái nhìn cụ thể, có một bức tranh cụ thể về những hiện tượng và hoạt động truyền thông đang diễn ra. Từ đó, chúng ta hy vọng có thể đóng góp vào việc hỗ trợ và phát triển những hoạt động truyền thông trong mục vụ, cũng như trong công việc truyền giáo hay trong các việc bác ái của Giáo Hội. Chúng ta cần phải làm gì? Người khác có hiểu cách truyền đạt của chúng ta hay không? Chúng ta cần phải thay đổi điều gì trong cách thức truyền thông của chúng ta hiện nay? Việc này không chỉ dừng lại ở cảm nhận, nhưng phải được suy xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

4. Hoàn Cảnh Xã Hội ở Việt Nam và Tác Động Của Nó Trong Truyền Thông Xã Hội: Một Vài Nét Sơ Lược

Sự thay đổi về cấu trúc xã hội của Việt Nam được tạo nên bởi quá trình phát triển các thành phố công nghệ. Những trung tâm công nghiệp do người nước ngoài làm chủ được xây dựng, đặc biệt ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, cũng như các thành phố đang phát triển, kéo theo những thay đổi đậm nét trong cơ cấu trúc xã hội ở Việt Nam.

Khi các thành phố có các khu công nghiệp lớn đón tiếp làn sóng người lao động ở các địa phương khác đến tìm việc, họ cũng đồng thời tiếp xúc với những cách sống, những nét văn hóa khác với môi trường của mình, và họ phải học cách thích ứng với những người khác biệt này. Dẫn đến có nhiều mối liên hệ mới khác với những liên hệ họ đã quen nơi địa phương mình. (Liên quan đến mục vụ giáo xứ, mục vụ cho người di dân)

Đối với những địa phương có nhiều người phải rời đi tìm việc hay đi học ở phương xa, có sự gián đoạn giữa các thế hệ, chỉ còn có người già và trẻ em ở địa phương, thế hệ trẻ không còn bao nhiêu, thậm chí biến mất. Họ không còn hiện diện để dung hòa hai thế hệ già và trẻ em. (Liên quan đến mục vụ giáo xứ)

Những người trẻ phải đi xa kiếm việc hay đi học có những thay đổi về môi trường sống, đặc biệt về văn hóa và nếp sống. Họ không còn sống trong cộng đồng quen thuộc với những nét sinh hoạt đã định hình trong đời sống thường ngày, với những nét văn hóa, những giá trị họ thường biết qua. Trong môi trường mới, họ mất đi thế giới quen thuộc của mình và cũng không hoàn toàn là một thành phần ở nơi cư ngụ mới. Họ sống giữa hai thế giới. Một nếp sống với được hình thành với những nét văn hóa mới, họ tự lựa chọn những điều phù hợp với mình và tổng hợp với những gì mà họ đã quen biết trước tạo thành một văn hóa và nếp sống của riêng họ. (Mục vụ giáo xứ, mục vụ đặc biệt)

Xã hội hiện đại mở ra cho con người nhiều cánh cửa hướng đến thế giới bên ngoài, đặc biệt là sự phát triển về kỹ thuật giúp cho việc truyền thông xã hội của con người mở rộng ra hầu như không còn giới hạn nào cả. Internet, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ của điện thoại thông minh, đã tạo ra những mạng lưới truyền thông ảo, hoàn toàn khác với những mạng lưới xã hội mà con người đã quen biết trước như gia đình, làng xóm, khu phố, cộng đoàn, nhóm, bạn học, vv… Qua thế giới ảo con người thu thập thêm những kiến thức, những thông tin, những giá trị mới hay có thể khác với những gì trước đây họ đã học, đã biết, đã chia sẻ. Trên mạng xã hội, trong thế giới ảo, không có một hệ thống, thẩm quyền nào có thể định hướng, kiểm soát, hay thanh lọc những thông tin được truyền tải, những giá trị được chia sẻ, những kiến thức được truyền bá với tốc độ nhanh chóng và phạm vi rộng rãi.

Số lượng khổng lồ của những thông tin, thông điệp (tích cực, cũng như tiêu cực), những giá trị chưa được thẩm định và đồng tình, liên tục đến với người “lướt mạng”. Phần lớn, người ta không có đủ thời gian, kiến thức vững vàng, và kinh nghiệm từng trải để tiêu thụ số lượng thông tin khổng lồ này và họ chọn lựa những thông tin nào họ thích, giá trị nào “hợp” với họ và coi đó là những kiến thức và kinh nghiệm họ học hỏi thêm được. Các nhà nghiên cứu xã hội, từ năm 1990 trở đi, đã đề ra một khái niệm một “xã hội mang tính chọn lựa” (selective society). Vì không thể tiêu thụ hết được những gì đang truyền tải hay quảng bá trong xã hội, cá nhân đã phải tự chọn ra những điều họ cảm thấy “phù hợp” với cuộc sống của mình và không quan tâm đến điều khác.

Bức tranh chung và còn rất sơ lược của những hiện tượng thay đổi trong xã hội trên chính là thách đố của con người ngày nay. Theo James Lull, những biến đổi đó đặt con người vào trong một tình huống ứng đối là tạo ra một cách thức sống mới trong xã hội hiện đại: phối hợp giữa cái mới và cái cũ. Trong một mớ hỗn độn của những thông tin, những giá trị mới và khác lạ, đến từ những vùng và những nguồn văn hóa khác, con người ngày hôm nay là phải mò mẫm, tổng hợp lại và tìm ra những cách thức để phối hợp với những gì có trong một môi trường xã hội mà cá nhân con người đó đã quá quen thuộc, những điều được gia đình, tôn giáo, xã hội và truyền thống dân tộc đã từng truyền tải cho người đó[35]. Chịu nhiều ảnh hưởng nhất đó là những người trẻ.

Để có thể truyền bá và thực hiện Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo một cách có hiệu quả, thiết nghĩ, chúng ta phải có ý thức về những biến đổi này. Chúng ta phải biết đến hoàn cảnh xã hội của những người chúng ta muốn giới thiệu những giá trị của Giáo Hội Công Giáo trong việc hỗ trợ, xây dựng đời sống con người và trong những nỗ lực để phát triển xã hội. Chúng ta phải biết đến những nhu cầu thiết thực nhất mà những con người đó đang tranh đấu, vật lộn với cuộc sống để đạt đến.

Excursion: Một Thoáng Nhìn Về Hoạt Động Online của Giáo Hội Trong Xã Hội Việt Nam

Theo thống kê của Internet World Stats về sử dụng Internet ở Việt Nam vào tháng 6 năm 2017, Việt Nam có 64.000.000 người dùng mạng Internet, cũng với số lượng đó là những người đang sử dụng Facebook trong tổng số 95.414.640 người dân, tức là chiếm khoảng 67,1% dân số[36]. Có số lượng người dùng Facebook đứng thứ 3 châu Á[37].

Có một số mạng xã hội đã được thiết kế cho người dùng ở Việt Nam, có lẽ mạng lớn nhất hiện nay là Zing Me. Zing Me đem đến nhiều dịch vụ cho người dùng như Blog tiếng Việt, điện thư, tin tức, âm nhạc phim ảnh để giải trí, trò chơi điện tử, etc. Mới đây còn có thêm ứng dụng App cho điện thoại thông minh[38]. Phần lớn người dùng mạng xã hội nhắm vào tìm kiếm thông tin, kiến thức, giải trí, tìm bạn, và chia sẻ ý tưởng. Một số nhắm vào mục đích giao thương.

Theo tác giả tìm kiếm thì Giáo Hội Việt Nam, xét theo cơ cấu căn bản, gồm có Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các giáo phận, và một số cơ cấu quan trọng, đã liệt kê trên trang Website của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 37 trang webs chính (bao gồm cả web của HĐGM)[39]. Tác giả cũng có biết một số trang webs khác của các dòng tu, các trung tâm mục vụ, một số giáo xứ, nhưng chưa có tập trung thống kê ra có bao nhiêu trang webs tương tự.

Nếu chỉ nhìn lướt qua các trang webs được kể trên, chúng ta dễ dàng nhìn ra cấu trúc chung của các trang webs này:

Tin tức Giáo Hội Hoàn Vũ

Tin tức giáo phận, giáo xứ, hay dòng tu

Suy niệm hay bài giảng ngày Chúa Nhật (Audio/Video), Suy niệm Lời Chúa hằng ngày

Một số trang có đưa lên những tài liệu của Giáo Hội Công Giáo như các tài liệu giáo huấn, tài liệu Công Đồng Vatican II, etc.

Một số có giới thiệu các tài liệu giáo lý

Thông tin về các hoạt động, những sự kiện đặc biệt của từng giáo phận, giáo xứ, dòng tu, trung tâm, etc.

Muốn biết tin tức của Giáo Hội hoàn vũ, ta chỉ cần đọc trong một trang web. Có những bài suy niệm Lời Chúa, có thể tìm thấy trên trang web này hay trang web khác (không biết trang nào lấy của trang nào). Tương tự người ta có thể tìm được một vài câu chuyện chia sẻ trên trang web nọ giống với trang web kia (hình như đây là hiện tượng copy and paste).

Ngôn ngữ sử dụng vẫn là ngôn ngữ cho người đã quen với cách nói trong Giáo Hội, tức là những người thường xuyên đến nhà thờ, những người thường xuyên nghe và đọc những tài liệu, những văn bản hay những bài giáo lý đã thường được nghe. Thêm nữa có những bài suy niệm, giáo lý rất dài, điều mà tác giả thấy rằng chúng ta cần phải biết ngôn ngữ viết trên báo mạng ngày nay thường rất ngắn gọn, xúc tích, chỉ truyền đạt nội dung chính của thông điệp (không làm thơ, tả cảnh), nguyên nhân là người ta “lướt web” chứ không “đọc web”, việc này hoàn toàn khác với việc đọc một cuốn sách, một tường thuật hay ký sự trên báo giấy.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định:

“Mạng lưới Internet, hiểu theo nghĩa của thời Rô-ma cổ (forum Romanum), rõ ràng là một địa điểm công cộng, nơi mà những vấn đề chính trị, thương mại được trao đổi, nơi những nhiệm vụ mang tính tôn giáo được hoàn tất, nơi có nhiều yếu tố về đời sống xã hội (của địa phương đó) đang diễn ra, và nơi mà những điều tốt đẹp nhất và tệ hại nhất của bản chất con người được biểu lộ. Nó như là một không gian đô thị với số lượng lớn người tuôn về đó và nó phản ảnh lại nền văn hóa đang hiện diện đồng thời tạo nên một nền văn hóa riêng biệt của mình.”[40]

Cũng chính vị giáo hoàng này đã từng nhắc nhở trong Thông Điệp “Redemptoris Missio” vào năm 1990 rằng:

“Những phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên rất quan trọng như là những phương tiện chính cho truyền thông và giáo dục, cho việc định hướng và hình thành nên những hành vi của cá nhân, gia đình cũng như xã hội nói chung.”[41]

Vì thế, ngài đã nhấn mạnh:

“Sẽ không đủ, nếu như chúng ta sử dụng những phương tiện truyền thông để quảng bá thông điệp của Kitô giáo cũng như những giáo huấn của Giáo Hội. Điều cần thiết là chúng ta cũng phải để thông điệp (của chúng ta) thấm nhuần vào nền văn hóa đó. Đây là một vấn đề phức tạp, bởi vì nền văn hóa này được sinh ra không chỉ đơn giản từ nội dung mà rốt cuộc nó muốn biểu đạt, nhưng từ một thực tế là nó chứa đựng những phương pháp truyền đạt mới, với những ngôn ngữ mới, những cách thức mới và tâm lý mới.”[42]

Chúng ta chưa có thực hiện những khảo cứu ai là những người ghé thăm trang mạng này hoặc trang mạng kia, có thường xuyên hay không, họ có ý kiến gì về bài này hoặc bài nọ, họ thích hay không thích mục này hay mục kia và vì sao. Chúng ta sử dụng những trang mạng vì đó là phương tiện tiện lợi trong việc phát đi thông tin và lưu trữ những dữ liệu để người khác, nếu họ muốn, có thể vào được. Đây vẫn còn là trạng thái của Web 1, Web 2 là trạng thái tương tác, có nghĩa là tiếp xúc với đối tượng truyền thông và có tác động hỗ tương với nhau. Hiện nay, có một số nơi người ta còn đang cố gắng phát triển Web 3, và một số người còn có kỳ vọng hướng đến Web 4 trong tương lai.

5. Những Suy Tư Trên Phương Diện Truyền Thông Kitô Giáo

Truyền thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng ta biết tôn trọng lẫn nhau. Việc chia sẻ của chúng ta không phải là sự ban ân cho những người thiếu thốn, nhưng chúng ta cảm nhận cái quý giá của đời sống liên kết với Thiên Chúa và đời sống ấy đã cho chúng ta điều gì, chúng ta cho người khác điều đó. Chỉ có khi nào chúng ta cảm nghiệm được trong tận thâm sâu của tâm hồn sức sống, sức mạnh và sự bình an mà Thiên Chúa ban, chỉ khi đó chính cảm nghiệm này thúc đẩy chúng ta: Hãy chia sẻ nó! Khi tâm hồn chúng ta tràn đầy niềm vui, được lấp đầy bởi sức sống dồi dào, chúng ta tự động chia sẻ cảm nghiệm này cho người khác.

Chúng ta cũng học biết đón nhận những gì người khác trao cho chúng ta, những gì có trong họ, trong đời sống của họ, những gì đang đánh động họ, đang khuấy động tâm tư của họ. Dù kinh nghiệm của họ khác, nhưng họ chỉ có thể chia sẻ với chúng ta điều họ có. Thái độ lắng nghe cũng là một cách truyền thông. Ngày nay, trong các nghiên cứu khách hàng của các công ty truyền thông, người ta thường chú trọng đến việc hướng về người nghe (audience-oriented), trong lãnh vực tâm lý hay tư vấn người ta sử dụng những ý tưởng như hướng về người bệnh (client-oriented) hay hướng về cá nhân/nhân vị của người bệnh (person-centered). Hy vọng người truyền thông Kitô giáo thực sự biết mình nên chia sẻ điều gì, đồng thời nên biết đối tượng mà mình chia sẻ là ai. Họ không phải là đối tượng chỉ thụ động tiếp nhận những thông tin, hay kiến thức của chúng ta, nhưng họ có quyền chia sẻ cảm nhận và kinh nghiệm của họ. Với cách chia sẻ của chúng ta và với những gì chúng ta chia sẻ, người khác cảm nhận được họ có giá trị gì trong mắt của chúng ta (nhân phẩm con người).

Từ việc tôn trọng đối tượng mình muốn chia sẻ truyền đạt, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp xúc và gần gũi với những người đó. Từ việc gần gũi tiếp xúc trao đổi, chúng ta sẽ mau chóng học biết được phương tiện nào, và cách thức nào là tốt nhất để truyền đạt chia sẻ cách hiệu quả nhất với những người này. Truyền thông trong Cựu Ước cho chúng ta thấy chúng ta phải biết những phương cách mà con người trong xã hội đang sử dụng để truyền đạt, bối cảnh văn hóa mà họ đang sống, những kiểu mẫu truyền thông họ hay sử dụng nhất trong các quan hệ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết và hiểu những đối tượng mà chúng ta muốn chia sẻ (loại người, tuổi tác, trình độ giáo dục, ngôn ngữ thích hợp). Thêm vào đó, các ngôn sứ dạy chúng ta biết ý thức những gì đang xảy ra trong xã hội chúng ta, những gì đang làm xã hội thay đổi (tích cực hay tiêu cực), sau đó chúng ta biết suy tư và tìm hiểu về những biến đổi này dưới ánh sáng của Lời Chúa, và rồi chia sẻ những giá trị xây dựng cá nhân và cộng đồng con người với mục đích phát triển con người và xã hội. Truyền thông Công Giáo có tính ngôn sứ nằm ở chỗ: (1) chúng ta học để biết đọc những sự kiện xã hội, (2) chúng ta biết phân tích chúng dưới ánh sáng của Lời Chúa, (3) chúng ta đưa ra những thông điệp hỗ trợ hay đưa ra những nhận định giúp người khác nhìn lại, kiểm định lại đời sống của mình.

Truyền Thông trong tinh thần Đức Kitô thể hiện tất cả những điều trên. Hơn nữa nó phải thấm nhuần hoàn toàn tâm hồn của con người truyền thông.

Bắt đầu bằng sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Đây chính là nền tảng Truyền Thông của Chúa Giê-su.

Luôn dựa trên nền tảng Kinh Thánh mà Chúa đã được học trong môi trường của Ngài.

Luôn từ thực tế đời sống và kinh nghiệm sống của con người, nhưng Chúa hướng dẫn con người nhìn ra những thực tại thiêng liêng có trong đó (Thực tại Nước Trời). Điều quan trọng là qua Truyền Thông của Đức Kitô, con người nhận ra giá trị của mình, trách nhiệm của cá nhân đối với người khác và xã hội, và nhất là cảm nghiệm được con người được Thiên Chúa yêu thương.

Thao thức với những biến động xã hội, vì thế mà Chúa cũng đưa ra những sự kiện đã xảy ra trong xã hội, để truyền tải Tin Mừng cho con người.

Đánh động tâm hồn con người hay có khi đối chất hay thách đố đối tượng Chúa giao tiếp bằng những câu hỏi, những ví dụ ai cũng hiểu để họ biết nhìn lại mình. Vì thế, có khi Chúa nói lời an ủi, có khi Chúa dùng lời lẽ sắc bén, có khi Chúa dùng những ví dụ giải thích, phản biện, phê phán.

Trong Truyền Thông của Đức Kitô, con người truyền thông đồng nhất với sứ điệp truyền thông. Chúa chia sẻ thông điệp của Thiên Chúa qua lời giảng, qua hành động, qua cuộc sống của mình.

6. Tạm Kết Luận

Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo cần được phổ biến trước hết cho các tín hữu công giáo và qua đó giới thiệu cho những anh, chị, em khác trên đất nước Việt Nam. Đây có lẽ là điều Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam rất mong muốn. Việc chia sẻ những giá trị mà Giáo Hội xác tín liên quan đến đời sống con người và xã hội nên được thực hiện bằng hai cách: (1) giới thiệu, giải thích nội dung của học thuyết này (kerygma), (2) thể hiện và minh họa nội dung ấy qua các hoạt động của Giáo Hội, ở điểm này Giáo Hội trở nên “dấu chỉ và công cụ” để người ta cảm nhận được điều Giáo Hội muốn chia sẻ, hiểu được những giá trị mà người Công Giáo muốn chia sẻ với anh, chị, em mình (koinonia).

Muốn truyền đạt Học Thuyết Xã Hội một cách hiệu quả và có phương pháp khoa học, chúng ta cần có một bức tranh toàn cảnh về “Truyền Thông của Giáo Hội Công Giáo” ở Việt Nam. Mỗi một giáo phận, mỗi một giáo xứ sẽ có những nét đặc thù ảnh hưởng bởi địa phương, bởi văn hóa của vùng đó, vì thế sẽ có những hướng mục vụ và hoạt động khác nhau. Chính bởi nhiều yếu tố khác biệt của vùng, miền, văn hóa, sinh hoạt theo nề nếp quen thuộc, chúng ta cần phải có bức tranh toàn cảnh này, để học hỏi người khác cách thế họ truyền thông trong bối cảnh của họ như thế nào, họ vượt khó ra sao, họ có những thách đố gì. Ngược lại, các nơi khác cũng học hỏi nơi chúng ta điều gì đó có thể ứng dụng riêng cho họ, hay điều gì đó gây cảm hứng cho những người truyền thông ở những nơi ấy tìm ra cách làm tốt hơn. Việc này đòi hỏi một khảo cứu rộng của Giáo Hội Việt Nam để vẽ lên bức tranh đó.

Việc truyền đạt những giá trị của Học Thuyết Xã Hội đòi hỏi chúng ta phải nhạy bén nắm bắt những dịp, những cơ hội, chúng ta có thể giới thiệu những nội dung căn bản của nó: có thể lồng với việc dạy giáo lý không? Lứa tuổi nào nên được tiếp cận vấn đề gì? Nên nói chuyện gì liên quan đến Học Thuyết Xã Hội ở nhóm này, đoàn thể kia, với bối cảnh xã hội riêng biệt của họ (Công nhân, sinh viên, cha mẹ, etc.)? Vì thế, việc đòi hỏi nữa là biết và hiểu những đối tượng mà chúng ta muốn chia sẻ: những trải nghiệm xã hội và những kiến thức của họ cho chúng ta điều gì? Chúng ta có thể cùng nhau (người truyền thông và đối tượng truyền thông) nhìn lại những trải nghiệm đó và phân tích chúng dưới ánh sáng của Học Thuyết Xã Hội để đưa ra hướng sống? Đây chính là sự tôn trọng nhau.

Những người tự nguyện trong các hoạt động bác ái, từ thiện, những hội nhóm của các giáo xứ trong những công việc tương tự cần gì ở nơi chúng ta? Chúng ta làm thế nào để cổ võ và hỗ trợ họ trong việc thể hiện các giá trị của Học Thuyết Xã Hội qua chính các hoạt động của họ. Những hội đoàn, những cá nhân này cũng là những nét biểu tả khuôn mặt của Giáo Hội nơi những anh, chị, em khác. Chúng ta có thể trang bị hành trang nào cho họ trong các hoạt động đó? Họ có cần được đào tạo thêm ở điểm nào không? Họ có thể là sự trung gian liên kết chúng ta với những người khác trong xã hội không? Chúng ta hiện diện nơi họ như thế nào? Có sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu những vấn đề của họ? Những suy tư này đòi hỏi chúng ta một cách tiếp cận với những đoàn thể và nhóm tự nguyện.

Tất cả những vấn đề được nêu trên, thiết nghĩ, cần phải được nghiên cứu, khảo sát nghiêm túc, để chúng ta có thể nắm bắt được vấn đề, chứ không dừng lại ở chỗ “cảm thấy có những hiện tượng”. Từ những nghiên cứu đó, chúng ta có thể lập nên một chương trình đào tạo cho những nhà truyền thông Kitô giáo, vừa có khả năng, vừa có trình độ hiểu biết và có thái độ truyền thông giống như Chúa Giê-su đã làm. Chương trình nghiên cứu cụ thể dẫn đến một chương trình đào tạo rõ rệt, theo cái nhìn của tác giả chính là câu hỏi quan trọng cho việc đào tạo các nhà truyền thông Công giáo, trước hết là hàng ngũ linh mục tu sĩ và qua đó là những người Công Giáo đang hoạt động trong những lĩnh vực truyền thông quan trọng trong xã hội.

 

***************************

Tài Liệu Tham Khảo

Anh Vu Ta & Franz-Josef Eilers, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology. Manila: Logos (Divine Word) Publications, Inc., 2015.

Anh Vu Ta. “Communication Theology for Pastoral communication as a New Approach”, Asian Horizons: Dharmaram Journal of Theology. (Dharmaram Vidya Kshetram: Bangalore, India, Vol. 5, No. 3, September, 2011.

Avery Dulles. The Church is Communications, Catholic Mind. 69, No. 1256: Multimedia International 1972.

Avery Dulles. “The Church and Communication,” The Reshaping of Catholicism: Current Challenges in the Theology of Church. San Francisco: Harper and Row 1988.

Carlo M. Martini, “Effata ‘Apriti’; Il Lembo del Mantello.” Milano Centro: Ambrosiano di Documentazione e Studi religiosi, Milano, 1990.

Carlo M. Martini, Communicating Christ to the World. Quezon City: Claretian Publication, 1996.

Everett M. Rogers, D. Lawrence Kincaid. Communication Networks: Toward a New Paradigm for Research. London: Collier Macmillan Publishers, 1981.

Franz-Josef Eilers. Communicating in Ministry and Mission: An Introduction to Pastoral and Evangelizing Communication. Manila: Logos (Divine Word) Publications, 3rd Ed. 2009.

Franz-Josef Eilers. Communicating in Community: An Introduction to Social Communication. Manila: Logos (Divine Word) Publications, Inc., 4th ed., 2009.

Franz-Josef, Eilers, Communicating Church: Social Communication Documents: An Introduction. Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 2011.

Gisbert Greshake. Der dreieine Gott: Eine Trinitarische Theologie. Freiburg: Herder 4th ed., 2001.

James Lull, ed., Culture in the Communication Age. London and New York: Routledge 2001.

Judy C. Pearson & Paul E. Nelson. An Introduction to Human Communication: Understanding and Sharing. McGraw-Hill 8th ed. 2000.

Jürgen Werbick. Eine Fundamentaltheologie. Freiburg, Basel, Wien: Herder, 3rd ed., 2005.

Jürgen Werbick. Grundfragen der Ekklesiologie. Freiburg: Herder, 2009.

Larry A. Samovar, Richard E. Porter & Edwin R. McDaniel. Communication Between Cultures. Thomson/Wadsworth 6th Ed. 2007.

Littlejohn, Stephen W. and Karen A. Foss. Theories of Human Communication. Belmont, CA: Thomson/Wadsworth 9th Ed. 2008.

Nguyễn Thị Hậu ed. Mạng Xã Hội với Giới Trẻ Thành Phố Hồ Chí Minh (Social Network with the youth of Ho Chi Minh City). Ho Chi Minh City: Văn Hóa Nghệ Thuật 2013.

Tài Liệu của Giáo Hội

“Communio et Progressio”, Tài Liệu Hướng Dẫn trong việc Ứng Dụng văn bản “Inter Mirifica”, được soạn thảo và công bố bởi Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội năm 1971.

“Internet: A New Forum for Proclaiming the Gospel”, Thông Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới thứ 36, tháng Năm năm 2002, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

“Lumen Gentium”, Hiến Chương Công Đồng Vatican II về Giáo Hội, 1964.

“Redemtoris Missio”, Thông Điệp về Giá Trị của Sứ Mạng Truyền Giáo của Giáo Hội, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 1990.

Websites

http://www.internetworldstats.com/stats3.htm

http://www.internetworldstats.com/asia.htm#vn

http://hdgmvietnam.org/ 

Thuyết trình viên: Lm. Phêrô Tạ Anh Vũ
Nguồn: ubclhb.com

 

 

[1] Stephen W. Littlejohn and A. Foss. Karen, Theories of Human Communication, (Belmont, CA: Thomson/Wadsworth 9th Ed. 2008), 3-7.

[2] ] Eilers, Franz-Josef. Communicating in Ministry and Mission: An Introduction to Pastoral and Evangelizing Communication (Manila: Logos 3rd Ed. 2009), 22-24. Cf. Judy C. Pearson & Paul E. Nelson, An Introduction to Human Communication: Understanding and Sharing (McGraw-Hill 8th Ed. 2000), 6-7; Larry A. Samovar, Richard E. Porter & Edwin R. McDaniel, Communication Between Cultures (Thomson/Wadsworth 6th Ed. 2007), 2-16.

[3] Anh Vu Ta, “Communication Theology for Pastoral communication as a New Approach”, Asian Horizons: Dharmaram Journal of Theology (Dharmaram Vidya Kshetram: Bangalore, India, Vol. 5, No. 3, September, 2011), 432.

[4] Cf. Everett M. Rogers, D. Lawrence Kincaid, Communication Networks: Toward a New Paradigm for Research (London: Collier Macmillan Publishers, 1981), 32-33.

[5] Sđd.

[6] Everett M. Rogers, Lawrence Kincaid, Communication Networks, 34-35.

[7] Everett Rogers, Lawrence Kincaid, Communication Networks, 65.

[8] “Inter Mirifica” là sắc lệnh đầu tiên liên quan đến truyền thông xã hội, được một công đồng chung soạn thảo và công bố.

[9] Franz-Josef, Eilers, Communicating Church: Social Communication Documents: An Introduction (Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 2011), 136-137.

[10] “Communio et Progressio”, Tài Liệu Hướng Dẫn trong việc Ứng Dụng văn bản “Inter Mirifica”, được soạn thảo và công bố bởi Hội Đồng Cố Vấn trực thuộc Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội vào năm 1971, 1. (Viết tắt: CeP)

[11] CeP, 6.

[12] CeP., 8.

[13] CeP., 11.

[14] Franz-Josef, Eilers, Communicating in Community: An Introduction to Social Communication (Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 4th ed., 2009), 35.

[15] Anh Vu Ta and Franz-Josef Eilers, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology (Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 2015), 36-37.

[16] “Gott ist jene communio, in der die drei göttlichen Personen im trialogischen Wechselspiel der Liebe das eine göttliche Leben als Sebstmitteilung vollziehen.“ Gisbert Greshake, Der dreieine Gott: Eine Trinitarische Theologie (Freiburg: Herder 4th ed., 2001), 179.

[17] Anh Vu Ta and Franz-Josef Eilers, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology, 48-49.

[18] Anh Vu Ta, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology, 52-54.

[19] Sđd., 55-58.

[20] Franz-Josef Eilers, Communicating in Ministry and Mision (Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 2009), 27.

[21] Anh Vu Ta, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology, 62-63.

[22] Carlo M. Martini, “Effata ‘Apriti’; Il Lembo del Mantello” Milano Centro: Ambrosiano di Documentazione e Studi religiosi, Milano, 1990.

[23] Carlo M. Martini, “Effata ‘Apriti’; Il Lembo del Mantello.” No. 30ff.

[24] Anh Vu Ta, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology, 74-75.

[25] Xin xem thêm: Anh Vu Ta, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology, 75-81.

[26] CeP, 11.

[27] CeP, 11.

[28] CeP, 10.

[29] Xem: Anh Vu Ta, Franz-Josef Eilers, Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology, 86-87.

[30] LG, 1.

[31] Avery Dulles, The Church is Communications, Catholic Mind (69, No. 1256: Multimedia International 1972), 6.

[32] Avery Dulles, “The Church and Communication,” The Reshaping of Catholicism: Current Challenges in the Theology of Church (San Francisco: Harper and Row 1988), 110.

[33] Jürgen Werbick, Grundfragen der Ekklesiologie (Freiburg: Herder, 2009), 121-124.

[34] Jürgen Werbick, Eine Fundamentaltheologie (Freiburg, Basel, Wien: Herder, 3rd ed., 2005), 770.

[35] Xem: James Lull, ed., Culture in the Communication Age, (London and New York: Routledge 2001), 138.

[38] Nguyễn Thị Hậu ed., Mạng Xã Hội với Giới Trẻ Thành Phố Hồ Chí Minh (Social Network with the youth of Ho Chi Minh City) (Ho Chi Minh City: Văn Hóa Nghệ Thuật 2013), 52-54.

[40] “Internet: A New Forum for Proclaiming the Gospel”, Thông Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới thứ 36, tháng Năm năm 2002, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, 2.

[41] “Redemtoris Missio”, Thông Điệp về Giá Trị của Sứ Mạng Truyền Giáo của Giáo Hội, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, 1990, 37c.

[42] “Redemtoris Missio”, 37c.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây