TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 08/11/2023 13:15 |   603
“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-25)

16/11/2023
THỨ NĂM TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Thánh Margarita Scotland

t5 t32 TN

Lc 17,20-25


ĐỂ “NƯỚC CHÚA TRỊ ĐẾN”
“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-25)

Suy niệm: Người Do Thái vẫn đau đáu mong chờ ‘Triều Đại của Thiên Chúa’. Các kinh sư, các thầy ráp-bi của họ miệt mài tra cứu những dấu hiệu, chỉ dẫn để xác định ngày giờ triều đại ấy đến. Không ít người nghĩ rằng Đấng Ki-tô mà các ngôn sứ tiên báo sẽ đến, dẫn đầu một cuộc nổi dậy đánh tan mọi thế lực để thiết lập triều đại của Ngài trên trần thế này. Chúa Giê-su cho biết những suy nghĩ như thế dẫn người ta đi lạc hướng, bởi vì: “Triều đại của Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.” Quả thật, Nước Thiên Chúa đang đến rồi “ở giữa các ông”, ngay ở đây và trong lúc này. Nước Thiên Chúa đến nơi Đức Giê-su đang hiện diện và nơi những người tin vào Ngài và được qui tụ thành một dân là Ít-ra-en mới, là Hội Thánh.

Mời Bạn: Nhiều người trong chúng ta cũng thường thắc mắc: Nước Chúa đến khi nào, ở đâu, như thế nào? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta niềm vui và hy vọng: Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta: trong cộng đoàn Giáo hội, trong giáo xứ, gia đình, và cách riêng ngay trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Vấn đề là chúng có nhận thức Triều đại Chúa đã đến và đón nhận để cho Triều Đại này ngự trị tâm hồn ta hay không. Để đón nhận Triều Đại Thiên Chúa, chúng ta cùng chiến đấu để loại trừ cái tôi ích kỷ tham lam chạy theo tiền tài, quyền lực, lạc thú, để sống tinh thần bác ái, chia sẻ giữa những người anh chị em là con cái của cùng một Thiên Chúa là Cha trên trời.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một nết xấu và tích cực phục vụ Chúa nơi anh em để góp phần cho Nước Chúa mau hiển trị.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Ngày 16 tháng 11: Lạy Chúa! Khi chiêm ngắm cuộc đời của các thánh, xin cho chúng con ý thức rằng: Không có vị thánh nào, mà không có quá khứ, không có tội nhân nào, mà không có tương lai. Thánh thiện không chỉ là một ước vọng tinh tuyền trong trắng, nhưng còn là một cảm nghiệm về sự mỏng dòn hoen ố thường hằng. Thánh thiện không chỉ là một mục tiêu để chứng minh bản lĩnh, nhưng còn là một phương pháp giải thoát khỏi cái tôi tự yêu mình. Thánh thiện không chỉ là một cuộc chinh phục đỉnh cao hoàn thiện, nhưng còn là một ý thức về những bất lực, thất bại triền miên. Thánh thiện không chỉ là một trạng thái đầy tràn trọn vẹn, nhưng còn là một xác tín về sự rỗng không trước lòng thương xót Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 7, 22 – 8, 1

“Sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của uy quyền Thiên Chúa”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Trong sự khôn ngoan có tinh thần sáng suốt, thánh thiện, duy nhất, đa diện, tinh vi, lợi khẩu, linh động, tinh tuyền, chắc chắn, dịu dàng, phục thiện, sâu sắc, bất khuất, hào hiệp, nhân đạo, đại lượng, vững tâm, bền chí, vững chắc, bình thản, làm được mọi sự, kiểm soát hết thảy, thấu suốt mọi thần trí, những kẻ thông minh, những người thanh sạch và những người tế nhị. Sự khôn ngoan linh hoạt hơn mọi chuyển động, và vì trong sạch, nên thấu nhập mọi nơi.

Sự khôn ngoan là hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ nhân của Người.

Tuy duy nhất, nhưng sự khôn ngoan có thể làm mọi sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân mọi loài. Qua các thế hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm hồn thánh thiện, làm cho các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri của Thiên Chúa.

Vì Chúa không yêu mến ai nếu không phải là kẻ ở với sự khôn ngoan. Khôn ngoan xinh đẹp hơn mặt trời, trổi vượt mọi tinh tú, và so với ánh sáng, nó còn trổi vượt hơn, vì ánh sáng có lúc phải nhường chỗ cho bóng tối, nhưng ngay cả gian ác cũng không thắng nổi sự khôn ngoan.

Vậy sự khôn ngoan đã lan tràn mạnh mẽ từ bờ cõi này đến bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách khôn khéo.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 118, 89. 90. 91. 130. 135. 175

Ðáp: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời, lời Chúa vẫn còn đó

Xướng: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. Xướng: Ðời nọ sang đời kia, còn mãi lòng trung thành của Chúa, Ngài đã kiến tạo địa cầu, nó còn đứng vững trơ trơ.

Xướng: Theo chỉ dụ Chúa, vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài.

Xướng: Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.

Xướng: Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Nguyện cho hồn con được sống để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con.

Bài Ðọc I: (Năm II) Plm 7-20

“Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Philêmon.

Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng.

Bởi đó, dầu trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi.

Tôi cũng muốn giữ nó lại để thay anh mà giúp đỡ tôi trong lúc tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý anh, nên tôi không muốn làm gì, để việc nghĩa anh làm là một việc tự ý, chứ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa.

Vậy nếu anh nhận tôi là bạn hữu, thì xin anh hãy đón nhận nó như chính mình tôi vậy. Nếu nó đã làm thiệt hại cho anh điều gì, hay mắc nợ anh, xin anh hãy tính vào sổ của tôi. Chính tôi là Phaolô đây, tôi tự tay viết là tôi sẽ thanh toán, trừ phi tôi kể ra cho anh hay rằng chính anh mắc món nợ với tôi. Hỡi anh, thật thế. Nhờ anh tôi sẽ được hân hoan trong Chúa: anh hãy làm cho tôi được thoả lòng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).

Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. 

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. 

Alleluia: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 20-25 

“Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu “Khi nào nước Thiên Chúa đến”, thì Người đáp lại rằng: “Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: “Này nước trời ở đây hay ở kia”. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông”. Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: “Này Người ở đây và này Người ở kia”, các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TRIỀU ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA (Lc 17, 20-25)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Người Do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Nhưng Đức Giê-su nói với Người Do thái: Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Ngài muốn nói triều đại Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Ngài. Để nhận ra Nước Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su, chúng ta không thể dùng giác quan tự nhiên, mà phải nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng  Nước Trời hiện diện ngay trong cuộc sống trần gian này. Vì thế, cuộc sống của chúng ta sẽ là bằng chứng sống động cho sự hiện diện của Nước Trời.

2. Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn là thao thức của con người. Nhờ người Do thái nôn nào chờ đợi Nước Thiên Chúa, nhưng dù có thao thức, có chờ đợi, họ cũng không gặp, dù rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Đức Giê-su đã giải thích lý do: “Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình, thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài. Người Do thái chỉ tìm kiếm Nước Thiên Chúa theo sở thích của họ, do đó, họ khước từ hay giết chết kẻ mang nước Chúa đến cho họ. “Ngài đã đến nơi nhà Ngài, nhưng người nhà đã  không đón tiếp Ngài “vì họ chỉ mơ ước một nước trần thế” (R.Veritas).

3. Thực ra, triều đại Thiên Chúa là một biến cố trọng đại, nhưng không phải trọng đại theo cặp mắt loài người. Với sự xuất hiện của Đức Giê-su thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là “tin” và “theo” Đức Giê-su. Ai muốn thuộc về Nước ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài , nơi đó Nước Thiên Chúa được thể hiện.

4. Có thể nói, loan báo “Triều đại Thiên Chúa” là chính sứ mạng của Đức Giê-su khi Ngài nhập thể. Ngay từ những lời đầu tiên khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giê-su đã rao giảng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Ngài quả quyết thời đại hồng ân mà tiên tri I-sai-a tiên báo nay đã thành hiện thực: Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quí vị vữa nghe” (Lc 4,21). Thế mà tiếc thay, người ta lại mải mê đi tìm một thứ “triều đại” khác, “ở chỗ này, ở chỗ kia” “như một điều có thể quan sát được”. Hôm nay, Đức Giê-su nói trắng ra: Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Ngài chính là “Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Chỉ khi nhìn lên thập giá người ta mới có thể nhận ra Triều đại của Thiên Chúa đã đến nơi chính con người Đức Giê-su, như người trộm sám hối đã tuyên xưng: Ông Giê-su ơi! Khi nào vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” (5 phút Lời Chúa).

5. “Chúa lại đến”. Đức Giê-su nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, có ngày Đức Giê-su quang lâm, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết thời gian ngày tận thế. Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một điểm mà không ai biết trước được vào ngày Đức Giê-su sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong  lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nảy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi; không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.

Vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa đến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là  dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi (Hiền Lâm).

6. Qua cuộc sống của Ngài, Đức Giê-su đã vạch cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Đức Giê-su  hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.

7. Truyện: Chúa ở đâu Thiên đàng ở đó.

Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được về với Chúa Giê-su.

Cậu bé nói:

– Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giê-su và ở với Ngài mãi mãi.

Nhà truyền giáo đáp:

– Nhưng nếu Đức Giê-su phải rời khỏi Thiên Đàng, con sẽ làm gì?

– Con sẽ đi theo Người.

Nhà truyền giáo lại nói:

– Nhưng giả thử Đức Giê-su đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì?

Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp:

– Ồ, ở đâu có Đức Giê-su, thì ở đó không thể có hỏa ngục. Chúa Giê-su ở đâu, ở đó là Thiên Đàng.

KHI NÀO, NƠI NÀO & THẾ NÀO?
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”.

Mỗi khi người Anh muốn tìm hiểu một sự việc quan trọng nào đó, họ thường đặt ba câu hỏi: “When, Where & How?”; “Khi nào, Nơi nào & Thế nào?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, trong Tin Mừng hôm nay, các biệt phái mới chỉ hỏi Chúa Giêsu “Khi nào Triều Đại Thiên Chúa đến?”. Không chỉ trả lời nó đến “Khi nào”, nhưng Ngài còn cho họ biết nó sẽ đến “Nơi nào” và đến “Thế nào!”.

“Khi nào?”. Vì quan niệm không đúng về Triều Đại Thiên Chúa, các biệt phái trông chờ một Messia ‘thế tục’, vốn sẽ đánh đổ ngoại bang và khôi phục chủ quyền Israel. Đang khi Vương Quyền của Chúa Kitô thì quan tâm đến linh hồn và cuộc chiến bên trong của nó; cuộc chiến giữa thiện và ác, trời và đất, Thiên Chúa và thế gian. Vì ngộ nhận, họ từ chối Ngài. Ấy thế, hai ngàn năm sau, cả chúng ta, cũng có thể mắc phải sai lầm của các biệt phái! Một đức tin èo uột khiến chúng ta không nhận ra Triều Đại Thiên Chúa trong Chúa Kitô mãi cho đến khi chúng ta chấp nhận Ngài là Vua linh hồn mình; cho phép Ngài làm chủ và sắp đặt cuộc sống mình. Chỉ lúc ấy, Triều Đại Ngài mới ngự trị. “Khi nào?” chính là lúc này, thời điểm để tôi gặp Chúa Kitô, để Ngài là Vua của linh hồn tôi!

“Nơi nào?”. Không chỉ các biệt phái, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải vật lộn để hiểu ngọn nguồn của Triều Đại Ngài. Nó ở đâu? Họ tìm biết “Ngày của Con Người”; đúng hơn, tìm biết Triều Đại Kitô Giêsu, Thầy họ, Đấng sẽ thu tóm mọi quyền lực thế gian, thống trị thế giới, nơi mà Giacôbê và Gioan ước được một chỗ bên hữu, bên tả. Đang khi Chúa Kitô đến, trước hết, để ngự trị trong lòng mỗi người, trong lòng họ, kể cả những người rốt hèn nhất, “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”.

“Thế nào?”. Nếu Triều Đại Thiên Chúa ở đây, giờ này, trong lòng chúng ta, thế thì làm sao để chúng ta có thể hoàn toàn thuộc về Vương Quốc Ngài? Ngài cho biết, hãy vào đó theo phong cách của Vua Kitô! Ngài đã vào đó qua cánh cửa khổ đau và thập giá, “Phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ”. Cũng bằng cách này, qua cánh cửa khổ đau và thập giá, bạn và tôi làm cho Triều Đại Kitô trở nên những gì là của mình ngày càng hơn; và cuối cùng, chính Triều Đại và Đức Vua sẽ tỏ mình uy linh cho chúng ta như “ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”. Ai trong chúng ta cũng có một đất nước, một quê hương. Tuy khác nhau về địa lý, bạn và tôi có cùng một nguồn cội trong ‘bản đồ’ Nước Trời; đúng hơn, trong cung lòng Chúa Cha. Chỉ cần chúng ta nhận thức mình là công dân của Nước ấy bằng cách cho phép Chúa Kitô chiếm chỗ nhất trong cuộc sống. Ngài sẽ tỏ mình cho chúng ta và qua chúng ta, cho người khác. Quốc tịch của chúng ta là Nước Trời, hiến pháp của chúng ta là Bát Phúc, đó là hiến chương của một Vương Quốc “Phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu” như bài đọc Khôn Ngoan nói đến. Bởi lẽ, chúng ta tin “Lời Ngài bền vững đến muôn đời!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì Triều Đại Chúa là ‘chính Chúa’, trở nên cuộc sống, tình yêu và ước muốn của con; và con không cần đặt vấn đề nó ở đâu, khi nào và thế nào!”, Amen.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây