TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 31 TN -A

Thứ sáu - 03/11/2023 07:34 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   861
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 23, 1-12).

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 31 thường niên -A

BBT 2


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 23, 1-12).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Suy niệm

Con Thiên Chúa đi vào thế giới như là một hành vi cúi xuống của Thiên Chúa, để làm hiển lộ giá trị của con người, một tạo vật mang hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa đi vào trong mọi lối nẻo sinh hoạt của nhân loại, để chia sẻ, để cảm thông và để hướng dẫn con người sống với nhau ngày một tử tế hơn, bình an hơn và ấm áp hơn trong tình người. Tâm tình của bài tin mừng Chúa nhật 31 thường niên, là một lời nhắc các Tông đồ, các môn đệ, hãy tôn trọng anh chị em, hãy đón nhận anh chị em và hãy cộng tác với anh chị em với thái độ trân trọng và cảm thông, với tương quan huynh đệ thiêng liêng. Với tinh thần Kitô giáo, thái độ phục vụ anh chị em vẫn mãi là một bài học của Thầy Chí Thánh đã thực hiện, để nêu gương khiêm hạ cho những ai gọi Ngài là Thầy.

Từ một dân tộc bị nô lệ, đọa đày trên đất Ai-cập, người Do-thái kêu cầu Giavê, Ngài đã lắng nghe, đã cúi xuống, đã đưa họ ra khỏi tình trạng khổ đau. Từ đây, Ngài luôn bên cạnh để hướng dẫn họ về thái độ sống trong tương quan với những người ngoại kiều, những người nô lệ. Dù trực tiếp chỉ dạy, hay qua sự hiện diện của các tiên tri, dân chúng vẫn cứng đầu, vẫn cố chấp, vì thế, qua lời của tiên tri Ma-la-khi, Thiên Chúa cảnh tỉnh cho dân về lối nẻo họ đang theo đuổi là sai lệch, là đi ra khỏi quỹ đạo tình yêu của Giavê: “Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc, vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của Ta, và vị nể trong khi thi hành lề luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?”. Luôn tự hào là dân riêng của Thiên Chúa, thế mà họ đã coi thường anh chị em chung quanh như là các người làm công, các dân ngoại, thái độ đó, Thiên Chúa không chấp nhận, bởi họ cũng là nô lệ ở đất khách, họ cũng là dân ngoại trên đất Ai-cập ngày xưa. Họ được nhắc nhở để sửa đổi, kẻo lại bị Thiên Chúa răn phạt vì bất tuân.

Thánh Phaolô đã trình bày hình ảnh một người phục vụ tha nhân theo tinh thần Tin mừng, đó là người sẵn sàng làm việc cho anh chị em, sẵn sàng trao sự sống cho tha nhân. Tâm tình xác tín của thánh nhân được ghi lại trong thư gởi cộng đoàn Thexalonica, trong lá thư đó, thánh nhân coi mình là kẻ phục vụ, là kẻ được sai đến cho mọi người: “Anh em thân mến, chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi”. Các môn đệ, các Tông đồ, đều là những người phục vụ Lời. Sức mạnh của Lời sẽ biến đổi mọi người trở nên mới trong Thánh Thần. Ơn gọi là môn đệ của Thiên Chúa đã và đang được gởi đến cho mỗi Kitô hữu, để tất cả cộng tác với nhau cho Lời được lớn lên trong thế giới.

Trước khi chọn dân Do-thái là dân riêng, Thiên Chúa đã huấn luyện họ, sửa dạy từng điều trong mọi nếp sống, từ đời sống tôn giáo cho đến tương quan với mọi người, ngay cả với kẻ thù. Lề luật được coi là khuôn vàng thước ngọc, giúp họ sống tốt hơn trong tương quan tình người, thế nhưng, con người đã đặt mục đích cuộc đời lệch lạc, coi lề luật là cứu cánh. Đức Giêsu đến sửa lại những gì chưa phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Ngài dạy dỗ họ, có lúc nghiêm khắc, có lúc nhẹ nhàng, tất cả như đang đưa họ vào quỹ đạo của tình yêu. Bên cạnh đó, Ngài cũng cảnh tỉnh thái độ vụ hình thức vì luật, đó không phải là điều Thiên Chúa đợi chờ: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Hai con đường song song không bao giờ gặp nhau và cắt ngang nhau, con đường nên thánh từ lề luật và con đường nên thánh bằng niềm tin, không bao giờ gặp nhau nơi điểm cắt là Thiên Chúa. Ngài đợi chờ nơi con người một tấm lòng, Ngài đợi chờ một sự chân thành đủ lớn, để nâng con người lên một tầm cao mới là nghĩa tử của Thiên Chúa. Quả thực là một niềm vui lớn lao của con người.

Thiên Chúa mở ra một con đường cho con người về trời, cho con người trở về tình trạng thánh thiện nguyên thủy, Ngài dùng nhiều cách thế khác nhau, trong đó có một con đường ngang qua lề luật. Tất cả những lề luật đều nhằm tới một mục đích là giúp cho con người khỏi sai lệch hành trình, giúp con người luôn tỉnh thức trong hành trình và giúp con người lạc quan hơn trong hành trình đó. Tất cả chỉ vì con người, thế nhưng, khi con người bước vào hành trình đó, họ đã dựa trên những lề luật, đặt ra những lề luật khác theo cách suy nghĩ của thế gian. Tất cả nhằm đạt được mục đích của họ. Vô tình, con người biến những lề luật của Thiên Chúa, trở thành công cụ cho con người. Cách suy nghĩ lệch lạc đó không những đem lại sự bế tắc cho bản thân họ, nhưng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tha nhân, đến cộng đoàn. Đây là một mối nguy đang ẩn hiện tiềm tàng trong các cộng đoàn tôn giáo, trong các gia đình, gây ra nhiều hệ quả nặng nề. Nếu tất cả đón nhận sự tiến bộ của xã hội và mưu ích của con người, ắt hẳn những lề luật đó sẽ được hiểu linh động hơn và tích cực hơn.

Lề luật trong tôn giáo hay ngoài xã hội, đều hướng về con người. Tất cả giúp con người hoàn thiện ơn gọi làm người và làm Kitô hữu. Vậy mà, trong sinh hoạt hàng ngày, không thiếu những lúc người ta bóp méo lề luật hay bẻ cong nó cho phù hợp với tính toán hơn thua của con người. Cũng không thiếu những sự kiện, con người đã dùng ma lực của đồng tiền, để thay đổi hướng đi của lề luật, thay đổi mục đích của lề luật, biến lề luật như một món hàng mua bán. Cũng không thiếu những biến cố, con người đã dựa vào tính thánh thiêng của tôn giáo, để sửa đổi mục đích của lề luật, làm thay đổi chiều kích thiêng liêng của những khoản luật đó. Cũng không thiếu những lời than trách vì sao phải cứng nhắc vì luật trong khi xu hướng xã hội đang thay đổi, giá trị nhân quyền của con người đang khoác lên mình chiếc áo mới. Nhưng tất cả khi đã là luật thì bất vị thân.

Lề luật trong tôn giáo mang lấy một chiều kích ý nghĩa hơn, đó là giúp con người hạn chế những đau khổ, những phiền muộn, giúp con người thăng tiến trong mọi biến cố cuộc đời. Lề luật trong tôn giáo nhằm mục đích giúp con người tìm thấy điểm đến cuộc đời là Nước Trời. Đó là nơi con người luôn hướng về, luôn thao thức được vào đó và cũng là nơi con người tìm thấy chính mình. Bao nhiêu vấn nạn đang được đặt ra trên mặt bàn trong Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới. Tất cả luôn mong được sửa luật, luôn mong được dẫn dắt Giáo hội đi theo một lối nẻo khác. Rồi một lúc nào đó, đường hướng của Giáo hội là đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hay đi theo sự lôi kéo của thế gian, của quỷ ma.

Lạy Chúa, mong ước con người ngày càng hoàn thiện, vẫn mãi là sự đợi chờ của Chúa, xin giúp chúng con biết cố gắng sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bởi Ngài là Thần Chân Lý. Thiên Chúa luôn vui thích ở giữa con người, khi con người biết sống với nhau bằng luật của tình yêu, là phục vụ, là tha thứ, là hy sinh, là chấp nhận lẫn nhau, xin giúp chúng con biết học lấy bài học của lề luật tình yêu, một tình yêu không biên giới, để chúng con xây dựng gia đình của Chúa trở thành một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng như lòng Chúa mong ước. Amen.

 

 

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây