TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 12/11/2023 13:56 |   965
“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến.” (Lc 19,11-28)

22/11/2023
THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo

t4 t33 TN

Lc 19,11-28


HẬU QUẢ CỦA LƯỜI BIẾNG
“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến.” (Lc 19,11-28)

Suy niệm: Chẳng lạ gì khi người đầy tớ không làm ăn sinh lợi bị thu hồi nén bạc ông chủ đã giao cho anh. Việc anh “bọc khăn, giữ kỹ” nén bạc của chủ chẳng qua là biểu hiện của sự lười biếng. Lười biếng là một trong bảy mối tội đầu, ở không, nhàn rỗi là nguồn gốc mọi sự dữ. Thật vậy, lười biếng là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ngồi lê đôi mách… phát triển, gây gương mù gương xấu cho trẻ em, sản sinh lớp người ăn bám xã hội. Thói xấu này như dây tầm gửi, gây hại cho đời sống gia đình, cộng đoàn, phải được loại trừ. Trong tương quan với Thiên Chúa và người khác, qua sự kiện chôn dấu nén bạc, người lười biếng cho thấy thói ích kỷ của mình. Nén bạc không được sinh lời là hình ảnh của người chỉ biết sống, quy về mình: tài năng, thời giờ, sức khỏe, của cải, đời sống chỉ dành cho mục tiêu, sở thích của mình, không sinh thiện ích gì cho vinh danh Chúa và phục vụ người lân cận.

Mời Bạn: Bạn không thể biết chắc chắn ngày nào giờ nào Chúa gọi mình về với Ngài. Do đó, bạn cần khôn ngoan đầu tư cho Ngân hàng Nước Trời bằng tài khoản thờ phượng yêu mến Chúa, nghĩa cử quảng đại hy sinh. Đừng để “nước đến chân rồi mới nhảy.”

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thực hành những việc bác ái yêu thương, quảng đại chia sẻ hy sinh, không có thời gian nhàn rỗi, là cội rễ mọi sự dữ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, được cộng tác làm việc với Chúa, xây đắp vũ trụ xinh đẹp, mưu ích cho nhân loại là vinh dự của con người chúng con. Xin cho  chúng con luôn chăm chỉ làm việc, xứng với địa vị của mình, góp phần làm vinh danh Chúa. Amen.

Ngày 22 tháng 11: Lạy Chúa! Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời cũng nhắc nhớ cho chúng con về bản chất của Hội Thánh: là mầu nhiệm cánh chung, bởi vì, Hội Thánh chỉ được quan niệm trong tương quan với Nước Trời. Hội Thánh luôn hướng về đó, và có sứ mạng dẫn đưa mọi người tới đó. Thật ra, chính Hội Thánh đã là Nước Trời rồi, một Nước đang lữ hành và chịu đóng đinh. Hội Thánh đã phục sinh cùng với Đức Kitô, cùng lúc, chia sẻ cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người. Xin cho Hội Thánh chúng con không thuộc về thế gian, mà vẫn tác động vào thế gian và làm chứng trước mặt thế gian về các giá trị và những thực tại của thế giới mai hậu. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Mcb 7, 1. 20-31

“Ðấng Sáng Tạo vũ trụ sẽ trả lại cho các con tinh thần và sự sống”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, bảy anh em bị bắt cùng với thân mẫu, và thừa lệnh nhà vua, người ta dùng gậy và roi gân bò đánh đập họ, bắt buộc họ ăn thịt heo mà luật đã cấm.

Ðặc biệt là bà mẹ đáng ca tụng và ghi nhớ: chỉ trong một ngày, bà chứng kiến bảy con mình chết, bà vui lòng chịu đựng và trông cậy vào Thiên Chúa. Bà đầy khôn ngoan, dùng tiếng của cha ông, can đảm khuyên bảo từng đứa con; bà dùng sự hăng say nam nhân mà nâng đỡ tâm hồn phụ nữ của bà. Bà nói với các con: “Mẹ không biết các con đã thành hình trong lòng mẹ ra sao, vì không phải mẹ ban cho các con tinh thần, linh hồn và sự sống, cũng không phải mẹ sắp đặt các chi thể của mỗi con, nhưng là Ðấng Sáng Tạo vũ trụ, Người đã dựng nên loài người, và sáng tạo mọi sự với lòng nhân hậu. Người sẽ trả lại cho các con tinh thần và sự sống, vì giờ đây các con coi rẻ mạng sống các con để bảo vệ luật pháp của Người”.

Vua Antiôcô tưởng rằng lời lẽ ấy khinh thị và lăng nhục ông. Bởi thế, đối với đứa con út của bà còn sống, không những ông dùng lời dụ dỗ cậu, ông còn thề hứa với cậu sẽ làm cho cậu được sung sướng giàu có, nếu cậu chối bỏ lề luật của cha ông, sẽ coi cậu như bạn hữu của ông và ban cho cậu nhiều tước lộc. Nhưng cậu không quan tâm đến những lời dụ dỗ ấy, nhà vua liền cho gọi mẹ cậu đến và khuyên bà nhủ bảo con, để cứu lấy mạng sống con mình. Khi nhà vua đã dài lời khuyến khích bà, bà nhận lời thuyết phục con. Vậy bà cúi sát vào con bà, đánh lừa nhà vua độc ác ấy; bà còn dùng tiếng của cha ông mà nói rằng: “Hỡi con, hãy thương mẹ đã cưu mang con chín tháng trong dạ, đã cho con bú sữa trong ba năm, đã nuôi dưỡng và dẫn dắt con cho tới tuổi này. Con ơi, mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất, và tất cả mọi sự trong đó; con biết rằng Thiên Chúa đã tác tạo những vật đó và loài người từ hư vô, nên con đừng sợ tên lý hình này, một hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con và hãy nhận lãnh cái chết, để nhờ lòng lân tuất của Chúa, mẹ sẽ gặp con cùng với các anh con”.

Bà mẹ vừa dứt lời thì cậu con út lên tiếng rằng: “Các ông còn chờ gì nữa? Tôi không tuân lệnh nhà vua đâu, nhưng tôi tuân theo lề luật mà Môsê đã ban cho cha ông chúng tôi. Còn nhà vua, là kẻ đã bày ra đủ thứ để bách hại dân Do-thái, nhà vua sẽ không thoát khỏi tay Thiên Chúa đâu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành!

Xướng: Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con.

Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 4, 1-11

“Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có và sẽ đến”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy: kìa cửa trời mở ra và tiếng tôi đã nghe trước kia nói cùng tôi như tiếng loa rằng: “Hãy lên đây, Ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy ra sau này”. Bỗng tôi xuất thần, và kìa, một ngai đã đặt trên trời, có Ðấng ngự trên ngai, và Ðấng ngự trên ngai rực rỡ như bích ngọc hoặc như hồng thạch; có mống cầu vồng màu lục thạch bao bọc ngai. Chung quanh ngai có hai mươi bốn toà, và trên đó, có hai mươi bốn trưởng lão, mặc áo trắng tinh, đầu đội triều thiên vàng. Từ nơi ngai phát ra những tia chớp, tiếng nói và tiếng sấm; lại có bảy cây đèn cháy trước ngai, đó là bảy Thần linh của Thiên Chúa. Phía trước ngai coi như có biển trong ngần như pha lê.

Còn chính giữa và chung quanh ngai có bốn con vật, đàng trước đàng sau chỗ nào cũng có mắt: Con vật thứ nhất giống như sư tử; con vật thứ hai giống như con bò; con thứ ba có dung mạo như mặt người; con thứ tư như chim phượng hoàng đang bay. Bốn con vật ấy con nào cũng có sáu cánh quanh mình, và trong mình đầy những mắt, ngày đêm không ngớt tung hô:

“Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có, và sẽ đến”.

Và mỗi lần bốn con vật tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Ðấng ngự trên ngai, là Ðấng hằng sống muôn đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước Ðấng ngự trên ngai và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời; họ gỡ triều thiên của họ mà đặt trước ngai và tung hô rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đáng được vinh quang, danh dự và quyền năng, vì chính Chúa đã tạo thành vạn vật, chính do ý Chúa mà muôn vật mới có và được tạo thành”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4, 8b).

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa trong Thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm.

Xướng: Hãy ngợi khen Người với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt đàn cầm. Hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tiếng tơ đàn, với ống tiêu.

Xướng: Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa.

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, mọi gới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 11-28

“Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:

“Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: “Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về”. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: “Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi”. Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.

“Người thứ nhất đến và thưa: “Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén”. Nhà vua bảo: “Ðược, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành”. Người thứ hai đến thưa: “Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén”. Nhà vua đáp: “Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành”.

“Người thứ ba đến thưa: “Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo”. Vua phán rằng: “Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời”.

“Vua liền bảo những người đứng đó rằng: “Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén”. Họ tâu rằng: “Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi”. Vua đáp: “Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta”. Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỤ NGÔN NHỮNG YẾN BẠC (Lc 19,11-28)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Trong dụ ngôn mười yến bạc, Đức Giê-su muốn nói với chúng ta: Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người sử dụng những nén bạc đó như thế nào. Bởi thế, Người đã lãnh 5 nén và người đã lãnh 2 nén mà sử dụng tốt đề được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ”. Cách sử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lợi. Làm cho chúng sinh lợi không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ: người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

2. Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su muốn dạy các môn đệ của Ngài phải làm lợi những nén bạc Chúa ban cho trong khi chờ đợi ngày Chúa ngự đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Và dù có làm lợi thêm những điều tốt đẹp mới, người môn đệ của Chúa không nên vì đó mà tự kiêu. Chúng ta tất cả chỉ là những đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa mà thôi. Tất cả những gì chúng ta có đều đến từ lòng quảng đại của Ngài và Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài như những người con hiếu thảo.

3. Dụ ngôn cho thấy có 10 người đầy tớ được ông chủ trao vốn cho như nhau, mỗi người một nén bạc, nhưng chỉ có 3 người được nhắc tới. Người thứ nhất, dù cũng lãnh một nén bạc như bất cứ ai, nhưng đã cố gắng cật lực, làm lợi từ một nén thành 10 nén, và được ông chủ thưởng cho coi 10 thành phố. Người thứ hai, từ một nén sinh lời được 5 nén, và được thưởng coi 5 thành phố khác. Còn người thứ ba, gói kỹ nén bạc đã nhận và đem cất giấu số vốn vẫn còn đó, không sinh lợi gì, anh lại còn cả gan lên án ông chủ là khắc nghiệt “đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”. Kết quả, anh bị thu lại số vốn và bị nghiêm phạt nặng nề (Phạm Văn Phượng).

4. Dụ ngôn cũng dạy chúng ta phải biết đầu tư vào Nước Trời. Vào thời Đức Giê-su, dân chúng có lẽ cũng có một khái niệm về đầu tư. Chính vì thế, để nói về những thực tại của Nước Trời, Ngài đã mượn câu chuyện một ngươi quí tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền, đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn đầu tư để sinh lợi.

Hình ảnh số vốn được ông chủ ký thác cho các đầy tớ để đầu tư gợi lên cho chúng ta chính đức tin, mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội. Ơn đức tin là hồng ân quí giá nhất mà Giáo hội ký thác cho mỗi Ki-tô hữu. Giáo hội đã muốn nói lên tính cách vốn liếng ấy khi trao cho người chịu phép rửa tội ngọn nến, và nhắn nhủ người ấy phải giữ gìn ngọn nến ấy được mãi mãi cháy sáng.

5. Tuy nhiên, cuộc đầu tư có thể gặp rủi ro. Như chúng ta biết, vốn liếng được trao ban là để đầu tư, mà nói đến đầu tư là nói đến bấp bênh nguy hiểm và rủi ro. Không ai có thể tiên liệu được hoàn toàn những gì sẽ xảy ra khi bắt tay vào công việc đầu tư. Đây có thể là một trong những hình ảnh gợi lên cho chúng ta những gì có thể xảy ra trong cuộc hành trình đức tin. Cuộc sống đức tin vốn là cuộc hành trình đầy cam go, bất trắc, rủi ro. Một cuộc sống đức tin không dấn thân chẳng khác nào nén bạc được chôn vùi, có an toàn, nhưng chỉ là thứ an toàn giả hiệu. Nói như thánh Gia-cô-bê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Mỗi ngày một tin vui).

6. Ở thời nào, nơi nào cũng có hai hạng người: lười biếng và siêng năng. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, có người luôn lo tu tâm sửa tính, nhưng cũng có người ù lì hoang phí, sống buông thả theo bản năng, không làm lợi ích gì cho mình cho người. Đức Giê-su đưa ra dụ ngôn về các nén bạc để giúp các môn đệ biết cách sử dụng nén bạc cuộc đời mình. Mỗi người đều được Thiên Chúa trao cho những nén bạc cuộc đời. Điều quan trọng không phải là ta sinh lợi được nhiều hay ít, nhưng là cách thế ta sử dụng cuộc đời mình thế nào. Khi Chúa đến, chúng ta sẽ trình diện tất cả những gì mình cố gắng sinh lợi và đáng hưởng hạnh phúc bên Chúa (5 phút Lời Chúa).

7. Truyện: Một niềm tin vững vàng.

Một người lo lắng chạy tới chạy lui kêu cứu. Một hành khách đi ngang qua phòng, thấy cậu thiếu niên con viên thuyền trưởng vẫn còn đang say ngủ, không biết gì. Người khách vội lay em dậy và cho biết tầu đang lâm nguy, sắp chìm, em phải lo tìm phao cấp cứu.

Em bé dụi mắt hỏi lại ngay:

– Thế ai đang lái tầu vậy hả bác?

Người hành khách trả lời:

– Cha của cháu.

Nghe thấy thế, em lại tiếp tục nằm xuống, ngủ tiếp một cách bình thản. Người nay lấy làm lạ hỏi

– Tại sao trong khi mọi ngươi đang lo lắng, riêng cháu lại có thể bình an mà ngủ được chứ, cháu không sợ sao?

Em hãnh diện trả lời:

– Hễ cha cháu mà còn lái tầu, thì chắc chắn con tầu sẽ an toàn, cháu đã trải qua nhiều phen như thế này rồi, ba cháu dư sức để lo liệu, bác yên tâm đi.

Lạy Chúa lòng tin của chúng con còn non yếu, xin thêm đức tin cho chúng con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo

Ca nhập lễ
Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Xê-xi-li-a, chúng con đến dâng lời khẩn nguyện: vì lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con được xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I
Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ Xê-xi-li-a xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ Xê-xi-li-a là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Cécilia được tôn sùng như một trong các vị thánh tử đạo nổi tiếng nhất của Hội Thánh thời sơ khai, và việc sùng kính ngài đã được chứng thực ngay từ năm 545 ở Rôma. Thực vậy, theo Liber Pontificalis, Đức giáo hoàng Virgilê đi đến vương cung thánh đường thánh Cécilia ở Transtevere ngày 22 tháng 11 năm ấy, ngày kỷ niệm cuộc tử đạo của thánh nữ. Cũng vào thế kỷ VI này, trong nhà thờ thánh Apollinare Nuovo ở Ravenne, người ta vẽ cảnh thánh Cécilia đi rước giữa các trinh nữ. Vào thế kỷ V xuất hiện câu truyện truyền thuyết về đời sống và cuộc tử đạo của thánh Cécilia: Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce. Có vẻ như tài liệu này đã lấy một giai thoại trong cuộc bách hại của quân Vandales ở Châu Phi (cuối thế kỷ V) để kể về Rôma và chắc chắn là một sự pha trộn của truyền thuyết và lịch sử, nhưng chính nhờ tài liệu Cuộc Tử nạn này mà hình ảnh trong trắng, quảng đại và anh hùng của thánh Cécilia đã trở nên vô cùng rực rỡ trong toàn thể Hội Thánh. Tên của ngài cũng được đọc trong Lễ Qui Rôma.

Những điểm sau đây có vẻ là chắc chắn:

– Cécilia xuất thân từ gia đình quí tộc Rôma gọi là Caecilii, gia đình này có một thửa đất trên đường Appia mà thánh Calliste, sau này trở thành giáo hoàng năm 217, đã làm một nghĩa địa năm 210.

– Thánh nữ đã dâng cúng nhà mình ở khu phố Rôma Transtévère cho Hội Thánh sử dụng. Một vương cung thánh đường trên đường Transtévère được xây dựng để dâng kính thánh Cécilia.

– Cécilia là một Kitô hữu đã quyết định thánh hiến đời mình cho Chúa Kitô trong bậc sống trinh nữ. Theo truyền thuyết, bị cha mẹ ép buộc, ngài lấy một thanh niên ngoại giáo tên là Valérien, anh được ngài cải hóa trở lại Kitô giáo, tôn trọng sự đồng trinh của ngài, và anh cũng được tử đạo với em trai mình là Tiburce.

– Sách Cuộc Tử nạn kể rằng “khi tới ngày cưới, trong khi đàn nhạc nổi lên, Cécilia ca hát trong lòng cho một mình Chúa Giêsu.” Từ chi tiết này của câu truyện, từ thế kỷ XV, truyền thống đã gọi thánh Cécilia là quan thầy của các ca sĩ và nhạc sĩ. Cũng vì thế các tranh ảnh thánh thường vẽ thánh Cécilia gảy đàn và ca hát, chung quanh có các thiên thần (các bức hoạ của Le Dominiquin, le Guerchin ở Louvre; Nicolas Poussin ở Prado; Rubens ở Berlin; Véronèse ở Vienne).

– Truyện kể về Cuộc Tử nạn của thánh Cécilia mô tả cuộc tử đạo với nhiều yếu tố truyền thuyết, nhưng giàu ý nghĩa thần học và thiêng liêng. Theo truyền thống, thi thể của thánh nữ được đặt trong hang tử đạo thánh Caliste, gần hang mộ của các giáo hoàng, và một bản sao bức tượng của Maderna ngày nay được đặt trong lăng mộ ngài mô tả tư thế của ngài: thánh nữ nằm nghiêng đầu, với những vết búa của những tên đao phủ, các ngón tay của ngài chỉ dấu Ba Ngôi (một và ba). Hiện nay thi thể của thánh nữ tử đạo an nghỉ trong vương cung thánh đường mang tên ngài tại Rôma; thánh đường này được Đức giáo hoàng Pascal I († 824) xây dựng.

Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ của thánh lễ kính nhớ thánh Cécilia trinh nữ tử đạo gợi lên những chủ đề về sự tử đạo và sự trinh khiết.

Bài đọc I (Kh 19, 5-9), với các lời: Một thiên thần nói với tôi: Hãy viết lời này: Hạnh phúc những ai được mời dự tiệc cưới Chiên Con, trình bày Chúa Kitô như là phu quân của Hội Thánh. Chết vì Chúa Kitô, tức là được dự tiệc cưới Chiên Con. Và tác giả cuốn Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce viết: “Người ta trông thấy các ngài chạy đến với cái chết như đến một bữa tiệc.”

Bài Tin Mừng (Mt 19, 3-12) ca ngợi những giá trị của bậc trinh khiết thánh hiến: … Có những người đã chọn không kết hôn vì Nước Trời…

Sách Hạnh tử đạo của thánh Cécilia– cũng là một bài thơ ca ngợi sự trinh khiết Kitô giáo – kể lại những lời thánh nữ nói vào đêm tân hôn với Valérien: “Chàng trai xinh đẹp, em tiết lộ cho anh điều này: không bàn tay phàm tục nào được chạm tới em, vì em được một thiên thần canh giữ. Nếu anh tôn trọng em, ngài sẽ yêu mến anh giống như ngài yêu em, và ơn sủng của ngài sẽ đổ xuống trên anh.” Theo truyền thống, Valérien đã cam kết tôn trọng đức đồng trinh của vợ mình, và sau khi được cải hóa theo đức tin của Célicia, “chàng cũng được về trời với nhành vạn tuế tử đạo.”

Điệp ca của Magnificat lấy cảm hứng từ sách Hạnh tử đạo của thánh nữ, hát rằng: “Thánh Cécilia mang trong lòng mình Tin Mừng Chúa Kitô; ngày đêm ngài trò chuyện với Thiên Chúa.” Sự thân mật với Lời Chúa và đồng thời với lời cầu nguyện liên tục diễn tả rõ nét đặc trưng của sự thánh thiện Kitô giáo.

Giờ Kinh Sách đề nghị suy niệm một bản văn rất hay của thánh Augustin về Tv 32: “Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô nhã nhạc vang lừng.”

Truyền thống đã làm cho thánh nữ Cécilia trở thành người gợi lên sự hoà điệu của âm giọng, bài hát và thánh nhạc. Nhiều nhà soạn nhạc đã tôn kính ngài như thế. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã sáng lập Hàn Lâm Viện thánh Cécilia (1847). Và các ban hợp xướng mang tên “Cécilia”, xuất phát từ Ratisbone năm 1867, cũng được đặt dưới sự bảo trợ của thánh nữ tử đạo này. Theo lời thánh Augustin, vì Thiên Chúa là Đấng không thể diễn tả nổi, nên bạn hãy để cho lòng bạn ca mừng mà không cần lời nói, và đừng để cho niềm vui vô biên của bạn bị giới hạn bởi những âm tiết. Hãy hát cho hay, với tiếng reo hò vui sướng.”

Enzo Lodi

TẠI SAO THÁNH CÊCILIA ĐƯỢC CHỌN LÀM BỔN MẠNG CÁC CA ĐOÀN?
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Thánh Cêcilia thuộc gia đình quý phái sống tại Roma dưới thời vua Alexander Sêvêrô. Trong khi giới trẻ ngoại giáo mê say âm nhạc trần tục, thì lòng Cêcilia hướng về Chúa và chỉ ca hát chúc tụng một mình Chúa thôi. Đáp lại lòng đạo đức của thánh nữ, Thiên Chúa cho thánh nữ đặc ân: được nhìn thấy thiên thần hộ thủ hiện diện bên cạnh mình.
 
Cha mẹ Cêcilia gả thánh nữ cho một nhà quý phái tên là Valêriô. Trong ngày cưới, Cêcilia mặc chiếc áo nhặm dưới lớp áo ngoài sang trọng, và khẩn cầu Chúa giữ cho mình được ơn khiết tịnh. Giữa tiếng ca hát tưng bừng của ngày lễ cưới, Cêcilia vẫn giữ thói quen cùng với các thiên thần ca hát những khúc: thánh ca và thánh vịnh. Do đó, các nhạc sĩ và các ca đoàn thường hay nhận ngài làm Thánh Bổn Mạng.
 
Cảm kích trước sự thánh thiện và thanh khiết của thánh nữ, Valêriô đã chấp nhận để cho thánh nữ giữ đức đồng trinh và ông ước ao được nhìn thấy thiên thần hằng ở bên cạnh thánh nữ. Sau khi được giám mục Urbanô dạy đạo và rửa tội, khi trở về nhà, Valêriô bắt gặp thánh nữ đang cầu nguyện, có thiên thần bên cạnh, khuôn mặt thiên thần rực sáng, tay cầm hai chiếc triều thiên được kết bằng: hoa huệ và hoa hồng. Thiên thần đặt một chiếc trên đầu Cêcilia, và một chiếc trên đầu Valêriô như dấu chỉ hồng ân: khiết tịnh và tử đạo, mà Thiên Chúa ban cho hai vị.
 
Thánh Cêcilia đã sống kết hợp với Chúa bằng một đời sống hát ca chúc tụng ngợi khen Chúa, như vịnh gia đã kêu gọi: Hãy tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm; kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một bài ca mới. Nhờ ân sủng, thánh nữ đã được đổi mới từ tình trạng cũ kỹ, để trở nên con người mới: để hát bài ca mới kính Đức Chúa. Thánh nữ không hát bằng lời, nhưng hát bằng tiếng lòng, tiếng lòng reo vui không thể diễn tả bằng lời.
 
Tiếng lòng reo vui là một tiếng phát ra từ một tâm hồn đang trào dâng một điều gì đó không thể diễn tả được. Tiếng lòng reo vui không thể diễn tả đó rất thích hợp với Thiên Chúa, là Đấng chúng ta không thể diễn tả, mà chỉ cảm nhận được phần nào mà thôi. Đấng mà thánh nữ không thể diễn tả bằng lời, nhưng, cũng không được phép giữ thinh lặng, thì thánh nữ đã để cho tâm hồn rộn tiếng hò reo: Miệng con chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh. Theo nhịp đàn mừng Chúa, miệng con sẽ reo hò. Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa, đàn hát kính danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
 
Ước gì khi mừng lễ thánh Cêcilia, các tín hữu nói chung, đặc biệt là các cá nhân và các hội đoàn nhận ngài làm Bổn Mạng, biết noi gương thánh nữ: hằng chúc tụng ngợi khen Chúa bằng một bài ca mới. Con người cũ không thể hát được bài ca mới, nhờ lời thánh nữ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta biết từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa, để chính chúng ta sẽ trở thành bài ca mới, bài ngợi khen tán tụng, mà bất cứ ai khi gần gũi, tiếp xúc với chúng ta, họ cũng đều có thể cất tiếng lòng vui sướng: mà tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa chúng ta. Ước gì được như thế!


LỬA TÔNG ĐỒ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”.

Elton Trueblood từng so sánh việc tông đồ với việc truyền lửa, “Rất dễ xác định khi một thứ gì đó bốc cháy; nó đốt các vật chung quanh. Ngọn lửa nào không cháy lan, cuối cùng, sẽ tắt. Về mặt nào đó, một Kitô hữu không có ‘lửa tông đồ’ là một mâu thuẫn. Lửa không cháy cũng là một mâu thuẫn! Hãy xem lại việc kết hiệp của họ với Chúa Kitô!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến ‘lửa tông đồ’, biểu hiện ở ba hạng người, tượng trưng cho ba thái độ trước nén bạc ân sủng Chúa trao. Họ được trao một nén như nhau, cùng nhận một mệnh lệnh như nhau, “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”.

Đối tượng đầu tiên là những người đã “sinh lợi” theo lệnh chủ, người “sinh lợi” mười nén, kẻ “sinh lợi” năm nén. Hạng thứ hai, “bọc khăn giữ kỹ” nén bạc. Và hạng thứ ba, những người “ghét” ông chủ; ở đây là ghét Thiên Chúa, không muốn Ngài làm Vua của họ.

Khi nhà Vua trở lại, hạng đầu tiên phúc trình những kết quả đáng mừng. Đây là những môn đệ đầy lửa. Thiên Chúa không trao ân sủng để ai đó cất giữ cho riêng mình, nhưng sử dụng nó để mở rộng Vương Quốc. Ngài kỳ vọng mỗi người sẽ tạo nên ‘một sự khác biệt vĩnh viễn’ trong cuộc sống của những người khác. Với họ, việc tông đồ không là một gánh nặng nhưng là niềm vui, một niềm vui tiếp thêm sức mạnh cho ‘lửa tông đồ’. Kết quả của sự nhiệt thành nơi họ sẽ tác động, như lửa cháy lan, theo cấp số nhân đối với Vương Quốc.

Bà mẹ ngoan cường trong bài đọc Macabê hôm nay là một mẫu gương ngời sáng trong việc “sinh lợi” cho Vương Quốc. Để bảo vệ lề luật, bà chứng kiến cái chết của bảy người con trong một ngày vì bà tin rằng, “Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người... Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống”.

Hạng thứ hai, những người đã “bọc khăn giữ kỹ”. Đó là những tôi tớ không có ‘lửa tông đồ’. Họ sợ hãi; sợ hãi làm họ tê liệt. Phụng sự Chúa đòi hỏi lòng can đảm, đòi hỏi bạn và tôi ra khỏi vùng an toàn. Đầy tớ trong dụ ngôn đã linh cảm chủ sẽ không chấp nhận sự sợ hãi như một cái cớ có thể chấp nhận được để không nhiệt tâm sinh lợi.

Hạng thứ ba, đây là những người ra sức phá hoại Vương Quốc. Thế giới tràn ngập hạng này. Điều cần nói về họ chính là điều Chúa Giêsu đã nói, “Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua… hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”. Ước gì bạn và tôi thuộc hạng “sinh lợi” cho Chủ! Hãy vui mừng nếu chúng ta là những tôi tớ thuộc hạng này; nhưng nếu là người đang đấu tranh với sự sợ hãi, hoặc sợ phải sống đức tin một cách ngoan cường… chúng ta cần nhiều thời gian hơn cho dụ ngôn này. Hãy dấn thân và xác tín rằng, sẽ không bao giờ hối hận khi chúng ta đặt cả trái tim, linh hồn vào việc phụng sự Chúa. Để là những con người có thể ‘cháy lan’, như Elton Trueblood lưu ý, bạn và tôi hãy ra sức “kết hiệp với Chúa Kitô”, đêm ngày tìm kiếm Ngài. Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật đáng ao ước, “Lạy Chúa, khi thức giấc, con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để thời gian, sức khoẻ và những nhọc nhằn khiến ‘lửa tông đồ’ trong con mai một! Con sẽ ‘cháy lan’, cháy mãi, cháy cho các thế hệ, cả sau khi con hoá thành tro!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây