TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT I MÙA CHAY –C

Thứ sáu - 04/03/2022 17:53 |   1001
Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4, 4)

06.03.2022
CHÚA NHẬT TUẦN 1 MÙA CHAY – NĂM C

 

cn 1MC C

Lc 4, 1-13

CHÚA CŨNG BỊ CÁM DỖ

Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4, 4)

Suy niệm: Mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng trong thân phận con người, Chúa Giê-su cũng vẫn bị ma quỉ cám dỗ. Đáng lưu ý là ma quỉ tấn công Chúa bằng những cơn cám dỗ không khác những gì chúng ta vẫn mắc phải: – cám dỗ về thoả mãn những nhu cầu: biến đá thành bánh; – cám dỗ thể hiện quyền lực: thống trị thế giới; – cám dỗ tận hưởng danh vọng: phô trương quyền năng bằng phép lạ. Ông bà tổ tông loài người cũng đã bị cám dỗ như thế và đã thất bại. Chúng ta cũng vẫn bị cám dỗ như thế, và không ít lần chúng ta đã thất bại. Bí quyết của Chúa Giê-su là: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa”.

Mời Bạn: Tìm hiểu phương pháp Chúa Giê-su chiến đấu và chiến thắng cám dỗ: – yêu mến Chúa Cha – nhận biết và thi hành thánh ý Chúa Cha – đọc và suy niệm Lời Chúa để biết thánh ý Chúa. Bạn có muốn chiến thắng cám dỗ như Chúa Giê-su đã làm không? Hãy noi gương Người, hay đúng hơn, hãy cùng với Người chiến đấu.

Chia sẻ: Cám dỗ của chúng ta trong thời đại ngày nay thường xảy ra dưới hình thức nào? Thảo luận về chiến thuật của Chúa Giêsu chống lại cám dỗ.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa và chiêm ngắm cung cách hành động của Chúa Giêsu. Và bạn nhớ thực hiện theo Lời Chúa dạy nhé.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống, vì Lời Ngài là sức sống của con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm C

 

Ca nhập lễ

Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó. Ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!

Mùa chay được bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro, và kéo dài 40 ngày, nhắc lại 40 năm dân Chúa đi qua sa mạc để vào đất hứa. Thời gian 40 ngày còn nhắc nhở cho ta việc ăn chay đền tội. Nên mầu sắc phụng vụ trong Mùa Chay là mầu tím tượng trưng cho tâm tình ăn năn, sám hối. Đây là dịp để người tín hữu kiểm điểm lại mối liên hệ trước mặt Chúa và xét lại mức thang giá trị của mỗi người: những gì là quan trọng trước mặt Chúa và quan trọng hơn trong cuộc sống người tín hữu.

Trong Cựu ước các tiên tri như Môsê, Elia, Gioan Tẩy Giả cũng ăn chay 40 ngày trước khi thi hành sứ vụ. Chính Chúa Giêsu mà Tin Mừng hôm nay thuật lại cũng đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu cuộc sống công khai và Người đã bị ma quỉ cám dỗ về cơm bánh, danh vọng và quyền uy.

Thực tế trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường hay “sa chước cám dỗ” của ma quỷ thế gian và xác thịt! Vì thế, trước khi cử hành Mầu Nhiệm Thánh, chúng ta thành tâm thú nhận mọi tội lỗi và thiếu sót của mình, để được ơn tha thứ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Ðức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ðnl 26, 4-10

“Dân được chọn tuyên xưng đức tin”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên Chúa rằng: “Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạvà bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con”. Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 90, 1-2. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy ở cùng con trong lúc gian truân (x. c. 15b).

Xướng: Bạn sống trong sự che chở của Ðấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Ðấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: Chúa là chiến luỹ, nơi con nương náu, lạy Chúa con, con tin cậy ởNgài. 

Xướng: Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén mảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa ra lệnh cho các Thiên Thần Ngài săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.

Xướng: Chư vị đó bồng bế bạn trên tay, để bạn khỏi vấp chân vào đá. Trên mình hổ mang, rắn lục bạn bước đi, bạn đạp chân trên sư tử và giao long. – Ðáp.

Xướng: Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời, Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân, Ta sẽ cứu gỡ và làm vinh dự cho người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 10, 8-13

“Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gi? Lời ở kề trong miệng và trong lòng người. Ðó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. Vì Thánh Kinh đã có nói: “Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn”. Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đói với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Lc 4, 1-13

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nơi hoang địa Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỉ. Chúng ta cũng hãy lui vào hoang địa của tâm hồn, để nhờ Chúa Thánh Thần tác động mãnh liệt, chúng ta có thể chiến thắng những đam mê của đời người tín hữu. Chúng ta hãy khiêm tốn nguyện xin:

1. “Khi ấy Chúa Giêsu được… Thánh Thần đưa vào hoang địa …và chịu ma quỷ cám dỗ”.- Xin Thần Khí Chúa luôn xuống tràn đầy trên các vị Chủ chăn, để với tình yêu và nhờ sự khôn ngoan Chúa hướng dẫn, các Ngài có thể nhận ra mọi âm mưu của ác thần nhằm tác hại Hội Thánh

2. “Và Chúa đã nghe lời chúng tôi”.- Xin cho các Kitô hữu biết chân thành tìm kiếm Chúa trong mùa chay tịnh này, để họ ham thích học hỏi Lời Chúa, hầu ứng phó kịp thời với những nguy cơ làm lung lạc đời sống đức tin của họ.

3. “Tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi”.- Xin cho các tội nhân không thất vọng trước những lầm lồi của mình, nhưng biết can đảm tìm về với Chúa là Đấng ban ơn giúp họ chiến thắng mọi đam mê dục vọng.

4. “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài” – Xin cho những người giầu có trong giáo xứ chúng ta ý thức rằng: họ không thể đạt được hạnh phúc thật nếu họ chỉ bám víu vào những vật chất mau qua, và phải qui hướng chúng vào việc phụng sự Chúa.

Chủ tế:  Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chiến thắng các cám dỗ của ma quỉ bằng việc hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý Chúa Cha và quyết liệt chống lại ác thần. Xin cho chúng con sống khiêm tốn, tín thác tuyệt đối vào Chúa, để chúng con hưởng nhờ ơn cứu chuộc, Người là Thiên Chúa hằng sống.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay là Chúa Nhật đầu mùa chay thánh, chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thương biến đổi chính cuộc đời chúng con thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ: để khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt Qua muôn đời. Vì thế, hiệp với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa, mà tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Người ta không sống nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết. Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Ðức Ki-tô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CẨN TRỌNG TRƯỚC CÁC CƠN CÁM DỖ (Đnl 26, 4-10; Rm 10, 8-13; Lc 4, 1-13)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong hành trình tin và theo Chúa, hẳn mỗi người đều có kinh nghiệm về cám dỗ và thử thách. Có những cám dỗ không đáng kể, nhưng cũng có những thử thách chẳng đơn giản chút nào! Trước những thử thách và cám dỗ, có người coi là bình thường, lại có người cho là cam go, có người đứng vững, có người lung lay và có người ngã gục.

Tại sao lại có nhiều tâm trạng và thái độ cũng như kết cục như vậy? Thưa! Rất đơn giản, đó là khi thử thách và cám dỗ xảy đến, ta nhìn nó dưới khía cạnh nào, nhất là ta chiến đấu với ai và chiến đấu như thế nào?

Để hiểu rõ hơn về các hình thức cám dỗ cũng như cách chiến đấu trước thử thách, chúng ta sẽ lần lượt đi từ cám dỗ của dân Israel đến Đức Giêsu và sau cùng là chúng ta. Qua đó rút ra cho mình bài học để sống trong Mùa Chay Thánh này.

1. Cám dỗ của dân Israel

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng, và đã yêu thương, bao bọc, trở che, nhất là đã dẫn họ ra khỏi Aicập, đưa vào Đất Hứa. Tuy nhiên, trên hành trình đó, họ đã gặp phải không ít khó khăn, thử thách, khiến dân không còn trung thành với Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa nữa.

Vì thế, họ đã vấp phải những cám dỗ:

Thứ nhất, cám dỗ về nhu cầu thân xác. Thiên Chúa đã yêu thương, nuôi dân bằng Manna và chim cút, thế nhưng, họ đã không cảm nghiệm được tình thương, ngược lại, đã tiếc nuối “củ hành, củ tỏi” bên Aicập, để rồi phàn nàn trách móc Thiên Chúa.

Thứ hai, khi Môsê lên núi để gặp Chúa lâu giờ, dân sốt ruột, nóng lòng, nên ở dưới, họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng việc đề nghị Aharon cho đúc bò vàng để tôn thờ thay Thiên Chúa. Đây là cơn cám dỗ thờ ngẫu tượng.

Thứ ba, trải qua hành trình sa mạc, dân phàn nàn, trách móc, thách thức Thiên Chúa và đòi Người phải thi hành theo ý họ. Đây là cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo.

Tất cả những cám dỗ đó, dân Israel đều ngã ngục vì lý do:  không nhớ đến tình thương của Thiên Chúa và không biết phó thác nơi Người.

2. Cám dỗ của Đức Giêsu

Nếu dân Israel cũ đã ngã gục trước cả ba loại hình cám dỗ, thì Đức Giêsu, vị thủ lãnh của dân Israel mới, Ngài cũng từng trải qua ba cơn cám dỗ tương tự, tuy nhiên, Ngài đã chiến thắng hoàn toàn.

Kinh Thánh kể lại: sau khi Đức Giêsu đã trải qua hành trình dài 40 đêm ngày chay tịnh trong sa mạc, ma quỷ đã lợi dụng đúng lúc cao điểm này để tấn công Đức Giêsu.

Cơn cám dỗ thứ nhất: khi chúng phát hiện thấy Đức Giêsu đói, nó đã tiến lại và lên tiếng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi” (Lc 4,3).

Khi cám dỗ Đức Giêsu thỏa mãn cơn đói như vậy, ma quỷ muốn đánh vào các đam mê lạc thú để thỏa mãn nhu cầu thân xác. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chiến thắng bằng việc tuyên bố: “Đã có lời chép rằng: ‘người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh’” (Lc 4,4).

Sang cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đánh vào tâm lý ham hố danh vọng, nhất là nó khơi gợi quyền lực, háo thắng. Vì thế, chúng đã nói với Đức Giêsu: “Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả các nước thiên hạ sẽ thuộc về ông” (x. Lc 4, 7).

Tuy nhiên, như lần đầu, Đức Giêsu cũng đã chiến thắng và khẳng định rằng: Ngài chỉ lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa (x. Lc 1,32b), vì thế, không có lý do gì khác khiến Ngài tôn thờ chúng (x. Lc 4,8; Đnl 6,13).

Cơn cám dỗ sau cùng, ma quỷ khơi gợi sự kiêu ngạo bằng việc thách thức Đức Giêsu thi thố quyền năng để gieo mình từ nóc đền thờ xuống (x. Lc 4,10). Qua cơn cám dỗ này, chúng muốn Đức Giêsu đi vào vết xe đổ của hắn, của Tổ tông và của dân Israel xưa kia!

Tuy nhiên, lần cuối cùng này, chúng cũng thất bại trước phản ứng của Đức Giêsu: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12; x. Đnl 6,16).

Lý do Đức Giêsu chiến thắng cả ba cơn cám dỗ trên, ấy là vì Ngài  đã đặt trọng tâm Thiên Chúa vào trong cuộc sống của Ngài. Vì thế, sự chiến thắng của Ngài là chiến thắng trong và nhờ Thiên Chúa.

3. Cám dỗ của chúng ta

Những cơn cám dỗ của dân Israel, rồi đến Đức Giêsu sẽ mãi mãi là chiêu thức ma quỷ đặt ra cho chúng ta.

Trước tiên, về nhu cầu thân xác: khi hắn thấy việc ăn uống của con người là điều kiện không thể thiếu nếu muốn tồn tại. Vì thế, chúng luôn tấn công ta bằng thái độ: “Sống để ăn chứ không phải ăn để sống!” Nó cũng thường xuyên cám dỗ ta về nhu cầu xác thịt, ăn chơi đàn điếm để thỏa mãn bản năng…. Nhiều người đã mắc phải cạm bẫy này, nên: “Cực lạc sinh bi ai”.

Thứ đến, đó là cơn cám dỗ về lợi lộc: là con người, ai lại chẳng thích được sung túc, lợi lộc, danh vọng, quyền lực… Hiểu được tâm lý đó, nên chúng luôn tìm cách đánh vào huyệt trọng yếu của ta. Trước cám dỗ này, nhiều người đã nhắm mắt, bán linh hồn và trở thành nô lệ cho chúng, vì thế, không lạ gì khi có quá nhiều người chỉ vì một chút lợi lộc thức thời, mau qua, chóng hết mà đã chấp nhận bán rẻ lương tâm, trà đạp người khác, sống trên mồ hôi, xương máu của anh chị em mình.

Cơn cám dỗ cuối cùng, ma quỷ đánh vào tính kiêu ngạo của chúng ta. Thật thế, lòng tham sân si, háo danh, muốn hơn người là cái đích mà nhiều người nhắm tới. Vì thế, ta thấy có nhiều người chấp nhận ăn mày tiếng khen. Biết được tâm lý đó, nên ma quỷ thường xuyên tung ngón đòn thâm hiểm, độc địa này để dụ dỗ chúng ta, bởi vì kiêu ngạo, háo danh là con đẻ của chúng.

4. Sống sứ điệp Lời Chúa

Như những gì đã tìm hiểu ở trên, chúng ta thấy: con người là đối tượng để ma quỷ cám dỗ. Vì thế, lời tiên báo của Đức Giêsu cho Phêrô đáng để chúng ta cảnh giác: “Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Rồi từ chính kinh nghiệm cá nhân, thánh nhân nhắc nhở: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

Như vậy, cám dỗ là nghề của ma quỷ, vì thế, mọi cơn cám dỗ dù lớn hay nhỏ, dù lâu hay mau, nó đều đi đến mục đích cuối cùng là làm sao cho con người phạm tội.

Đứng trước các cơn cám dỗ, chúng ta không được phép coi nhẹ hay giám khinh! Nhưng như Đức Giêsu, chúng ta hãy lấy đức khiêm nhường làm nền tảng, lấy sự hy sinh làm sức sống và lấy Lời Chúa làm võ khí. Như thế, ta mới hy vọng chiến thắng  (x. Pl 4,13).

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đã chiến đấu và đã chiến thắng cạm bẫy của Xatan. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa để đối trọi với những cám dỗ trong đời sống thường ngày của mình. Amen.
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman","serif";}

CHÚA NHẬT 1C MÙA CHAY –2001
(Lc. 4:1-13) Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm nói rõ cho chúng ta biết Đức Giêsu được đầy Thánh Thần và được đưa vào hoang địa chay tịnh để rồi chịu ma quỷ cám dỗ. Sự cám dỗ gồm có ba phần rõ rệt, nhu cầu thiết yếu cho sự sống phần xác đó là thực phẩm, tiếp theo đó, quyền hành, vinh quang thế tục, và niềm tin vào Thiên Chúa.

Tôi trộm nghĩ, ai trong chúng ta cũng thế, khi cơn đói đã đến độ cực điểm, mọi người đều thực hiện bất cứ gì để dằn bụng cấp thời. Quyền hành, giàu có là điều không ai trong chúng ta không mong ước dầu chỉ một trong hai bởi có quyền hành tất nhiên không thiếu cách làm tiền, hoặc có tiền, chúng ta sẽ có thể thỏa mãn khá nhiều những ước mơ. Thế nên nào lạ gì dân gian có câu, “Có tiền mua tiên cũng được” phương chi cuộc sống thoải mái tốt lành. Kinh nghiệm sống minh chứng, nghèo là một cái tội; chẳng những thế, sự nghèo khổ sinh ra lắm thứ tội lỗi; không thế mà dân gian có câu, “Bần cùng sinh đạo tặc” mà chúng ta đôi khi được nghe ai đó nhắc nhở.

Điều ít ai để ý đó là những thử thách về niềm tin. Có bệnh phải vái tứ phương, thế nên, vì lòng khao khát nhận biết điểm đích cuối cùng của con người đã bị những nhu cầu cuộc sống che lấp cộng thêm tính chất ngại ngùng vượt thắng những khó khăn để tìm hiểu đã tạo nên nơi lòng trí mỗi người nỗi lo âu bất tận. Hơn nữa, kinh nghiệm sống minh chứng, con người luôn luôn lầm lẫn do đó có thể nói hầu hết lòng tin hay đức tin theo nhận thức bình thường của mỗi người chỉ là tổng số những nghi ngờ vô hạn định.

Chẳng thế mà chúng ta đã quá quen với cảm nghĩ, cầu nguyện với Chúa thì cứ cầu nhưng Chúa ban cho hay không thì nào ai mà biết. Tự kiểm điểm nơi lòng mình, có thể nói, giá trị đức tin của chúng ta mang đầy tính chất hy vọng đến độ mơ hồ. Đây là lý do tại sao cứ mỗi lần đọc Kinh Thánh tới câu, “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho” (Mt. 7:7) chúng ta đều cảm thấy ngại ngùng không dám dù chỉ bỏ ra đôi phút suy nghiệm. Tự xét nơi thực tại lòng mình, tất cả mọi cơn thử thách đều là ước muốn, ước mơ của con người mà thôi. Chúng ta tin chắc rằng Đức Giêsu là chính Thiên Chúa nhập thể làm người thì ma quỷ nào có khả năng để thử thách Ngài.

Đặt vấn đề như vậy, những sự thử thách thế tục đến với Đức Giêsu nếu có lại chính là ước muốn thế tục nơi thân phận kiếp người ở Ngài như nơi mọi người chúng ta. Kinh nghiệm nhận thức cũng cho chúng ta biết, ma quỷ hay kẻ thù kinh khủng nhất của mỗi người chúng ta lại là chính mình, là những mơ ước, khát vọng nơi mình.

Như vậy, bài Phúc Âm viết về sự cám dỗ, thử thách nơi cuộc đời Đức Giêsu chính là những sự thử thách, cám dỗ ngay nơi ước muốn, ước mơ, tham vọng của mỗi người chúng ta. Những ước muốn, ước mơ, tham vọng này bắt nguồn từ những nhu cầu thiết yếu nơi cuộc đời. Lẽ tất nhiên, chúng ta được sinh ra với những bộ phận lòng ruột, chúng ta phải ăn, phải uống… và vì chúng ta có khứu giác, vị giác, muốn được ăn ngon, uống thứ mình thích chẳng những là lẽ thường mà lại nên có và cần có. Từ những kinh nghiệm khốn khó không biết xoay xở, nhờ cậy nơi đâu, chúng ta cần biết ăn chắt để dành. Tuy nhiên, nếu đã không thể kiếm được những nhu cầu cho cuộc sống, dù cố gắng ăn chắt để dành thì cũng không có gì mà để dành “Bởi vậy, đã có người suy luận và đề nghị cầu xin cùng Chúa”, Xin cho chúng con kiếm được nhiều hơn dùng đủ, bởi nếu chỉ dùng đủ thì khi khốn cùng biết chạy nơi nao! Và thế là quyền hành cũng như của cải trở thành mục đích hiện thực không lớn thì nhỏ trong tầm tay ai cũng có mơ ước đạt tới. Bất cứ ai để tâm nhận định sẽ nhận thấy những mơ ước mang quyền năng và áp lực tuyệt đối nơi con người. Mơ ước tự nó đã mang quyền lực hiện hữu lại được kinh nghiệm cuộc sống phù trợ, dù tốt lành hay chẳng nên, mơ ước đã biến con người thành nô lệ cho chính mơ ước của mình. Những ước mơ, ham muốn, tham vọng dù tốt lành hay xấu xa cũng đều mang năng lực ảnh hưởng mạnh mẽ nơi con người mà chúng ta thường gọi là những sự cám dỗ. Thử hỏi chúng ta đã cảm thấy thế nào qua bao lần đọc hoặc nghe câu Phúc Âm, “Vì thế Ta bảo các ngươi: chớ lo cho mạng sống mình, các ngươi ăn gì, hay về thân xác, các ngươi mặc gì. Há mạng sông không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy coi chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho lẫm, và Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nắng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao!” (Mt. 6:25-26). Tuy nhiên đối với cuộc sống, mỗi người chúng ta thực sự cảm nghiệm thế nào? “Không làm thì đói, mà làm thì ói xương hom”. Đàng khác nếu có ai dám cả gan sống theo lời Phúc Âm, chúng ta lại cho rằng lười biếng hoặc dùng ngôn từ “loại du thủ du thực” không thanh nhã gì để chỉ về những người ấy.

Dĩ nhiên nơi thân phận con người chúng ta bị điều kiện vật chất của cuộc sống ảnh hưởng mạnh mẽ đến độ khá nhiều triết gia, thần học gia, và những nhà tư tưởng đã chỉ luẩn quẩn nơi giới hạn nhân sinh để kiếm tìm câu giải đáp cho mục đích của cuộc sống và đã chẳng bao giờ vượt thoát khỏi nhận thức hữu vi thế tục vây bọc. Cũng chỉ vì không bao giờ để ý đặt vấn đề nhận thức về thực tại hiện hữu nơi chính mình, cũng chỉ vì cho rằng những gì khoa học không chứng minh được là không phải sự thực, họ đã tự khuôn mẫu hóa giới hạn suy tư. Cũng chỉ vì nghĩ rằng tâm tư một người bắt nguồn từ thực thể vật chất cấu tạo nên con người nên họ đã không nhận ra được con người còn có thực thể siêu việt đang ngự trị. Thực thể siêu việt này hiện thân qua và quấn quyện với ý nghĩ, ước muốn, ý định, tham vọng, niềm mơ nơi mỗi cá nhân mọi thời. Đây chính là điểm căn bản cho mọi thành quả con người có thể đạt tới. Nói cách khác, ước muốn, ý định của một người mang quyền lực lớn lao chi phối mọi sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của họ.

Tóm lại, bài Phúc Âm khuyến khích chúng ta để tâm nhận định về tâm hồn của mình, nhận thực con người mình thế nào, mình có những ước mơ gì nơi cuộc đời, mục đích cuộc đời của mình là gì, và mình nên sống thế nào. Nếu chúng ta thực sự muốn biết mình ra sao, hãy tự nhận biết mình đang thực sự muốn gì. Quý ông bà anh chị em làm ơn để ý lời khuyên nơi Phúc Âm, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và những sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt. 6:33). Lời Phúc Âm đã hai ngàn năm nhắc nhở, nhưng cho tới thời đại này, Nước Thiên Chúa vẫn còn như mơ hồ thì sao con người dám đặt vấn đề tìm kiếm. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây