TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – B

Thứ ba - 12/12/2023 13:26 |   719
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,26-38)

24/12/2023
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – B

cn t4 MVb

Lc 1,26-38


ĐỨC TIN “XIN VÂNG” TRỌN HẢO
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,26-38)

Suy niệm: Đức tin tuyệt vời của Mẹ Ma-ri-a khi nói lên lời “xin vâng” thật đáng ngạc nhiên thán phục. Cùng với lòng khiêm tốn thẳm sâu, lời thưa vâng trong đức tin của Mẹ đã có sức mạnh kéo Thiên Chúa từ trời cao xuống thế để ở với con người. Lời “xin vâng” đầy xác tín của Mẹ đã khơi mào cho Ngôi Lời “vốn dĩ là Thiên Chúa” nhưng đã “hạ mình, vâng lời” làm người trong lòng Mẹ; lời “xin vâng” từ đời đời đó được tiếp tục thể hiện trong tất cả thân phận làm người của Đức Giê-su, cho tới khi Ngài nói lời “xin vâng” tối hậu với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu, để bằng lòng chịu chết đền bù tội lỗi nhân loại (x. Pl 2,6-8). Cùng đồng thanh với lời “xin vâng” của Người Con, lời “xin vâng” ban đầu của Mẹ được trở nên hoàn hảo bằng lời “xin vâng” kéo dài đến tận dưới chân thập giá và mãi về sau khi Mẹ để cho Chúa hoàn toàn làm chủ đời mình để đồng hành với Chúa Ki-tô hoàn tất công trình cứu chuộc.

Mời Bạn: Trong Tông thư “Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI mời gọi chúng ta chiêm ngắm và học hỏi mẫu gương đức tin vâng phục đó của Đức Ma-ri-a: Nhờ lòng tin, Đức Ma-ri-a đã đón nhận lời Thiên thần, và trong tinh thần vâng phục, Mẹ đã tin vào lời loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa… Với đức Tin, Mẹ theo Chúa lúc Người đi rao giảng và ở với Chúa cho đến tận đồi Golgotha…” (số 7).

Sống Lời Chúa: Nguyện tắt: “Xin cho con nhận ra và vâng theo ý Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin yếu kém của chúng con, để chúng con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a luôn phó thác cho tình yêu Chúa.



Đêm 24 Tháng 12: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một Chúa là nguồn ánh sáng thật đến soi chiếu trần gian làm cho đêm cực thánh này bừng lên rực rỡ. Xin cho chúng con ngày nay ở dưới thế được mầu nhiệm Giáng Sinh soi dẫn, hầu mai sau, cũng được cùng Con Một Chúa hưởng vinh phúc trên trời. Chúa là nguồn ánh sáng, nhưng, lại chọn sinh ra trong cảnh nghèo nàn tăm tối, xa cách nơi đô thành sáng láng, xin cho chúng con: dù đang lầm than tiến bước giữa mây mù đêm tối trần gian, vẫn cứ vững lòng tin tưởng vì luôn được ánh sáng thật của Chúa soi đường, xin cho chúng con biết chọn con đường khiêm nhường, bé nhỏ của Chúa, để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng rạng ngời của Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Vọng –Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến, trong những ngày cuối Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc về việc sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Mẹ. Mẹ là tấm gương cho chúng ta soi về việc phải lắng nghe Lời Chúa và chờ mong Chúa đến. Thiên Chúa đến không chỉ muốn trở nên một người như chúng ta mà còn muốn chúng ta trở nên giống Ngài. Chấp nhận để Chúa đến trong cung lòng thánh thiện, trinh trong của mình, Mẹ Maria cũng mời gọi mọi người có lòng tin, đừng yên thân trong tháp ngà, trong ích kỷ, trong ốc của đời mình, trái lại dám tỉnh thức để đón chờ Chúa đến, dám bán tất cả mọi sự để theo Chúa Giêsu. Tin Mừng là như thế. Vậy giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Chính, đất rộng mở cho xuất hiện Vị Cứu Tinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16

“Nước Ðavít sẽ tồn tại muôn đời trước mặt Chúa”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ hai.

Khi ấy vua Ðavít ngự trong đền và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua nói với tiên tri Nathan rằng: “Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?” Nathan trả lời với vua rằng: “Ðiều vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì Chúa ở với vua”. Nhưng xảy ra là, đêm ấy, có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: “Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng?”

“Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ, lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta đã tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Israel dân ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị khuấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù, và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (x. c. 2a).

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. 

Xướng: Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”. 

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. 

Bài Ðọc II: Rm 16, 25-27

“Mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nay được tỏ bày”.

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, kính chúc Ðấng có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo Phúc Âm tôi loan truyền, và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin.

Kính chúc Thiên Chúa, Ðấng khôn ngoan độc nhất, nhờ Chúa Giêsu Kitô, kính chúc Người vinh quang muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 38

Alleluia, alleluia! – Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mẹ Maria đã phải trải qua những giây phút băn khoăn, trong việc thi hành thánh ý Chúa. Mẹ đã cầu nguyện và suy đi nghĩ lại. Noi gương Mẹ chúng ta cũng thành khẩn cầu xin :

1. “Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời”. Xin Chúa hiện diện bên các vị chủ chăn và ban tràn đầy ân sủng, để các ngài nên máng chuyển ơn cứu rỗi cho muôn người như Đức Maria.

2 . “Theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày”.- Xin cho các tín hữu biết trân trọng và yêu mến những mầu nhiệm Thiên Chúa thương tỏ lộ, để như Đức Maria nhờ thấm nhuần tinh thần cầu nguyện mà gặp được Thiên Chúa. Nhờ đó. thế giới được cải thiện nhiều hơn.

3. Tình yêu đã thúc đẩy Đức Maria nôn nóng sửa soạn những vật dụng cần thiết,- Xin cho các bà mẹ công giáo, khi thi hành bổn phận người nội trợ, luôn có tâm tình của Mẹ Maria, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn như những món quà chuẩn bị cho ngày Chúa đến.

4. “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”.-Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta được tinh thần tuân phục ý Chúa như Mẹ, để chương trình cứu độ của Chúa được thể hiện tốt đẹp.

Chủ tế: Lạy Cha, kế hoạch cứu độ của Cha đã bắt đầu khai mở khi Đức Maria tuân phục ý Cha. Xin cho chúng con biết sống âm thầm, khiêm tốn, luôn sẵn sàng tuân phục ý Cha theo gương Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa

chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa Thánh Thần Chúa đã dùng quyền năng làm cho Ðức Trinh Nữ Maria thụ thai; giờ đây, xin Chúa cử Người đến thánh hoá lễ vật chúng con dâng trên bàn thờ này. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng II

Ca hiệp lễ

Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu chuộc muôn đời. Xin cho chúng con càng gần tới lễ Giáng Sinh càng thêm lòng sùng mộ để sốt sắng mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần cứu độ chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Suy niệm

Khiêm nhường

Người đời thường nói: Một người làm quan cả họ được nhờ. Nếu như chúng ta có một người anh, một người chị hay một người chú làm lớn, hẳn các em sẽ lấy làm hãnh diện lắm lắm. Còn nếu như bản thân chúng ta, một mai khôn lớn và bước xuống cuộc đời, chúng ta gặt hái được những thành quả tốt đẹp, thì người vui mừng nhất, theo tôi nghĩ, đó chính là người mẹ của chúng ta. Bởi vì người mẹ đã tốn biết bao nhiêu công sức để nuôi dưỡng và giáo dục chúng ta. Cũng chính người mẹ thường mơ ước cho chúng ta một tương lai huy hoàng nhất.

Trong trường hợp của Mẹ Maria thì khác. Với lời xác quyết của sứ thần Gabriel: Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao trọng và thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ tiên Người. Người sẽ cai trị nhà Giacob đến muôn đời. Hẳn Mẹ cũng đã biết rằng người con mình sinh ra là ai? Là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Mẹ không bao giờ vênh vang tự đắc về tước vị của mình, trái lại Mẹ luôn khiêm tốn nhận ra rằng: Mình chỉ là một dụng cụ trong lòng bàn tay của Thiên Chúa, vì thế Mẹ đã thưa lên cùng sứ thần Gabriel: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần Gabriel truyền.

Chính thái độ khiêm nhường của Mẹ đã làm cho Chúa được hài lòng và Ngài đã cắt đặt Mẹ lên một tước vị cao trọng, tước vị làm Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Ngài hạ bệ những kẻ quyền thế và nâng cao những người phận nhỏ.

Lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều mẫu gương đáng suy nghĩ về vấn đề này. Một Lucifer kiêu ngạo, không muốn phục tùng Thiên Chúa, nên đã bị kết án hoả ngục đời đời. Một Adong Eva cũng chỉ vì kiêu căng, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, nên đã bị kết án đau khổ và chết chóc.

Trong khi đó những người khiêm nhường luôn luôn được Chúa yêu thương và chúc phúc. Chẳng hạn Đavit, một cậu bé chăn chiên, đã được Chúa nâng đỡ phù trì, đánh thắng Goliah. Và khi Đavit khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình, thì đã được Chúa tha thứ, để rồi Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ dòng dõi Đavit. Và Mẹ Maria ngày hôm nay là một mẫu gương đáng cho chúng ta suy nghĩ. Đang khi Mẹ hạ mình xuống làm người tôi tớ, thì Thiên Chúa đã nâng Mẹ lên làm Mẹ của Đấng Cứu Thế như lời Ngài đã phán: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên.

Cũng như Ngài đã truyền dạy chúng ta: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường để nhờ đó chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, một hài nhi nhỏ bé và yết ớt nơi máng cỏ Bêlem.

Đức Trinh Nữ Maria

Nhân vật cuối cùng mà phụng vụ muốn trình bày với chúng ta trong mùa vọng đó là Đức Trinh Nữ Maria.

Thực vậy, điểm nổi bật của Mẹ Maria không phải là việc Mẹ được lôi kéo vào những sự kiện lạ lùng, nhưng chính là thái độ của Mẹ trước công trình cứu độ của Thiên Chúa đang diễn ra một cách khác thường. Không giống với một Giacaria ngờ vực, Mẹ Maria đã trả lời: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền. Một lời xin vâng có tính cách phó thác, dấn thân vào một công trình đầy những điều mới lạ, vượt trên mọi dự đoán. Một lời xin vâng đầy tin tưởng bởi vì Mẹ Maria đã đón nhận Con Thiên Chúa làm người trong lòng tin trước khi đón nhận Ngài nơi thân xác của mình.

Sau này khi người ta báo cho Chúa Giêsu biết có mẹ Ngài đang chờ Ngài ở ngoài, thì Ngài đã khẳng định: Những người nghe và thực hiện lời Ngài chính là mẹ và anh em của Ngài. Không phải Chúa Giêsu muốn phủ nhận địa vị người mẹ của Đức Maria mà trái lại, Ngài muốn khẳng định rằng Đức Maria đã là một người mẹ trọn vẹn của Ngài. Mối quan hệ giữa Đức Mẹ và Ngài không chỉ là quan hệ máu mủ ruột thịt mà còn là quan hệ tinh thần.

Với chúng ta cũng thế. Dọn đường Chúa, tiếp đón Chúa có nghĩa là lắng nghe và thực hiện lời của Chúa. Đó là con đường chắc chắn nhất để đi vào mối quan hệ mật thiết với Ngài. Lời của Ngài thực sự đã đưa chúng ta đi vào một con đường mới, một cuộc sống mới. Lời của Ngài đã lôi kéo chúng ta ra khỏi đền thờ, ra khỏi thành thánh để đến với những con người đang phải vật lộn giữa cuộc sống. Lời của Ngài dẫn chúng ta đến với những người nghèo khổ lao động, nhưng kẻ đau ốm, bệnh tật. Không phải chỉ để nói lên sự an ủi mà còn là để đem lại cơm áo và sự chạy chữa. Việc tiếp nhận Chúa không phải chỉ diễn ra trong mùa vọng và mùa giáng sinh, mà còn phải diễn ra trong toàn bộ cuộc sống chúng ta. Và như thế, chuẩn bị tiếp đón Chúa chính là học hỏi lời Chúa và thực thi lời Ngài trong cuộc sống của chúng ta vậy.

XIN CHÚA CỨ LÀM CHO TÔI NHƯ LỜI SỨ THẦN NÓI
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng, năm B này, các nhà phụng vụ muốn cho chúng ta nhận thấy rằng: Chúa Cha đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng ta biết thật Ðức Kitô, đã xuống thế làm người, chúng ta hãy cầu xin Người đổ ơn thánh đầy lòng chúng ta, để nhờ công ơn chịu khổ hình thập giá của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh.

Lời Tổng Nguyện đã cho chúng ta thấy bóng dáng của thập giá: Mầu Nhiệm Nhập Thể gắn liền với Mầu Nhiệm Thập Giá. Trong bài đọc hai của ngày lễ hôm nay, thánh Phaolô đã cho thấy: Ơn cứu độ là một mầu nhiệm được giữ kín tự ngàn xưa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí, tư tưởng của Người ai dò cho thấu, đường lối của Người ai hiểu cho tường. Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Thập Giá là sự ngu dại và điên rồ trước mắt thế gian, nhưng, Thiên Chúa đã chọn cách thế này để cứu độ con người.

Ơn cứu độ là ơn huệ hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta không thể tự cứu được mình, mà chỉ cộng tác bằng cách mở lòng ra đón nhận ơn cứu độ của Chúa mà thôi. Không phải chúng ta làm, nhưng, là chính Chúa sẽ làm cho chúng ta, như trong bài đọc một, Chúa nói với vua Đavít qua ngôn sứ Samuen: Người mà xây nhà cho Ta ở sao?... Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền... Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.

Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. Một khi Thiên Chúa đã yêu thương và kêu gọi, thì Người không bao giờ đổi ý. Chính vì thế, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 88, vịnh gia đã xưng tụng: Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng. Qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.

Ơn cứu độ là một lời mời gọi, cho nên, cần một lời hồi đáp. Đức Maria đã thưa tiếng “xin vâng” để đáp lại lời mời gọi cộng tác vào trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. “Xin Chúa cứ làm”, chỉ một mình Chúa mới có thể làm được điều diệu kỳ như thế: một trinh nữ, mà lại, sinh được con. Trong bài Tin Mừng, sứ thần đã giải thích cho Đức Maria: vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

Muốn hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta phải bắt chước Mẹ, thưa tiếng “xin vâng”. Đức Maria đã xin vâng, khi Mẹ kết hiệp với Đức Giêsu, Con của Mẹ trong chương trình cứu độ, biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ thai Chúa, cho đến lúc, Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mẹ đã xin vâng trong biến cố Truyền Tin như một bước khởi đầu, và chóp đỉnh của lời “xin vâng” được hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Thập Giá. Mẹ xin vâng làm Mẹ Thiên Chúa, trong lần truyền tin thứ nhất do sứ thần đưa tin, và Mẹ đã xin vâng làm Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại, trong lần truyền tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trăn trối cho Mẹ biết.

Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ đã xin vâng khi trao dâng cung lòng trinh trong cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, Mẹ đã xin vâng khi đón nhận toàn thể nhân loại vào trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ chúng sinh, khi từ chối thưa “xin vâng” Thiên Chúa; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể nhân loại, khi tự nguyện xin vâng thánh ý Chúa.

Bởi vì, luôn sẵn sàng xin vâng Thiên Chúa, cho nên, Mẹ đã hoàn toàn bình tâm trước mọi thử thách. Không gì có thể ràng buộc Mẹ, ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ. Vì luôn sẵn sàng xin vâng Thiên Chúa, nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Ước gì chúng ta biết học đòi bắt chước Mẹ, để đáp lời “xin vâng” với Thiên Chúa, mỗi khi, Lời của Người muốn ngỏ với chúng ta, trong từng hoàn cảnh, qua mỗi biến cố cụ thể của cuộc sống này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây