13/12/2023
THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG
Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo
Mt 11,28-30
NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA
Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28-30)
Suy niệm: Trong thế giới hiện đại, của cải vật chất dồi dào và tiện nghi về mọi mặt không ngừng phát triển, nhờ đó, đời sống được nâng cao hơn bao giờ hết. Thế nhưng đồng thời người ta lại bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, khiến họ thường xuyên phải chịu biết căng thẳng và mệt mỏi. Từ đó nảy sinh nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn để ‘xả stress’. Cũng từ đó, các dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng mọi hình thức nở rộ để đáp ứng nhu cầu này. Chúa Giê-su chạnh lòng thương “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” của cuộc sống như vậy; Ngài mời gọi hãy đến với Ngài là địa chỉ tối ưu để đáp ứng cách triệt để nhất nhu cầu đó của con người: Ngài sẽ “nâng đỡ bổ sức cho”.
Mời Bạn: Chúa Giê-su là Thầy và là Đấng Cứu độ, Ngài còn gọi chúng ta là bạn hữu của Ngài. Hãy đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng, bổ sức cho; để trút bỏ gánh nặng cuộc đời, hay nói đúng hơn, để gánh đó không còn mang sức nặng huỷ diệt của nó nữa. Phương thuốc Ngài đưa ra là học với Ngài nhân đức “hiền hậu và khiêm nhường” và mang lấy “ách thập giá” của Ngài mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Đến và nghỉ ngơi bên Chúa bằng cách dành thời gian mỗi ngày thinh lặng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, chiêm ngắm thập giá Đức Ki-tô để cảm nghiệm và lãnh nhận sức mạnh thần linh từ Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con luôn biết tìm đến với Chúa mỗi khi lao nhọc, luôn biết tin tưởng cậy trông trên mỗi bước đường con đi và cho con biết tín thác vào tình yêu Chúa mỗi ngày. Amen.
Thứ Tư MV II: Lạy Chúa! Chúa nói: Ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Chúa mà nghỉ ngơi, nhưng, lại phải mang lấy ách của Chúa, mang ách sao được nghỉ ngơi? Xin cho chúng con có được cái nhìn của Chúa, để chúng con đừng bao giờ muốn thay đổi những thực tại ngoài mình, nhưng, hãy thay đổi cái nhìn, thay đổi chính mình, rồi mọi sự sẽ thay đổi theo. Chúa truyền dạy chúng con phải dọn đường cho Chúa ngự đến. Chúng con đang đợi trông Chúa, xin đừng để chúng con vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG
Ca nhập lễ
Chúa sẽ đến, Người không trì hoãn, Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong tối tăm, và tỏ mình cho muôn dân được thấy.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa truyền dạy chúng con phải dọn đường cho Đức Ki-tô ngự đẽn. Này chúng con đang đợi trông Người ban sinh lực dồi dào cho hồn an xác mạnh, thì xin đừng đế chúng con vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường. Chúng con cầu xin
Bài Ðọc I: Is 40, 25-31
“Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi”.
Trích sách Tiên tri I-sai-a.
Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.
Hỡi Gia-cóp, tại sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?
Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu.
Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.
Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.
Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 103: 1-2, 3-4, 8,10
Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.
Xướng: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người.
Xướng: Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái.
Xướng: Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta.
Alleluia:
Alleluia, alleluia – Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 28-30
“Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
Ðó là Lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biẽt dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thế hiện được ý muốn của Đức Ki-tô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin
Lời tiền tụng mùa vọng I
Ca hiệp lễ
Kìa Chúa sẽ quang lâm hùng dũng, và mở mắt cho các tôi tớ Người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rãt từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tấy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin
Suy niệm
HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI (Mt 11,28-30)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
1. Đức Giê-su mời gọi mọi người, nhưng cách riêng ở đây là những người đang sống dưới lề luật và giáo lý nặng nề của Do Thái giáo, đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Đức Giê-su giới thiệu cho chúng ta một tình yêu đặc biệt Ngài dành cho con người, nhất là những người đau khổ, vất vả. Hãy đến với Chúa, Ngài sẽ nâng đỡ ủi an tâm hồn sầu khổ của chúng ta. Ách tình yêu Ngài sẽ làm cho ách nặng cuộc đời trở nên êm ái nhẹ nhàng. Kiêu căng đưa đến hận thù. Chỉ có hiền lành khiêm nhường mới đem lại niềm vui an bình sâu thẳm cho cuộc đời.
2. Có hai chữ “gánh” và “ách” hơi khó hiểu. Trong ngôn ngữ Do thái thì khi dùng chữ ách và gánh thì vừa có nghĩa là luật lệ vừa có nghĩa là giáo huấn. Như vậy, “Mang lấy ách của tôi” là kiểu nói bóng các thầy rap-bi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai làm thầy. Vậy khi nhận lấy ách của Đức Giê-su là nhận Ngài làm thầy và theo giáo huấn của Ngài là thực hành Tin Mừng cứu độ của Ngài.
3. Ngày nay, người ta say mê quyền lực và muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý mình. Con người có khuynh hướng trở nên kiêu căng. Người ta có dị ứng khi nói đến lời dạy “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Ki-tô, nhất là còn khuyên chúng ta thực hiện đức tính này nữa.
Tuy nhiên, là Ki-tô hữu, chúng ta cần bước theo chân Chúa. Ngài đã đến chia sẻ kiếp người với chúng ta, Ngài đã đi đến mức cùng của việc tự hạ: sống chung thân phận với người nghèo khổ, như người tôi tớ rốt hết. Hiền lành và khiêm nhường là những đức tính mà Đức Giê-su đã thực hiện trước và khuyên các môn đệ hãy đem ra thực hành: “Anh em hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
4. Theo giáo huấn của Đức Giê-su thì thế nào là hiền lành và khiêm nhường?
a) Hiền lành hay hiền hậu là đức tính của con người tốt lành, không độc ác, nhưng có lòng thương người, có đức hạnh và hay làm điều thiện, ví dụ: Cha mẹ hiền lành để đức cho con (Tục ngữ). Theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh Thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế, hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.
b) Khiêm nhường: theo chữ thì khiêm nhường hay khiêm nhượng là nhún nhường không khoe khoang, hạ mình xuống một chút. Căn bản của khiêm nhường là biết mình “là” thế nào: từ đó không muốn tỏ ra hơn cái “là” ấy; và giả như người khác có coi mình kém hơn cái “là ấy” thì mình cũng không màng tới. Điều quan trọng là sống thanh nhàn và thành thật đúng với cái “là” của mình.
Khiêm nhường trái ngược với kiêu ngạo. Kiêu ngạo là muốn tự cho mình vượt qua cái “là” của mình và bắt người ta phải công nhận như vậy. Người kiêu ngạo bị coi là người “việt vị” trong bóng đá vì đã vượt quá vị trí của mình là có lỗi. Dĩ nhiên, cầu thủ việt vị thì đều bị trọng tài phạt.
5. Đức Giê-su mời chúng ta học với Ngài và sống theo luật Ngài. Giáo huấn và lề luật của Ngài đặt nền tảng trên lòng yêu thương. (Ga 13,34). Đức Ki-tô đã kiện toàn lề luật bằng giới răn yêu thương. Ngài thu tóm lề luật thành hai chữ yêu thương. Một bộ luật nặng nề và không hồn đã trở thành nhẹ nhàng nhờ có linh hồn là yêu thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Ngài, cuộc cách mạng của tình thương. Chỉ tình thương mới là khí giới lật đổ được bất cứ một bất công nào và xây dựng được một xã hội công bằng bác ái thực sự.
6. Truyện: Lạn Tương Như và Liêm Pha.
Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận lăm le hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi… Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như:
– Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá như vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi không ở nữa.
Tương Như nói:
– Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không?
Bọn xá nhân đáp:
– Không.
Tương Như nói:
– Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Trương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ, Tần Sở dĩ nhiên không dám đánh Triệu vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng:
– Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.
Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng: “Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng: “Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết có nhau. (Nguyễn Duy Cần, Cái dũng của thánh nhân, 1958, tr 162-163).
TOÀN TRÍ, TOÀN TRI, TOÀN TRỊ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”.
Được khen ngợi như một Phaolô khổng lồ của Hoa Lục, Hudson Taylor viết cho một người bạn, “Dường như Chúa đã tìm khắp thế giới một đứa ‘đủ yếu’ để làm công việc của Ngài. Tìm thấy tôi, Ngài nói, ‘Con đủ yếu, con sẽ làm được!’. Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những đứa yếu. Họ không cậy mình, nhưng cậy Ngài, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, một Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’; cũng là Đấng đã nói, “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Dẫu là Vua Trời, Ngài xuống thế mặc lấy hình hài một thơ nhi để cứu chuộc loài người. Đó chính là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh!
Giêsu, người đang nói những lời này là ai? Ngài là người có thể nhìn thấu nơi kín đáo trong tâm hồn con người và khám phá ở đó những điều giấu ẩn. Ngài nhận ra bạn và tôi đang vất vả nhọc nhằn! Rằng, chúng ta khó nhọc nặng gánh bởi những đòi hỏi của cuộc sống, những tì đè của tội lỗi, những bất an của lương tâm. Và rằng, chúng ta phải căng thẳng bởi sự giằng co của những đam mê và những ước muốn điên rồ không thoả mãn. Giêsu là người dám hứa điều mà linh hồn luôn khao khát cho nơi tôn nghiêm thẳm sâu của mỗi người; những gì chưa bao giờ được phép hy vọng, và hơn cả những gì một người có thể thấy mình xứng đáng. “Hãy đến với tôi!”. Ai có thể thốt ra lời mời đơn giản, nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn đến thế nếu không phải là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’?
Bài đọc Isaia cho thấy điều tương tự. Giữa chốn lưu đày, khi niềm tin sa sút… Israel tưởng rằng, Thiên Chúa ở rất xa và Ngài đã bỏ họ, “Thanh niên thì mệt mỏi; trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”. Biết họ đang hoang mang ngờ vực, ‘đặt Ngài lên bàn cân’ với các thần ngoại, Ngài lên tiếng, “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh tinh tú, gọi đích danh từng ngôi một!”. Nói như thế, khác nào nói, Ngài là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’. Rồi đây, Ngài sẽ đưa họ về, băng bó, chữa lành; để mỗi người nhủ lòng, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca.
Kính thưa Anh Chị em,
“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Đến cách nào? Bằng cách “Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi!”. Mang ách Giêsu, nên khiêm nhường như Ngài! Khiêm nhường đến nỗi không đợi ai đáp lại lời mời, Ngài cất công tìm kiếm mỗi người để họ có thể sà vào Ngài, khám phá Ngài, bất chấp những gánh nặng, những đam mê ngổn ngang không kiềm chế. Hãy đến máng cỏ nơi Vua các vua đang nằm bất lực; ở đó, toát lên phẩm tính khiêm nhường! Không cần một lời hay một bài phát biểu, Ngài có sẵn bài học sống động mà chúng ta cần cảm nhận với tất cả cường độ có thể. Trước trẻ thơ bất lực này, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nhập thể vì yêu con người! Chỉ cần lặng thinh! Ở đây, mọi tham vọng hão huyền tan biến, mọi giận dữ, đam mê phải dịu lại và tất cả những gì viển vông mụ mị phải tan bay!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dạy con biết ‘chìm sâu vào trong’ khi cung chiêm máng cỏ! Cho con biết mình ‘quá yếu’ khi được Chúa ‘lỡ chọn’ cho những công việc khổng lồ!”, Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo
Ca nhập lễ
Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Lu-xi-a đồng trinh, tử đạo, vinh hiển bước vào Trời. xin Chúa nhận lời người cầu thay nguyện giúp mà khơi lửa yêu mến trong lòng chúng con, để mai sau chúng con được chiêm ngưỡng Chúa vô cùng vinh hiển. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I
Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ Luxia xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ Luxia là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lòng sùng kính thánh nữ Lucia, tử đạo tại Syracusa (Sicilia), đã được chứng thực từ thế kỷ IV, và lễ nhớ ngài được ghi trong sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô là vào ngày 13 tháng 12. Khoảng giữa thế kỷ VI, người ta vẽ hình thánh nữ trong cuộc rước các trinh nữ ở nhà thờ Saint-Apollinaire-le-Neuf ở Ravenne, và một bia chí được tìm thấy ở Syracusa trong hang toại đạo thánh Lucia có nguồn gốc từ thế kỷ V cho thấy hàng chữ “ngày lễ kính Bà Lucia”. Được tôn kính ở Rôma từ thế kỷ VI, tên của thánh Lucia được ghi vào lễ qui Rôma cùng với tên của các thánh Agata, A-nê và Cécilia.
Lòng sùng kính thánh Lucia được phổ biến khắp phương Tây và lan rộng tới cả các vùng Bắc Âu, tại đây lễ ngài được cử hành vào ngày đông chí, như muốn nói lên ánh sáng mặt trời ngài đem đến giữa đêm dài của các nước vùng Bắc Âu. Thực ra, tên Lucia bắt nguồn từ tiếng la tinh lux, có nghĩa là ánh sáng.
Chắc là thánh Lucia chịu tử đạo ở Syracusa, thành phố quê hương của ngài, vào khoảng năm 304, trong cuộc bách đạo của hoàng đế Diocletian (†305). Nhưng những câu chuyện nổi tiếng về cuộc tử đạo của ngài (thế kỷ V hay VI) đều mang dáng dấp những truyền thuyết. Sau đây là một vài chi tiết:
Ngài thuộc dòng họ quí tộc ở Syracusa, đã hứa hôn, nhưng Lucia tỏ lộ ước muốn hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và đòi phần thừa kế di sản của mình để phân phát cho người nghèo. Người được hứa hôn với ngài tức giận đã tố cáo ngài với quan tổng trấn Syracusa là Paschasius, ông này kết án tống ngài vào chuồng sư tử. Nhưng khi người ta muốn lôi ngài tới đó, ngài chống trả quyết liệt: người ta nhổ răng, xẻo ngực ngài; người ta gọi các thày pháp tới, đưa những con bò tới… nhưng không gì có thể khuất phục nổi ngài. Theo một câu truyện, Lucia còn tự móc mắt mình gửi cho người hứa hôn, nhưng Đức Mẹ đã làm cho mọc ra hai con mắt đẹp hơn gấp bội. Sau cùng, người ta lấy gươm đâm vào cổ ngài, nhưng trước khi chết, ngài còn có thể rước Mình Thánh Chúa.
Di hài của ngài lúc đầu được tôn kính ở Syracusa, sau được dời về Constantinople rồi về Venise. Ở Napôli, người ta sùng kính cặp mắt ngài.
Các tranh ảnh vẽ cuộc tử nạn của ngài rất phong phú: Lucia đứng trước Paschasius, hay bưng chiếc đĩa để cặp mắt của ngài hay cầm cặp mắt ngài trong các ngón tay. Ngoài rất nhiều tranh ảnh khác, có các bức hoạ của Di Niccolo (New York), Zurbaran (Chartres), Furini (Rôma), Luini (Milan), Lotto (Jesi), Tiepolo (Venise), Caravage (Syracusa).
Trong Lời Nguyện thánh lễ, chúng ta xin Chúa “đốt cháy lòng sốt mến của chúng ta nhờ lời chuyển cầu của thánh Lucia” khi chúng ta kính nhớ cuộc tử đạo của ngài. Cuộc tử nạn của trinh nữ thành Syracusa đã nuôi dưỡng sâu xa lòng đạo đức của các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ. Đứng trước toà án, thánh Lucia tuyên bố: “Bây giờ tôi không còn gì để hi sinh, tôi dâng hiến bản thân tôi làm của lễ sống cho Thiên Chúa tối cao… Thánh Tông đồ đã nói: “Những ai sống trong sạch và đạo đức thì là đền thờ của Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần cư ngụ trong họ.” Thân xác chỉ bị ô uế nếu tâm hồn chiều theo… Nếu ông bắt tôi vi phạm ngược với ý tôi, thì sự trinh khiết của tôi sẽ mang lại cho tôi triều thiên đáng giá gấp hai.” Thánh Thomas Aquinô trích lại những lời sau cùng này và nói: “Không phải ngài nhận được hai hào quang của sự trinh khiết, nhưng ngài sẽ nhận được hai phần thưởng: một do sự trinh khiết mà ngài đã giữ được, và một do sự sỉ nhục mà ngài đã chịu.” (Summa theologiae, Suppl., q. 96, a. 5, ad 4).
Điệp ca của kinh Benedictus nhấn mạnh sự hiến mình hoàn toàn của thánh Lucia: “. . . Tôi hiến mình hoàn toàn cho Người.” Và điệp ca của kinh Magnificat cũng như bài đọc I thánh lễ làm nổi bật hình ảnh “vị hôn thê của Đức Kitô”: “Hỡi vị hôn thê của Đức Kitô, nàng giữ gìn được sự sống mình bằng sự kiên trì…” (điệp ca). “Tôi đã dẫn anh chị em tới gặp Tân Lang duy nhất: anh chị em là vị hôn thê trinh trong và thánh thiện mà tôi đã giới thiệu với Đức Kitô” (2 Cr 11, 2). Hình ảnh Tân Lang cũng được lặp lại trong Tin Mừng thánh lễ: Kìa Tân Lang đã tới! Hãy ra đón Người.
Bài đọc Giờ Kinh Sách trích từ Khảo luận của thánh Ambroise về sự trinh khiết, ca ngợi nhân đức Kitô giáo này, nhờ đó mà “vẻ kiều diễm của thân xác được chiếu sáng bởi ánh rực rỡ của tâm hồn.” Nhưng nếu sự trinh khiết là nguồn ánh sáng, thì trên hết nó là ước muốn nồng cháy được gặp Tân Lang: “Hãy suy gẫm không ngừng về Đức Kitô và mong chờ Người đến trong mọi lúc… Vì thế hãy ôm ấp Đấng mà bạn đã tìm kiếm; hãy đến gần Người và bạn sẽ nhận được ánh sáng.” Và làm thế nào để giữ được Người? “Người chỉ được trói buộc bằng các sợi dây tình yêu, bằng tình cảm của linh hồn.”
Lễ thánh nữ Lucia luôn rơi vào mùa Vọng, nên thích hợp tuyệt vời với phụng vụ của mùa này: “Con mở lòng con ra, lạy Chúa, để nghe lời ánh sáng của Ngài” (Xướng đáp của Kinh Sách). Tâm hồn và thân xác con kêu vang lên tới Thiên Chúa hằng sống (Tv 83, trong thánh lễ).
Enzo Lodi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn