06/04/2025
chúa nhật V MÙA CHAY – c
Ga 8, 1-11
CHÚA MỞ RA CON ĐƯỜNG SỐNG
“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11)
Suy niệm: Đức Giê-su không nói người phụ nữ ngoại tình này là không có tội. Nhưng Ngài không lên án chị mà nói: “Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa cho chị một cơ hội, Ngài mở ra cho chị con đường sống. Đó chính là sứ vụ của Ngài khi đến trần gian: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Con đường sống Chúa mở ra là con đường của lòng thương xót và tha thứ. Chúa không dung túng cho tội lỗi. Nhưng Ngài thương xót và tha thứ cho kẻ có tội và chịu chết để ban ơn cứu độ. Do đó, Ngài đòi hỏi tội nhân đổi đời là “đừng phạm tội nữa.” Con đường sống bắt đầu bằng việc hoán cải, dứt khoát với quá khứ tội lỗi để tiến vào trong tương lai của sự sống.
Mời Bạn: Chúa giàu lòng thương xót luôn tha thứ cho tội nhân và tha thứ không mệt mỏi. Giáo Hội, đặc biệt trong Mùa Chay, kêu mời con cái mình sám hối trở về bằng cách bước ra khỏi cõi chết do tội lỗi qua việc làm hòa với Chúa, và đồng thời đi vào con đường sống bằng cách không phạm tội nữa.
Chia sẻ: Bạn cảm nhận thế nào khi đặt mình vào vị trí của người phụ nữ ngoại tình này để nghe lời xá giải của cha giải tội nói với bạn khi bạn xưng tội: “Cha tha tội cho con…”?
Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay, bạn lãnh nhận bí tích Hoà Giải sốt sắng với lòng hoán cải thật sâu xa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn chúng con hoán cải hơn là kết án chúng con. Xin cho chúng con nhận rõ hơn tội lỗi của mình để mạnh dạn đứng lên bước ra khỏi vũng lầy tội lỗi.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm C
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin Chúa minh xét cho tôi xin bênh vực quyền lợi tôi đối nghịch với dân vô đạo; xin cứu tôi khỏi tay người độc ác điêu gian, vì Chúa là Thiên Chúa tôi và là sức mạnh tôi.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh Chị em thân mến! Mùa chay, mùa của sám hối và trở về. Tuy nhiên, để việc sám hối của chúng ta thực sự có hiệu quả, chúng ta cần nhận ra con người thật của mình, và Chúa của mình là Đấng nào. Chính vì thế, ngay Chúa Nhật đầu mùa chay, Hội Thánh đã mời gọi chúng ta tuyên xưng lại niềm tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất.
Bước sang Chúa Nhật II Lời Chúa nhắc bảo chúng ta đặt trọn niềm tin của mình vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III, kêu mời chúng ta thật lòng sám hối trở về với Thiên Chúa, bởi lẽ Ngài là người Cha nhân hậu đang chờ đợi chúng ta trở về như chúng ta đã cùng nhau suy niệm trong Chúa Nhật IV vừa qua.
Và trong Chúa Nhật hôm nay, có thể coi như Chúa Nhật cuối cùng của mùa chay, Lời Chúa một lần nữa mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình, thật lòng thống hối để xứng đáng nhận ra ơn tha thứ của Thiên Chúa. Quyết tâm ấy, chúng ta hãy thực hiện trong giây phút thống hối này.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Ðức Giêsu Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 43, 16-21
“Ðây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa là Ðấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Ðấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Ðây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Bài Ðọc II: Pl 3, 8-14
“Vì Ðức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Ðức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Ðức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.
Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Ðức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
Phúc Âm: Ga 8, 1-11
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn hết mực yêu thương những kẻ khốn cùng và sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân. Tin tưởng vào lòng Chúa xót thương, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:
“Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, luôn có trái tim cảm thông và nhân ái, để hết lòng yêu thương và đồng hành với những người tội lỗi.
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người có trách nhiệm thi hành pháp luật, luôn biết can đảm sống theo sự thật, công bằng và nỗ lực mưu cầu thiện ích chung cho mọi người.
“Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai sống bậc hôn nhân gia đình, luôn chung thủy với nhau, giúp nhau chu toàn bổn phận vợ chồng và trách nhiệm giáo dục con cái.
“Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết từ bỏ những đam mê xác thịt, mặc lấy con người mới và tinh thần mới trong Đức Giê-su Ki-tô.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp mỗi người chúng con biết cảm thông trước những lỗi lầm của anh chị em, để xứng đáng được Chúa yêu thương tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con là con cái Chúa được thấm nhuần đạo lý đức tin; giờ đây, xin cũng thương nhận lời chúng con khẩn nguyện và dùng lễ tế này thanh tẩy tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và khi giúp nuôi dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa.
Vì thế, cùng với vô số thiên thần, chúng con đồng thanh tôn vinh Chúa mà ca tụng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!...
Ca hiệp lễ
Thật Thày bảo thật các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa được phúc kết hợp với Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những chi thể sống động của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
Lòng thương xót của Chúa
Người Do Thái là những kẻ xác tín rằng con người chỉ có thể được coi là công chính nếu tuân giữ trọn vẹn luật Maisen. Thực ra, nếu họ là những người sống công chính theo lề luật, thì điều đó tự nó không phải là một chuyện xấu, mà còn tốt nữa là đàng khác. Nhưng cái làm cho họ trở thành những kẻ xấu và thậm chí có thể là những kẻ ác, đó là vì họ vênh vang tự đắc về cái thành tích giữ luật của mình, và nhất là tự biến mình thành những “cảnh sát” của đạo, những loại chó săn, chuyên môn đi rình mò, đánh hơi để tố cáo những người phạm luật. Và họ không ngại nhân danh lề luật, nhân danh lòng nhiệt thành bảo vệ luật pháp mà lên án và ném đá những kẻ lỗi luật.
Câu chuyện người đàn bà ngoại tình hôm nay thật là tiêu biểu cho cái thái độ đạo đức giả của những tín đồ Do Thái cuồng tín và cái ác ý của họ. Thực ra ở đây họ không chỉ nhằm tố cáo những phụ nữ yếu đuối đáng thương, nhưng chủ yếu là giăng trước mặt Chúa Giêsu một cạm bẫy: Họ tố cáo người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy bắt lỗi chính Chúa Giêsu và như vậy để có bằng chứng tố cáo Ngài.
Chúng ta biết rằng luật Maisen truyền ném đá giết chết những kẻ ngoại tình. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, thì quyền xử tử đã bị tước khỏi người Do thái, vì chỉ có tổng trấn Rôma, đại diện hoàng đế tại Giêrusalem mới có quyền ấy. Vậy nếu Chúa Giêsu tuyên bố là phải ném đá người phụ nữ, thì họ sẽ đi tố cáo với quan tổng trấn là Ngài đã phạm pháp. Còn nếu như Ngài tuyên bố là tha bổng thì điều đó có nghĩa là Ngài không tôn trọng luật Maisen.
Chúa Giêsu đã phá vỡ cạm bẫy của họ bằng cách giăng trước mặt họ một cạm bẫy tinh vi hơn nhiều. Ngài bảo họ: Ai trong các ông vô tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Thế là “dĩ đào vi thượng sách”, bọn biệt phái liền đánh bài chuồn. Tác giả Kinh Thánh đã hóm hỉnh ghi lại một chi tiết: Họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Sở dĩ như thế là vì câu thách thức của Chúa Giêsu khiến cho mỗi kẻ trong bọn họ phải ngó lại chính lương tri của mình và khám phá ra rằng: mình càng già thì càng lắm tội.
Lời nói của Chúa Giêsu là ánh sáng chân lý vạch trần sự đạo đức giả của họ. Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Như thế toà án nhân dân bỗng trở nên vắng lặng, chỉ còn lại có tội nhân được dùng như con mồi, như cái bẫy, và Chúa Giêsu mà bọn biệt phái muốn gài bẫy để đưa ra trước vành móng ngựa. Toà án chỉ còn lại một phạm nhân và một người cũng đang bị kẻ khác muốn luận tội, hay nói cách khác, đối với bọn biệt phái thì cả hai đều là những kẻ có tội đứng trước luật pháp của Maisen. Phiên toà kết thúc một cách nhẹ nhàng với lời lẽ đầy từ bi của Chúa Giêsu: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về và từ nay đừng phạm tội nữa.
Có người nói Chúa Giêsu đã giải tội mà quên cả việc đền tội, quên cả công thức giải tội. Thái độ của Chúa Giêsu thật khoan dung độ lượng với người tội lỗi, còn chúng ta thì ssao, chúng ta đối xử như thế nào đối với những kẻ tội lỗi?
Gặp gỡ Đức Kitô
Gặp gỡ người khác trong cuộc đời là chuyện thường ngày. Tuy nhiên có những cuộc gặp gỡ đã ghi lại dấu ấn sâu xa. Chẳng hạn gặp người bạn khác phái để rồi yêu thương và cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Gặp thầy gặp thuốc trong cơn bệnh nặng để tồi được chữa lành. Gặp người bạn biết an ủi khích lệ để rồi tìm thấy niềm vui mừng và hy vọng. Đó là những cuộc gặp gỡ cứu sống, biến đổi toàn bộ con người và cuộc đời chúng ta.
Còn với Đức Kitô thì sao? Cuộc gặp gỡ với Ngài có phải là cuộc gặp gỡ cứu độ như một bài hát quen thuộc: Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh… Qua Tin mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau dừng lại để suy nghĩ về những cuộc gặp gỡ với Chúa.
Trước hết là cuộc gặp gỡ Chúa của bọn biệt phái. Họ đến gặp ngài để hỏi Ngài xem có nên ném đá người đàn bà ngoại tình, mà chiếu theo luật Maisen, sẽ bị ném đá cho chết. Thế nhưng bên trong, họ muốn gài bẫy làm hại Ngài. Bấy giờ Chúa Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Ngài thinh lặng và bình tĩnh làm như không có chuyện gì xảy ra. Ngài không giận dữ, vạch mặt chỉ tên những kẻ giả hình. Ngài kiên nhẫn chờ đợi. Một sự im lặng dành cho những kẻ đang hung hăng đòi lên án, đang mưu đồ ám hại người lành. Một sự im lặng như để mời gọi họ hãy tự xét về chính hành động của mình. Song họ đã không hiểu được ý Ngài. Vì họ cứ hỏi mãi, nên cuối cùng Ngài mới nói: Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Thế nhưng có chuyện đã xảy ra, bởi vì họ bắt đầu bỏ đi, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất. Chúa Giêsu đã tỏ ra hiền lành và khiêm nhường, kiên nhẫn và khoan dung. Ngài luôn trân trọng đối với những bậc thầy trong dân, những người trí thức, có một tinh thần đạo đức nào đó. Không có chuyện kết án, phạt tội nhãn tiền. Trong thái độ yên lặng và kiên nhẫn, Ngài mời gọi họ hãy trở về với cõi lòng của mình, với chính cuộc sống của mình mà suy xét và hành động cho xứng hợp. Ngài mời gọi họ sống ý thức chân thật, chứ đừng hung hăng mà đánh mất chính mình. Như thế chẳng phải là Ngài đã cứu họ sao? Ngài cứu họ khỏi mưu kế giết chết hai người, là người đàn bà và chính họ nữa.
Tiếp đến là cuộc gặp gỡ của người đàn bà ngoại tình. Chị bị dẫn độ đến gặp Ngài. Chị thật xấu hổ, đứng im như tượng đá, mặt cúi xuống, sẵn sàng đón nhận hình phạt nặng nề nhất do hành vi sai phạm của mình. Thế nhưng Chúa Giêsu vẫn im lặng làm ra vẻ không có chi quan trọng để phải dùng đao to búa lớn đối với con người hèn yếu này. Ngài cúi xuống và viết trên cát. Ngài hiền lành và khiêm nhường, kiên nhẫn và đợi chờ, cho đến khi chẳng còn một ai, mới ngẩng đầu lên và hỏi: Họ đâu cả rồi, không ai kết án chị sao? Phải chăng Ngài muốn mời gọi chị đích thân kiểm tra sự thay đổi tình hình đang xảy ra, một sự thay đổi do chính thái độ của Ngài gây nên. Và sau đó, Ngài mới kết luận, mới tỏ thái độ của mình: Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa. Qua đó Chúa muốn nói: chị đã phạm tội và đáng bị lên án. Nhưng chị đã gặp được Ngài, là tình yêu tha thứ. Ngài tin tưởng ở chị một sự thoát xác, một sự đổi đời. Chị đã được thoát chết, thì kể từ giờ, chị hãy tỉnh ngộ và hướng dẫn đời mình theo một chiều hướng tích cực hơn.
Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra cho bọn biệt phái và người đàn bà sau cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Nhưng qua bài đọc thứ hai, chúng ta biết được sự chuyển biến nơi thánh Phaolô sau khi gặp được Đức Kitô trên đường đi Đamas. Trước kia, Phaolô đã coi Đức Kitô như kẻ thù không đội trời chung và Phaolô đang lùng bắt những người tin theo Ngài. Cuộc gặp gỡ với biến cố ngã ngựa đã khiến cho Phaolô trở về với chính mình. Và sau một thời gian ẩn mình trong hoang địa, Phaolô đã bị Đức Kitô chinh phục và đã hoàn toàn đổi thay hướng đi cho cuộc đời mình.
Xuyên qua những cuộc gặp gỡ trên, Chúa Giêsu đều mời gọi chúng ta bước đi trên con đường cứu độ, trở lại với chính mình để rồi từ đó xác định hướng đi mới cho cuộc đời, như bài hát chúng ta thường nghe: Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh…
Lòng thương xót của Thiên Chúa
(Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)
Càng đi sâu vào mùa Chay, ta càng đi sâu vào tình yêu của Thiên Chúa. Tuần trước ta đã được tắm gội trong tình yêu tràn trề của người cha nhân hậu. Tuần này ta lại được hưởng nếm lòng khoan dung nhân hậu của Chúa Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một phiên toà. Bị cáo là người phụ nữ. Nguyên cáo là các Kinh sư và những người Pharisêu. Tội phạm là tội ngoại tình. Bản án là tử hình bằng cách ném đá. Thực ra họ không cần đến Chúa Giêsu làm quan toà. Họ có thể căn cứ vào luật Môsê để thi hành án. Họ đến hỏi ý kiến Chúa Giêsu không phải với thiện ý nhưng nhằm gài bẫy Người. Tha cho người phụ nữ là Người chống lại luật Môsê. Kết án người phụ nữ là Người mâu thuẫn với chính mình vì Người vẫn giảng dậy về lòng nhân từ thương xót. Cái bẫy thật hiểm độc. Đằng sau bản án của người phụ nữ chính là bản án dành cho Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu im lặng, cúi xuống viết trên đất. Người im lặng vì không đồng tình với thái độ của họ. Người im lặng để mọi người có thời gian lắng đọng tâm hồn. Người không trả lời vì câu hỏi họ đặt chưa đúng chỗ. Người không trả lời câu hỏi của họ để đưa ra cho họ một câu hỏi khác cơ bản hơn.
Người cúi xuống để người phụ nữ khỏi xấu hổ. Người cúi xuống để những Kinh sư và những người Pharisêu biết nhìn vào tâm hồn mình. Người cúi xuống buồn phiền vì sự độc ác của con người.
Vì họ cứ hỏi mãi nên Người đành ngẩng lên. Họ chờ đợi Người lên tiếng thì Người lên tiếng. Nhưng lời Người khiến họ chới với. “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Họ mời Chúa Giêsu làm quan toà xét xử người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại trở thành quan toà xét xử họ. Họ đợi chờ Chúa Giêsu kết án người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại kết án họ. Họ mang đá đến để ném vào người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại ném một hòn đá vào lương tâm họ.
Có điều, họ muốn Chúa Giêsu làm quan toà giết chết, nhưng Chúa Giêsu lại là quan toà cứu sống. Hòn đá họ mang đến với mục đích ném chết người phụ nữ. Hòn đá Chúa Giêsu ném vào lương tâm giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi mê muội, nhận biết mình tội lỗi, nên họ đã lần lượt rút lui không dám kết án người phụ nữ nữa.
Xét xử các Kinh sư và những người Pharisêu rồi, Chúa Giêsu mới xét xử người phụ nữ. Với ánh mắt dịu dàng, lời lẽ hiền từ, Người đã đưa ra lời phán xét: “Tôi không kết án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Thật là một lời phán xét lạ lùng. Lời phán xét của Chúa không tàn nhẫn độc đoán nhưng dịu dàng nhân hậu. Lời phán xét của Chúa không soi mói xét nét nhưng đại lượng bao dung. Lời phán xét của Chúa không cay đắng trách móc nhưng ân cần vỗ về. Lời phán xét của Chúa không sỉ nhục con người tội lỗi nhưng phục hồi nhân phẩm cho ta. Lời phán xét của Chúa không giam cầm tội nhân trong quá khứ, nhưng mở ra cho ta một tương lai. Chúa đã dứt bỏ và quên hết quá khứ lầm lỗi của ta. Chúa không nghi ngờ ta vốn hay phản bội. Chúa hoàn toàn tin tưởng khi trao tương lai vào tay người phụ nữ: “Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng tình yêu và sự tha thứ của Chúa là vô điều kiện. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng con đáng quý trọng không phải ở quá khứ nhưng ở tương lai, không phải ở cái họ đã là nhưng ở cái họ sẽ là. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi yên tâm đóng lại quá khứ để bắt đầu một tương lai mới, bước đi trong tình yêu thương và niềm tin tưởng của Thiên Chúa. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng lòng thương xót của Chúa là vô biên. Người không lên án người phụ nữ phạm tội, cũng không lên án những người tố cáo chị.
Lạy Chúa, con cảm tạ lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Lên án và tha thứ, bạn làm điều nào nhiều hơn?
2. Mỗi khi xét người, bạn có xét mình trước không?
3. Bạn có cảm nhận được lòng thương xót của Chúa trong đời sống của bạn không?
4. Khi đã tha thứ cho ai, bạn có hoàn toàn tin tưởng vào thiện chí của người đó không?
YÊU NHƯ CHÚA YÊU
(CHÚA NHẬT TUẦN 5 MÙA CHAY NĂM C)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta biết noi gương Người, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em.
Noi gương Đức Giêsu, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em, để được thương cứu độ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Là Con Một Thiên Chúa, Đức Giêsu người Nadarét cao cả hơn muôn vật muôn loài. Cũng như, lời tựa của Tin Mừng Gioan, lời tựa của thư này ngay từ đầu đã xác định vị trí của Chúa Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ta hãy nghe Chúa Kitô, vì nhờ Người, Thiên Chúa đã nói tiếng nói cuối cùng với nhân loại. Đức Giêsu Kitô là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. Người khai mở lòng tin của chúng ta, Người khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá.
Noi gương Đức Giêsu, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em, để được Chúa xót thương, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói về: Đức công chính và tình thương… Lạy Chúa Kitô, từ muôn đời, Chúa đã yêu thương chúng con. Chúa đã lấy dây tín nghĩa ân tình mà lôi kéo chúng con. Chúa sẽ không hành động theo cơn nóng giận, vì Chúa là Thiên Chúa làm người. Chúa tha thứ lỗi lầm của chúng con, để danh Chúa được vinh quang rạng rỡ. Ở giữa chúng con, Chúa là Đấng Thánh.
Noi gương Đức Giêsu, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em, để nên giống Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách ngôn sứ Isaia: Này Ta sắp làm một việc mới, Ta sẽ cho dân Ta được giải thoát. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 125, vịnh gia cho thấy: Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui. Khi Chúa dẫn tù nhân Xion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Vì Đức Kitô tôi đành mất hết, để được nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Chúa phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu: hết lòng quay trở về với Chúa, là hết lòng khao khát được trở nên giống như Chúa, trong tình yêu và lòng thương xót. Chỉ có Đấng hoàn toàn vô tội mới có quyền xét xử, còn ta là tội nhân, sao lại muốn xét đoán tha nhân. Chúng ta thấy người khác phạm tội, nhưng, chính chúng ta, không tự nhìn vào mình, vì bất cứ ai chăm chú tự nhìn vào mình, thì sẽ khám phá ra mình là người tội lỗi. Đó là điều chắc chắn. Vậy, một là, thương xót người phạm tội, để rồi, mình cũng được xót thương; hai là, kết án họ, để rồi, cùng với họ chịu hình phạt của Luật. Người có tội sẽ phải đền tội, nhưng, không phải bởi tay những kẻ có tội, như chúng ta. Đức Giêsu không kết án người phụ nữ, nhưng, Người cũng không dung túng tội lỗi: Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa. Chúa đã kết án, nhưng, kết án tội lỗi, chứ không, kết án người có tội. Chúa từ bi nhân hậu: Người cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn; Người sẽ dẫn tù nhân chúng ta về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. Ước gì ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong cái chết của Người. Vì yêu thương ta, Đức Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, ước gì ta biết noi gương Người, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em. Ước gì được như thế!
Tải về: PowerPoint-CN5MC-C
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn