TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – B

Thứ tư - 24/04/2024 14:50 |   598
“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15,9-17)

05/05/2024
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – B

cn t6 PS

Ga 15, 9-17


thực thi điều răn của thầy
“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15,9-17)

Suy niệm: Chúa Giê-su từng công khai chỉ trích giới lãnh đạo Do Thái vì họ “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8): Quả thật, họ không chỉ đặt ra những giới luật nặng nề hình thức và áp đặt lên dân chúng, mà họ còn giải thích sai lệch để bãi bỏ việc tuân thủ chính đáng các giới răn. Chúa Giê-su đòi buộc các môn đệ muốn được diễm phúc “ở  lại trong tình thương của Thầy” thì phải giữ các giới răn, nhưng không phải là “giới luật của phàm nhân” mà là “giới răn của Chúa”. Đồng thời Ngài cho biết ‘bí quyết’ để nhận biết mình đang thực thi “điều răn của Chúa” đó là “yêu thương như Chúa yêu thương”, là dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Bất cứ giới răn nào không có chỗ cho tình thương thì đó không phải là điều răn của Thiên Chúa. Nói tắt, “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Bạn thân mến, bất cứ bạn làm điều gì, dù xét theo khách quan, có tốt đẹp mấy đi nữa, nếu không phát xuất từ động lực sâu xa nhất là tình yêu Thiên Chúa, thì hầu chắc là bạn đã không thực thi giới răn của Chúa rồi.

Sống Lời Chúa: Trước khi hành động, nói năng hay suy nghĩ gì, bạn hãy chậm lại một giây thôi để loại trừ mọi hờn giận, ghen ghét, oán thù ngõ hầu chỉ còn tình yêu Chúa làm động lực hướng dẫn đời sống bạn mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết nhận ra tình yêu của Chúa trong mọi khoảnh khắc, để đến lượt con, con cũng biết trao ban tình yêu trong mỗi việc con làm.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

Ca nhập lễ

Các ngươi hãy rao truyền lời hân hoan, và người ta sẽ nghe, hãy rao truyền tới tận cùng trái đất rằng: Chúa đã giải phóng dân Người – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày vui này xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Ðức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi mới. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48

“Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”.

Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”

Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. 

Bài Ðọc II: Ga 4, 7-10

“Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 9-17

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

Ðó là lời Chúa.

Ghi Chú: Khi cử hành Lễ Thăng Thiên vào Chúa Nhật tới, thì trong Lễ Chúa Nhật VI Phục Sinh hôm nay có thể đọc Bài đọc II và Bài Tin Mừng của Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Chị em thân mến! Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã quy tụ tất cả chúng ta trong tình yêu của Người qua Đức Giêsu Kitô. Với lòng biết ơn và tin tưởng, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh, biết kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, sống bác ái yêu thương, để Hội Thánh luôn là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa là tình yêu, chính Người đã yêu thương chúng ta trước. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người nghèo khổ, những người gặp khủng hoảng trong cuộc sống, luôn cảm nghiệm được tình yêu Chúa, qua sự đồng cảm sẻ chia của những người chung quanh, để họ sống tin yêu phó thác vào Chúa.

3. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người sống đời thánh hiến, luôn cảm nghiệm được tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống trung tín, quảng đại, yêu thương, và can đảm làm chứng cho Tin Mừng phục sinh trong thời đại hôm nay.

4. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.  Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết sống tinh thần hiệp nhất yêu thương, trở nên chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa được lan tỏa tới muôn nẻo đường.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và xin ban Thánh Thần tình yêu Chúa trong lòng chúng con, giúp chúng con luôn sống bác ái, yêu thương hầu trở nên người con yêu dấu của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

 Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với lễ vật chúng con tiến dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán:”Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy, Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác, để Ngài ở với các con đến muôn đời – Alleluia.  

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Yêu thương anh em

Sống trong cuộc đời, chúng ta phải yêu thương nhau. Đó là điều dễ hiểu. Bởi vì nếu không yêu thương nhau, xã hội sẽ bất ổn và bản thân chúng ta cứ phải nơm nớp lo sợ trước những hận thù chồng chất. Thế nhưng, phải yêu thương nhau như thế nào?

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một khuôn mẫu để noi theo và bắt chước. Ngài phán: Các con hãy yêu thương nhau, như Thày đã yêu thương các con. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào, để rồi chúng ta sẽ lấy tình yêu của Ngài làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc để đo mọi việc làm của chúng ta?

Không cân phải nói, hẳn chúng ta cũng đã quá rõ: Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã xuống thế làm người, sinh ra nơi máng cỏ Bêlem, lớn lên trong xưởng thợ Nagiarét. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã sống một cuộc sống vất vả và nghèo túng. Ở nhà thì phải lao động cực nhọc. Đi rao giảng Phúc âm thì vất vưởng nay đây mai đó, không có lấy cả một nơi để gối đầu và nghỉ ngơi. Nhất là Ngài đã chết một cái chết ê chề và nhục nhã, như lời Ngài đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Liệu chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương của chúng ta bằng những hành động cụ thể như vậy hay không? Liệu chúng ta có dám chấp nhận những hy sinh và ngay cả cái chết cho những người mình thương mến hay không?

Hẳn chúng ta còn nhớ một Maximilianô Kolbê đã chết thay cho một bạn tù ở trại tập trung của Đức Quốc Xã trong cuộc thế giới đại chiến lần thứ hai. Hẳn chúng ta còn nhớ một Đamiêng, vị tông đồ người hủi, đã đến hải đảo Molokai, đã sống giữa họ và đã chết giữa họ, để nâng đỡ và xoa dịu những đớn đau họ phải chịu do chứng bệnh phong cùi gây nên. Và còn biết bao nhiêu tu sĩ nam nữ đã âm thầm hy sinh cuộc sống của mình để chăm sóc cho những người già cả, đau yếu và bất hạnh.

Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ bên Tàu, có một em bé đói rách, tiều tụy và mắc bênh phong cùi. Em bị dân chúng đánh đập và đuổi ra khỏi làng. Trước cảnh tượng ấy, một nhà truyền giáo phương xa đã bế em trên tay, che chở em khỏi gậy gộc phũ phàng. Thấy có người chịu mang em đi, dân làng mới thôi không đánh đập em nữa, nhưng miệng thì vẫn không ngớt rủa xả. Giờ đây, những giọt nước mắt chảy xuống trên gò má em. Không phải là những giọt nước mắt đau buồn và tủi hận, nhưng là những giọt nước mắt vui mừng và tin tưởng. Em đã hỏi: Tại sao ông lại lo lắng cho tôi? Nhà truyền giáo trả lời: Vì ông trời đã tạo nên cả hai chúng ta. Em là em gái của tôi và từ nay em sẽ không còn phải đói khổ, long đong vất vả nữa. Suy nghĩ một hồi, em hỏi tiếp: Vậy tôi phải làm gì? Nhà truyền giáo trả lời: Em hãy tro tặng cho người khác tình yêu của em, càng nhiều càng tốt. Từ đó cho đến khi qua đời, trong suốt ba năm, em luôn chăm sóc, giúp đỡ, băng bó vết thương và đút cơm cho các bệnh nhân trong trại cùi mà nhà truyền giáo đã đưa em vào. Tới năm mười một tuổi, khi em qua đời, các bệnh nhân đã khóc và nói với nhau vói tất cả niềm thương nhớ: Bầu trời bé nhỏ đang xa lìa chúng ta.

Lề luật của Chúa được gồm tóm trong hai điều, đó là mến Chúa và yêu người. Chúng ta hãy cố gắng thực thi hai điều ấy với niềm xác tín rằng: qua những yêu thương nho nhỏ, chẳng hạn như một ánh mắt dịu hiền, một nụ cười cảm thông, một lời nói an ủi, một việc làm giúp đỡ…chúng ta sẽ trở nên là những môn đệ đích thực của Chúa. Bởi vì như lời Chúa đã xác quyết: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau.

Yêu như Chúa yêu
ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Yêu là một từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ dễ gây hiểu lầm nhất. Vì người ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính. Để tránh những hiểu lầm, khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu. Khuôn mẫu đó là: yêu như Chúa yêu.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. Thế là đã rõ. Tất cả bắt nguồn từ cùng một tình yêu. Đức Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu, muốn chân thực, phải quy chiếu về trái tim Chúa Cha.

Tình yêu của Chúa Cha như thế nào? Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu Chúa Cha.

Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình, chỉ yêu những người nào dễ yêu, ghét những người dễ ghét, chỉ giới hạn tình yêu vào một số người thân quen. Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Tình yêu ấy lan tới tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ một ai dù lành dù dữ. Thế nên “Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5,45). Tình yêu ấy lan toả tới súc vật cỏ cây: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Hãy xem bông huệ ngoài đồng. Chúng không dệt không may, thế mà Cha trên trời mặc cho chúng bộ áo đẹp hơn cả áo vua Salomon” (Lc 12,24-27).

Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Vì yêu thương, Đức Chúa Cha đã dựng nên con người. Vì yêu thương, Người đã nhận con người làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Nhưng loài người vô tình không những không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người đã bị phạt. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn yêu thương loài người, nên đã có kế hoạch cứu độ loài người. Chính ở điểm này ta nhận biết tình yêu vô cùng tha thiết của Đức Chúa Cha. Không những Ngài không giận ghét loài người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Tình yêu thương mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người.

Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói nhiều về tình yêu tha thứ của Đức Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Tóm tắt như sau: Người Cha có hai con trai. Đứa út xin Cha chia gia tài cho nó. Được rồi, nó cầm tiền, bỏ nhà ra đi, ăn chơi phung phí. Khi nó tiêu hết tiền thì vùng ấy xảy ra nạn đói. Đói bụng nó phải đi chăn lợn. Nó muốn ăn cám lợn mà chủ không cho. Bấy giờ nó hối hận và nghĩ: ở nhà cha mình các đầy tớ còn được ăn no, còn mình ở đây phải chết đói. Thế rồi, nó chỗi dậy, trở về nhà. Cha nó ngày nào cũng ra đầu ngõ chờ mong con trở về. Khi thấy nó về, ông chạy lại ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để, rồi ông gọi gia nhân mang áo đẹp, nhẫn, giầy ra cho cậu và ra lệnh mở tiệc ăn mừng (cf Lc 15). Người cha ấy là hình ảnh Đức Chúa Cha. Thật là kỳ diệu tình yêu Người. Người quên hết những lỗi lầm của ta. Người yêu yêu ta trước khi ta yêu Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.

Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Lạy Cha, xin cho con hiểu được tình yêu của Cha. Xin cho con trở nên giống Cha, biết yêu thương bằng tình yêu của Cha. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Từ trước tới nay, bạn hiểu tình yêu thế nào?

2- Mỗi khi nghĩ đến Đức Chúa Cha, bạn nghĩ đến đặc tính nào của Người: yêu thương, quyền năng, thưởng phạt công minh…?

3- Đối với bạn, yêu thương người khác dễ hay khó?

4- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Chúa Cha.

LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỔI MỚI
(CHÚA NHẬT TUẦN 6 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 6 Phục Sinh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong những ngày vui này, xin Chúa cho tất cả chúng ta biết đem lòng sốt sắng mừng Đức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng ta và làm cho chúng ta được đổi mới.

Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan đã cho thấy: Sống hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta sẽ nhận ra mình tội lỗi, và cần đến ơn tha thứ của Đức Kitô: Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.

Làm cho chúng ta được đổi mới, là công trình hòa giải với Thiên Chúa, mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô đã nói: Quả vậy, cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng như cuộc canh tân kèm theo, đều không ngoài thánh ý Chúa Cha. Nhờ Đức Kitô, chúng ta được đến với Chúa Cha, như chính Người đã nói: Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy, mọi sự đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã nhờ Đức Kitô, mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải.

Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn cứu độ phổ quát dành cho cả dân ngoại nữa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô làm phép rửa cho những người dân ngoại: Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ? Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia cũng kêu gọi toàn cõi đất hãy vui mừng vì cứu độ của Thiên Chúa: Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.

Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn huệ nhưng không xuất phát từ Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã nói: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thiên Chúa là tình yêu, biết Thiên Chúa là biết yêu, không biết yêu thì không biết Thiên Chúa. Tôi tớ không biết việc chủ làm, chúng ta là bạn hữu của Thiên Chúa, nếu chúng ta thực hiện những điều Chúa truyền dạy là: yêu như Chúa yêu. Tình yêu Thiên Chúa sẽ tẩy xóa và phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta được đổi mới, để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Đức Kitô đã yêu chúng ta, đến nỗi, đã hiến mạng vì chúng ta, ước gì chúng ta luôn biết để cho tình yêu hiến tế của Người thanh luyện con tim chúng ta, để chúng ta có thể sống giới luật yêu thương như lòng Chúa ước mong. Ước gì được như thế!

LÀ BẠN HỮU

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Thầy gọi các con là bạn hữu!”.

“Có hai điều mà con người không có số học để tính toán, không có thước mực để đo lường. Một là mức độ mất mát của Thiên Chúa, Đấng dám cho đi chính mình; hai là mức độ ân tứ của Ngài khi phải ban Con Một cho tội nhân. Tội lỗi phải thực sự vượt quá chính nó, khi Thiên Chúa buộc phải ban Con mình để làm Bạn của tội nhân. Và bấy giờ, tội nhân được trở nên con cái Ngài, ‘là bạn hữu’ của Ngài!” - John Charles Ryle.  

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay chứng thực nhận định của J. C. Ryle; đồng thời, nói với chúng ta - những con người phàm trần - một điều không tưởng! Rằng, chúng ta ‘là bạn hữu’ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói, “Thầy gọi các con là bạn hữu!”.

Với Chúa Giêsu, chúng ta gọi Ngài là Đấng Cứu Rỗi, là Thầy, là Chúa, là Vua và là Bạn như Ngài xác nhận. Khi nói Chúa Giêsu như Người Bạn, điều quan trọng là phải hiểu đúng bản chất của tình bạn đó. Tình bạn với Chúa Giêsu không phải là tình bạn đơn giản khiến chúng ta trở thành “bạn bè”. Nó không như tình bạn giữa hai người bình đẳng. Ngài là Chúa nên tình bạn với Ngài mang những đặc điểm độc đáo không có trong những tình bạn khác. Không thể có người bạn nào lớn hơn chính Thiên Chúa. “‘Là bạn hữu’ với Chúa, tình bạn này phải ở dạng thuần khiết nhất!” - Tôma Aquinô.

Đó là một tình bạn; đúng hơn, một tình yêu, trong đó, trọng tâm duy nhất của một người là lợi ích của người khác. Nó không dựa trên lợi ích riêng của một người. Vấn đề không phải là “Tôi nhận được gì từ nó?”. Trong thư Côrintô, Phaolô định nghĩa tình yêu vị tha như sau: “Tình yêu thì kiên nhẫn, nhân hậu. Nó không đố kỵ, không khoa trương, không thổi phồng, không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng nảy, không nuôi hận thù… Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ thất bại!”. Đây không chỉ là định nghĩa của tình yêu mà còn là nền tảng duy nhất cho một tình bạn chân chính.

Xem xét những phẩm chất đó, chúng ta thấy Thiên Chúa liên hệ với chúng ta theo từng cách này. Việc chúng ta có đáp lại những đức tính này đối với Chúa hay không sẽ quyết định ‘mức độ sâu sắc’ của mối quan hệ ‘là bạn hữu’ chúng ta thiết lập với Ngài. Vì thế, tình yêu chúng ta dâng Ngài đúng đắn nhất xuất hiện dưới hình thức thờ phượng. Ngài đáng được tôn thờ, đầu phục, tin cậy và vâng phục hoàn toàn. Một điều đẹp đẽ và an ủi là khi thờ phượng Chúa, chúng ta nhận lại sự sống của Ngài. Và điều này thiết lập một tình bạn thánh thiện vốn sẽ biến đổi chúng ta nên trọn lành.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thầy gọi các con là bạn hữu!”. Hãy suy gẫm lời mời của Chúa Giêsu; từ đó, bước vào một tình bạn đích thực với Ngài! Điều này có nghĩa là Thiên Chúa trở thành trung tâm của cuộc đời bạn. Nó có nghĩa là bạn tìm cách hiến thân một cách vị tha và không dè dặt cho Đấng xứng đáng với mọi tình yêu của bạn. Nó có nghĩa là bạn chọn sự thờ phượng và vâng phục Ngài hoàn toàn. Phần thưởng của tình yêu này là bạn có thể bước vào một mối liên kết thánh thiện, thuần khiết và viên mãn đến mức nó khiến bạn trọn vẹn ‘biến đổi’, giúp bạn ‘là bạn hữu’ của Chúa, đúng con người mà bạn mong muốn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không là bạn của Chúa, con dễ làm bạn với ma quỷ và những gì thuộc về nó. Giúp con tìm điều đẹp lòng Chúa; và con sẽ thiết thân hơn với Chúa mỗi ngày!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây