01/05/2024
THỨ TƯ TUẦN 5 PHỤC SINH
Thánh Giuse thợ
Mt 13, 54-58
con bác thợ giu-se
“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,54-55)
Suy niệm: ‘Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa’. Trong một xã hội coi lý lịch là yếu tố tối quan trọng trong việc xác định vị thế của một người, thì con người tên Giê-su, con bác thợ Giu-se, đồng hương với họ, mãi mãi vẫn sẽ là một bác thợ quèn, sao dám chơi trội lên hàng thượng lưu, trí thức? Bởi thế những lời giảng dạy khôn ngoan, những phép lạ diệu kỳ của Đức Giê-su lại trở thành một hiện tượng gây sốc, một cớ vấp phạm đối với họ. Nhưng điều thế gian cho là điên dại, yếu kém thì Thiên Chúa lại dùng để tỏ rõ sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài (x. 1Cr 1,17-25). Quả vậy, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, kế thừa danh hiệu “con bác thợ” từ thánh cả Giu-se, chẳng những để chia sẻ cuộc sống với những người hèn mọn nhất trong xã hội, mà còn để phục hồi sứ mạng của nhân loại lao động để “thống trị trái đất” (St 1,28). Và qua bàn tay lao động của Ngài, nhất là khi “Giê-su, con bác thợ” chịu đóng đinh trên cây gỗ, những việc lao công hèn mọn nhất cũng có giá trị thánh hoá và đem lại ơn cứu rỗi.
Mời Bạn: Bạn thật diễm phúc vì dù bạn là người có địa vị, hoặc chỉ là một người vô danh hèn mọn, những công việc phục vụ âm thầm, nhỏ bé của bạn cũng được thánh hoá và có giá trị vô song khi bạn hành động cùng với Đức Giê-su Ki-tô và trong tinh thần hiến thân của Ngài.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi tham dự thánh lễ, bạn dâng lên Chúa những việc phục vụ và bổn phận hằng ngày của bạn kết hợp với hy lễ của Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu quý những gì hèn mọn, để nên giống Chúa hơn. Amen. (x. Rm 12,16)
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 5 PHỤC SINH
Ca nhập lễ
Miệng tôi đầy lời ca ngợi Chúa, để tôi có thể ca hát, môi tôi sẽ hoan hỷ khi tôi ca mừng Chúa – Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa yêu thích những tâm hồn thanh khiết và làm cho con người tội lỗi lại trở nên tinh tuyền. Chính Chúa đã giải cứu chúng con thoát khỏi cảnh tối tăm lầm lạc, xin cũng đừng để chúng con lìa bỏ ánh sáng chân lý Chúa bao giờ. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 15, 1-6
“Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.
Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê”. Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.
Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.
Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.
Alleluia: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Chúa nói: Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái. Alleluia.)
Phúc Âm: Ga 15, 1-8
“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ, và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi tín hữu. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh
Ca hiệp lễ
Chúa đã phục sinh và đã chiếu soi chúng ta là những kẻ Người đã dùng máu Mình mà cứu chuộc – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn, mà nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
KẾT HỢP ĐỂ SINH HOA TRÁI (Ga, 15,1-8)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Khi nói đến cây nho, chúng ta nghĩ ngay đến bà con nông dân khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam, bởi vì nơi đây, phong trào trồng nho đã trở thành nghề chính của người dân. Khi trồng nho, người ta phải chăm bón, và nhất là cắt tỉa đúng quy cách mới mong một vụ mùa bội thu. Nếu không biết chăm bón đúng cách và không dám cắt tỉa, cây nho sẽ không sinh trái hay chỉ sinh ra những trái sâu xi, sần sùi, èo ọt…
Hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Ngài với dân và đồng thời cũng nói lên thực tại Nước Trời ngang qua hình ảnh cây nho và cành nho.
Cây nho là thứ cây trồng chủ yếu của người Palestina thời Đức Giêsu. Cây nho còn là biểu trưng của chính dân Iraenl. Vào thời Cựu Ước, các tiên tri đã lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng khi mượn hình ảnh cây nho không trái hay cho ra những loại rượu đắng chát không đạt tiêu chuẩn để nói lên sự thờ ơ, bất trung, phản bội của dân với Thiên Chúa.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng lại hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó và hệ quả của nó trong tương quan giữa Ngài với ta. Vì vậy, Ngài đã ví mình là cây nho, chúng ta là cành nho. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo, muốn được sinh hoa trái thiêng liêng, ắt phải cắt tỉa những cành ích kỷ, vụ lợi, giả hình, kiêu ngạo, gian dối, bất công…, để từ đó nảy thêm những mầm nho mới và sẽ sinh ra hoa trái của chân thực, nhân từ, bao dung, khiêm nhường, từ bi, nhân hậu…
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy kết hợp với Chúa như cành nho với thân nho, như hình với bóng, để sự sống của ta là của Chúa và hoa trái được sinh ra chính là hoa trái cùng dòng giống với Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con mãi mãi được gắn bó với Chúa như cành liền cây, để chúng con được ơn cứu chuộc và chia sẻ hoa trái cứu chuộc đó cho anh chị em xung quanh. Amen.
TÂM HỒN THANH KHIẾT
(THỨ TƯ TUẦN 5 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 5 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa yêu thích những tâm hồn thanh khiết và làm cho con người tội lỗi lại trở nên tinh tuyền. Chính Chúa đã giải cứu chúng ta thoát khỏi cảnh tối tăm lầm lạc, thì xin Chúa đừng để chúng ta lìa bỏ ánh sáng chân lý Chúa bao giờ.
Những tâm hồn thanh khiết là nơi Thiên Chúa cư ngụ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Thành thánh Giêrusalem tiêu biểu cho Hội Thánh đã đạt tới vinh quang, quy tụ dân đã được thánh hiến. Thành Thánh từ trời xuống, vì đây là một cộng đoàn do Thiên Chúa thiết lập và đón nhận sự sống từ Thiên Chúa.
Những tâm hồn thanh khiết luôn hướng về Quê Trời, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trích thư gửi cho Điônhêtô, có đoạn: Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luật pháp. Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giàu có.
Những tâm hồn thanh khiết luôn quy hướng về tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không nại vào việc tuân giữ chi li các khoản luật cứng nhắc, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phaolô và thánh Banaba tranh luận gay gắt với những người bắt dân ngoại cũng phải cắt bì theo luật Môsê: Ông Phaolô và ông Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Những tâm hồn thanh khiết luôn vui mừng trẩy lên Đền Thánh Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 121, vịnh gia đã cho thấy: Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa! và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Những tâm hồn thanh khiết là những tâm hồn chỉ khao khát một mình Thiên Chúa. Họ gắn kết với Chúa và luôn tiến bước theo sự chỉ dẫn của Người. Họ sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Hồn ở trong xác thế nào, thì họ sống giữa thế gian cũng như thế. Linh hồn ở trong thân xác nhưng không do thân xác, thì họ cũng ở trong thế gian nhưng không bởi thế gian. Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại gì cho xác thịt, mà chỉ ngăn không cho nó nuông chiều theo những ham muốn lệch lạc; thế gian cũng ghét họ như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho thế gian, mà chỉ chống lại những vui thú giả tạo mà thế gian mang lại. Chúa đã giải cứu chúng ta thoát khỏi cảnh tối tăm lầm lạc, ước gì chúng ta đừng bao giờ lìa bỏ ánh sáng chân lý Chúa. Ước gì được như thế!
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Giuse thợ
Ca nhập lễ
Phúc thay tất cả những ai tôn sợ Thiên Chúa. Những ai ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may – Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: St 1, 26 – 2, 3
“Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”.
Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.
Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc: Cl 3, 14-15. 17. 23-24
“Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chớ không phải cho người đời”.
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Anh em thân mến, trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Ki-tô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa.
Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chứ không phải cho người đời; vì anh em biết rằng anh em sẽ lãnh nhận phần thưởng gia nghiệp do Thiên Chúa trao ban, nên anh em hãy phục vụ Chúa Ki-tô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 2. 3-4. 12-13. 14 và 16
Ðáp: Lạy Chúa, xin củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài.
Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.
Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài!
Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con được mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.
Alleluia: Tv 67, 20
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 13, 54-58
“Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giê-su trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Ma-ri-a? và Gia-cô-bê, Giu-se, Si-mon và Giu-đa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?” Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giê-su nói với họ: “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình”. Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa là nguồn mạch lòng thương xót, xin đoái nhìn lễ vật chúng con dâng trước Thánh Nhan nhân ngày lễ thánh Giu-se thợ. Chúng con khẩn khoản nài xin Chúa cho của lễ này trợ giúp chúng con. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi việc anh em nhân danh Chúa mà thi hành, anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực bởi trời nuôi dưỡng chúng con, xin dạy chúng con biết noi gương thánh Giu-se để lại mà làm chứng về đức ái Chúa đã đổ xuống tâm hồn chúng con, nhờ đó chúng con sẽ được hưởng bình an mãi mãi. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Hôm nay lễ Thánh Giuse Thợ, chúng ta đọc lại một vài suy niệm của ĐTC Phaolô VI về cuộc đời lao động của Thánh cả.
Trong bài giảng vào lễ Thánh Giuse năm 1969 (*), ĐTC Phaolô VI nói rằng: khi suy niệm về Thánh Giuse, ta tưởng chừng như thiếu chất liệu khai thác. Phúc Âm không ghi lại lời nào của Ngài, ngoại trừ vài ghi nhận: Ngài hoàn toàn yên lặng và lắng nghe tiếng Chúa qua những giấc mơ. Ngài mau mắn thi hành ý Chúa. Ngài chuyên chăm làm việc tay chân cách cần mẫn, khiến người đời chỉ biết về Chúa Kitô là con bác phó mộc. Tất cả chỉ vỏn vẹn có thế, và có thể nói: cuộc đời Thánh Giuse là một cuộc đời ẩn dật, lao công lam lũ, một đời bình thường không chút danh giá.
Nhưng, ĐTC Phaolô VI nhấn mạnh, nếu chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn cuộc đời ẩn dật của Thánh Giuse, chúng ta sẽ thấy một cuộc đời đầy nhân đức và công nghiệp, đầy hạnh phúc và đau khổ, đầy hy sinh và ơn thánh. Thánh Giuse đã dấn thân và đón nhận mọi gánh nặng gia đình. Ngài chỉ nghĩ đến phục vụ, chỉ biết làm việc và hy sinh trong khung cảnh thầm kín mà Phúc Âm đã diễn tả: mái ấm Nadarét với trẻ Giêsu và Đức Maria. Ngài thực đáng được ca ngợi là người diễm phúc và cực tốt lành.
Chính nơi Thánh Giuse, ta nhìn thấy những giá trị đích thực của đời sống con người, khác hẳn cách người đời thường thẩm định. Ở đây, cái nhỏ bé trở nên lớn lao. Ở đây, cái hèn hạ lại có địa vị xứng đáng trong xã hội. Ở đây, những kết quả lao công tầm thường và khó nhọc, lại trở nên hữu dụng cho công việc giảng dạy của Đấng Tạo Thành. Ở đây, những gì bị mất vì yêu Chúa thì lại tìm thấy, những gì hy sinh cho Chúa thì lại được nên dồi dào.
Thánh Giuse chính là tiêu chuẩn Phúc Âm, mà Chúa Giêsu – sau khi rời bỏ xưởng thợ Nazareth – đã rao giảng. Thánh Giuse là gương mẫu của lớp người khiêm hạ mà Kitô giáo đã phát hiện ra như những sự cả thể lớn lao.
Cuối cùng, ĐTC Phaolô VI kết luận, Thánh Giuse là biểu chứng cho thấy, muốn nên môn đệ Chúa Kitô thì không phải nhắm ra tay làm những sự lớn lao, mà chỉ cần tập làm những việc nhỏ mọn, đơn sơ xứng hợp với con người… Vậy Thánh Giuse là gương mẫu cho chúng ta bắt chước, là Đấng Bảo Hộ chúng ta cần cầu khẩn.
NOI GƯƠNG THÁNH GIUSE THỢ LÀM VIỆC
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Ai cũng phải làm việc. Các việc làm chiếm nhiều thời giờ và năng lực của một đời người. Đứng trước công việc, thông thường, ta có hai thái cực trái ngược nhau: (1) cảm thấy mệt mỏi, uể oải: công việc sao mà nặng nề, cực nhọc quá; (2) coi công việc là tất cả, rồi đặt mọi kỳ vọng to lớn của mình vào trong công việc: làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ, để rồi, đánh mất những giá trị cao đẹp của cuộc sống mình. Mừng Lễ Thánh Giuse Thợ là dịp thuận lợi: để chúng ta đặt mình trước Chúa, nhìn lại thái độ của chúng ta đối với các công việc hằng ngày, để rồi, điều chỉnh lại mọi việc theo như Chúa muốn.
Người lười biếng là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, và xem những người siêng năng là những kẻ dại: không biết tinh ranh, và không biết trốn tránh gánh nặng như mình. Kẻ lười biếng, viện mọi lý do để trốn việc, chẳng học hỏi, chẳng cầu tiến, chẳng phát huy khả năng Chúa ban. Xin thánh Giuse Thợ cầu bầu cùng Chúa cho ta: biết siêng năng làm việc như ngài, để qua những thành quả, từ các công việc mà ta đã làm, mọi người sẽ nhận ra vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho ta: việc làm, với óc sáng tạo, để chinh phục thiên nhiên, và tận hưởng thế giới do chính Người đã tạo dựng cho ta.
Ta được Chúa dựng nên để làm việc, nhưng, ta cũng là một thành viên trong gia đình, một công dân ngoài xã hội, một phần tử của cộng đồng. Thời gian của ta không chỉ để làm việc, mà còn để quan tâm đến những người quanh ta, cũng như, để tưởng nhớ đến Đấng đã dựng nên mình. Chúa với quyền năng tuyệt đối có thể làm việc liên tục, ấy thế mà, sau sáu ngày sáng tạo, ngày thứ bảy: Chúa nghỉ ngơi. Điều này cho thấy: một đàng, ta phải nỗ lực làm việc, đàng khác, ta phải dành giờ cho Chúa và tha nhân, không để mình bị mất hút trong các công việc, để rồi, vuột mất những tương quan tốt đẹp mang lại hạnh phúc cho cuộc đời ta.
Sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa liền đưa họ vào vườn địa đàng để trồng trọt và chăm sóc vườn. Việc làm vừa là lời mời gọi vừa là ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Tiếc thay, vì con người bất tuân, đất đã bị nguyền rủa, con người phải làm lụng vất vả, phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn. Việc làm, tự nó không phải là gánh nặng, không phải là sự nguyền rủa, nhưng, chính do tội lỗi, chính tội lỗi đã làm cho công việc trở nên nhọc nhằn, gai góc. Noi gương thánh Giuse Thợ, ta hãy mau mắn tuân hành thánh ý Chúa, để các công việc của ta: sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và sinh được nhiều hoa trái tốt đẹp.
Qua công việc, chúng ta sẽ khám phá ra được: ơn gọi của chính mình, chúng ta sẽ nhận ra được: mục đích của đời mình, và chúng ta sẽ tìm thấy được: niềm vui thỏa trong khi thực hiện các công việc mà Chúa giao phó, để hoàn thành mục đích, ơn gọi làm người của mình. Noi gương thánh Giuse Thợ làm việc: một người chồng sẽ hạnh phúc khi bươn chải để lo cho vợ con; một bà nội trợ sẽ vui sướng khi hoàn tất một món ăn ngon cho gia đình; một người con sẽ hân hoan khi chu toàn bổn phận học tập của mình. Tất cả là hồng ân, là niềm hoan lạc, khi ta hăng hái làm việc để hoàn thành thánh ý Chúa trong cuộc đời ta.
Noi gương thánh Giuse Thợ làm việc, chúng ta sẽ có được lương thực hằng ngày và đóng góp vào sự tiến bộ cho cộng đồng xã hội. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi: “Hãy sinh sôi nảy nở thêm đầy mặt trái đất, và hãy làm chủ vũ trụ này”, mặc dù, những lời này không trực tiếp nói đến vấn đề “làm việc”, nhưng, chúng vẫn ám chỉ cách gián tiếp đến “việc làm”, vì đó là hoạt động của con người trên trần gian này. Ta là hình ảnh của Chúa, được Chúa ủy nhiệm cho việc chăm sóc cả vũ trụ này. Khi thi hành lời ủy nhiệm đó, là ta đang cộng tác vào trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
“Làm việc” là nền tảng xây dựng gia đình, bởi vì, muốn tồn tại, gia đình phải có những điều kiện để sinh sống, mà những phương tiện giúp sinh sống này, phải nhờ làm việc mới có được. Tất cả tiến trình giáo dục một con người, cũng chịu ảnh hưởng bởi tinh thần và lòng nhiệt thành trong khi làm việc. Gia đình là một trong những căn cứ điểm quan trọng nhất, mà trật tự xã hội và đạo đức của con người phải dựa vào để hình thành. Do đó, các thành viên trong gia đình phải noi gương Gia Đình Nadarét xưa: ra sức làm việc để xây dựng gia đình mình: thành một tổ ấm hiệp thông, một trường học dạy và thực hành các nhân đức.
Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế, Đấng Tạo Hóa đã gắn liền “việc làm” cùng với con người, và coi đó: như là sứ mạng của con người trên trần gian này. Những thính giả đầu tiên của Đức Giêsu ở Nadarét đã phải ngạc nhiên, bảo nhau: “Ông ta chẳng phải là người thợ mộc hay sao?”. Đức Giêsu ưa chuộng, và quý mến công việc của con người. Người âu yếm, thiết tha làm việc, và tôn trọng các hình thức của công việc. Mỗi hình thức của công việc là một phương cách cho thấy: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng mà Đức Giêsu quả quyết: “Cha Ta không ngừng làm việc”, hay “Cha Thầy là người trồng nho”.
Lời giáo huấn của Đức Giêsu về “làm việc” còn để lại một âm vang rất mạnh mẽ trong lời giáo huấn của thánh Phaolô. Thánh Phaolô làm nghề dệt lều. Ngài đã tự hào, khi dùng nghề này, để vừa có thể làm việc tông đồ, vừa có thể mưu sinh: Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền hà đến ai trong anh em. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse Thợ, xin Chúa ban cho chúng ta cũng biết chuyên cần làm việc như thánh Phaolô dạy: Dù anh em làm việc gì, thì như thể làm cho Chúa, chứ không phải làm cho loài người, vì biết rằng anh em sẽ được hưởng phần gia nghiệp mà Chúa ban thưởng cho.
KHÍ CỤ CỦA ÂN SỦNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Cành nào sinh hoa trái, Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”.
“Một khu vườn không chăm sóc, cỏ dại sẽ sớm mọc; một trái tim không trau dồi chân lý sẽ sớm ‘hoang vu thần học’; một linh hồn không được cắt tỉa sẽ không bao giờ là khí cụ của ân sủng!” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến cắt tỉa! Hội Thánh sơ khai cần được cắt tỉa; các môn đệ cần được cắt tỉa. Chúa Giêsu muốn sử dụng chúng ta như những ‘khí cụ của ân sủng’; nhưng bạn và tôi chỉ có thể trở thành lợi khí của Ngài trừ phi sẵn sàng để mình được cắt tỉa!
Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ ghi lại những thước phim của ‘Công Đồng đầu tiên’. Các sứ đồ nhóm họp để giải quyết một vấn đề gai gốc, “Cắt bì hay không cắt bì?”. Để việc loan báo Tin Mừng có thể thích ứng với hoàn cảnh, Giáo Hội cần được cắt tỉa bởi Thánh Thần - cả với những gì ‘được coi là truyền thống’ nhất. Đó có thể là những ‘nghi tiết’ lâu đời, nhưng về mặt ý nghĩa - cách nào đó - đã mai một theo thời gian. Sẽ luôn có căng thẳng giữa tư duy bảo thủ và tư duy tiến bộ; cả hai đều cần thiết và đây là dấu hiệu của một Giáo Hội trưởng thành. Tuy nhiên, một khi được xem xét, điều chỉnh, kết quả sẽ là những hoa trái của hiệp nhất; vì lẽ, đa dạng nhưng không phân chia! Được như thế, Giáo Hội mới là ‘khí cụ của ân sủng’ vốn sẽ hữu hiệu để thích ứng với con người mọi thời dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến những cành nho được cắt tỉa như là điều kiện để có một mùa nho tốt. Cũng thế, Chúa Thánh Thần sẽ cắt tỉa, loại bỏ những ‘cỏ dại và lỗi lầm’ ra khỏi cuộc sống chúng ta; nhờ đó, các nhân đức được nuôi dưỡng để trái tim của chúng ta không ‘hoang vu thần học’. Cắt tỉa có thể gây thương tổn, nhưng những ‘vết cắt’ tâm linh sẽ góp phần làm nên chìa khoá mở ra cánh cửa trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Trỗi dậy trong khiêm tốn, chúng ta ngày càng tựa nương vào Chúa hơn là tự tin vào bản thân, ý riêng và kế hoạch của mình. Thiên Chúa khôn ngoan hơn chúng ta vô vàn; và nếu có thể liên lỉ hướng về Ngài như nguồn cội, chúng ta sẽ mạnh mẽ và chuẩn bị tốt hơn để Ngài có thể làm những điều vĩ đại ngang qua bạn và tôi như những ‘khí cụ của ân sủng!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cành nào sinh hoa trái, Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”. Bản thân Chúa Giêsu, Ngài cũng chịu cắt tỉa; cái chết trên thập giá là cắt tỉa nghiệt ngã nhất. Nhưng cũng từ đó, Ngài trở nên nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại! Với Ngài, thập giá và khổ đau như là điều kiện không thể thiếu cho việc xây dựng Vương Quốc. Thiên Chúa - Chủ Vườn đại tài - biết cần cắt tỉa cành nào và cắt tỉa lúc nào, vì “một linh hồn không được cắt tỉa sẽ không bao giờ là một ‘khí cụ của ân sủng!’”. Thánh Thần cắt tỉa chúng ta qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua những con người, qua từng biến cố. Chớ gì bạn và tôi không kháng cự, nhưng tỉnh thức đủ, để đừng vì đau nhức mà bỏ cuộc. Hãy mềm mỏng với Thánh Thần, hầu có thể trở nên một công cụ tốt, sinh ích cho tha nhân và cho thế giới!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không cuộc giải phẫu nào mà không chảy máu, xin cứ cắt tỉa con! Nhờ đó, con không là một khí cụ tồi, mà là một công cụ sắc bén của ân sủng!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn