09/05/2024
THỨ NĂM TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,16-20
nỗi buồn thánh
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,16-20)
Suy niệm: Trong ca khúc “Và con tim đã vui trở lại,” nhạc sĩ Đức Huy nói lên tâm sự của người muốn “tìm một con đường, tìm một lối đi”, nhưng vì thiếu niềm tin định hướng, họ “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai” và chạy theo cuộc vui chóng tàn: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi, một mình tôi về nhiều lần ướt mi.” Và rồi, những cuộc vui như thế chẳng mấy chốc lại trở thành nỗi buồn bởi vì nó không lấp đầy được sự trống trải của tâm hồn cũng không trút bỏ được cái gánh trĩu nặng của tội lỗi. Chúa Giê-su báo trước các môn đệ của Ngài sẽ phải đối mặt với nỗi buồn thống thiết nhưng rồi nỗi buồn ấy sẽ trở thành niềm hoan lạc vô bờ: buồn với Thầy trong nỗi thương đau của cuộc khổ nạn để rồi sẽ vui với Thầy trong niềm hoan lạc Phục Sinh.
Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, chúng ta cảm thấy buồn vì làm mất lòng Chúa, xa Chúa. Để “con tim vui trở lại” phải biết buồn vì tội lỗi, tức là sám hối trở về, Chúa sẽ biến nỗi buồn ấy trở thành niềm vui vì được giao hòa với Chúa và sống trong tình yêu của Ngài. Bạn hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để thống hối, buồn để quay gót trở về, gặp Chúa Phục Sinh, đó là nỗi buồn thánh và mang lại niềm vui trong Chúa thật sự. Bạn có cảm nghiệm niềm vui đó sau một lần xưng tội sốt sắng không?
Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu, bắt đầu từ tật xấu lớn nhất.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa con, chính con trông cậy ở Ngài. Lạy Chúa, lạy Chúa con, hãy đưa con về sống trong niềm vui.”
(Lời bài ca “Sống trong niềm vui” của Nguyễn Duy).
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 6 PHỤC SINH
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Khi Chúa dẫn đầu dân tộc tiến ra, Chúa lên đường với họ, và ở trong họ, thì đất rung động và trời vỡ lở – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Nơi nào mừng lễ Thăng Thiên vào Chúa Nhật tới, thì đọc:
Lạy Chúa, Chúa đã cho dân Chúa được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vui mừng vì Ðức Kitô đã sống lại. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 18, 1-8
“Ngài cư trú và làm việc tại nhà họ, và giảng trong hội đường”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô rời Athêna đi Côrintô; ngài gặp một người Do-thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa từ đất Ý-đại-lợi đến làm một với vợ là Priscilla (bởi vì vua Clauđiô đã ra lệnh trục xuất mọi người Do-thái khỏi Roma); Phaolô đến gặp họ. Và vì chung một nghề, nên ngài cư trú và làm việc tại nhà họ: họ làm nghề dệt bố để làm nhà lều. Mỗi ngày Sabbat, ngài đến tranh luận tại hội đường, nêu danh Chúa Giêsu, thuyết phục người Do-thái và Hy-lạp.
Khi Sila và Timôthêu từ Macêđônia đến, Phaolô chỉ chuyên lo việc giảng dạy, minh chứng cho người Do-thái biết Chúa Giêsu là Ðức Kitô. Nhưng họ công kích và lăng mạ Ngài, nên ngài dũ áo nói với họ: “Máu các ngươi đổ trên đầu các ngươi. Phần tôi, tôi vô can, từ đây, tôi sẽ đến với dân ngoại”.
Ngài ra khỏi chỗ đó, vào nhà một người kia tên là Titô Giustô có lòng kính sợ Chúa, nhà ông ở bên cạnh hội đường. Bấy giờ Crispô trưởng hội đường, và cả nhà ông tin theo Chúa; nhiều người Corintô nghe giảng, cũng tin theo và chịu phép rửa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Ðáp.
Alleluia: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 16-20
“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.
Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Ðiều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”
Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với những lễ vật chúng con dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh
Ca hiệp lễ
Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mời chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
HOAN HỶ VUI MỪNG
(THỨ NĂM TUẦN 6 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 6 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho Dân Chúa tham dự vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, xin Chúa cho chúng ta được luôn luôn hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại.
Hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại, với niềm hy vọng được sống: đời sống của con cái Thiên Chúa, một đời sống chỉ được bày tỏ khi Đức Kitô ngự đến, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan nói: Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
Hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại, với niềm trông cậy vững vàng vào những gì mắt phàm chưa thể nhìn thấy được, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói: Tin không do dự những gì mắt phàm không xem thấy, và trông cậy không nao núng những gì tầm nhìn không tới được. Nhưng lòng đạo đức này bởi đâu mà phát sinh, hoặc làm sao ai đó được nên công chính nhờ đức tin, nếu ơn cứu độ chúng ta chỉ hệ tại những gì mắt thấy?
Hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại là niềm hoan lạc của tất cả mọi người, kể cả dân ngoại, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc ông Phaolô và ông Xila bị chống đối, nhưng, hai ông vẫn tiếp tục hăng say rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia cho thấy chư dân cũng được hưởng ơn cứu độ của Chúa: Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ lại đến với anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Đức Giêsu không để chúng ta mồ côi, Người hứa: sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Người không hiện diện cách hữu hình, để đức tin của chúng ta trở nên tinh tuyền và vững chắc: không khiếp sợ gông cùm, tù tội, đói khát, lửa thiêu, hay bất cứ cực hình tinh vi nào khác. Chính các Tông Đồ, trước kia, dù đã được tận mắt chứng kiến các phép lạ Chúa làm, ấy thế mà, vẫn khiếp sợ trước Cuộc Thương Khó của Chúa, và do dự không chịu tin Chúa, khi Người đã sống lại, thì nhờ mầu nhiệm Chúa về trời, các ông đã tiến bộ, đến nỗi, tất cả những gì đã làm cho các ông khiếp sợ đều biến thành niềm vui. Bởi vì, không còn nhìn thấy thân xác của Chúa nữa, cho nên, tâm trí của các ông được bén nhạy, để dễ dàng nhìn ngắm Đấng, khi xuống trần không rời xa Chúa Cha, và khi lên trời cũng chẳng lìa bỏ các môn đệ. Đấng rời xa các môn đệ theo nhân tính, thì lại bắt đầu hiện diện cách nhiệm mầu khôn tả theo thần tính. Ước gì chúng ta luôn hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại, với một niềm hy vọng chắc chắn: Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta cách vô hình, cho đến khi, Người xuất hiện tỏ tường, để đưa chúng ta về với Chúa Cha. Ước gì được như thế!
NGUỒN VUI LUÔN CHIẾM ƯU THẾ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Thầy!”.
Trong cuốn “Niềm Vui Của Các Thánh”, cha Jean Pierre de Caussade chỉ cho chúng ta bí quyết để xua tan u buồn và lo lắng. Ngài viết, “Mỗi ngày, bạn hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi. Được như thế, nhất định, bạn sẽ nghiệm ra rằng, ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế’ như các thánh đã trải nghiệm!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến nỗi buồn và niềm vui nơi các môn đệ của Chúa Giêsu; nhưng ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế’ một cách tất yếu. Vì “Ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Thầy!”.
Chúa Giêsu nói đến nỗi buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài; nhưng ngay sau đó, Ngài nói đến niềm vui “sẽ lại thấy Thầy” của họ. Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Lần đầu tiên đến Côrintô, Phaolô được đôi vợ chồng Aquila và Priscilla tiếp đón. Họ dành cho ngài một chỗ ở, một việc làm. Nhưng còn nhiều hơn thế! Về sau, qua các thư, Phaolô tiết lộ - không chỉ ở Côrintô - họ còn có những ‘căn phòng’ tương tự ở Êphêsô, ở Rôma, nơi các tín hữu học và dạy giáo lý, chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhớ rằng, lễ “Hai thánh dệt lều Aquilla và Priscilla” được mừng vào ngày 8/7 hàng năm! Đức Bênêđictô XVI gọi họ là “Các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt” cho việc phát triển đức tin”. Nhờ họ, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân” - Thánh Vịnh đáp ca. Phaolô hẳn đã trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục Sinh qua họ. Rõ ràng, ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế!’.
Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Đó là một ‘cộng đồng các kẻ tin’ vốn sẵn sàng nâng đỡ nhau, đặc biệt những lúc khó khăn; một sứ vụ mà tất cả chúng ta, trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, trẻ hay già, độc thân hay đã lập gia đình. Đó là một sứ vụ mà Chúa Thánh Thần sẽ luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng, để mỗi người trở nên ‘sự hiện diện đầy ủi an’ của Chúa Phục Sinh. Nhờ đó, ai ai cũng có thể trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’ qua các thành viên trong cộng đồng đức tin của mình.
Kính thưa Anh Chị em,
“Các con sẽ lại thấy Thầy!”. “Giêsu Nguồn Vui” luôn nhịp bước bên chúng ta, Ngài không cất đi những khốn khổ chúng ta gặp trên đường, nhưng luôn hiện diện để bạn và tôi đi trọn con đường Ngài đã đi. Vấn đề là, chúng ta có “biết ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi?”. Tắt một lời, nếu Chúa Phục Sinh luôn ‘chiếm chỗ’ ưu tiên ở trung tâm ngày sống của chúng ta, chúng ta sẽ ‘lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời, nhất là thấy Ngài trong những con người mà chúng ta phục vụ. Đó là những thành viên của Hội Thánh hay chưa gia nhập Hội Thánh. Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có thể chia sẻ ‘Giêsu Nguồn Vui’ cho những ai vui ít, buồn nhiều, cho con nhận ra sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa trong từng phút giây ngày sống của con!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn