TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – A

Thứ năm - 22/06/2023 14:21 |   693
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10, 28)

25/06/2023
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – A

 

Mt 10, 26-33

 
ĐỪNG SỢ
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10, 28)

Suy niệm: Sống trong cuộc đời này, con người luôn có nhiều nỗi sợ: sợ đói khát, sợ bị khinh thường, sợ đau khổ… và nhất là sợ chết. Sợ hãi là cảm xúc tự nhiên, giúp con người nhận diện những nguy hiểm, đồng thời thúc đẩy ta hành động để bảo vệ mạng sống. Thế nhưng, trên đường vươn tới sự trưởng thành, hoàn thiện, có những nỗi sợ ta phải vượt qua, có những điều ta phải biết kính sợ. Vì thế, Chúa Giê-su mời gọi ta “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục.” Duy chỉ có Thiên Chúa là Đấng mà con người phải kính sợ, bởi Ngài là Đấng làm chủ sự sống: có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục cũng như trao ban cho con người sự sống đời đời. Và Thiên Chúa ấy cũng là Đấng giàu lòng thương xót, vẫn hằng quan tâm chăm sóc những ai tin tưởng, phó thác mọi sự cho Ngài.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã từng lo buồn đổ mồ hôi máu, trải qua nỗi sợ khi đối diện với thập giá. Nhưng với lòng tin tưởng, phó thác vào Chúa Cha, Ngài đã vượt qua sự chết, đem lại sự sống đời đời cho muôn người. Theo gương Chúa Giê-su, bạn hãy trút mọi lo âu, muộn phiền đời mình trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa vì Người chăm sóc chúng ta (x. 1Pr 5, 7).

Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp những khó khăn khiến bạn chùn bước, hãy phó thác cho Chúa với lời nguyện: “Lạy Chúa, xin đồng hành cùng con, vì Chúa làm tốt hơn con gấp ngàn lần.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng cậy tin vững vàng, để con không nao núng, sợ hãi trước những gì chỉ gây hại cho thân xác. Xin cho con trung kiên sống đẹp lòng Chúa hơn.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XII Thường Niên - Năm A

 


Dẫn vào thánh lễ
Anh chị em thân mến! Các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật XII hôm nay, nhắc nhở chúng ta hãy vững tâm, đừng sợ hãi, cho dù trong sứ mạng làm “Tông đồ của Chúa Kitô”, làm “Sứ giả của Tin Mừng” sẽ có những hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả thất bại nữa. Hiệp dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa tăng thêm niềm tin cho chúng ta, để chúng ta thoát khỏi nỗi sợ hãi, mạnh mẽ làm chứng cho Đức Kitô trong đời sống thường ngày của mình.

Ca nhập lễ
Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến luỹ bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13
"Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: "Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó". Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: "Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó". Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Ðó là lời Chúa.

Đáp Ca: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).

Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. - Ðáp.

Xướng: Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến tấm thân con. - Ðáp.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15
"Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.
Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 26-33
"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời".
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tin tưởng vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và hiên ngang sống trọn vẹn niềm tin, phải là điều mà mỗi người kitô hữu cần ghi nhớ, và thực hiện trong đời sống thường ngày. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

1. “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”  Xin cho mỗi người trong Hội Thánh khi làm việc tông đồ, biết đón nhận mọi nghịch cảnh trong niềm tin và phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, như tiên tri Giêrêmia.

2. “Sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội”,- Xin cho thế giới biết đón nhận ơn giao hòa mà Đức Kitô là Adam mới đã lập được nhờ sự chết của Người.

3. “Các con đừng sợ những người đó".- Xin cho các tông đồ giáo dân luôn trung thành can đảm hiên ngang loan báo Tin Mừng, khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi để tuyên xưng Danh Chúa cho trần gian.

4. Ngày nay rất nhiều Kitô hữu chúng ta mất đức tin vì hiểu biết Giáo lý quá ít,- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn biết ham mê đào sâu Giáo lý, nhờ đó đức tin của chúng ta ngày càng mạnh mẽ và trưỏng thành hơn.

Chủ tế: Lạy Chúa, làm chứng cho đức tin là việc rất khó đối với chúng con. Xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con luôn vững bước theo Chúa và mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
 
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đúng theo giờ.
Hoặc đọc:
Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta".

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin...
 
Suy niệm

CAN ĐẢM, TRUNG THÀNH

(Gr 20,10-13; Rm 5, 12- 15; Mt 10,26-33)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong giây phút đầu tiên đăng quang ngôi Giáo Hoàng, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại lời hiệu triệu và có âm hưởng mạnh trên toàn thế giới, ngài nói: “Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Kitô”. Lời mời gọi này được gợi hứng từ chính lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Vậy anh em đừng sợ người ta [...] Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” ( Mt 10, 26. 28 ).

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm, trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử thách. Ngược lại, cần có một đức tin vững mạnh và sống động, để sẵn sàng đón nhận mọi hiểm nguy và ngay cả cái chết khi loan báo Tin Mừng Nước Chúa.

1. Đừng sợ!

Trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy có nhắc tới 365 từ ngữ “đừng sợ”. Như vậy, hàm ý cho thấy rằng: trong một năm với 365 ngày, tương ứng với 365 từ ngữ “đừng sợ”, tức là con người ngày nào cũng phải đối diện với sự sợ hãi. Vì thế, lời trấn an “đừng sợ” của Đức Giêsu chính là lời làm cho người môn đệ được an ủi trước những sợ hãi, thử thách, đau khổ trong cuộc đời.

Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước cho các môn đệ về những đau khổ và hệ lụy xảy đến khi các ông loan báo Tin Mừng: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10, 28).

Đi thêm một bước nữa, như một lời đảm bảo, Đức Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ biết trước những công khó của các ông sẽ không bị rơi vào quên lãng, ngược lại sẽ được Thiên Chúa ghi dấu và thưởng công xứng đáng, Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10, 29).

Tuy nhiên, như một điều kiện cần và đủ, đó là: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32-33).

Khi nói như thế, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của các Tông đồ và tất cả những ai tiếp bước trên con đường sứ vụ ấy.

2. Đặc tính của người môn đệ

Khi tiếp nhận lệnh truyền của Đức Giêsu về sứ vụ truyền giáo, Giáo Hội đã xác định rất rõ bản chất của mình, đó là truyền giáo. Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta không có lý do gì để khước từ sứ mạng cao quý này.

Tuy nhiên, nếu đã cùng một sứ vụ với Đức Giêsu, thì chúng ta cũng cùng chung số phận với Thầy của mình. Nếu Đức Giêsu đã trải qua đau khổ rồi mới tới vinh quang, thì người môn đệ cũng không có con đường nào khác nếu muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Nếu đường của Thầy là đường của trò. Số phận của Thầy cũng là của trò. Và nếu Đức Giêsu trước kia đi đến đâu cũng có một số người ủng hộ; một số người dửng dưng; và một số người quyết giết chết Ngài cho bằng được, thì đến lượt chúng ta, con đường êm xuôi, bằng phẳng, nhưng lụa, hoa hồng chắn chắn là qua xa lạ. Ngược lại, thử thách, đau khổ, xỉ nhục, bắt bớ và giết chết lại là điều chắc chắn sẽ đến với những ai đi trên con đường ấy, bởi vì: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10,24).

Đứng trước những hệ lụy đó, để được thành công với sứ vụ, người môn đệ cần có những đặc tính sau:

-  Trước tiên là dấn thân:

Nếu vì sợ mà không dám dấn thân thì chưa phải là môn đệ. Đã là môn đệ thì phải dấn thân, mà dấn thân đồng nghĩa với cái chết.

Người đời thường nói: “Nếu sợ mà không dám vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con”; hay “ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”  (Nguyễn Bá Học).

Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu chính là phải vượt ra khỏi sự an toàn, bảo đảm cho bản thân, để: “Như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16). Nên chúng ta chấp nhận ngay cả khi bị tổn thương, bắt bớ, tù đầy và cái chết, để miễn sao Tin Mừng được loan báo.

- Thứ đến là không sợ hãi

Chúng ta cũng đọc thấy đây đó những câu chuyện nói về sự gương kiên trì hay vượt khó của các vĩ nhân. Có những người chấp nhận ngay cả cái chết để bảo vệ quan điểm, lý tưởng và lẽ sống của mình.

Cũng vậy, người môn đệ của Thầy Giêsu khi đã chọn Ngài làm chân lý, sự thật, lẽ sống và cùng đích cho cuộc đời, thì lẽ đương nhiên, chúng ta phải đánh đổi và chấp nhận mọi sự, để bảo vệ và đạt được mục đích ấy.

Cảm nghiệm về vấn đề này, Giáo Phụ Tertullianô đã viết như sau:

“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, tại vì họ đã đi cùng một đường với Chúa. Câu :”Kẻ muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng Kitô hiện hình.  Hèn gì mà trên pháp trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường”.

- Cuối cùng là biết cậy trông vào Chúa

Thật là mầu nhiệm! Nếu bình thường, bản tính con người ai cũng rất sợ đau khổ và chết chóc, thế nhưng tại sao những môn đệ của Đức Giêsu lại vững tâm, can trường và liều mạng đến như vậy? Thưa đơn giản, đó là vì các ngài đã “Tín thác đường đời cho Chúa và tin tưởng vào Ngài” bởi vì: “Ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12,9); và “ hằng ở với con” (Gr 1,10) “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 26,20).

Chính bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói đến sự an bài quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời của người môn đệ nếu biết cậy trông, phó thác nơi Chúa, Ngài nói: “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30) .

3. Sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, dấn thân lên đường thi hành sứ vụ đến với muôn dân. Hãy đón nhận mọi thử thách gian khổ trong cuộc đời như một điều kiện cần để đạt được sự sống đời đời. Luôn biết phó thác và cậy trông nơi Chúa, vì chẳng lẽ chúng ta xin Chúa con cá mà Ngài lại cho con rắn, hay xin bánh lại cho đá? Không đời nào! Cũng vậy, những lúc nguy biến và khổ đau, Ngài thường vác chúng ta trên vai; hay trước những thử thách, bất trắc, thất bại trong cuộc đời, chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa đóng của chính thì Ngài sẽ mở ra cho chúng ta cửa sổ; Chúa đóng đường chính, Ngài sẽ mở đường phụ, và biết đâu, cửa sổ hay đường phụ lại tốt đẹp hơn và an toàn hơn cho chúng ta???

Tin tưởng điều đó, chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là trung thành với sự thật như lời Ngài đã phán: "Anh em đừng sợ người ta [...].  Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 26-27).

Như vậy, không thể vì bất cứ mối lợi gì mà đánh đổi sự thật. Mất đi sự thật, ấy là chúng ta mất đi căn tính, bởi sự thật thuộc về Thiên Chúa, còn gian dối thuộc về ma quỷ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con trung thành với sứ vụ và đón nhận mọi thử thách đau thương trong cuộc đời. Amen.

Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 26-33).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.
 
Suy niệm
 
Trở lại với bầu khí phụng vụ của mùa thường niên, Mẹ Giáo hội mời con cái trở về với những sinh hoạt của chính bản thân trong hành trình đức tin thường ngày, để thấy nơi đó còn những khiếm khuyết, còn những thiếu hụt, đặc biệt còn nhiều nỗi sợ hãi, nhiều nỗi âu lo cả bên trong lẫn bên ngoài, rồi từ đây, sự cố gắng của bản thân cùng với ơn Chúa đủ cho mỗi người, mỗi ơn gọi, hầu chu toàn những trọng trách đặc biệt của một tín hữu Kitô.
 
Mỗi ngày, ai cũng phải đối diện với muôn vàn thách đố, từ công ăn việc làm, từ những áp lực cuộc sống, đến những thiếu thốn về tinh thần, những áp lực đó cứ ám ảnh từng ngày, tạo nên những nỗi sợ bất an trong mọi sinh hoạt. Câu chuyện của Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1, đó cũng là cuộc đời của tác giả, như là một minh chứng. Ngôn sứ là một người được Giavê Thiên Chúa chọn với một ơn gọi rất đặc biệt, thế nhưng, trước ơn gọi đó, thay vì mừng rỡ, hạnh phúc, ông đã ngụp lặn trong nỗi sợ hãi, làm cho nhận thức về ơn gọi và sứ mạng của bản thân như lệch lạc. Khi được sai đến với đám dân đang nổi loạn với Giavê, dù sống rất hiền lành, thế nhưng khi đi đến đâu, ông nói những lời ông không muốn nói, hay hành xử những cách thế không phù hợp với ơn gọi ngôn sứ của mình. Dẫu biết đó là điều không đúng, ông vẫn hành động, và ông đã thổ lộ là có một động lực nào từ trong nội tâm thôi thúc ông hãy làm một điều gì đó cho dân chúng; “Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Động lực đó đã lướt thắng mọi nỗi sợ hãi và mọi toan tính nổi loạn trong con người của ông, để rồi sứ mạng ngôn sứ được thực thi, cộng đoàn dân chúng thực hiện hành vi sám hối và được Giavê Thiên Chúa tha thứ.
 
Nỗi ám ảnh về sự chết, về tội lỗi luôn làm cho các Ngôn sứ, các Tông đồ thiếu đi sự bình an trong nội tâm, do đó, các ngài có những lúc đã chùn chân, đã hoang mang trước ơn gọi của mình. Lời tâm sự của thánh Tông đồ dân ngoại trong thư gởi cho giáo đoàn Roma, ngài đã chia sẻ về cảm nhận của ngài về nỗi sợ bị tội lỗi chia rẽ giữa ngài với Thiên Chúa: “Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau”. Bên cạnh nỗi lo sợ bị chia rẽ vì tội, thánh nhân còn cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu, sức mạnh đến từ Đức Giêsu phục sinh, sẽ làm biến đổi tâm hồn con người nhiều gấp bội phần so với sự sợ hãi trong tâm hồn: “Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần”.
 
Đức Giêsu, trong thân phận con người, nhiều lúc nỗi lo sợ đã xâm chiếm tâm hồn của Ngài, làm cho Ngài đau khổ, làm cho Ngài như muốn thối lui trước sứ mạng cao cả mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. Trước khi bước vào cuộc vượt qua, trong vườn cây dầu, Đức Giêsu đối diện với nỗi sợ về thể lý bởi cảnh bắt bớ, đánh đập và kết thúc là nỗi đau bị đóng đinh, bên cạnh nỗi sợ hãi thể lý còn là nỗi sợ trong tâm hồn của Ngài, nó làm cho Ngài hoang mang, đến nỗi Ngài phải thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được xin Cha cất chén này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Dù đối diện với những nỗi sợ hãi lớn lao cả về thể lý lẫn tinh thần, nhưng Đức Giêsu vẫn can đảm bước vào cuộc khổ nạn, động lực nào thôi thúc Ngài lên đường, vượt lên những nỗi sợ hãi đó, nếu không phải là tình yêu, nếu không phải là tinh thần phục vụ, nếu không phải là cho thánh ý Cha được vẹn toàn. Trước khi bước vào mầu nhiệm tử nạn, Đức Giêsu đã động viên các môn sinh của mình, đừng sợ những người bắt bớ anh em, hãy sợ đấng có thể giết chết cả thân xác lẫn tâm hồn anh em kìa: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần”. Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực, Ngài luôn quan tâm và bảo vệ con cái của Ngài trong mọi hoàn cảnh, mọi ơn gọi, vì thế, Ngài gợi nhắc về hình ảnh chú chim sẻ hay bông hoa ngoài đồng, cả hai lớn lên giữa bầu trời trong xanh, cả hai bay nhảy tự do trong thế giới, không biết ngày mai ra sao, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và chăm sóc chúng, con người còn hơn chúng nhiều chứ. Hãy là những người sống lạc quan trong tình yêu thương của Thiên Chúa, nơi đó, không còn đau khổ, sợ hãi và mọi nỗi lo lắng trong đời.
 
Giữa dòng đời, bao nỗi sợ bên ngoài vẫn đến với con người, có lúc dồn dập, có lúc bất ngờ và cũng có lúc nhẹ nhàng, dẫu vậy nhưng con người vẫn có thể vượt lên tất cả những nỗi sợ hãi đó khi biết quan tâm đến cuộc sống và sống ý nghĩa hơn trong mọi việc làm. Bên cạnh đó còn có những nỗi sợ hãi lớn hơn cần lưu tâm đó là những nỗi sợ hãi bên trong. Có khi nào chúng ta sợ phải xa Thiên Chúa là Cha chúng ta không? Có khi nào chúng ta sợ phạm tội không còn được gặp Thiên Chúa nữa không? Có khi nào giữa cuộc đời chúng ta sợ làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân không? Có khi nào giữa mọi hoàn cảnh chúng ta sợ mất uy tín trong xã hội, sợ mất địa vị và chỗ đứng trong cộng đoàn, trong xứ đạo, trong cả những dòng tu nữa không? Có khi nào chúng ta sợ làm tổn thương đến tình yêu thương của Đức Giêsu đã dành cho chúng ta bằng cái chết trên thập giá không? Có khi nào trong gia đình, người Cha, người Mẹ sợ không làm tròn bổn phận của mình, để con cái phải lớn lên thiếu tình gia đình, hay thiếu những đức tính nhân bản Kitô giáo không? Có khi nào trong một cộng đoàn, chúng ta sợ cái tôi của mình giết chết tình huynh đệ cộng đoàn và tổn thương đến những người cùng chí hướng không? Những nỗi sợ đó mới thực sự đáng sợ và đáng phải sửa sai khi đang còn thời gian và cơ hội Chúa cho mỗi người. Và nỗi sợ lớn nhất có khi nào chúng ta sợ không được vào trong gia đình của Thiên Chúa, nơi là nguồn cội của bình an và hạnh phúc.
 
Lạy Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, Chúa đem món quà đến cho các Tông đồ và chúng con là sự bình an đích thực của Thiên Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết gắn bó với Chúa trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, để được đón nhận món quà vô giá đó. Chúa luôn hiện diện với chúng con mỗi ngày dù sau khi phục sinh Chúa đã về trời, xin cho mỗi người chúng con luôn biết gắn bó với Chúa trong mỗi ơn gọi và mỗi hoàn cảnh cuộc đời, để không còn nỗi sợ hãi nào xâm chiếm tâm hồn và cuộc đời chúng con. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây