TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 14/10/2022 04:47 |   1082
“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18, 7)

16/10/2022
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – C

cn29tn C

Lc 18, 1-8


NIỀM TIN VÀ CẦU NGUYỆN
“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18, 7)

Suy niệm: Có người nhận xét các tín hữu mở miệng cầu nguyện là xin, xin hết điều này đến điều khác: Chữ cầu chả đi liền với chữ xin là gì! Vậy mà Chúa Giê-su vẫn khẩn khoản kêu gọi các môn đệ phải cầu nguyện nhiều hơn, phải cầu nguyện luôn, không được sờn lòng nản chí, bởi vì Ngài khắc khoải mong cho loài người được cứu độ. Ngài đưa ra hai hình ảnh hết sức tương phản để sánh ví: bên này ông quan toà bất lương rốt cuộc cũng phải xử vụ kiện cho bà goá chỉ vì bà kiên trì nài xin; bên kia là Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu, chắc chắn Ngài sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta cách mau chóng và đại lượng gấp vạn lần ông quan toà bất lương kia.

Bạn thân mến: Thiên Chúa muốn chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Ngài để luôn kiên trì cầu xin. Thế nhưng lắm khi chúng ta đã xin không đúng, hoặc có khi chúng ta không đủ kiên trì: Ta thường cầu xin cho được như ý của mình chứ không phải như ý Chúa. Và đã xin thì ta muốn phải được nhãn tiền. Nếu không được có khi chúng ta kêu trách và bỏ cuộc. Phải chăng vì thế mà Chúa không thôi lo lắng: Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Sống Lời Chúa: Trong mọi sự luôn đặt niềm tin tưởng vào Chúa để luôn bình an trước mọi nghịch cảnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con rất dễ nản lòng, mất niềm tin vào Thiên Chúa khi những lời cầu xin của chúng con không được như ý. Xin Chúa gia tăng niềm tin cho chúng con. Để nhờ đó, chúng con thêm can đảm bày tỏ niềm tin cho anh chị em.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 17, 8-13

“Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng: “Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi”. Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất (c. 2).

Xướng: Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất. 

Xướng: Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té; Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say.

Xướng: Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm. 

Xướng: Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.

Bài Ðọc II: 2 Tm 3, 14 – 4, 2

Người của Thiên Chúa được hoàn hảo, để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

“Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'”.

Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIÁ TRỊ CỦA LÒNG KIÊN NHẪN (Lc 18, 1-8)
Minh An

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho ta thấy rõ việc Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn vị quan tòa bất lương và người phụ nữ góa bụa nhưng có lòng kiên nhẫn, để dạy cho các môn đệ bài học về sự kiên nhẫn trong cầu nguyện, hay phải cầu nguyện luôn, không được nản chí: “Khi ấy, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy cho các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (c.1).

Và kết thúc bài Tin Mừng, Luca đặt con người ta cầu nguyện dưới viễn tượng của lòng trung thành, tức là cầu nguyện trong sự chờ đón ngày Thiên Chúa Quang Lâm. Bởi vậy, cầu nguyện là một điều quan trọng và rất cần thiết cho các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa nói riêng và cho mỗi Kitô hữu chúng ta nói chung. Cầu nguyện liên lỉ sẽ giúp cho mỗi kitô hữu không đánh mất niềm tin trong khi chờ đợi ngày Con Người ngự đến: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mắt đất nữa chăng?” (c.8).

Như vậy, việc cầu nguyện mà Luca muốn trình bày ở đây không chỉ thuần túy là một việc làm đạo đức, mà là một thái độ căn bản của người tin trong thời kỳ trước cuộc quang lâm của Con Người.

Trong câu chuyện ngụ ngôn, tác giả Luca đã kể lại việc Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật đối kháng nhau: “Một vị là quan tòa và người kia là một phụ nữ góa bụa”. Vị quan tòa được mô tả như một con người đầy quyền lực, tự mãn, tự kiêu, hóng hách và ngông nghênh. Ông là một người ích kỷ, chỉ sống cho mình, chỉ bận tâm đến những tiện nghi và lợi ích cho riêng mình. Ông không hề kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng thèm quan tâm đến những chuyện của người khác cũng chẳng coi ai ra gì. Nói chung, vị quan tòa này, không còn biết “liêm sỉ” là gì nữa: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c.2). Đối lại với ông quan tòa “uy nghi” là một người phụ nữ góa bụa. Có lẽ bà là người nghèo khổ, phải sống bên lề xã hội, bị người ta hãm hại. Bà đã nhiều lần đến gặp vị quan tòa để khiếu kiện những bất công, áp bức mà người ta dành cho bà. Nói chung, bà là một con người yếu thế trong xã hội. Bà đã không còn bám víu vào ai để minh xét cho mình, nên bà đã kiên trì chạy đến với vị quan tòa thường xuyên, để ước mong một ngày nào đó vị quan tòa động lòng trắc ẩn, minh xét cho bà. Lòng kiên nhẫn của bà đã được đền đáp là vị quan tòa đã minh xét cho bà, nhưng không phải do tình thương của quan tòa, mà là do sự quấy rầy của bà: Trong thành đó lại có một bà goá, bà này đã nhiều lần đến thưa ông: Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến hoài làm ta nhức óc” (cc. 3.4.5).

Cho dù, sự thay đổi lập trường của vị quan tòa không ý thức về luật pháp hay về trách nhiệm mà ông phải thực thi nhưng chỉ là sự quấy rầy của bà góa làm ông phải minh xét, cho ta thấy được kết quả mà lòng kiên nhẫn đem đến lợi ích lớn lao cho bà góa là được xét xử theo ý muốn của bà. Đúng là người đàn bà thép đã thay đổi được “tấm lòng thép” của vị quan tòa. Bà đi kiện trong tuyệt vọng, nhưng lại được xử trong hy vọng bởi lòng trung thành và sự kiên nhẫn của bà.

Rồi Chúa nói tiếp: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với người sao?” Đây là một câu hỏi tu từ của Chúa Giêsu, nhằm khẳng định rằng, một vị quan tòa đầy bất chính, thế nhưng, vẫn xét xử vụ án chỉ vì lòng kiên nhẫn của một bà góa thì Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng chắc chắn sẽ thi hành công lý cho những người đã được Ngài tuyển chọn. Hay nói khác đi, tình cảnh của bà góa nghèo chính là biểu tượng cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn đang sống trong niềm tin giữa thế gian đầy cam go thử thách. Trong hoàn cảnh đầy bi đát giữa cuộc đời, bị chèn ép tư bề vì sống trong niềm tin, người kitô hữu luôn được mời gọi kiên trì cầu nguyện với sự xác tín mạnh mẽ rằng, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương sẽ thi hành công lý cho những ai biết cậy dựa vào Ngài.

Kiên trì cầu nguyện không những chỉ giữ vững được niềm tin và được hưởng công lý của Thiên Chúa nhưng còn là giữ mãi được mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con. Mối thân tình Cha- con đó được diễn tả rõ nét trong Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy trực tiếp cho các môn đệ của Ngài (x. Lc 11, 1- 4). Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu hướng họ về Thiên Chúa là người Cha nhân lành. Thiên Chúa không phải là một quan tòa bất chính, luôn thờ ơ trước những cảnh bi đát của con người. Nhưng Ngài là Cha hằng bận tâm chăm sóc và lo lắng cho con người trong mọi hòan cảnh: “Ngay đến tóc anh em trên đầu cũng được đếm cả rồi. Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12, 7).

Chính vì mối tương quan Cha- con giữa Thiên Chúa và con người mà ta luôn được mời gọi không bao giờ ngưng cầu nguyện, nhưng trái lại, bất chấp tất cả cho dù không thấy được như lòng mong ước, ta vẫn phải cầu nguyện liên tục, không sờn lòng nản chí. Cầu nguyện không những con người ta chỉ xin cho được điều này điều kia… nhưng còn mang đến cho con người ta sống một cách thực chất và cụ thể mối tương quan hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha.  Chúng ta cầu nguyện không phải vì Thiên Chúa, nhưng là vì nhu cầu của chúng ta, nên phải luôn cầu nguyện, cầu nguyện kiên trì. Nếu con người ta không cầu nguyện, không kiên trì cầu nguyện thì không những bỏ bê một việc lành đạo đức tốt đẹp, mà còn đánh mất mối tương quan với Thiên Chúa là Cha, đánh mất lòng thảo hiếu của ta dành cho Cha và như vậy, ta sẽ dễ dàng đánh mất sự sống nơi chính mình.

Thiên Chúa là Đấng công bình, là vị thẩm phán chí công, Ngài chắc chắn sẽ nhận lời chúng ta khi chúng ta kêu cầu Ngài, tín thác vào Ngài, nhưng Ngài nhận lời như thế nào, ban ơn thế nào thì đó là một mầu nhiệm: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với người sao. Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Ngài sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

Vậy nên, như bà góa trong bài Tin Mừng luôn kiên trì trong việc tìm kiếm công lý cho mình qua việc năng đến với vị quan tòa bất chính. Ta cũng hãy kiên trì trong việc cầu nguyện với Thiên Chúa, để xây dựng mối tình thân thương Cha- con với Ngài, để đón nhận những ơn phúc Ngài ban. Bởi vì: “Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (Tv 21, 25). “Đấng gìn giữ Israel lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành… Chúa gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121, 4. 8).


CHÚA NHẬT 29C THƯỜNG NIÊN
(Lc. 18:1-8) Lm Lã Mộng Thường

Theo dõi sự sắp xếp bài đọc Phúc Âm từ chủ nhật 25 đến nay, chúng ta thấy qua dụ ngôn người quản lý bất lương, Lời Chúa khuyến khích con người nên biết dùng khả năng tính toán sẵn có để nhận định những sự hơn thiệt về giá trị tâm linh hầu định hướng tâm hồn nơi hành trình đức tin. Kế đến câu chuyện Lazarô và người phú hộ nhắc nhở chúng ta nên dùng thời gian nơi thế trần để học hỏi và nhận biết về thực thể con người để chuẩn bị cho cuộc đời vĩnh cửu. Qua lời minh xác, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì dẫu các con khiến cây dâu này hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển, nó liền vâng lời các con”, Đức Giêsu nói lên quyền lực của lòng tin nơi mỗi người mà chúng ta đã không nhận biết.

Tuần trước, nơi câu truyện 10 người phong hủi được chữa lành Đức Giêsu công bố đức tin nơi họ chữa họ khi bảo người Samaritanô, “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tuy nhiên, nơi bài Phúc Âm hôm nay, câu hỏi Ngài đã nêu lên 2000 năm qua khiến những ai để ý khi đọc Lời Chúa đều cảm thấy rúng động, “Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Thực ra, nếu nhận xét về lý do tại sao hoặc kết quả nào sẽ xảy đến với con người để có sự suy luận cho hợp tình hợp lý theo ba phương diện niềm tin tưởng như chúng ta đã thường được giảng dạy, hoặc sự kiện sinh tồn của con người nơi mặt đất, hay nhận thức tâm linh, chúng ta đều không thể nào chấp nhận được những sự thể có thể xảy đến nơi lý luận qua dự đoán.

Trước hết, nếu nói rằng lòng tin hay đức tin là hồng ân Chúa ban cho mỗi người thì sự mất hay còn, nhiều hoặc ít, to bằng trái núi hay bé bằng hạt cải, tất nhiên lòng tin nơi mình không tùy thuộc ý muốn hoặc ý định hay ước mơ của bất cứ ai. Đồng thời nếu nói rằng lòng tin là hồng ân Chúa ban cho không thể nào thuận với lời của Đức Giêsu nơi Phúc Âm, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải”. Khi nói rằng có sự gì, điều gì, sự đó tùy thuộc về người có. Thế nên khi Đức Giêsu trở lại có thấy lòng tin hay không chắc chắn không tùy thuộc chúng ta nếu lòng tin là hồng ân Chúa ban. Bởi vậy, nếu cho rằng lòng tin là hồng ân của Chúa ban cho mỗi người thì nơi mặt đất này còn hay mất lòng tin chỉ Chúa biết, chúng ta không thể biết. Mặt khác, nếu hiểu lòng tin theo nghĩa thông thường quen dùng, chúng ta không thể nào áp dụng lời dạy của Đức Giêsu được ghi chép nơi Phúc Âm.

Lẽ thường, khi nói tin tưởng nơi ai về một vấn đề nào, chúng ta biết chắc chắn kết quả đã được dự đoán trước. Bởi thế khi nói đến lòng tin hay đức tin, hoặc tin nơi Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu, chúng ta thường chỉ đơn sơ nghĩ rằng có một Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển vũ trụ và những tạo vật nơi vũ trụ vô tận này. Nói về dùng đức tin để cầu nguyện, chúng ta đặt niềm tin tưởng những lời cầu khẩn của mình được Chúa nghe nhưng thường thì không dám xác quyết điều mình khẩn nguyện sẽ được nhận lời. Và chúng ta đành chấp nhận Chúa ban cho hay không tùy Ngài. Thái độ này tự chất chứa nỗi nghi ngờ mà vì vô tình không để ý tâm trạng của mình lúc khẩn nguyện nên chúng ta không nhận ra hoặc nếu nhận biết thực trạng tâm hồn mình như thế, chúng ta đành cố tảng lờ, cam tâm chấp nhận cho có vẻ con nhà có đạo, có đức tin, không hơn không kém.

Tuy nhiên, dù nhận biết thực trạng nghi ngờ nơi nội tâm như thế vẫn không thể nào có được câu trả lời hợp tình hợp lý về sự thể không có lòng tin nơi mặt đất bởi ít nhất chúng ta đã có niềm tin tưởng dù rằng tin tưởng sai lầm. Tất nhiên tin tưởng sai lầm vẫn là sự tin tưởng. Chẳng lẽ ngày Đức Giêsu trở lại thế gian nhân loại không còn sống sót bất cứ người Công Giáo nào. Hơn nữa, đâu phải chỉ người Công Giáo mới tuyên xưng đức tin mà còn nhiều giáo phái khác cũng tuyên xưng tin vào Thiên Chúa, tin nơi Đức Giêsu. Thêm vào đó, biết bao nhiêu người tin nơi Thiên Chúa dẫu họ không tuyên xưng giống chúng ta và danh hiệu xưng tụng về Thiên Chúa của họ khác với ngôn từ của chúng ta, chẳng lẽ họ cũng không còn ai trên mặt đất này? Và nếu như vậy thì phỏng có một tận thế trước khi Đức Giêsu trở lại? Xét về phương diện tâm linh theo nhãn quan Phúc Âm thì lòng tin hay đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người.

Đọc Phúc Âm chúng ta thấy nhiều lần Đức Giêsu đương đường công bố đức tin con chữa con, đức tin con cứu con, đức tin con là ơn cứu độ của con… Và thế rồi dụ ngôn chiên và dê nói về ngày Ngài ngự đến phân chia nhân loại thành hai thành phần tốt lành đáng được thưởng và bất trắc đáng phải phạt… minh chứng chúng ta phải trả lời về cuộc sống của mình trước mặt Chúa. Vậy tại sao đã hai ngàn năm qua câu hỏi “Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” vẫn lạnh lùng, im hơi lặng tiếng ẩn mình nơi Phúc Âm thánh Luca? Tôi muốn nói, chúng ta không dám đối diện với câu hỏi này. Chúng ta e sợ sự trả lời vì đã không nhận biết lòng tin, đức tin là gì. Chúng ta cố ý tảng lờ câu hỏi này hầu có được nỗi an tâm giả tạo chẳng khác gì con đà điểu chúi đầu vào bụi rậm mỗi khi sợ hãi quá độ. Tưởng rằng không nhìn thấy tai họa thì tai họa không xảy đến. Hoặc may ra có ai đó để ý đến Lời Chúa thách đố thì cũng đành tự lừa dối mình bằng cách trả lời cho qua để được an tâm.

Nói cách khác, chúng ta đã không cần biết đức tin, lòng tin là gì. Và đồng thời chúng ta cũng không dám đối diện với tâm hồn của mình. Chúng ta tự dối lòng. Chúng ta tự lừa đảo chính mình bằng cách chờ người khác giải thích, giảng giải. Và bất cứ ai nói không thuận với mơ ước thế tục của mình, chúng ta tìm cách phê bình để hy vọng có được nỗi an tâm giả tạo. Đức Giêsu không cần phải trở lại vì Ngài hằng hiện hữu giữa chúng ta và Ngài không thấy lòng tin của chúng ta. Tôi dám thách đố mọi người trên thế gian này minh chứng cho tôi lòng tin của họ bằng cách thực hiện lời công bố của Đức Giêsu, “Lòng tin của con cứu con” nơi chính cuộc đời của họ.

Chúng ta tuyên xưng có đức tin, có lòng tin, nhưng mỗi khi bệnh hoạn chúng ta không dùng đức tin để chữa, chúng ta đi cho bác sĩ khám và nói là khám bác sĩ. Phỏng bác sĩ là lòng tin của chúng ta? Vậy lòng tin, đức tin của mỗi người chúng ta là gì? Nói theo Phúc Âm, lòng tin hay đức tin chính là quyền lực hiện hữu tối thượng, quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người mà chúng ta đã không nhận biết nên không thể xử dụng được. Như vậy, sự thách đố của lời Chúa có nghĩa, phỏng chúng ta có thực sự nhận biết đức tin là gì hay không. Một lần nữa, tôi mời gọi mọi người nên nghiệm chứng câu Phúc Âm thánh Marcô, “Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này hãy xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự. Bởi thế, ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được và các ngươi sẽ thấy thành sự” (Mc.
11:23-24). Amen.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây