TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 15/10/2022 03:45 |   1117
“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12, 15)

17/10/2022
THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Thánh Ignatiô Antiôkia, giám mục, tử đạo

t2 t297 TN

Lc 12, 13-21


CỦA CẢI Ở ĐÂU RỒI?
“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12, 15)

Suy niệm: Lòng ham mê tìm kiếm của cải của con người dường như không có giới hạn. Thời xưa, người ta tưởng chỉ cần đủ ăn đủ mặc; ngày nay mức sống cao hơn nhưng người ta chưa lấy thế làm đủ mà vẫn miệt mài tìm kiếm thêm nhiều của cải để hưởng thụ nhiều hơn nữa. Đó chính là suy tính của “ông phú hộ kia” khi ông xây thêm nhiều nhà kho để chứa hết “của cải ê hề” của ông và rồi “ăn uống vui chơi cho đã”. Chúa cho biết “ông phú hộ kia” quên mất một điều: cuộc sống của ông sẽ kết thúc vì ông không phải là chủ của mạng sống ông; và lúc đó ông không thể trả lời được của cải mà ông thu tích đó “sẽ về tay ai”.

Mời Bạn: Có người nói: Tiền bạc có thể mua được món ăn ngon, nhưng không mua được sự ngon miệng, tiền bạc có thể sắm được phòng ngủ sang trọng, nhưng không đem lại giấc ngủ ngon, tiền bạc có thể xây được căn nhà lộng lẫy, nhưng chưa chắc đã tạo được mái ấm hạnh phúc. Của cải đời này cần thiết thật nhưng chúng chỉ thực sự tốt đẹp chúng được đầu tư để mua được Nước Trời mai sau. Những việc cầu nguyện hy sinh, lãnh nhận bí tích và chia cơm sẻ áo cho những ai khốn cùng từ những của cải chúng ta tích luỹ được ở đời này chính là cách chúng ta tích luỹ của cải thiêng liêng trên Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Làm việc lương thiện, sử dụng của cải cách tiết độ và chia sẻ trợ giúp người nghèo khó, đó là những phương thế làm giàu trong Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có đều hồng ân Chúa ban. Xin Chúa giúp con biết sử dụng chúng như người quản gia trung tín và khôn ngoan, để chia sẻ với những ai đang gặp cảnh khổ đau, cùng khổ. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Ignatiô Antiôkia, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Đức Kitô, tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi; hiện giờ tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi, và đã phó mình vì tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các anh hùng tử đạo can đảm tuyên xưng đức tin để làm vẻ vang cho toàn thể Hội Thánh. Hôm nay chúng con mừng thánh giám mục I-nha-xi-ô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Xin cho chúng con cũng được nhờ công đức của người mà giữ vững một niềm tin bất khuất. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Pl 3, 17 – 4, 1

“Quê hương chúng ta ở trên trời”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai nương tựa ở nơi Người. – Ðáp.

Alleluia: Gc 1, 12

Alleluia, alleluia! – Phúc cho người biết kiên tâm chịu cám dỗ thử thách, vì khi thí luyện thành công, họ sẽ lĩnh triều thiên sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 12, 24-26

“Nếu hạt lúa mì thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Thầy, hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, thì kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thầy, Cha Thầy sẽ tôn vinh nó”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa thánh I-nha-xi-ô tử đạo đã trở thành hạt lúa miến của Chúa Kitô cho thú dữ nghiền nát, và nhờ đó trở nên bánh tinh tuyền được Chúa thương chấp nhận. Nay xin Chúa cũng ghé mắt nhân từ nhìn đến của lễ chúng con dâng. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi là hạt lúa mì của Chúa Kitô, chớ gì răng thú dữ nghiền nát tôi ra, để trở thành tấm bánh tinh tuyền

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày sinh nhật trên trời của vị thánh giám mục I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, Chúa đã lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con. Ước chi lương thực này đem lại cho chúng con nguồn sinh lực mới giúp chúng con sống và hoạt động thế nào cho xứng danh là Kitô hữu. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm 

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Ignatiô thành Antiochia chịu tử đạo tại Rôma trong cuộc bách đạo của hoàng đế Trajanô: Ngài bị ném cho thú dữ trong hí trường của thành phố. Lễ nhớ ngài được cử hành vào ngày 17 tháng 10 tại Antiochia, do lịch Nicomeđia ấn định (khoảng năm 360). Giáo Hội Syria cũng mừng lễ kính vào ngày này. Chính Giáo Hội này cũng đã tôn kính mộ của ngài ở cổng thành Antiochia, là nơi mà theo chứng từ của thánh Hiêrônimô, hài cốt của thánh tử đạo được di dời và chôn cất trong nghĩa trang ngoài cổng Daphnê. Các Giáo Hội Byzantin thì mừng lễ thánh Ignatiô ngày 20 tháng 12, ngày giả thiết có cuộc di dời hài cốt ngài.

Thánh Ignatiô thành Antiochia, cũng gọi là Theophorus (người mang Thiên Chúa), như chính ngài tự xưng danh trong các lá thư, là người kế vị thứ hai của thánh Phêrô trên ngai giám mục Antiochia, thành phố chính lâu đời nhất của Kitô giáo. Chính tại thành phố thuộc quyền tổng trấn Syria này, các người theo Chúa Kitô lần đầu tiên nhận tên gọi là Kitô hữu.

Trong một đợt bách đạo, dưới thời hoàng đế Trajanô (98-117), giám mục Ignatiô bị bắt, kết án tử hình và dẫn tới Rôma để ném cho thú dữ ăn thịt trong hí trường thành phố. Được dẫn đi dưới sự hộ tống của mười tên lính mà ngài gọi là “hổ báo”, ngài đi qua Tiểu Á, đến Philadelphia, Lyđia, rồi Sardes, trước khi tới Smyrna, tại đây ngài được thánh Pôlycarpe tiếp rước. Từ thành phố này, ngài viết thư gửi đi nhiều cộng đoàn Kitô hữu khác nhau khi các cộng đoàn này gửi phái đoàn tới viếng ngài: Êphêsô, Magnésie và Tralles. Ngài cũng viết thư cho Giáo Hội Rôma “là Giáo Hội trông coi việc bác ái, đã đón nhận luật Chúa Kitô và danh thánh Chúa Cha . . .” Đây là lá thư duy nhất đề ngày tháng, “ngày mồng chín trước ngày sóc tháng chín”, tức là ngày 24 tháng 9. Ngài nài xin các tín hữu Rôma đừng cướp mất cuộc tử đạo mà ngài hằng khao khát. Ngài viết: “Anh em đừng cung cấp thêm điều gì cho tôi, trừ ân huệ được hiến dâng làm hy tế cho Thiên Chúa. Hãy chỉ cầu xin cho tôi được sức mạnh tâm hồn và thể xác mà thôi.”

Theo chứng từ của giám mục Eusèbe, từ Troas thánh Ignatiô còn viết ba thư nữa: cho Giáo Hội Philadelphie, Giáo Hội Smyrna, và thư riêng cho giám mục Polycarpe, giám mục của cùng thành phố này. Sau đó ngài lên tàu đi Néapolis (Macédoine), đi tiếp qua Philippes và băng qua Macédoine qua ngả via Egnatia trước khi lại tiếp tục lên tàu đi Dyrrachiurn (Durazzo), trên biển Adriatique, để đến nước Ý. Theo thánh Irênê (khoảng 180) và Origène (khoảng 235), “ngài bị ném cho thú dữ ăn thịt, tại Rôma, trong cuộc bách đạo”.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ riêng của lễ nhớ thánh Ignatiô được lấy từ những lá thư của ngài mà người ta có thể đánh giá như là bản dẫn nhập hay nhất về lịch sử Hội Thánh vào đầu thế kỷ II. Đặc biệt hai đề tài xuất hiện trong những thư của vị thánh giám mục Antiochia: a) sự duy nhất của Hội Thánh; b) mầu nhiệm Đức Kitô Thiên Chúa thật và người thật, “sự sống đời đời”, và mẫu mực của người tín hữu: “Anh em đừng làm gì mà không có giám mục . . . hãy yêu mến sự hiệp nhất, tránh chia rẽ, và hãy bắt chước Chúa Giêsu Kitô, như chính Người bắt chước Cha Người” (Thư gửi tín hữu Philadelphia VII, 2).

Lời Nguyện của ngày, Hội Thánh được gọi là “Thân Mình” mầu nhiệm Chúa Kitô, hợp với giáo lý của thánh Ignatiô – lý thuyết gia về quyền giám mục – Ngài hằng lo lắng cho sự hiệp nhất của từng Giáo Hội quanh giám mục của mình, và của mọi Giáo Hội với nhau. Cộng đoàn Hội Thánh qui tụ xung quanh giám mục của mình để cử hành Thánh Thể, bí tích hiệp nhất, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội “chủ trì đức ái” phổ quát. Chính thánh Ignatiô là người đầu tiên nói tới Hội Thánh “công giáo”, theo nghĩa Hội Thánh phổ quát: “Tất cả anh em hãy theo giám mục, như Chúa Giêsu Kitô theo Chúa Cha . . . Ở đâu có giám mục, ở đó cũng có cộng đoàn, và ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Hội Thánh công giáo (katolikè ekklèsia) (Thư gửi tín hữu Smyrna VIII, 1-2).b)

Lời Nguyện trên lễ vật cho thấy rõ “lễ hy tế của thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa miến của Chúa Kitô, bị răng thú dữ nghiền nát và trở nên bánh tinh tuyền . . .” Lời nguyện này lấy lại gần như nguyên văn đoạn thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma: “Hãy để tôi trở thành thức ăn cho thú dữ, nhờ chúng, tôi có thể tìm thấy Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa, và tôi phải được nghiền nát bởi răng thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.” (VII, 1). Điệp ca Hiệp lễ cũng lấy lại nguyên văn một phần đoạn trích này. Tuy nhiên, đối với thánh Ignatiô thành Antiochia, tử đạo chỉ là một phương tiện để đạt sự hiệp thông với Đức Kitô: “Tôi ao ước bánh của Thiên Chúa, Mình Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít. Tôi muốn uống chén máu thánh, tôi muốn tình yêu không tàn phai.” (Điệp ca của bài Magnificat, trích từ Thư gửi tín hữu Rôma, VII, 3). Lời Nguyện sau hiệp lễ, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta “sức lực mới, để khi nhìn những hành động của chúng ta, người ta thấy chúng ta xứng đáng gọi là Kitô hữu.” Lời nguyện này lấy ý từ một đoạn của thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma: “Hãy chỉ cầu xin cho tôi có sức lực nội tâm và thể xác . . . để không chỉ mang danh là Kitô hữu, mà thực sự là Kitô hữu.” “Đức tin và đức ái là nguyên thuỷ và cùng đích của đời sống . . . Người tuyên xưng đức tin thì không thể phạm tội, và người có đức ái thì không thể giận ghét. Người ta xem quả thì biết cây; cũng vậy, người ta sẽ nhận biết các Kitô hữu nhờ những hành vi của họ.” (Thư gửi tín hữu Êphêsô XIV, 1-2).

Giờ Kinh Sách cho chúng ta suy niệm hai đoạn trích thư gửi tín hữu Rôma, như là một bản thánh thi phấn khởi của thánh Ignatiô dâng lên Chúa Kitô chết và phục sinh: “Người là Đấng tôi kiếm tìm: Người đã chết cho chúng ta. Người là Đấng tôi khao khát: Người đã sống lại cho chúng ta . . . Hãy để tôi ôm ấp ánh sáng tinh tuyền . . . Nơi tôi chỉ có nước hằng sống đang thì thầm nói trong tôi: Hãy đến với Chúa Cha!” (VI, 1-2).

Thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa gieo xuống đất và chết đi để làm chứng tình yêu mình đối với Đức Kitô, ngài tiếp tục nuôi dưỡng đức tin của tín hữu vào Đức Kitô và Hội Thánh qua các thế kỷ. Lời khuyên nhủ hiệp nhất của ngài, gửi tới các tín hữu Êphêsô của thế kỷ II, vẫn còn hợp thời biết bao đối với chúng ta ngày nay: “Cũng như Chúa Giêsu Kitô, sự sống không thể phân ly của chúng ta, là tư tưởng của Chúa Cha thế nào, thì các giám mục được đặt lên ở khắp mọi miền trái đất cũng là tư tưởng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy anh em hãy hiệp nhất với giám mục của anh em . . . như thế, khi anh em hiệp nhất trong tâm hồn và hoà hợp trong bác ái, anh em ca ngợi Chúa Giêsu Kitô” (Thư gửi tín hữu Êphêsô III, 2).

Enzo Lodi

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 20-25

“Có lời đã chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, — vì ông đã gần trăm tuổi, — và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, “việc đó đã được kể cho ông là sự công chính”.

Và khi chép rằng “Ðã được kể cho ông”, thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75

Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người

Xướng: Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.

Xướng: Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người.

Xướng: Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 1-10

“Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, và đồng ngự trị trên nước trời”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi anh em đã chết vì những lỗi lầm và tội lỗi anh em, thì trong những tội lỗi đó, xưa kia anh em đã từng sống theo dòng thời gian của thế giới này, theo thủ lãnh chủ quyền của không khí này, tức là tà thần hiện giờ còn hoạt động trong những con người không vâng phục. Trong những tội lỗi đó, cả chúng tôi nữa, xưa kia tất cả chúng tôi cũng sống theo dục vọng xác thịt của chúng tôi, làm theo những thèm muốn xác thịt và những tư tưởng gian tà, và tự nhiên bấy giờ chúng tôi cũng là những con người đáng giận ghét như các người khác.

Nhưng Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến đỗi khi tội lỗi làm chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô. Nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.

Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải là do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Chính Chúa đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người (c. 3b).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan phấn khởi. 

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. 

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. 

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 13-21

“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: “Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?” Ðoạn người ấy nói: “Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!” Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?” Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY COI CHỪNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA! (Lc 12, 13-21)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Của cải là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ tồi nơi những kẻ thượng tôn nó.

Trong thực tế, rất nhiều người cảm thấy an tâm vì cho rằng: “Có tiền mua Tiên cũng được”! Đây là một quan niệm sai lầm căn bản.

Chính vì thế, nên Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo những kẻ bám vào của cải vật chất như là cứu cánh của mình rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Thật vậy, kho tàng của chúng ta có đồ sộ đến thế nào thì cũng chẳng hề đảm bảo được mạng sống. Nó cũng chẳng đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ có chuyện hứa hẹn cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Thấy được mối nguy hại của vật chất, và thấy được sự ràng buộc cho những ai muốn theo Chúa để làm môn đệ mà lại vướng bận vào của cải, nên Đức Giêsu nói tiếp: “Ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Khi dạy như thế, Đức Giêsu không muốn nói là không được chiếm hữu của cải, bởi vì bản chất của nó không phải là xấu hay tội. Vì thế, Đức Giêsu không hề có thái độ kết án người giàu, mà chỉ kết án những kẻ giàu nhưng không biết sử dụng đồng tiền cách khôn ngoan. Ngược lại, họ lại trở thành kẻ ích kỷ như nhà phú hộ giàu có đối xử với Lazarô nghèo khổ không bằng con chó trước cửa nhà ông.

Như vậy, khi nói từ bỏ của cải là Ngài muốn nói đến việc biết xử dụng của cải như thế nào cho có ích nơi mình và người khác. Sử dụng tiền theo tinh thần của Đức Giêsu chính là biết chia sẻ cho những người túng thiếu, biết giúp đỡ cho Giáo Hội để lo cho người nghèo và phát triển Giáo Hội… Nói chung là biết dùng đồng tiền hữu hạn để mua lấy sự vô hạn là Nước Trời qua công việc bác ái, từ thiện của mình.

Thật vậy, ngang qua cách sử dụng tiền của, chúng ta dễ dàng nhận ra người đó đang thuộc về ai! Người môn đệ của Chúa thì sẽ sử dụng nó như là tôi tớ và phục vụ cho lợi ích của Giáo Hội cũng như người nghèo. Còn những người làm đồ đệ cho tiền của thì sẽ lo giữ của cho riêng mình và chỉ lo phục vụ điều bất chính nơi mình mà thôi. Họ coi đồng tiền như là chúa tể của họ và ảo tưởng cho rằng nó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc thật.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sử dụng đồng tiền cho đúng ý Chúa, hầu qua đó, chúng con sẽ được hạnh phúc mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây