TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 05/11/2024 13:22 |   181
“Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,7-10)

12/11/2024
Thứ ba tuần 32 THƯỜNG NIÊN

Thánh Jôsaphat, giám mục, tử đạo

t3 t32 TN

Lc 17,7-10


“con chỉ là đầy tớ vô dụng”
“Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,7-10)

Suy niệm: Các học sinh sau một năm học tập tốt, nhận được những phần thưởng dành cho học sinh xuất sắc, tiên tiến… Nói đúng ra, các em chỉ làm việc bổn phận của các em. Những người có công trong việc này là thầy cô, là cha mẹ, v.v... đang vui mừng trước thành quả mà các em đạt được, các vị đó lại không được thưởng. Xét cho cùng, các vị đó cũng chỉ làm việc bổn phận mà Thiên Chúa đã trao phó qua thiên chức của mình. Thật thế, Thiên Chúa không phải là người mắc nợ chúng ta khi chúng ta làm việc bổn phận của mình. Thế nên, thái độ đúng đắn nhất của tôi là khiêm tốn nhìn nhận: “Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm những việc bôn phận đấy thôi.” Đối lại, khi chúng ta khiêm tốn như thế thì Thiên Chúa lại hết sức quảng đại và còn khiêm tốn hơn cả chúng ta nữa trong cách Ngài cư xử với chúng ta khi chúng ta sống như “những tôi tớ trung thành và khôn ngoan”: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đi lại hầu hạ họ” (Lc 12,37) và còn cất nhắc họ lên “coi sóc tất cả tài sản mình” (Mt 24,47).

Mời Bạn: Khi kiểm điểm đời sống hoặc xét mình lãnh nhận bí tích hoà giải, chúng ta thường quá chú trọng đến những tội như “lo ra chia trí khi đọc kinh luôn luôn, khi ít khi nhiều, khi nào cũng có” mà quên xét xem mình đã chu toàn việc bổn phận của mình hay chưa.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng tự nhắc nhở mình làm tốt việc bổn phận hôm nay và dâng cho Chúa công việc bạn sắp làm.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Tôi Thú Nhận”.

Ngày 12 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai trong sạch”. Những việc làm của yêu thương phải xuất phát từ một quả tim trong sạch. Chính ý hướng trong trái tim là nguồn gốc của những khao khát và những quyết định thâm sâu dẫn tới các hành động của chúng con. Một trái tim yêu mến Chúa và tha nhân cách chân thành là một trái tim trong sạch: có khả năng nhìn thấy Chúa. Xin cho chúng con có được quả tim tinh tuyền, để những suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng con trong cuộc sống hằng ngày, đều xuất phát từ một tấm lòng trong sạch: chỉ chất chứa một mình Chúa mà thôi. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 32 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 2, 23 – 3, 9

“Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra, các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết.

Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao, vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời.

Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc

Xướng: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần gian.

Xướng: Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứ họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữu những tâm hồn đau thương dập nát.

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 2, 1-8. 11-14

“Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.

Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.

Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).

Xướng: Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. 

Xướng: Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi.

Xướng: Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. – Ðáp.

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 7-10

“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: “Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa”, mà trái lại không bảo nó rằng: “Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống”? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

“Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KHIÊM NHƯỜNG TRONG PHỤC VỤ (Lc 17,7-10)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Tiếp tục chương 17, Đức Giê-su đã dựa vào dụ ngôn người đầy tớ của ông chủ để dạy các Tông đồ tinh thần khiêm nhường trong phục vụ. Đức Giê-su dạy bài học phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác đều là bổn phận. Chúng ta không nên huênh hoang, tự đắc với những gì mình làm được vì tất cả mọi sự đều do Chúa ban. Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, nên phải có thái độ khiêm tốn khi phục vụ.

2. Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn các môn đệ đề cao cảnh giác trước tính kiêu ngạo của những người biệt phái và luật sĩ. Họ quan niệm Thiên Chúa như một ông chủ hà khắc, chi li, thưởng phạt tùy theo công đức của mỗi người. Chính vì thế mà họ coi những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí… là những việc lành mà Thiên Chúa buộc phải thưởng bội hậu cho họ. Hình ảnh của người đầy tớ tự cho mình là người vô dụng mà Đức Giê-su sử dụng trong mạch văn này có ý nói rằng, con người không có bất cứ quyền nại đến công nghiệp của mình để buộc Thiên Chúa ban ơn cho mình. Thiên Chúa ban ơn cho con người một cách nhưng không, và để đáp lại ân huệ của Ngài, con người chỉ có thể nói lên lòng tri ân và phó thác mà thôi. Tất cả cuộc sống của mình, tất cả những gì mình làm được, con người chỉ có thể và dâng lên Thiên Chúa như một đáp đền và phó thác mà thôi (Hiền Lâm).

3. Tin Mừng hôm nay còn mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Ki-tô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ánh trên gương mặt  của các Ki-tô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Ki-tô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Ki-tô hữu. Đức Giê-su đã khẳng định: “Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi”. Đầy tớ là người làm tất cả mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Đức Giê-su không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã không xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha sao (R.Veritas)?

4. Người đầy tớ trong câu chuyện cũng hữu dụng đấy chứ. Vì hữu dụng, ông chủ mới nuôi đầy tớ trong nhà. Quả thật, hằng ngày người ta làm việc đủ thứ việc nào là đồng áng, nào là chăn chiên; lại còn phục vụ bàn ăn cho chủ. Nhưng người đầy tớ của Chúa thì vừa vô dụng, vừa hữu dụng. Vô dụng bởi vì Chúa là Đấng hoàn hảo vô cùng. Chúng ta có làm công kia việc nọ gọi là làm cho Chúa  thì cũng không vì thế mà Chúa được hoàn hảo hơn. Nhưng hữu dụng ở chỗ Ngài muốn chúng ta cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa ngõ hầu “làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn”, trong đó mưu ích cho chính chúng ta nữa (5 phút Lời Chúa).

5. Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường. Bởi vì tất cả những khả năng, những thành công, những việc lớn nhỏ chúng ta làm được đều do Chúa ban, không có Chúa chúng ta không làm gì được và cũng không làm được gì. Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, nên không được huênh hoang tự đắc, nếu huênh hoang đề cao cái tôi, khuếch đại giá trị của mình, tự cho mình là có công trạng hay không có mình thì không xong hay không hoàn thành được. Đó là kiêu ngạo mà thôi. Xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn biết làm việc trong ý hướng ngay lành và nhất là trong tinh thần khiêm nhường.

6. Truyện: Khiêm tốn là một điều khó.

Một thầy rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức vô song của thầy.

Một người trong bọn họ nói: “Từ thời Sa-lô-môn đến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy”. Người khác nói: “Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham”. Người thứ ba nói: “Chắc chắn sự kiên nhẫn của thấy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp”. Người thứ tư thêm vào: “Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, chỉ có Maisen và thầy mà thôi”.

Vị rabbi tỏ ra bồn chồn không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi: “Ông có nghe họ ca tụng ông không”?

Ông liền trả lời: “Có”. Nhưng vợ ông lại hỏi: “Thế tại sao ông lại tỏ thái độ bực tức như thế”? Vị rabbi than phiền: “Vì không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi”.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Jôsaphat, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe dọa của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh giám mục Giô-sa-phát đầy tinh thần yêu mến khiến người hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Xin Chúa thương nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà ban cho Giáo Hội cũng được đầy tinh thần yêu mến, và cho chúng con hằng biết noi gương người không ngại xả thân vì anh em. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ bài đọc (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xưa Chúa đã ban cho thánh Giô-sa-phát ơn đổ máu đào để minh chứng đức tin. Nay xin Chúa đổ tràn ơn phúc trên của lễ chúng con dâng và làm cho đức tin của chúng con thêm mạnh mẽ vững vàng. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự bàn tiệc thiên quốc. Ước chi tiệc thánh này củng cố tinh thần chúng con, để chúng con vừa hiếu hoà, vừa can đảm. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương thánh Giô-sa-phát: sẵn lòng hy sinh ngay cả tính mạng để Hội Thánh luôn tiến triển trên con đường thánh thiện và hiệp nhất. Chúng con cầu xin...

 

XIN CHO HỘI THÁNH ĐƯỢC HIỆP NHẤT BÌNH AN (Lc 18, 1-8) hoặc Ga 17,20-26
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17, 1).

Tiếp theo là những lời Đức Giêsu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha… xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con” (Ga 17, 11). Thứ đến là những kẻ nhờ các Tông đồ mà tin vào Chúa là chúng ta, được Chúa lưu tâm đặc biệt trong lời nguyện hiến tế hôm nay: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 20-26).

Chúng ta là đối tượng trong “lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu”. Người đặc biệt quan tâm đến sự hiệp nhất của chúng ta, vì hiệp nhất làm cho chúng ta nên “một”: “Để cả chúng cũng nên một trong Ta” (Ga 17,22). Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng nói: “Vậy làm thế nào chúng ta có thể, nếu, không làm cho thế giới biết được Thiên Chúa là Tình Yêu? Chúng ta chia rẽ, thì làm sao chúng ta có thể là người đáng tin cậy được?” Lời chứng về Tình Yêu là một bằng chứng mạnh mẽ hùng hồn nhất để thuyết phục thế giới. Chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng. Vì chia rẽ làm suy yếu sự đáng tin, và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá Chúa.

Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ còn xin cùng Chúa Cha cho chúng ta nên một: “Xin Cha cho chúng nên một” (Ga 17,21), để “Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Người hầu chiêm ngưỡng vinh quang của Người.” (Ga 17,24).

Thánh Giosaphát

Thánh Giôsaphát sinh tại Ba Lan vào năm 1580; và ngài nhận thánh Gioan làm bổn mạng. Giôsaphát là tu sĩ dòng Ukraina, dòng của thánh Basiliô và ngài đổi tên là Giôsaphát.

Ngài là một người rất hy sinh và can đảm. Vì có nhiều phẩm chất thiên phú, Giôsaphát hay được chọn giữ những nhiệm vụ thủ lãnh. Điều này sau cùng đã khiến Giôsaphát phải trả giá bằng chính mạng sống mình.

Thật trùng lặp khi hôm nay Giáo Hội mừng lễ Giôsaphát. Nói đến thánh Giôsaphát là người ta nghĩ ngay đến một tông đồ cho niềm tin thống nhất Công giáo. Sinh tại Ba Lan vào năm 1580; và ngài nhận thánh Gioan làm bổn mạng. Giôsaphát là tu sĩ dòng Ukraina, dòng của thánh Basiliô và ngài đổi tên là Giôsaphát. Ngài là một người rất hy sinh và can Thánh nhân rao giảng sự hợp nhất giữa các giáo hội Kitô ở Ukraina. Có ba thành phần Kitô hữu chính thức ở đất nước này: các Kitô hữu theo Giáo hội Latinh và hợp nhất với Đức Giáo hoàng, các Kitô hữu theo Giáo hội Chính thống Hy Lạp và các Kitô hữu theo Giáo hội Công giáo Hy Lạp.

Giôsaphát làm giám mục năm 1617; và ngài được trao cho trách nhiệm trông coi giáo phận Pôlotsk. Thánh nhân dùng gần mười năm sau đó để giúp đỡ bổn đạo hiểu biết và yêu mến đức tin Công giáo. Ngài là một người xây dựng hòa bình và là một người chữa lành. Thánh nhân mong muốn tất cả mọi người được sống trong bình an. Giôsaphát xác tín rằng điều giúp hợp nhất mọi người không phải là điều làm chia rẽ họ.

Lạy Chúa, xin cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an trong Chúa Ba Ngôi nhờ lời chuyển cầu của thánh Giôsaphát. Amen.

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Josaphat chịu tử đạo tại Vitebsk (Biélorussie) ngày 12 tháng 11 năm 1623, được phong thánh năm 1867 và được ghi vào niên lịch năm 1882. Lễ nhớ ngài làm chúng ta sống lại một trong những trang sử bi hùng nhất của lịch sử đại kết.

Thánh Josaphat tên thật là Jean Kuncewycz, sinh khoảng năm 1580 ở Wolodymyr (Ucraina) trong một gia đình quí tộc theo chính thống giáo, từ tuổi trẻ đã gắn bó với Giáo Hội Ucraina hiệp nhất với Rôma, sau khi ngài bỏ nghề buôn bán tại Vilna (Lituanie), trung tâm văn hóa và tôn giáo của dân tộc Ruthènes. Dân tộc này đã được rao giảng Tin Mừng bởi người Hi Lạp, nhưng sau cuộc ly khai của Photius (thế kỷ X) và của Michel Cérulaire (1054), họ bỏ Giáo Hội Rôma để theo phái ly khai phương Đông.

Jean Kuncewycz tin rằng chỉ có các tu sĩ khổ hạnh và những người thấm nhuần phụng vụ mới có thể đưa các anh em Ruthènes ly khai trở về hiệp nhất với người công giáo. Từ thế kỷ XIV, người công giáo đã thiết lập những giáo phận la-tinh ở Ruthènes.

Năm 1595, một thượng hội đồng miền đã diễn ra tại Brest-Litovsk (Biélorussie) và quyết định sự hiệp nhất của Giáo Hội Ruthènes với Rôma, với sự phê chuẩn của Đức giáo hoàng Clément VIII. Năm 1604, Jean gia nhập dòng thánh Basilius, tại tu viện Chúa Ba Ngôi ở Vilna, tại đây ngài lấy tên là Josaphat. Từ lúc đó, ngài hoàn toàn dấn thân vào việc dẫn đưa các anh em ly khai trở về hiệp nhất; ngài viết một khảo luận hộ giáo (1617), trong đó ngài thu thập những bản văn hoàn toàn bằng tiếng Slavơ có nội dung bênh vực sự hiệp nhất Hội Thánh. Đây là thời kỳ vùng đất Ruthènes bị phân chia thành ba Giáo Hội: Giáo Hội công giáo theo nghi lễ la-tinh, Giáo Hội ly khai Hy lạp với các thế lực liên minh được Constantinople và Mascơva ủng hộ, và sau cùng là Giáo Hội công giáo theo nghi lễ Hy lạp. Thánh Josaphat là tập sinh đầu tiên của tu viện Chúa Ba Ngôi, là tu viện đầu tiên của dòng thánh Basilius gắn bó với sự tái thống nhất với Giáo Hội Rôma. Sau đó ngài trở thành tu viện trưởng của tu viện này. Được phong giám mục của Polotz (1617), ngài sống trong một xứ sở có rất đông người ly giáo. Vì thế trong nhiều năm, ngài dấn thân không mỏi mệt cho việc rao giảng, cải cách, tổ chức các thượng hội đồng và cũng ra những hình phạt chống lại những giáo sĩ bất xứng.

Nhưng tất cả những hoạt động này đã khơi dậy những phản ứng quyết liệt của giới quí tộc Ruthènes, vì họ thấy bị đe doạ mất hết những đặc quyền của giới quí tộc nhờ gắn liền với nghi lễ quốc gia, và họ chống đối việc du nhập các tập tục la-tinh; ngài cũng còn bị dân chúng chống đối, vì không thích có những thay đổi.

Cuộc tấn công chống lại thánh Josaphat khởi sự từ giáo chủ của Giêrusalem, người Byzantin, Théophane III; vị này đã đến Ucraina năm 1621 và đã truyền chức các giám mục ly giáo cho mọi giáo phận của Ruthènes. Tại Léon Sapieha, ông đã liên kết với thủ tướng của Lituanie chống lại thánh Josaphat. Thế là thánh nhân bị tố cáo là phá hoại hoà bình xã hội, bị sát hại một cách rất dã man đang khi ngài trở về nhà, sau khi tham dự phụng vụ ở nhà thờ lớn Vitebsk trong một cuộc kinh lý mục vụ. Thi thể ngài bị ném xuống sông Dvina.

Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ ca mừng đời sống và cuộc tử đạo của thánh Josaphat, người đã hi sinh mạng sống mình vì sự hiệp nhất của Hội Thánh.

Lời Nguyện của ngày nhấn mạnh việc thánh giám mục Polotz đã hiến mạng sống mình vì dân. Sự dâng hiến này là tột đỉnh của mọi hoạt động tông đồ của ngài, được thánh hiến trên hết cho sự hiệp nhất của Hội Thánh qua lời rao giảng và việc viết lách của ngài. Ngài cũng quan tâm tới việc cải cách hàng giáo sĩ, phần lớn thường dốt nát và hư hỏng. Ngài nói với họ những lời van nài khẩn thiết: “Vì Thiên Chúa vĩnh cửu, chúng tôi nài xin các linh mục của chúng tôi.” Để dạy dỗ dân chúng, ngài soạn cuốn Giáo Lý Cơ Bản và theo đuổi việc cải cách của mình bằng cách công bố những sắc lệnh của các Thượng hội đồng, phục hồi các tu viện và hăng say bảo vệ sự chính thống và các quyền lợi của người Ruthènes hiệp nhất với Giáo Hội công giáo. Khi những gia nô xông vào nơi ở của ngài, ngài nói với họ những lời sau đây để bảo vệ những người trong nhà đang bị họ đe dọa và đánh đập: “Xin Thiên Chúa ở với các con; nhưng tại sao các con lại hành hạ các tôi tớ của cha? Nếu có điều gì chống lại cha, thì này cha đây.” Và ngay trước khi chết, lúc sắp sửa ngã gục dưới lưỡi đao và búa, ngài còn nói với các kẻ thù: “Các anh ghét tôi đến chết được, nhưng tôi luôn ôm ấp anh em trong lòng tôi, và tôi vui lòng chết vì anh em.”

Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa “kiên cường nơi chúng ta đức tin mà thánh Josaphat đã anh dũng bảo vệ bằng chính máu của ngài.”

Thông điệp Hội Thánh Thiên Chúa của Đức Giáo Hoàng Piô XI, được đọc vào dịp mừng 300 năm ngày thánh Josaphat tử đạo (1923), mô tả thánh nhân là “người bảo trợ lỗi lạc nhất và cao quí nhất cho dân tộc Slavơ phương Đông”, người có ơn gọi “tái lập sự hiệp nhất Kitô giáo trên toàn thế giới.” Đức Piô XI cũng nhắc nhớ rằng thánh Josaphat đã lo lắng trên hết cho sự hiệp nhất của đồng bào của ngài với tòa thánh Phêrô…sau khi đã chuẩn bị hết sức chu đáo, ngài thực hiện việc tái lập sự hiệp nhất, và đã lao mình vào công việc này với tất cả sức lực và sự dịu dàng, đồng thời với thành công to lớn, khiến chính kẻ thù của ngài đã mệnh danh ngài là ‘kẻ ăn cắp các linh hồn’” (Giờ Kinh Sách).

Enzo Lodi
 

ĐẦY TỚ VÔ DỤNG THẬT HỮU DỤNG
(THÁNH GIÔSAPHÁT, GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO 12/11)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Giôsaphát, Giám Mục, Tử Đạo hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Giám Mục Giôsaphát đầy tinh thần yêu mến, khiến người hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Xin Chúa thương nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho Giáo Hội cũng được đầy tinh thần yêu mến, và cho chúng ta hằng biết noi gương người, không ngại xả thân vì anh chị em. Thánh nhân sinh khoảng năm 1580 tại Ucơraina, trong một gia đình theo Chính Thống Giáo, nhưng người lại sớm gắn bó với Giáo Hội Ucơraina hợp nhất với Rôma. Năm 1617, người làm Tổng Giám Mục Pôlốc và dấn thân phục vụ dân tộc mình không so đo tính toán, nhất là cố gắng lo cho việc hợp nhất Hội Thánh. Thành công trong hoạt động tông đồ của người đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh Công Giáo căm ghét người. Người bị giết ở Vitép trong lúc đang viếng thăm các tín hữu, năm 1623.

Không ngại xả thân vì anh chị em, nếu biết xả thân vì Chúa và hằng đặt niềm tin tưởng nơi Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Đanien cho thấy: Người Dothái bị tố cáo và bị kết án. Tất cả thái độ của các vị tử đạo của hết mọi thời được tóm tắt một cách tuyệt diệu trong câu chuyện ba thiếu niên: vì tin Chúa có quyền giải thoát, nên người tín hữu gắn bó không điều kiện với Lề Luật của Người. Thiên sứ của Đức Chúa đã xuống trong lò cùng lúc với Adaria và các bạn và đã đẩy ngọn lửa ra khỏi lò, khiến cho lửa không hề đụng tới họ, cũng chẳng gây phiền hà đau đớn. Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã sai thiên sứ đến giải thoát những ai đã tin và phụng sự Người.

Không ngại xả thân vì anh chị em, để tất cả hiệp nhất nên một trong Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Thông Điệp Hội Thánh của Thiên Chúa của Đức Giáo Hoàng Piô XI nói: Trong khi đặc biệt quan tâm đến việc giúp cho những người đồng hương của mình liên kết với Tòa Thánh Phêrô, thánh Giôsaphát đã tìm mọi lý lẽ để cổ võ cũng như để củng cố mối liên kết ấy… Đức Giêsu cầu nguyện rằng: Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con; để họ được hoàn toàn nên một, và thế gian nhận biết là chính Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con.

Không ngại xả thân vì anh chị em, để cùng giúp nhau sống thánh thiện, công chính trước nhan thánh Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Phải sống đạo đức, vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 36, vịnh gia đã kêu xin: Người công chính được Chúa thương cứu độ. Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi. Ta chỉ là những đầy tớ vô dụng, tuy nhiên, trong tay Thiên Chúa, ta sẽ trở nên thật hữu dụng. Nếu ta biết yêu mến Chúa, xả thân vì Chúa, thì ta cũng sẽ biết yêu mến và xả thân vì anh chị em mình, hầu, tất cả chúng ta được nên một trong Chúa. Ân sủng của Chúa luôn đổ tràn trên ta, giúp ta từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Ước gì ta luôn biết tận dụng ơn thánh Chúa ban, để sinh ơn cứu độ cho chính mình và cho người khác. Ước gì được như thế!

NGAY LÀNH VÀ YÊU MẾN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”.

Một người cha nằm xuống; nhật ký của ông viết, “Lạy Chúa, con không ước làm một anh hùng với hy sinh của một thừa sai, với việc đánh tội của một đan sĩ thời Trung Cổ. Con chỉ muốn sống bình dị, dù có phần đơn điệu, với một tâm hồn quả cảm không mệt mỏi. Con biết, đó là con đường ân sủng Chúa vạch cho con. Vì thế, con yêu quý nó, con ôm lấy nó. Cho con trung thành làm mọi sự trong ngay lành và yêu mến!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời cầu nguyện chân thành trên đưa chúng ta về với điều Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay: hãy phục vụ trong ‘ngay lành và yêu mến’, “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!” cho dẫu ông chủ xem ra có phần độc đoán và thờ ơ khi “Chẳng lẽ ông lại biết ơn đầy tớ?”.

‘Ngay lành và yêu mến’ toát ra từ một tâm hồn khiêm tốn. Đây là tâm thế của một tôi tớ trước chủ, một người con trước Cha. Ở đâu có khiêm tốn, ở đó có niềm vui; ở đâu có niềm vui, ở đó có an bình! Nhiều người nghĩ, “Việc nhỏ, lòng nhỏ; việc lớn, lòng lớn”, đó là một sai lầm! Thế giới này có biết bao ‘lòng lớn’, những ‘trái tim vàng’ ẩn kín trong những con người - không ở dưới ‘ánh đèn sân khấu’ - làm những việc nhỏ xem ra rất nghèo khó, nhưng tự bản chất, họ rất giàu có và quảng đại; đó là những người mẹ, người cha âm thầm hy sinh mà chẳng ai biết. Với họ, “Việc nhỏ, nhưng lòng lớn”, đang khi với không ít người, “Việc lớn, mà lòng nhỏ!”.

Tin Mừng còn dạy chúng ta trung tín trong việc nhỏ để có thể trung tín trong việc lớn, chuyên chăm trong việc ‘không lớn’ để có thể bền đỗ trong việc ‘không nhỏ’; bởi lẽ, “Không có việc nào là nhỏ, chỉ có những tâm hồn nhỏ!”, cũng như “Chẳng có việc nào là ‘không lớn’ với một Thiên Chúa vô cùng lớn!”. Trong thư Titô hôm nay, Phaolô nhắn nhủ bậc cha mẹ và con cái hãy chắt chiu mọi sự với “tiết độ, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại”. Hãy sống như “Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện”, vì “Người công chính được Chúa thương cứu độ!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ?”. “Chính cách làm việc của ông chủ làm nổi bật cốt lõi thực sự của dụ ngôn, đó là thái độ sẵn sàng của người hầu. Đây là cách người có đức tin sống với Thiên Chúa: họ hoàn toàn phó mình cho ý muốn của Ngài, không tính toán hay viện cớ. Thái độ này cũng được phản ánh trong cách cư xử với cộng đồng: nó được phản ánh trong niềm vui khi phục vụ lẫn nhau, tìm thấy phần thưởng của mình ngay trong đó, chứ không phải trong sự công nhận và lợi ích có thể có được từ đó” - Phanxicô. Hãy làm mọi việc với “một trái tim quả cảm và không mệt mỏi”, vì “đó là con đường vô vàn ân sủng Chúa vạch” cho chúng ta, đó là đường nên thánh Chúa hoạch định cho mỗi người. Ước mong sao bạn và tôi “yêu quý nó”, “ôm lấy nó”; và mỗi ngày, với ơn Chúa, chúng ta trung thành làm mọi sự trong ‘ngay lành và yêu mến!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, đừng để con tính toán tìm lợi cho bản thân khi làm mọi việc. Ngược lại, biết tính toán sao để lợi ích nhất cho Vương Quốc, cho cộng đồng!”, Amen.


 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Ba tuần 32 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây