TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 11/07/2024 14:51 |   522
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,14-21)

20/07/2024
thứ bảy tuần 15 THƯỜNG NIÊN

Thánh Apôllinarê, giám mục, tử đạo

t7 t15 TN

Mt 12,14-21


phúc thay ai hiền lành
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,14-21)

Suy niệm: Lão Tử đã nhận thấy sức mạnh của sự hiền lành khi dạy: “ nhu thắng cương, dĩ nhược thắng cường.” Quả vậy, hiền lành là đức tính không thể thiếu trong mọi tương giao và xử thế của cuộc sống. Kiêu ngạo làm cho con người ra dối trá, tàn ác, xấu xa, nham hiểm (x. Gr 17,9). Lời Chúa hôm nay phác hoạ cho ta chân dung hiền lành của Đức Giê-su: Đấng chinh phục con người bằng lòng hiền hậu, điềm tĩnh chứ không bằng lời lẽ to tiếng, hơn thua; Đấng đồng cảm với những kẻ yếu đuối, nâng đỡ, khích lệ, ủi an họ. ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI khẳng định rằng: “Tình yêu trong sự thuần khiết và vô tư là chứng cớ tốt nhất về Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương” (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu).

Mời Bạn: Tình thương Ki-tô giáo được xây dựng trên nền tảng của sự hiền lành, như lời thánh Tô-ma A-qui-nô: “Kiêu ngạo là cay đắng, là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho nên kiêu ngạo khiến ta đố kỵ nhau. Bởi vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho tâm hồn mình thấm nhuần hiền lành.” Chỉ khi sống hiền lành, bạn mới thấy được tình yêu của Chúa Ki-tô là động lực thúc bách bạn yêu thương và tha thứ.

Chia sẻ: Bạn có thái độ nào khi bị người khác lăng mạ, xúc phạm?

Sống Lời Chúa: Khi bị xúc phạm, bạn không trả thù, nhưng luôn tha thứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, là mẫu gương hiền lành cho con. Xin cho con biết sống hiền lành để con yêu thương hết mọi người như Chúa yêu con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 15 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thỏa khi Chúa tỏ bày sự vinh quang của Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 12, 37 – 42

“Ðêm đó, Chúa dẫn dắt Israel ra khỏi đất Ai-cập”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, con cái Israel đi từ Ramessê tới So-coth, số đàn ông đi bộ, không kể con nít, chừng sáu trăm ngàn. Và cũng có vô số dân tứ chiến cùng đi với họ, và vô số chiên bò và súc vật. Họ làm bánh không men bằng bột mang theo từ Ai-cập, vì lúc ra đi họ bị thối thúc rời Ai-cập, không kịp nhào men và cũng không kịp chuẩn bị lương thực.

Thời gian con cái Israel cư ngụ ở Ai-cập là bốn trăm ba chục năm. Thời kỳ đó đã mãn vào ngày toàn thể đạo binh của Chúa đi ra khỏi đất Ai-cập. Ðêm đó là đêm phải giữ để kính nhớ Chúa đã dẫn đưa họ ra khỏi đất Ai-cập. Qua các thế hệ, mọi con cái Israel phải giữ đêm ấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 135, 1 và 23-24. 10-12. 13-15

Ðáp: Bởi đức từ bi Người muôn thuở.

Xướng: Hãy ca ngợi Chúa, bởi Người hảo tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã nhớ chúng tôi, khi chúng tôi bị nhục nhằn, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Và Người đã cứu chúng tôi thoát khỏi địch nhân, bởi đức từ bi Người muôn thuở.

Xướng: Người sát phạt người Ai-cập, giết con đầu lòng của họ, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Và Người đã đưa Israel ra khỏi giang san họ, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Do tay dũng lực và thẳng cánh tay giơ, bởi đức từ bi Người muôn thuở.

Xướng: Người đã chia đôi Biển Ðỏ ra, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Và đưa Israel qua giữa trung tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã gìm Pharaon và binh mã xuống Biển Hồng, bởi đức từ bi Người muôn thuở.

Bài Ðọc I: (Năm II) Mk 2, 1-5

“Chúng tham lam ruộng đất và chiếm lấy nhà cửa”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Khốn cho những kẻ suy tính điều gian ác, và mưu đồ việc xấu xa trong phòng mình. Sáng ngày, chúng thực hiện điều đó, vì tay chúng chống lại Thiên Chúa. Chúng tham lam và dùng võ lực chiếm lấy ruộng đất, nhà cửa kẻ khác. Chúng ức hiếp người ta, phá phách nhà họ, chủ nhà và sản nghiệp của họ. Vì thế, Chúa phán thế này:

Ðây Ta toan giáng hoạ trên dòng giống này mà các ngươi không thoát được, các ngươi không ngước đầu lên mà đi được nữa, vì đây là thời kỳ tai hoạ. Trong ngày đó, người ta ngâm bài trào phúng chế diễu các ngươi và sẽ hát bài ca thán mà rằng: “Chúng ta đã bị bóc lột hết rồi, sản nghiệp dân ta bị đổi chủ, làm sao Chúa tước đoạt của cải chúng ta, và phân chia đất đai chúng ta cho những kẻ bóc lột chúng ta”.

Vì thế, trong cộng đoàn Thiên Chúa, không còn ai giăng dây chia đất cho ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 10, 1-2. 3-4. 7-8. 14

Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng quên những kẻ cơ bần (c. 12b).

Xướng: Lạy Chúa, tại sao Ngài xa cách, tại sao Ngài ẩn mặt trong lúc gian truân, đang khi đứa ác kiêu căng, người nghèo bị hại, bị trúng mưu gian nó đã bày ra?

Xướng: Bởi đứa tội nhân đang hãnh diện vì lòng tham; tên kẻ cắp đang lộng ngôn, khinh nhờn Chúa. Ðứa ác nhân ngạo nghễ thốt lời: “Ngài không báo ứng, không có Chúa Trời!” Ðó là tất cả điều nó suy tư.

Xướng: Miệng nó đầy lời chửi rủa, gian ngoan và xảo kế, dưới lưỡi nó chứa sự tân toan và sách nhiễu. Nó ngồi núp gần những nơi thôn xóm, trong chỗ khuất tịch nó giết người hiền lương, mắt nó rình xem kẻ cơ bần.

Xướng: Nhưng Ngài thấy, Ngài nhìn nỗi tân toan sầu khổ, để rồi Ngài đỡ lấy trong tay. Kẻ cơ bần đem thân phó thác cho Ngài, Ngài là Ðấng phù trợ kẻ mồ côi. – Ðáp.

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 12, 14 – 21

“Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng:

“Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỐNG HIỀN LÀNH
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Đức Giê-su chữa lành một người bại liệt, tại hội đường vào đúng ngày sa-bát. Điều này khiến những người Pha-ri-siêu khó chịu tính kế lập mưu để tìm cách giết Đức Giê-su.

Mặc dù bị các biệt phái Pha-ri-siêu chỉ trích, Chúa Giê-su không trả đũa nhưng Ngài “lánh đi nơi khác”. Dù Ngài làm những phép lạ hiển hách và được dân chúng ngưỡng mộ, Ngài vẫn khiêm tốn “cấm họ không được tiết lộ Ngài với ai”.

Thái độ bất bạo động đó làm cho Mát-thêu nhận ra hình ảnh vị Tôi Trung Gia-vê mà I-sai-a đã loan báo trong Cựu ước: hiền lành và khiêm nhường, không cãi vã, không la lối. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người Tôi Trung ấy rất nhân hậu, không đến để trừng phạt và lên án người tội lỗi.

Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài. Trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giê-su vẫn kiên nhẫn chờ đợi mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Ngài quả quyết: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại”, và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành trong giây phút hồi tâm trở về với Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên thiên đàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giu-đa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa.

Lời Chúa hôm nay cũng muốn mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương, nhân từ và kiên nhẫn. Không vì ghen tức mà tìm cách hại người khác chỉ vì việc tốt họ đã làm. Cũng không vì ích kỷ đến độ thấy người khác tốt lành hơn, nhân hậu hơn, làm được nhiều việc tốt hơn mà sinh lòng ác độc đối với anh chị em chúng ta.

Kín đáo, nhân hậu và hiền lành là ba đức tính của Người Tôi Trung nơi Đức Giê-su; cũng phải là phẩm tính của các Ki-tô hữu hôm nay, những người đang bước theo Chúa Ki-tô. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ mọi phô trương, sống lòng nhân hậu đối với mọi người: hiền lành trong lời nói, trong hành động và trong cách đối xử. Những đòi hỏi của Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống, đời sống cộng đoàn cũng như cá nhân. Nói cách khác, khi người ta nhìn vào cách sống của chúng ta, người ta phải nhận ra hình ảnh Đức Ki-tô kín đáo, nhân hậu và hiền lành.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống hiền lành như Chúa. Xin cho chúng ta thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Xin cho chúng ta hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.

 

NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA (Mt 12,14-21)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Tiên tri I-sai-a tuyên sấm về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, Người Tôi Tớ được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa ban Thần Khí xuống trên Người để Ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho toàn dân. Người Tôi Tớ này hiền lành, khiêm nhường, âm thầm và đầy tình xót thương. Đây chính là hình ảnh tiên báo về Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa. Người đã bị sát tế vì phần rỗi nhân loại. Người không muốn bị mất bất cứ ai nên đã sống với con người, dạy dỗ, giúp đỡ và dùng chính Thịt Máu mình để làm chứng cho tình yêu của Người đối với nhân loại.

2. Chúa Giê-su biết rõ những người biệt phái ghen ghét và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Ga-li-lê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác. Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mát-thêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri I-sai-a đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Đấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài,  nhưng theo lời tiên tri I-sai-a, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu nhận ra Ngài: một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vã, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

3. Thời Chúa Giê-su, những người biệt phái cũng có một lòng hăng say tương tự với ý thức hệ của lề luật. Họ đã nhân danh lề luật để ném đá người khác, họ đã nhân danh lề luật để loại bỏ biết bao người ra khỏi lề luật, nhất là họ đã nhân danh lề luật để đóng đinh Chúa Giê-su.

Đối lại sự tàn bạo của những người nhân danh lề luật hay ý thức hệ để tiêu diệt người khác, Chúa Giê-su để lộ lòng khoan dung cảm thông vô bờ. Tin Mừng hôm nay ghi lại lời tiên tri I-sai-a để nói về lòng nhân hậu của Chúa Giê-su: Ngài không cãi cọ dức lác, không ai nghe tiếng Ngài ngoài đường phố. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói cho đến khi sự công chính được toàn thắng.

4. Các xã hội thời nay càng ngày càng bạo động. Ngày càng có nhiều kẻ nghĩ rằng chỉ có bạo động – về tinh thần hoặc thể lý – mới có thể duy trì hòa bình, giải phóng những người bị áp bức, trả quyền lợi cho những kẻ  đã bị cướp đoạt. Họ đã đi lạc đường. Họ đã sai lầm thảm thương.

Bạo động chỉ có thể sinh ra bạo động mà thôi.

Phải giết chết bạo động, phải thắng vượt nó bằng tình thương, sự kiên nhẫn và lòng nhân từ. Phải học lại cho biết ở dịu hiền. Đó là những sức mạnh có thể cứu loài người, chứ không phải sức mạnh nào khác. Người mạnh thật chính là một người hiền lành. Kẻ bạo động là con người yếu đuối. Tình thương thì mạnh, bạo lực thì yếu. Tình thương dẫn đến sự sống, bạo lực đưa tới sự chết. Khi làm cho kẻ khác chết, ta chỉ sản xuất được chết chóc mà thôi. Khi để cho mình bị giết chết, ta gieo rắc sự sống. Chính những kẻ bất bạo động mới cứu được thế giới (J.Y.G).

5. Cách đây vài thập niên, giới khoa học đã nỗ lực phác họa lại khuôn mặt thật của Chúa Giê-su dựa trên những dấu vết trên tầm khăn liệm thành Tôrinô, được coi là tấm khăn đã dùng để tẩm liệm Chúa Giê-su. Đi tìm một bức chân dung thật của Chúa Giê-su có lẽ là mong ước của không ít người. Song, đứng trước những kết quả đạt được, thì vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thế nhưng, vẫn có đó một bức chân dung thật của Chúa Giê-su, một bức chân dung không kém phần giá trị, đó là bức chân dung được vẽ lên từ chính Lời Chúa. Quả thật, Lời Chúa hôm nay đã vẽ nên một bức chân dung tuyệt vời về Chúa Giê-su, một Chúa Giê-su thật nhân từ, khoan dung, đầy lòng thương xót: ”Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (5 phút Lời Chúa).

6. Truyện: Lòng nhân hậu của Mahatma Gandhi.

Năm 1922, Mahatma Gandhi, nhà cách mạng bất bạo động của Ấn đã bị chính quyền bảo hộ kết án tù 6 năm. Biết ông là người gây nhiều ảnh hưởng, viên quản đốc trại đã biệt giam ông, mọi liên lạc đều do người cai tù Phi châu da đen nổi tiếng là lạnh lùng đảm nhận. Vì bất đồng ngôn ngữ, cả hai chỉ có thể trao đổi với nhau bằng cử điệu và ánh mắt.

Ngày nọ, trên đường đem cơm đến phòng giam của Gandhi, người tù da đen bị con rắn độc cắn. Không bỏ lỡ một giây, Gandhi để phần cơm sang bên, vội vàng lấy mảnh chén vỡ vạch hình chữ thập trên vết cắn, rồi kề miệng hút hết lượng máu nhiễm độc, sau đó với số thuốc gia truyền đem theo, ông đã dùng để rịt vết thương cho người ấy. Người da đen liền quì xuống trước mặt Gandhi tỏ dấu cảm ơn. Trái tim chai cứng giờ đây đã biết rung động, vì đây là lần đầu tiên trong kiếp sống khốn khổ của anh, anh đã nhận được một đối xử bằng tình người. Cũng từ đó anh hết lòng giúp đỡ Gandhi, và nhờ thế nhà cách mạng còn sống sót để tiếp tục lãnh đạo cuộc tranh đấu.

Chính quyền Anh đã an tâm khi dựng lên bức tường ngăn cách Gandhi với các đồng hương, bức tường ấy là người da đen lạnh lùng vô cảm. Thế nhưng có một sợi dây leo đã bò qua được bức tường ấy, đó là sợi dây leo tình thương.


CÔNG BỐ LỜI HÒA GIẢI
(THỨ BẢY TUẦN 15 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 15 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu, biết tránh mọi điều bất xứng,theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình.

Trở về nẻo chính đường ngay, là trở về tin nhận Đấng Mêsia, mà các ngôn sứ đã loan báo, mà Êlia đã trở lại trong thân phận của Gioan Tẩy Giả để dọn đường, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách các Vua quyển II cho thấy: Trong lịch sử mặc khải, việc ông Êlia được đem đi là một mốc quan trọng. Đối với các tác giả Thánh Vịnh, biến cố trên đây là nền tảng niềm hy vọng của các bạn hữu Thiên Chúa, đó là thoát khỏi cái chết, vốn là số phận chung của mọi người. Điều này chuẩn bị cho niềm tin vào sự sống lại. Các ngôn sứ sẽ dựa vào biến cố trên đây, mà hy vọng ông Êlia sẽ trở lại, dọn đường cho Đấng Mêsia. Chúa Giêsu quả quyết rằng: Gioan Tẩy Giả đã thực hiện sứ mạng đó. Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng; nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông. Gioan sẽ nên cao cả trước mặt Chúa, em sẽ đi trước mặt Người, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Êlia.

Trở về nẻo chính đường ngay, là trở về tin vào lời của Đức Giêsu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Nếu lời của ngôn sứ Êlia khiến được lửa từ trời xuống, thì lời Đức Kitô lại không có sức biến đổi bản chất bánh rượu hay sao? Trong công trình sáng tạo toàn thể vũ trụ, bạn đọc thấy những lời này: Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên.

Trở về nẻo chính đường ngay, là trở về tin tưởng: Chúa sẽ can thiệp để giải cứu những người nghèo khổ khỏi tay bọn cường quyền gian ác, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Mikha nói: Khốn thay những kẻ nằm trên giường, toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều ác! Muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 9, vịnh gia cũng tin tưởng cầu xin: Lạy Chúa, xin đừng quên những người nghèo khổ. Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa, ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt? Kẻ ác kiêu căng đuổi bắt người nghèo khổ: họ mắc phải mưu nó đã bày ra… Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương, Chúa để ý, tự tay lo liệu. Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa, kẻ mồ côi được chính Chúa phù trì.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật lại: Đức Giêsu cấm dân chúng tiết lộ Người là ai. Đức Giêsu cấm dân chúng tiết lộ về Người, bởi vì, họ hiểu sai sứ mạng Thiên Sai của Người. Người được sai đến để hòa giải nhân loại với Chúa Cha, trong thân phận Người Tôi Trung hiền lành, khiêm nhường, hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, chứ, không phải hiển hách, siêu quần bạt chúng, để giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang. Sứ mạng của Người Tôi Trung là đến hòa giải, và chúng ta cũng được giao cho sứ mạng công bố lời hòa giải đó. Lời hòa giải đó chính là Đức Kitô, Đấng đến không phải để được hầu hạ, nhưng là, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, mà trở về nẻo chính đường ngay, ước gì ta luôn biết tránh xa mọi điều bất xứng,theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình: là hiện thân và là sứ giả công bố lời hòa giải cho thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!

CHỮA LÀNH THẦM LẶNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu. Biết vậy, Ngài lánh khỏi nơi đó!”.

“Sẽ đến một lúc, không ai biết khi nào; sẽ có một nơi, không ai biết ở đâu. Nó đánh dấu số phận vinh quang hay tuyệt vọng của mỗi người! Và sẽ có một lằn ranh ẩn khuất giữa sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và cơn thịnh nộ của Ngài. Nhưng với những ai tin vào một Đấng đời đời yêu thương, thì toàn bộ cuộc sống chỉ là một cuộc chữa lành thầm lặng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Toàn bộ cuộc sống chỉ là một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’”. Ý tưởng của A. Alexander được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay qua cách ứng xử tuyệt vời của Chúa Giêsu; “Ngài lánh khỏi nơi đó!” khi biết người ta đang tìm giết Ngài.

“Lánh khỏi nơi đó”, không phải vì Chúa Giêsu sợ, cũng không phải vì Ngài chưa chuẩn bị đủ; nhưng vì lòng người chưa sẵn sàng để đón nhận sứ điệp cứu độ. “Lánh khỏi nơi đó” nhưng Ngài vẫn tiếp tục chữa lành họ! Vậy “lánh khỏi nơi đó”, Chúa Giêsu đi đâu? Trước ác tâm của con người, có thể Ngài ra ngồi đâu đó, đùa vui với lũ sẻ! Bởi Ngài không thích báng bổ, cũng không muốn kích động một cuộc đối đầu. Mỗi khi thách thức ai, Chúa Giêsu muốn dẫn người đó đến chỗ suy gẫm sâu sắc hơn về bản thân họ và cuối cùng, là sự hoán cải. Đây không phải là lúc để thu hút, thuyết phục, Ngài “lánh khỏi nơi đó” chỉ để chờ đợi! Đó là một giai đoạn trong tiến trình chữa lành các linh hồn, ‘chữa lành thầm lặng!’.

Cả chúng ta, đôi khi bạn và tôi thấy mình có những bất đồng, thậm chí với những người thân. Khi những cảm xúc này dấy lên, rõ ràng là vì một hoặc cả hai bên chưa sẵn sàng cho sự thật… thì điều cần làm là hãy “lánh khỏi nơi đó” và đợi cho đến thời điểm mà trái tim chúng ta rộng mở hơn; cũng như chờ đợi người anh em không còn đóng chặt cánh cửa trái tim họ. Và điều này thật cần thiết trong chuỗi tiến trình chữa lành!

Bài đọc Mikha hôm nay cũng không nằm ngoài kế hoạch Thiên Chúa chữa lành dân Ngài; đúng hơn, ‘chữa lành thầm lặng’ những người giàu. Mikha lên tiếng cảnh báo những ai trục lợi trên người nghèo. Này rồi đây, kẻ thù sẽ tàn phá tất cả và “Đó sẽ là thời tai hoạ”, thời mà “Chúa không quên những người nghèo khổ!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Trở lại với Tin Mừng, một chi tiết quan trọng cần lưu ý, “Dân chúng đông đảo theo Chúa Giêsu và Ngài chữa lành hết!”. Đừng nghĩ tất cả các cuộc chữa lành đều là vật lý! Không chỉ thế, Ngài chữa trị cả trí tri và linh hồn! Đó là những ai bị cuộc sống, thử thách và tội lỗi vùi dập… và ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục chữa lành. Chúa Giêsu là thầy thuốc vĩ đại muốn cứu tất cả, dù là chữa lành công khai hay ‘chữa lành thầm lặng’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài lánh khỏi nơi đó!”. Chúa Giêsu, Đấng mà gió lẫn biển phải tuân lệnh và ma quỷ cũng phải khuất phục; thế mà trước con người, đôi khi, Ngài như thể chịu thua. Ngài nhân hậu, nhẫn nhịn, hiền lành; và thậm chí, chấp nhận trả một giá đắt - thập giá - để không chỉ trở nên Đấng chữa lành những con người mà còn là Đấng Cứu Độ Thế Giới. Cũng thế, nếu có thể “lánh khỏi nơi đó” như Chúa Giêsu mỗi khi cần thiết, các cuộc ‘chữa lành thầm lặng’ của bạn và tôi vẫn mang tính cứu độ thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng kiên nhẫn với con hơn ai hết! Cho con một đôi khi, cũng biết rời đi nơi khác, chờ đợi trái tim mở cửa, không chỉ tim anh chị em con mà cả trái tim con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây