TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 11/07/2024 14:02 |   453
Chúa Giê-su nói: “Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,20-224)

16/07/2024
thứ ba tuần 15 THƯỜNG NIÊN

Đức Mẹ núi Cát Minh

t3 t15 TN

Mt 11,20-24


ơn ban đi đôi với trách nhiệm
Chúa Giê-su nói: “Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi hỡi Bét-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,201-24)

Suy niệm: Theo lẽ thường quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Tương tự, ân sủng Chúa ban cho ai cũng kéo theo những trách nhiệm đối với người ấy. Hưởng ơn ban càng nhiều, chịu trách nhiệm càng lớn. Và do đó, nếu không chu toàn trách nhiệm cách tương xứng, thì án phạt càng nặng nề. Những phép lạ Chúa thực hiện cho một số người ở Kho-ra-din hay ở Bét-sai-đa, cũng là một ơn ban cho toàn thể dân thành. Vì thế theo qui tắc liên đới, họ cũng đồng trách nhiệm trong việc đáp lại sứ điệp của Chúa qua những phép lạ đó. Mà sứ điệp đó là: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.”

Mời Bạn: Những ơn Chúa ban cho ta không phải chỉ để ta hưởng thụ một mình, mà ta phải nhờ đó để trổ sinh nhiều hoa quả thiêng liêng “xứng với lòng thống hối” chẳng những nơi mình và mà còn cho người khác nữa.

Chia sẻ: Nhiều người nhận được ơn đặc biệt Chúa ban (khi đi hành hương, xin khấn, v.v…) nhưng có người sửa đổi đời sống và nên thánh, có người không. Bạn nghĩ gì về điều này?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần kiểm điểm đời sống, bạn hãy cố khám phá một ơn Chúa đã ban cho bạn để cảm tạ và nhờ đó sửa đổi đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban và cho con biết nên thánh xứng với những ơn huệ đó.

Ngày 16: Lạy Chúa! Thức tỉnh là một ân huệ nhưng không của Chúa. Chúng con không thể làm cho sự thức tỉnh xảy ra, cũng không thể tích lũy công đức nhờ những chuyện mình làm. Không có một trình tự hợp lý nào có thể đưa chúng con đến gần hơn với sự thức tỉnh, dù đầu óc chúng con rất muốn điều đó xảy ra. Xin cho chúng con ý thức rằng: Để bước vào cánh cửa thức tỉnh, chúng con không cần phải trở thành một người Pharisêu đạo đức, bởi vì, thức tỉnh có thể xảy đến với một tội nhân, như Chúa nói: Thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 15 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thoả khi Chúa tỏ bầy sự vinh quang của Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 2, 1-15a

“Bà đặt tên cho trẻ là Môsê, vì vớt nó dưới nước lên; và khi đã khôn lớn Môsê đi thăm anh em”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, có một người đàn ông thuộc nhà Lêvi đi cưới vợ cũng trong chi tộc mình. Nàng mang thai và sinh hạ một con trai. Thấy con trẻ khôi ngô tuấn tú, nàng giấu kín trong ba tháng. Khi thấy không thể nào giấu kín được nữa, nàng liền lấy chiếc thúng trét nhựa thông, rồi bỏ đứa trẻ vào trong, đem thả trong đám sậy ở bờ sông. Chị đứa bé đứng xa xa để quan sát sự việc xảy ra thế nào.

Bấy giờ có công chúa con Pharaon xuống tắm dưới sông, còn các nữ tỳ đi bách bộ theo bờ sông. Khi thấy cái thúng mây ở giữa bụi sậy, nàng sai một nữ tỳ xuống vớt lên, vừa mở ra, thấy một trẻ nam nằm khóc trong đó, nàng thương hại và nói: “Ðây là đứa trẻ Do-thái”. Bấy giờ chị đứa trẻ thưa với công chúa rằng: “Bà có muốn tôi đi tìm cho bà một phụ nữ Do-thái có thể nuôi đứa trẻ này không?” Công chúa đáp: “Ði tìm đi”. Chị đứa trẻ liền đi kêu mẹ nó. Công chúa Pharaon nói với mẹ đứa trẻ rằng: “Chị hãy lãnh nuôi đứa trẻ này giùm tôi, tôi sẽ trả công cho chị”. Chị ta liền nhận nuôi đứa trẻ, và khi nó lớn lên, thì đem đến cho công chúa Pharaon. Công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Môsê và nói: “Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên”.

Trong những ngày ấy, Môsê đã khôn lớn, liền đi thăm anh em mình, người thấy họ cơ cực, và thấy một người Ai-cập đang hành hung một người Do-thái là anh em của mình. Sau khi đã nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, Người liền hạ sát tên Ai-cập và vùi thây dưới cát. Hôm sau, người đi ra, thấy hai người Do-thái đang đánh lộn với nhau, người bảo kẻ có lỗi rằng: “Tại sao anh đánh người bạn của anh?” Anh ta trả lời: “Ai đã đặt anh làm lãnh tụ và quan án xét xử chúng tôi? Anh cũng muốn giết tôi như anh đã giết người Ai-cập hôm qua sao?” Môsê lo sợ và nói: “Việc này người ta đã hay biết rồi sao?”

Pharaon nghe biết câu chuyện, liền tìm giết Môsê. Nhưng Môsê đã lánh mặt nhà vua, trốn sang xứ Mađian.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 3. 14. 30-31. 33-34

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh 

Xướng: Tôi bị dìm trong hố bùn lầy, không có chỗ để đặt chân nương tựa. Tôi bị rơi trong đầm sâu nước lớn, và ba đào đang lôi cuốn thân tôi. 

Xướng: Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa. Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. 

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. 

Xướng: Các bạn khiêm cung hãy nhìn coi và hoan hỉ; các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.

Bài Ðọc I: (Năm II) Is 7, 1-9

“Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại nữa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Xảy ra trong đời Acaz con của Gioatham, Gioatham con của Ozia, vua nước Giuđa, Rasin vua nước Syria, và Phaxê con của Rômêlia, vua Israel, tiến lên gây chiến với Giêrusalem, nhưng không thể thắng trận được. Người ta báo tin cho nhà Ðavít rằng: “Syria đã đóng quân ở Ephraim”. Nghe vậy, vua và dân đều run sợ, như cây trong rừng rung động trước gió.

Và Chúa phán cùng Isaia rằng: “Ngươi và con ngươi là Giasub, hãy đi đón vua Acaz đang ở cuối cống ao thượng, trên đường ra ruộng Fullon, và nói rằng: “Hãy cẩn thận ở yên lặng, đừng sợ, và đừng nao núng trước hai ngọn đuốc xông khói này là cơn thịnh nộ của Rasin, vua nước Syria, và của con trai Rômêlia, vì chưng Syria, Ephraim và con trai của Rômêlia đã toan mưu hại ngươi, họ nói rằng: “Chúng ta hãy tiến đánh Giuđa, quấy rối nó và lôi cuốn nó theo ta, và đặt con trai Tabeel làm vua”.

Chúa phán thế này: “Sự việc này không thành và không xảy ra đâu, vì Ðamas là thủ đô của Syria, và Rasin là thủ lãnh của Ðamas. Còn sáu mươi lăm năm nữa, thì Ephraim sẽ bị tiêu diệt và không còn là một dân tộc nữa. Thủ đô của Ephraim là Samaria, và thủ lãnh của Samaria là con của Rômêlia. Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành trì của Người tới muôn đời (c. 9d).

Xướng: Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Người là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu. – Ðáp.

Xướng: Núi Sion là cùng kiệt phương Bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến lũy. –

Xướng: Bởi chưng, kìa các vua chúa đã họp nhau, họ đã nhất tề xung phong tác chiến. Nhưng thoạt nhìn thấy, họ đã ngẩn người ra, họ đã thất kinh và chạy trốn. – Ðáp.

Xướng: Chính tại đây, họ đã khiếp run sợ hãi, đau đớn như người phụ nữ lúc lâm bồn, và lúc Chúa dùng ngọn gió Ðông đánh cho những chiến thuyền Tác-xi tan vỡ. – Ðáp.

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 20-24

“Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.

“Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA KHIỂN TRÁCH DÂN THÀNH CỨNG LÒNG TIN (Mt 11, 20-24)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1 Chúa Giê-su khiển trách các dân Khoradin, Bétsaiđa và Capharnum. Các thành này đã chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Ngài đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao? Vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh kinh cao hơn. Khi thấy sự kiêu căng đã khép kín lòng họ, Chúa Giê-su nghĩ tới những kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mạc khải của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giê-su cho biết những người dân thành ấy sẽ chịu án phạt nặng nề hơn cả án phạt mà xưa Đức Chúa đã giáng xuống thành Sô-đô-ma.

2. “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin”!

Khi lên án hai thành này, Chúa Giê-su kết án thái độ cứng lòng tin của họ trước Lời rao giảng và những phép lạ Ngài làm. Ngài cũng cảnh báo với họ là, đến ngày phán xét, họ sẽ không còn lý do gì để bào chữa nữa. Thật vậy, Chúa Giê-su đã đưa ra một so sánh: “Nếu dân Tia và Si-đôn xưa được chứng kiến phép lạ như họ thì những dân ấy đã ăn năn thống hối rồi”.

Đây cũng lả một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước tòa phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin Mừng.

3. “Nếu các phép lạ đã làm nơi người mà…”.

Chúa Giê-su đã rảo qua các thành phố ở bờ hồ Giênêzaret để rao giảng và làm nhiều pháp lạ nhằm kêu gọi con người hối cải. Sự sai lầm có thể biện minh bằng việc không nghe không thấy. Nghe và nhìn là bằng cớ tố cáo lỗi lầm. Án phạt của các thành Khoradin, Betsaiđa, Capharnaum là ở đó. Đong đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Có trao ban là có quyền  mong đợi đáp trả: đáp trả bằng tiếng không thì cũng chẳng mong gì được ở lòng thương xót. Nói một cách nào đó, tiếng không này có thể gọi là tội: có những tội tích cực biểu lộ qua hành động, qua việc sa lầy trong tội; có những tội tiêu cực biểu lộ qua thái độ dửng dưng, làm ngơ, một thái độ như thế cũng đủ bị kết án rồi (Mỗi ngày một tin vui).

4. “Sự cố ngày 11/09/2001 tại Mỹ”.

Khi tòa nhà tháp đôi bị sụp đổ và cướp đi sinh mạng của biết bao nhân tài đã làm cho cả thế giới phải sững sờ! Tại sao một đất nước nổi tiếng về an ninh, khoa học… lại để xẩy ra biến cố đáng tiếc này? Sau hàng loạt những câu hỏi nhằm thỏa mãn sự thắc mắc tự nhiên của con người, thì câu hỏi quan trọng nhất và cũng là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề được đặt ra, câu hỏi đó là: “Tại sao Thiên Chúa cho phép xẩy ra một thảm họa kinh hoàng như vậy”?  Và người ta nhận được câu trả lời của một người dân: “Tôi nghĩ Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, bởi vì từ nhiều năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học và đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta làm sao có thể  mong Chúa can thiệp khi ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình”.

Thật vậy, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng muốn loại bỏ Ngài  ra khỏi cuộc sống. Vì thế, đã có một thời người ta tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Đã có lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả”! Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là lời giải đáp cho mọi vấn đề, và lúc đó, khoa học sẽ trở thành nấm mồ chôn Thiên Chúa (Ngọc Biển).

5. Phải biết tận dụng cơ hội.

Dù bạn không phải là “fan” bóng đá, hẳn bạn cũng xuýt xoa tiếc rẻ cho một đội bóng “toàn sao” sau 90 phút thi đấu với không biết bao nhiêu cơ hội ăn bàn mười mươi nhưng lại để vuột trôi qua trước mũi giầy mà không thể chuyển thành bàn thắng và rồi bị thủng lưới trong những phút đá bù giờ. Quy luật trong bóng đá là thế: đội bóng nào không biết tận dụng cơ hội, đội đó sẽ chuốc lấy thất bại.

Theo dòng thời sự để ví von, cũng có thể nói như thế. Các đội bóng Khoradin, Capharnaum, Betsaiđa, với biết bao cơ hội là những phép lạ thực hiện ở giữa họ mà họ không “ghi được bàn thắng” trước đối thủ là sự ác, ắt là họ sẽ  không thoát khỏi thất bại ê chề: chính họ sẽ bị trầm luân. Chả bù với các “đội” Tia và Siđon, giá mà họ chỉ có được  một nửa cơ hội như thế thôi, ắt họ  đã ghi bàn quyết định là sám hối ăn năn và lãnh nhận được ơn cứu độ rồi (5 phút Lời Chúa).

6. Truyện: Lời Chúa nhắc nhở.

Trong cuốn nhật ký của một người thanh niên đạo đức, người ta tìm thấy những dòng tự thuật như thế này: “Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng mới đưa lộn cho tôi. Lương tâm tôi nhắc phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “Nhằm nhò gì ba cái lẻ đó. Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu có phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.

Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại như có một sức mạnh nào đó níu kéo lại, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên: Khốn cho ngươi”. Tôi tự nghĩ: chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết định trở lại hiệu sách và hoàn lại số tiền cho chị. Chị nhìn tôi, cười thật tươi sau tiếng cám ơn. Chưa bao giờ tôi cảm thấy được nhẹ nhàng cả người như thế.

GIỮ VỮNG LÒNG TIN
(THỨ BA TUẦN 15 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 15 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu, biết tránh mọi điều bất xứng,theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình.

Muốn theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình, thì phải giữ vững lòng tin, cho dẫu, không thấy Chúa đâu, không thấy Chúa can thiệp gì cả, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách các Vua quyển I cho thấy: Trở về nguồn, về nơi Thiên Chúa đã hiện ra với ông Môsê, ngôn sứ Êlia tìm được khích lệ và nghị lực mới. Trên hết mọi sự, ông được mặc khải những điều quan trọng, và ông cũng được giao những nhiệm vụ lớn. Đức Chúa phán cùng ông Môsê rằng: Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. Vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống. Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Muốn trở về nẻo chính đường ngay, thì phải vững tin vào sự giải thoát của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Trong cuộc vượt qua của dân Hípri, bạn thấy hình bóng của Bí Tích Thánh Tẩy. Trong cuộc vượt qua đó, người Aicập phải chết, còn, người Hípri được thoát nạn: Tội lỗi bị nhận chìm và lầm lạc bị xoá bỏ, còn, lòng đạo đức và sự trong trắng được bảo toàn nguyên vẹn… Chúa dẫn Dân Người đi như thể đàn chiên, đưa họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ, còn, quân thù họ bị biển khơi chôn vùi. Tất cả cha ông chúng ta cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển để theo ông Môsê.

Muốn tránh mọi điều bất xứng, thì phải vững tin vào sự che chở của Chúa, trước sự tấn công của các kẻ thù hùng mạnh, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 47, vịnh gia cũng kêu gọi giữ vững lòng tin vào Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa củng cố thành đô đến muôn đời muôn thuở. Kìa vua chúa toa rập với nhau, cùng tiến quân một lúc. Nhưng mới thấy thành đã sững sờ kinh ngạc, quá hãi hùng, bỏ chạy thoát thân. Chúng run khiếp, chạy đi chẳng nổi, quằn quại như phụ nữ sắp sinh con. Quay cuồng như những chiếc tàu trên biển cả bị bão đánh tan tành.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: Đến ngày phán xét, thành Tia, thành Xiđôn, và đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Chúng ta thường cứng lòng, không chịu sám hối quay về với Chúa, bởi vì, chúng ta lầm lạc, do đâu chúng ta lầm lạc? bởi vì, chúng ta chỉ muốn thấy điều mắt thấy. Tuy nhiên, thực tế là, cái mà cặp mắt phàm trần không thể nhìn thấy, thì, đôi mắt đức tin lại càng thấy rõ; mắt phàm trần chỉ thấy những gì tạm bợ, còn, mắt đức tin lại thấy được những gì vĩnh cửu. Cây gậy của ông Môsê chỉ có thể làm cho suối nước đắng Mara hóa ngọt, còn, cây thập giá của Đức Kitô đã làm cho nước thiên nhiên trở thành nước sinh ơn cứu độ; Ông Naaman được chữa khỏi bệnh phong hủi không phải bởi nước sông Giođan, bởi vì, nước sông Giođan cũng giống như nước của mọi con sông khác ở Xyri, xứ sở ông, nhưng là, do lòng tin ông đặt nơi quyền năng chữa lành của Chúa. Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý, để trở về nẻo chính đường ngay, ước gì chúng ta biết đặt hết lòng tin tưởng nơi Chúa, hầu, tránh xa mọi điều bất xứng,theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình. Ước gì được như thế!

TÌNH YÊU CƯƠNG NGHỊ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khốn cho ngươi, hỡi Corozain! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa!”.

“Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy!”. “Tình yêu làm cho sự vâng lời trở nên dễ dàng. Đó là niềm vui của tình yêu khi tôi làm điều người yêu tôi mong muốn. Phản ứng đúng đắn của Kitô hữu không phải là nghiến răng chịu đựng, mà là nhớ xem ‘Ai’ là người yêu cầu điều này - Chúa và lợi ích của Ngài - với một tình yêu cương nghị!” - Ray Stedman.

Kính thưa Anh Chị em,

“Khốn cho ngươi!”. Những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay thật gây sốc! Liệu Ngài mất kiểm soát khi bộc phát những lời cay nghiệt ấy? Vậy động cơ bên trong của những lời này là gì? Động cơ của nó vẫn là tình yêu, một ‘tình yêu cương nghị!’.

Chúa Giêsu quở trách dân các thành chỉ vì yêu thương và mong muốn họ thay đổi. Họ đã không ăn năn tội mình trước lời mời gọi của Ngài với những lời chứng mạnh mẽ hoặc các phép lạ Ngài làm. Vì thế, Ngài cần đưa mọi việc lên một tầm cao mới, một cấp độ mới; và cấp độ mới này là một lời quở trách thánh thiện, mạnh mẽ, rõ ràng. Hành động của Ngài thoạt đầu có thể được coi là một cảm xúc giận dữ. Nhưng đó là sự khác biệt quyết định! Chúa Giêsu không quở trách vì giận đến nỗi mất khôn; đúng hơn, Ngài quở trách vì họ cần quở trách để thay đổi một lối sống.

Sự thật tương tự cũng có thể được áp dụng vào cuộc sống chúng ta. Đôi khi chúng ta được biến đổi và chiến thắng một tội lỗi nhờ một lời mời gọi ân sủng nhẹ nhàng của Chúa. Tuy nhiên, vào những lúc khác, khi tội lỗi quá nghiêm trọng, chúng ta cần một lời ‘quở trách thánh’ quyết liệt hơn. Trong trường hợp này, chúng ta nên nghe những lời hôm nay của Chúa Giêsu như thể chúng hướng vào chúng ta, dành cho chúng ta. Vì lẽ, đây có thể là hành động thương xót cụ thể mà chúng ta cần trong cuộc sống.

Với những lời này, Đức Phanxicô mời bạn và tôi xét mình, “Khốn cho con, khốn cho con!” vì Ta đã ban cho con quá nhiều. Ta ban chính Ta cho con, Ta đã chọn con là Kitô hữu, nhưng các con lại thích một cuộc sống nửa vời, một cuộc sống hời hợt: một chút Kitô giáo với một chút nước thánh và không có gì hơn! Sống theo kiểu đạo đức giả Kitô giáo này, điều cuối cùng chúng ta làm, là loại Chúa Giêsu ra khỏi trái tim mình. Chúng ta giả vờ có Ngài, nhưng đã đuổi Ngài ra ngoài. “Là Kitô hữu, chúng tôi tự hào là Kitô hữu!”, nhưng chúng ta sống như những người ngoại đạo! Thái độ này giản lược Tin Mừng thành một sự kiện xã hội hoặc một tương giao xã hội hơn là mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu. Và Kitô giáo trở thành một thói quen xã hội, một bộ quần áo tôi mặc rồi vứt sang một bên. Chúa Giêsu khóc thương vì chúng ta sống theo Kitô giáo ‘một cách chính thức’ chứ ‘không đích thực!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Khốn cho con, khốn cho con!”. Hôm nay, hãy suy gẫm xem bạn có cần Chúa Giêsu quở trách hay không. Nếu có, hãy để Tin Mừng ‘tình yêu cương nghị’ này thấm nhuần. Bạn và tôi cũng hãy suy gẫm về trách nhiệm của mình trong việc sửa chữa lỗi lầm của những người khác. Đừng ngại thực hiện một hành động yêu thương thiêng liêng dưới hình thức quở phạt rõ ràng, mạnh mẽ. Nó có thể là chìa khoá để giúp những người bạn yêu thương yêu Chúa nhiều hơn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con ăn năn tội mình hàng ngày. Và giúp con trở thành khí cụ sám hối của người khác!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây