TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 14/09/2023 14:40 |   661
“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình.” (Lc 8,4-15)

23/09/2023
THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Thánh Piô Pietrelcina, linh mục

t7 t24 TN

Lc 8,4-15

 
HÃY LÀ ĐẤT TỐT!
“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình.” (Lc 8,4-15)

Suy niệm: Có hai điều chắc chắn và rõ ràng: (1) hạt giống được gieo là loại tốt nhất; (2) người gieo giống này rất hào phóng. Cũng vậy, Đức Giê-su mời gọi chúng ta có hai thái độ đáp ứng: (1) tạ ơn Chúa vì mình đang sở hữu mảnh đất tốt; (2) nỗ lực cải tạo đất chưa tốt trở thành đất tốt. Bởi vì, trên mảnh đất tốt, chúng ta thu hoạch vụ mùa bội thu; còn trên mảnh đất chưa tốt, chúng ta cần đổ thêm đất tốt, phân bón, loại bỏ sỏi đá, dọn sạch những bụi gai.

Thiên Chúa là Đấng luôn hào phóng; Lời của Người là Đức Giê-su Ki-tô, hạt giống đã chịu mục nát khi được gieo vào thế gian, đã trổ sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần lạc quan tin tưởng vào Thiên Chúa, Người gieo hạt giống không mệt mỏi để mong có hạt rơi vào đất tốt, cảnh giác để tránh cạm bẫy của kẻ cám dỗ, loại bỏ gai góc và sỏi đá.

Mời bạn: “Chúng ta hãy tự hỏi xem lòng mình có mở ra để đón nhận lời của Chúa không. Chúng ta hãy tự hỏi xem những tảng đá lười biếng của chúng ta còn nhiều và lớn không; hãy xác định và gọi tên các bụi gai của tật xấu. Hãy can đảm khai hoang mảnh đất tâm hồn của chúng ta. Mang tất cả những điều đó đến cho Chúa trong bí tích Hòa giải và trong cầu nguyện.” (ĐTC Phanxicô)

Chia sẻ: Đâu là những sỏi đá, gai góc từng có/đang có trong đời bạn? Kinh nghiệm của bạn trong khi chiến đấu và loại bỏ chúng?

Sống Lời Chúa: Lãnh nhận bí tích Hòa giải; và tìm thời giờ ở lại với Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con can đảm loại bỏ những sỏi đá, gai góc trong cuộc sống, để mảnh đất tâm hồn con sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và sinh hoa kết quả dồi dào. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 13-16
“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49

“Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.
Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: “Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy”. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13

Ðáp: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).

Xướng: Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh.

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia. Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. – Alleluia.)

Phúc Âm: Lc 8, 4-15

“Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.
Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

MỞ RỘNG TÂM HỒN… NHƯ THỬA ĐẤT TỐT (Lc 8, 4-15)
Giuse Vinh sơn Ngọc Biển, SSP

Nói đến gieo giống, người ta nghĩ ngay đến ai là người gieo? Gieo gì? Và gieo vào đâu? Hạt giống mọc lên ra sao? Sinh hoa kết quả thế nào…?

Hôm nay Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người gieo giống và mặc khải cho biết: người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì khác nhau, vì thế, có hạt bị quên lãng, bỏ ngoài tai hay vô tâm, chỉ ¼ là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ một ¼ số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.

Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời Chúa.

Những thứ đó là: lối sống sa đọa, nhu nhược, vô luân, không có tự trọng… tham nhũng, bóc lột, lừa gạt, dẫn đến tình trạng: “Ai làm sao, tôi làm vậy. Ai làm bậy, tôi cũng làm theo”, nên Lời Chúa không sinh ích cho người đón nhận.

Thực vậy, biết bao con người hôm nay cứ trố mắt và lao mình vào những con đường tội lỗi mà không hề có chút ưu tư. Họ sống như không có gì xảy ra vậy.

Nơi giới trẻ ngày nay, tình trạng thượng tôn tình dục, văn hóa đồi trụy đang là mốt rất “hót”, dẫu vẫn biết rằng văn hóa phẩm đồi trụy là nguyên nhân nguy hiểm, tác hại khôn lường đến đời sống đạo đức gia đình, xã hội và làm băng hoại Lương Tâm, dẫn đến tình trạng mù quáng và đi vào con đường chết!  Nhưng vì đồng tiền và bản năng “hạ đẳng” của con người, họ vẫn ngang nhiên cung cấp và thỏa sức sử dụng… như loài không có lương tri, không có linh hồn…!

Quả thật, những người đó, và đôi khi có cả chúng ta, là những người có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy. Lời Chúa đến với họ chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu” hay như “nước đổ đầu vịt, lá khoai”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết lắng nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa, và trung thành với giáo huấn của Chúa, ngõ hầu như hạt giống tốt gặp được thửa đất màu mỡ là tâm hồn ngay thẳng để trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con là thửa đất tốt để hạt giống của Lời Chúa luôn triển nở trong tâm hồn chúng con. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Piô Pietrelcina, linh mục

Bản Văn 1

(Bản văn lấy trong phần lễ chung các thánh chủ chăn)

Ca nhập lễ 

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì thế ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người đau khổ tong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa là Ðấng thánh, và nếu Chúa chẳng ban ơn, không ai có thể nên hoàn thiện. Xin Chúa thương nhận lời thánh Pi-ô chuyển cầu mà giúp chúng con đáp lại lời Chúa gọi hầu đáng được ân thưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tha thiết nài xin Chúa thương chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính các thánh. Xin cho hiến lễ này cũng thanh tẩy cả hồn xác chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Pi-ô Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể bồi dưỡng chúng con. Xin cho ân phúc Chúa đã thương ban do lượng từ bi hải hà của Chúa giúp chúng con đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

 

 Bản Văn 2

(Bản văn phụng vụ do Linh mục Giuse Phạm Quốc Điêm chuyển ngữ.

Bản văn này dùng trong lúc chưa có bản dịch chính thức.

Nguồn: http://gpbuichu.org)

Ca nhập lễ 

Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn (Tv 15,5-6).

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa tòan năng hằng hữu,
nhờ hồng ân đặc biệt
Chúa đã ban cho Thánh Piô, linh mục
được tham dự vào thập giá của Con Chúa
và nhờ tác vụ của thánh nhân
Chúa đã tái thực hiện những kỳ công lạ lùng của lòng thương xót Chúa;
nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin ban cho chúng con,
được kết hợp mật thiết với cuộc thương khó của Chúa Kitô,
hầu đạt được niềm vui của sự phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin …

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
nơi Thánh Piô, Chúa đã tác tạo ra hình ảnh con người mới
trong sự công chính và thánh thiện,
xin ban cho chúng con biết đổi mới tinh thần,
để được xứng đáng dâng của lễ ngợi khen.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ca hiệp lễ

Thầy bảo thật anh em: anh em đã bỏ mọi sự mà theo Thấy, anh em sẽ nhận được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp (Mt 19,28-29).

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
nhờ các bí tích, chúng con đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần Chúa,
xin ban cho chúng con biết noi gương Thánh Piô,
biết miệt mài tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự
để mang lại dấu ấn của Chúa Kitô chịu chết và sống lại,
Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Thánh Piô Pietrelcina, linh mục

Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền nam nước Ý.

Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.

Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.

Vào ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.

Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.

Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.

Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình thành với 350 giường bệnh.

Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.

Một trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài từ trần ngày 23-9-1968, và được phong thánh năm 2002.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây