TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – A

Thứ năm - 07/09/2023 14:16 |   716
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,21-35)

17/09/2023
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – A

cn t24 TNa

Mt 18,21-35

 
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,21-35)

Suy niệm: Ma-hat-ma Gan-đi nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh”. Đúng nhất phải nói rằng: “Tha thứ là phẩm tính của Thiên Chúa.” Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ cho điều đó. Ông chủ tha cho tên đầy tớ món nợ khổng lồ ngay tức khắc và vô điều kiện chỉ vì ông chạnh lòng thương trước lời van nài của y.

Tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa là món nợ vô cùng lớn mà chúng ta hoàn toàn không có khả năng chi trả. Dù vậy, Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta chỉ với một điều kiện là chúng ta cũng tha thứ cho anh em mình.

Mời Bạn: Thiên Chúa tha thứ vì Ngài là Cha giàu lòng thương xót. Chúng ta phải tha thứ cho nhau bởi vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa thương xót và tha thứ. Càng cảm nhận mình được Chúa xót thương và tha thứ nhiều, chúng ta càng thấy mình có nghĩa vụ cũng phải tha thứ cho anh em nhiều, “không chỉ bảy lần mà là bảy mươi lần bảy”. Khi cư xử như thế chúng ta không sợ phải thiệt thòi vì Chúa dạy: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy, đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,38).

Sống Lời Chúa: Bạn có còn giận ghét ai vì bị họ xúc phạm? Hãy tha thứ bằng cách bỏ đi thái độ hờn giận, và thay vào đó là những cử chỉ, lời nói vui tươi và thân ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm tin vào lòng thương xót Chúa, để chúng con dám trở về hòa giải với Chúa mỗi khi yếu đuối lỗi lầm. Và cho chúng con một trái tim yêu thương quảng đại, để chúng con luôn tha thứ cho nhau như Chúa tha thứ cho chúng con.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm A

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là đấng sáng tạo, nuôi dưỡng và chăm sóc mọi loài trong vũ trụ này, Ngài là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Vì vậy, Chúa ban bình an cho những ai trông cậy vào Ngài.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau hiệp lòng, hiệp ý để dâng lên Chúa Thánh Lễ tạ ơn và để biểu tỏ tính thiện chí của mỗi người đối với cộng đoàn, bằng sự khiêm nhường từ nội tâm, khát mong cảm nghiệm được hiệu quả ơn tha thứ của Chúa và của anh chị em, ngay trong đời sống trần gian này.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 – 28, 9

“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong cuộc hành trình bước theo Đức Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta xác tin rằng: Thiên Chúa luôn nâng đỡ mỗi người bằng tình yêu và quyền năng của Ngài. Vì thế, chúng ta cùng tha thiết cậy trông dâng lên Chúa những lời nguyện xin :

1. “Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó”. – Xin thanh tẩy những bất hòa, chia rẽ trong Hội Thánh, để mọi người được hiệp nhất trong cùng một Chúa Thánh Thần, dưới sự lãnh đạo của các vị Chủ chăn. Nhờ đó mọi người đến với Hội Thánh hưởng tình bác ái chân thành.

2. “Không ai trong anh em được sống cho mình”. – Xin Chúa gia tăng trong Hội Thánh những thợ nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, để dưới ánh sáng Lời Chúa, con người biết sống yêu thương, và hưởng nền hòa bình trong công lý và tình thương.

3. “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lẩn”. – Xin cho các tín hữu quên đi những cạnh tranh trong cuộc sống, quên đi những hận thù ghen ghét, mà phát triển con người Kitô hữu là sống yêu thương, tha thứ, xóa bỏ oán thù để xứng đáng là những kẻ tin theo Chúa.

4. “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta thương ngươi”. – Xin cho tội nhân thấu hiểu được lòng Chúa khoan dung nhân hậu, để họ nhận biết lỗi lầm, thực tình thông hối và quyết tâm trở về với Chúa qua Bí tích Hòa Giải.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những con nợ bất lực trước món nợ tình thương của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ đến lòng thương xót Chúa mà sống khiêm tốn, tha thứ cho nhau một cách chân thành, để khi chúng con đọc chung kinh Lạy Cha, chúng con xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tha thứ

Ở bên Nhật, có một tên sát nhân khét tiếng đã từng giết hại nhiều người, hắn chẳng may bị bắt và bị tống giam trong ngục, chờ ngày lãnh nhận bản án tử hình. Thế rồi có hai phụ nữ đạo đức đã tới thăm viếng và trò truyện với hắn, nhưng hắn đã đáp lại bằng một cái nhìn hằn học. Trước khi ra về, họ đã để lại cho hắn cuốn Phúc âm với hy vọng mong manh là hắn sẽ đọc.

Quả thật, vì chẳng có việc gì làm, nên hắn đã tò mò mở ra, và rồi hình như có một sức thu hút nào đó, khiến hắn tiếp tục đọc, đọc mãi cho đến lời cầu của Chúa Giêsu trên thập giá:

– Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

Hắn đã dừng lại và nói:

– Sự kiện trên đã làm cho tôi xúc động và tôi cảm thấy dường như sự hung dữ và tàn bạo của tôi đã tan biến, bởi vì tôi đã tin.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới người trộm lành trên thập giá. Mặc dù quãng đời dĩ vãng chồng chất những tội lỗi, nhưng rồi anh đã được Chúa tha thứ. Chính Ngài đã nói với anh:

– Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.

Tên sát nhân ở Nhật Bản, cũng như người trộm lành đều là những kẻ tàn bạo, thế mà Chúa đã xót thương, cho ăn năn sám hối vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thì tự hỏi làm sao chúng ta lại khước từ, chẳng tha thứ cho nhau.

Chính Ngài đã khẳng định qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay:

– Thầy không bảo các con phải tha thứ đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy lần, có nghĩa là phải tha thứ cho nhau mãi mãi.

Và để xác minh cho sự thật trên người ta đã đưa ra một câu chuyện cụ thể đó là câu chuyện về tên đầy tớ độc ác. Như chúng ta thấy, khi mắc nợ ai, chúng ta phải hoàn trả cho họ, đó là bổn phận của đức công bằng.

Cũng vậy, tên đầy tớ mắc nợ nhà vua mười ngàn nén bạc, mà hắn thì không có gì để trả, vì thế, nhà vua cứ dựa theo sự công bằng để ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con và tài sản mà trả nợ. Thế nhưng, nhà vua đã không hành động như thế. Ông đã không cư xử với hắn theo sự công bằng, mà theo lòng thương xót, bởi thế ông đã tha bổng cho y, và đòi y cũng phải thương xót đối với những người chung quanh:

– Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, thì đến lượt ngươi, ngươi cũng phải thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi.

Trong mối liên hệ giữa người với người, chúng ta thấy công bằng phải đi trước bác ái và làm nền tảng cho bác ái, bởi vì nếu không có công bằng thì cũng chẳng có bác ái. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta phải vượt lên trên cái nền tảng công bằng này để biểu lộ một tình yêu thương và tha thứ.

Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho anh em để rồi bản thân chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa hay không?

Tha thứ

Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho con người mọi tội lỗi, do đó, con người cũng phải biết tha thứ lẫn cho nhau.

Qua câu chuyện của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta thấy được hai thái độ khác nhau của hai chủ nợ. Người chủ nợ thứ nhất tượng trưng cho Thiên Chúa. Còn người đầy tớ mắc nợ mười ngàn nén vàng, tượng trưng cho con người tội lỗi. Mười ngàn vàng là một con số quá lớn, vượt khỏi trí tưởng tượng của người nghe. Ý muốn ám chỉ một món nợ mà con nợ sẽ không bao giờ trả hết. Cam kết trả hết nợ chỉ là một lời hứa liều khi bị dồn vào bước đường cùng, không còn lối thoát nào khác. Biết vậy, nhưng người chủ nợ lại là người nhân ái, đã động lòng thương trước lời van xin của tên đầy tớ. Và người chủ nợ đã một việc hết sức bất ngờ, đó là trả tự do và tha hết nợ cho anh ta trong khi anh ta chỉ dám xin khất nợ mà thôi.

Cũng thế, tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa quả thực là một món nợ khổng lồ. Bình thường thì chẳng tài nào xoá đi được. Nhưng Thiên Chúa đã chạnh lòng thương. Ngài đã tha thứ không chỉ bằng một lời phán hết nợ, mà còn bằng cách cho Con Một của Ngài xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng cứu độ và sau cùng đã chịu chết trên thập giá để giải thoát chúng ta.

Nếu như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không, thì bây giờ đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có bổn phận phải tha thứ một cách nhưng không cho người khác. Món nợ của con người đối với nhau, quả thật là nhỏ bé, là tầm thường, so với món nợ đối với Thiên Chúa. Một nén vàng là mười ngàn đồng bạc. Như thế, một vạn nén vàng vị chi là một trăm triệu đồng. Một trăm triệu đồng mà đem so với một trăm đồng thì quả là một trời một vực.

Nhưng cách cư xử của tên đầy tớ vừa mới được tha hết nợ đối với bạn hắn thì lại hoàn toàn trái ngược với thái độ của người chủ nợ đối với hắn. Cũng một lời van xin, nhưng hắn không hề nhớ tới điều hắn đã được hưởng. Người mắc nợ hắn đã bị tống giam vào ngục cho đến khi trả nợ xong. Chủ nợ của hắn buộc lòng phải đối xử với hắn như hắn đã đối xử với bạn hắn. Có điều một trăm đồng bạc thì còn có khả năng trả được, chứ mười ngàn nén vàng thì vô phương cứu chữa. Người đầy tớ không phải chỉ là một kẻ vụng tính mà còn là một con người độc ác, không có được một chút tình thương đối với người bạn của mình.

Trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn đọc hằng ngày: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Phải chăng đó chính là lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết sống khoan dung và nhân ái đối với những người chung quanh để rồi chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng khoan dung và nhân ái của Chúa.
 

THỜ PHƯỢNG VÀ YÊU MẾN
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Qua Lời Tổng Nguyện của Tuần XXIV Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin cho chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương.

Chúng ta càng tận tình thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ càng cảm thấy được rõ ràng tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là Đấng đáng chúng ta tôn thờ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien đã nhìn thấy trên cái gì tựa như cái ngai có cái gì trông như hình dáng một con người, và ông nghe có tiếng hò la vang dội từ trên cao: Chúc tụng Đức Chúa vinh hiển trong nơi thánh của Người. Ngôn sứ cũng tiên báo mọi dân tộc sẽ nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa sẽ ngự khắp mọi nơi, chứ không chỉ ngự trong Đền Thờ hay trên núi Xinai. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh cho thấy tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua hình ảnh người mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình: Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho chiên nằm nghỉ. Người dẫn chiên trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Thánh nhân cũng khiển trách những mục tử chỉ muốn nghe người ta gọi mình là mục tử, mà không muốn chu toàn nhiệm vụ mục tử của mình.

Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền, chứ không như đứa đầy tớ khiếp sợ ông chủ hà khắc, bởi vì, như lời của vịnh gia trong Thánh Vịnh 102 của bài Đáp Ca hôm nay: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa tha cho ta muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ta. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, vì thế, Người cũng muốn chúng ta bắt chước Người luôn yêu thương và tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca đã kêu gọi: Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển mọi loài, nên Người có quyền trên tất cả, chúng ta chỉ là thụ tạo bé nhỏ của Người, chúng ta phải tùy thuộc vào Người, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã mạnh dạn khẳng quyết: Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Sống, chết đã không thuộc quyền của chúng ta, thì phán xét và kết án lại càng không phải là quyền của chúng ta, vậy sao chúng ta lại có thể giữ mãi lòng thù hận, quyết không tha thứ cho một ai đó, không tha thứ cho người khác, là chúng ta đang cầm giữ chính mình trong những giận hờn ích kỷ. Đang khi đó, Chúa luôn mời gọi chúng ta phải yêu thương nhau như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.

Yêu thương như Thầy, nghĩa là, cũng phải tha thứ như Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã mời gọi phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là, tha thứ luôn mãi, không thôi: như hương thơm tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, lòng bao dung tha thứ cũng tuôn chảy từ Thánh Tâm rực cháy lửa tình yêu cho cả những kẻ đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển mọi loài, cho nên, thờ phượng Chúa thật là phải đạo và chính đáng, nhưng, như lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria: không còn thờ phượng Thiên Chúa trên núi này hay núi kia, mà là, trong Thần Khí và Sự Thật, nhất là, thánh Phaolô đã khẳng quyết: chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa (x. 1Cr 3,16). Do đó, càng thờ phượng Thiên Chúa nơi chúng ta, chúng ta sẽ càng nghiệm thấy tình yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta, vì thế, tha thứ không chỉ dừng lại ở việc tha thứ cho tha nhân, nhưng còn là tha thứ cho chính mình, và cũng vậy, tha thứ cho chính mình lại trở thành tiền đề để tha thứ cho tha nhân.

Nếu không biết tha thứ cho chính mình, làm sao chúng ta có thể tha thứ cho người khác. Nhiều xung đột với người khác là phản ảnh của những xung đột trong chính nội tâm chúng ta, do việc chúng ta đã không chấp nhận những khiếm khuyết đó nơi chính mình. Nếu chúng ta không tha thứ cho chính mình, thì chúng ta sẽ bắt người khác phải trả giá cho sự bất hòa bên trong chúng ta. Thời điểm lên án mình, chúng ta cũng đang lên án toàn thế giới. Nếu hiệu hữu trong chúng ta đã bị lên án, thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận hiện hữu ở xa chúng ta, trong những người khác.

Tha thứ cho chính mình: chỉ lên án tội, chứ không lên án mình, tội nằm trong hành vi của chúng ta, chứ không phải trong hữu thể chúng ta. Chúng ta có những hành vi sai, vì chúng ta không nhận biết, không tỉnh thức. Nỗ lực của chúng ta là hãy làm cho mình thức tỉnh.

Thay vì chúng ta kết án tha nhân, chúng ta hãy làm cho họ thức tỉnh, bắt đầu thức tỉnh là bắt đầu biến đổi, hoàn toàn thức tỉnh là chúng ta đạt tới chính Chúa. Chúng ta hoạt động trong mê ngủ, nên phạm nhiều sai lỗi và xúc phạm lẫn nhau. Nhìn lại chính mình với những bất toàn, thiếu sót, chúng ta phải biết chấp nhận và tha thứ cho chính mình, khi đó, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác. Thiên Chúa là Cha hằng luôn yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải biết yêu thương tha thứ cho chính mình, càng cảm nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta cách nhưng không, chúng ta sẽ càng dễ dàng yêu thương và tha thứ cho tha nhân cách vô điều kiện, không tính toán so đo.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây