TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 18/09/2023 14:07 |   702
“Anh em đừng mang gì đi đường.” (Lc 9,1-6)

27/09/2023
THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục

t4 t25 TN

Lc 9,1-6
 

RAO GIẢNG TAY KHÔNG
“Anh em đừng mang gì đi đường.” (Lc 9,1-6)

Suy niệm: Các môn đệ được mời gọi bước theo Thầy, ở với Thầy, làm việc và chứng kiến Thầy thi hành sứ vụ  rao giảng, chữa bệnh. Hôm nay Đức Giê-su lại sai nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng, ban cho họ quyền năng kèm theo việc loan báo, cùng với yêu cầu: không mang gì khi đi đường. Tại sao vậy? Thưa, Ngài muốn người môn đệ ra đi tay không, không ỷ lại vào phương tiện mình có, nhưng chỉ lệ thuộc vào quyền năng, lòng yêu thương của Thiên Chúa. Nói cách khác, trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Ngài cần con người các môn đệ hơn là các phương tiện bên ngoài. Tác nhân chính trong việc loan báo Tin Mừng là chính con người, đời sống chứng tá của người môn đệ. Vì loan báo Tin Mừng là chia sẻ cảm nghiệm mình gặp gỡ Thiên Chúa như thế nào, trải nghiệm tình yêu Ngài trong đời mình, và muốn cho người khác cũng cảm nhận được điều đó. Điều đánh động, thuyết phục người khác hơn cả là đời sống được biến đổi tận căn của người Ki-tô hữu chứng tá, như lời Đức Phao-lô VI: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.”

Mời Bạn: Mỗi hành động, cử chỉ, lời nói, cách cư xử hàng ngày của bạn, dù nhỏ bé, cũng phải được thực hiện với ý thức rằng bạn đang thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Hãy nói một lời chúc tốt đẹp với người mà bạn không thích với ý hướng loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thóat, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin mừng với niềm vui… (Rabbouni)

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: (Năm I) Esd 9, 5-9

“Thiên Chúa không bỏ rơi chúng tôi trong cảnh nô lệ”.

Trích sách Esdra.

Tôi là Esdra, khi dâng lễ tế ban chiều, tôi vùng dậy khỏi cơn âu sầu, áo trong áo ngoài đều rách hết, tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa tôi mà thưa rằng: “Lạy Chúa, con hổ ngươi thẹn thuồng không dám ngước mặt lên cùng Chúa: vì những sự gian ác của chúng con chồng chất trên đầu chúng con, và tội lỗi chúng con cao lên tới trời. Kể từ thời cha ông chúng con cho tới ngày nay, tội lỗi chúng con đã quá nhiều, và vì sự gian ác của chúng con, nên chúng con, vua chúa, tư tế của chúng con, bị trao vào tay vua các dân ngoại, bị gươm đao, bị lưu đày, bị cướp bóc và bị thẹn mặt như ngày nay.
“Và hiện giờ đây, Chúa vừa tạm ban cho chúng con một chút lòng thương xót, là để cho chúng con sống sót phần nào, và cho chúng con một nơi ẩn náu trong chốn thánh của Chúa, để soi sáng mắt chúng con, và ban cho chúng con một chút sự sống trong cảnh nô lệ của chúng con, vì chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ, nhưng Chúa đã khiến các vua Ba-tư thương xót chúng con, mà cho chúng con còn sống để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng con, tu bổ những nơi hoang tàn, và cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại Gierusalem”.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tb 13, 2. 3-4. 6. 7. 8.

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa cao cả muôn đời (c. 1b).

Xướng: Chúa trừng phạt, rồi lại tha thứ. Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa.

Xướng: Bởi vì thế, Chúa đã phân tán các ngươi giữa các dân tộc không nhìn biết Chúa, để các ngươi tường thuật các việc kỳ diệu của Người, để các ngươi làm cho họ biết rằng ngoài Người ra, không có Thiên Chúa toàn năng nào khác.

Xướng: Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi.

Xướng: Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội.

Xướng: Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi.

Bài Ðọc I: (Năm II) Cn 30, 5-9

“Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ”.

Trích sách Châm Ngôn.

Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 29. 72. 89. 101. 104. 163

Ðáp: Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).

Xướng: Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con.

Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

Xướng: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao.

Xướng: Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài.

Xướng: Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà.

Xướng: Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu chuộng luật pháp của Ngài.

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 1-6

“Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIẢI THOÁT CON NGƯỜI CÁCH TOÀN DIỆN (Lc 9, 1-6)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiếp bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên ma quỷ và chữa lành các bệnh tật. Mặt khác, Đức Giêsu muốn các môn đệ thanh thoát, nhẹ nhàng, để chỉ chú tâm cho công cuộc loan báo Tin Mừng là việc chính yếu, Ngài đã truyền cho các ông: “Đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo”. Bên cạnh đó, Ngài còn hướng dẫn các ông về cung cách ứng xử khi thi hành sứ vụ: “Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”.

Như vậy, nếu nhìn cách tổng thể, chúng ta thấy chính Đức Giêsu và sau đó là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ, làm toát lên sự thao thức và ý định muốn giải phóng con người toàn diện cả xác lẫn hồn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hân hoan đón nhận sứ vụ như là một hồng ân, dẫu rằng chúng ta không xứng đáng! Mặt khác, luôn sống trong sự phó thác nơi Chúa và đừng quá lo lắng về cơm áo gạo tiền trong khi thi hành sứ vụ. Bởi vì chính Đấng sai ta cũng đã sống cảnh: “Con cáo có hang, con chồn có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Sự thanh thoát này giúp chúng ta không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc nơi của cải vật chất, sự an tâm trần thế. Ngược lại, nhờ lối sống đơn giản, chúng ta được nâng đỡ tinh thần từ bỏ mình và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cách tốt đẹp hơn. Đức Giêsu cũng không quên nhắc các môn sinh của mình là không được dùng những hình thức khống chế, quyền lực để phụ trợ cho sứ mạng, ngược lại hãy dùng tình thương và gương sáng, tôn trọng tự do và ước muốn của người thụ huấn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được thanh thoát và can đảm, tin tưởng và phó thác, vui mừng và hy vọng trong khi loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục

Ca nhập lễ

Thánh thần Chúa ngự trên tôi, vì thế Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, và chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục mọi đức tính xứng bậc tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ. Xin cho chúng con biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Vinh-sơn biết can đảm lấy cuộc sống để diễn tả các mầu nhiệm thánh nhân cử hành. Xin Chúa dùng sức mạnh của thánh lễ này làm cho chúng con cũng trở nên của lễ làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Mọi người hãy tuyên xưng lòng từ bi, và những điều kỳ diệu của Chúa đối với con cái loài người, vì Chúa đã cho người đói khát được tràn trề thiện hảo.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể bồi dưỡng chúng con. Ước gì gương bác ái thánh Vinh sơn để lại vừa khích lệ, vừa nâng đỡ chúng con. Ðể chúng con hăng hái đem Tin Mừng cho người nghèo như chính Con Một Chúa. Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Vincent de Paul qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris, được phong thánh năm 1737 và năm 1883 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên bố là bổn mạng tất cả các công việc bác ái.

“Ông Vinhsơn” (Monsieur Vincent) sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581 trong một gia đình nông dân ở Pony (nay là Saint-Vincent-de-Paul) miền Landes. Ban đầu đi chăn cừu cho cha, rồi theo học tại trường các cha dòng Phansinh ở Dax, tiếp đó học đại học ở Toulouse. Sau khi thụ phong linh mục, nhân một cuộc hải trình, Vinhsơn bị bọn cướp biển bắt bị bán cho một thợ luyện kim ở Tunis năm 1605. Được tha, cha Vinh sơn sang Roma (1607) rồi trở về Paris (1609), tại đây cha trở thành cha sở Clichy năm 1612. Chính trong giai đoạn này, cha Vinhsơn qui hồi đổi đời; chịu ảnh hưởng cha Pierre de Bérulle linh hướng, Vinhsơn khấn tận hiến cho Chúa bằng cách phục vụ người nghèo. Năm 1617, cha được chỉ định làm tuyên úy tại nhà Philippe Emmanuel ở Gondi là vị tướng coi sóc các thuyền Galères của nhà vua. Công việc tuyên úy các tù nhân chèo thuyền và các thủy thủ cũng như linh mục miền quê trên vùng Gondi càng giúp cha thấm thía nổi khổ tinh thần và vật chất của dân chúng. Năm 1619, ngài gặp thánh Francois de Sales và cũng như Pierre de Bérulle, thánh Francois cũng có ảnh hưởng đối với Vinhsơn. Lúc này nhằm tạo hữu hiệu hơn trong việc phục vụ người nghèo, cha tập hợp các “Nữ tỳ người nghèo” đầu tiên (các Nữ Tử Bác ái) và lập cho họ một qui chế. Năm 1625, cha lập Hội dòng các “Linh mục thừa sai” để truyền giáo cho người nghèo, đặc biệt là ở miền quê, và để đào tạo các linh mục tốt theo tinh thần công đồng Trente. Vì được đào tạo tại tu viện Saint-Lazare ở Paris, các thừa sai của cha cũng được gọi là Lazaristes. Tại đây cha Vinhsơn chuẩn bị cho các ứng sinh lên chức linh mục, theo yêu cầu của Đức tổng giám mục Paris. Tiếp theo, được Đức hồng y Richelieu khuyến khích, cha mở thêm các chủng viện dưới sự điều khiển của các linh mục trong dòng, để huấn luyện các chủ chăn tương lai. Năm 1633, với sự trợ giúp của thánh nữ Louise de Marillac, thánh Vinhsơn Phaolô lập dòng nữ tử bác ái có mục đích phục vụ người nghèo; dòng có một sức bậc phi thường và được phổ biến không gì sánh bằng khắp trên thế giới. Các nữ tu hồi đó mặc y như ở các tỉnh gốc gác của mình và sống trong các giáo xứ nơi họ phục vụ.

Năm 1643, cho Vinhsơn chứng kiến các chết của vua Louis XIII, và nhờ ý kiến của hoàng hậu nhiếp chính là Anne d’Autriche, cha được chỉ định làm thành viên Hội đồng lương tâm (cơ quan chỉ định các giám mục); nhờ thế cha can thiệp vào các vụ chỉ định giám mục, và cùng với hai linh mục Bérulle và Olier, Ngài xếp cho các giám mục được chỉ định thực sự là những chủ chăn tốt.

Do các dòng tu Ngài thành lập, tình yêu đối với người nghèo và sự thánh thiện linh mục, thánh Vinhsơn thực sự là khuôn mặt sáng giá nhất thế kỷ XVII và là một trong những nhà hoạt động chính trong công cuộc Phục hưng công giáo tại Pháp. Các Thư tín (khoảng hai ngàn thư) và Giáo huấn của Ngài là một nguồn quan trọng cho việc hiểu biết lịch sử dòng tu trong thế kỷ XVII.

Thánh Vinh sơn Phaolô qua đời ở Paris, thọ tám mươi tuổi, tại nhà Saint – Lazare. Xác Ngài được tôn kính tại nhà nguyện các cha Lazaristes.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày nhắc đến các trục chính trong công việc của thánh Vinhsơn là “giúp đỡ người nghèo và đào tạo linh mục”. Nơi thánh Vinhsơn phục vụ là trọng tâm của việc tông đồ, vì mục tiêu Ngài nhắm trước tiên là “khuyến khích các linh mục, giáo dân và các phụ nữ, giao trách nhiệm cho họ trong một sự phục vụ trọn vẹn những người thấp cổ bé miệng bằng cuộc sống chứng tá Phúc âm và đem cơm áo cho người không cơm ăn áo mặc”. Có thể tóm gọn chương trình của Ngài như sau: “Yêu Chúa thôi, chưa đủ, nếu tôi không thương anh em. Ưu tư, lao tâm khổ trí của tôi chính là người nghèo”. Trong một buổi đàm đạo với các chị Nữ tử Bác ái, vị thánh lập dòng giải thích thế này về việc phục vụ người nghèo: “Không phải là bỏ Chúa khi bỏ Chúa vì Chúa, nghĩa là bỏ một công việc Chúa vì một công việc khác… Các chị bỏ nguyện gẫm hay đọc sách, hoặc không giữ im lặng để đi trợ giúp một người nghèo, thì, các chị biết đấy, làm tất cả những điều đó chính là phụng sự Chúa” (phụng vụ và bài đọc). Về vấn đề đào tạo linh mục, thánh Vinhsơn ý thức tính cấp thiết của vấn đề, Ngài nói: “Giáo sỹ hư hỏng là nguyên nhân chính gây nên sa sút trong Giáo hội; linh mục thế nào thì giáo dân thế đó”.

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh rằng thánh Vinhsơn đã biết “sống phù hợp cuộc đời với các mầu nhiệm thánh Người cử hành”. Quả thật, vị tông đồ xem ơn gọi linh mục chính là sự phục vụ và một sứ mệnh: “không gì thích hợp với Giáo hội hơn một đàng là thu thập ánh sáng và sức mạnh cho linh hồn mình bằng nguyện gẫm, đọc sách trong cô tịch, để rồi sau đó chia sẻ thứ lương thực tinh thần này cho người khác.”

Lời nguyện tạ lễ khuyến khích chúng ta “loan báo Tin Mừng cho người nghèo” theo gương thánh Vinh sơn, Đấng xem Đức Giêsu trước hết là “kẻ rao giảng phúc âm cho người nghèo” (Phụng vụ bài đọc). Công đồng Vatican II nhắc chúng ta rằng ngày nay phát triển kinh tế thường dẫn tới việc khinh dễ người nghèo (Mv 63). Ước mong gương thánh Vinhsơn giúp chúng ta nghe được những tiếng kêu và đáp lại các nhu cầu của họ bằng những phương tiện thích hợp, để tạo dễ dàng khắp nơi cho công bằng, đồng thời thốt lên khắp nơi tình yêu Đức Kitô nơi người nghèo khổ (Mv 90,3).

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây