TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 08/08/2024 14:33 |   356
“Anh lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” (Mt 17,22-27)

12/08/2024
thứ hai tuần 19 thường niên

Thánh Joanna Phanxica Chantal, nữ tu

t2 t19 TN

Mt 17,22-27


trách nhiệm
Chúa Giê-su bảo Phê-rô rằng: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” (Mt 17,22-27)

Suy niệm: Hằng năm, những người đàn ông Do-thái từ 20 tuổi phải đóng hai quan tiền thuế cho Đền thờ. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su không phải nộp khoản thuế này. Tuy nhiên, để tránh gương xấu cho người khác, Chúa bảo Phê-rô đóng thuế cho Ngài và cho ông nữa. Cách hành xử của Chúa không dựa trên tiêu chuẩn công bằng mà theo bác ái. Chúa Giê-su xuống trần gian không phải để đòi quyền hành của Thiên Chúa, nhưng để làm người, gắn bó với dân tộc, chấp nhận nghĩa vụ công dân như mọi người.

Mời Bạn: Tước hiệu Ki-tô hữu không phải là đặc quyền, nhưng là đòi hỏi: sống như mọi người, và hơn thế nữa, chu toàn nhiệm vụ của người công dân trần thế và cả công dân Nước Trời. Bạn hãy nhớ mình vừa là Ki-tô hữu vừa là người Việt Nam.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về tư tưởng sau đây: “Người ta chịu trách nhiệm về việc mình làm, việc mình không làm, và cả việc mình ngăn cản không cho làm”?

Sống Lời Chúa: Không trốn tránh các việc bổn phận, nhưng làm với tinh thần trách nhiệm của người Ki-tô hữu: hiền lành, tận tâm, công bằng, trung thực…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con nỗ lực sống xứng đáng là công dân tốt của trần thế, và hơn thế nữa, là muối men, ánh sáng của người công dân Nước Trời. Xin dạy con sống theo gương của Chúa, để con thực sự trở nên mọi sự cho mọi người. Amen. (x. 1Cr 9,22)

Ngày 12: Lạy Chúa! Chúa bao trùm tất cả những gì đang hiện hữu, đang là. Đó là toàn thể vũ trụ này. Xin cho chúng con biết rằng: tất cả những gì đang hiện hữu, đang là: từ những vi sinh vật nhỏ nhất, cho đến con người chúng con, hay các hành tinh, các dải ngân hà, không phải là các thực thể tách rời nhau, nhưng, tất cả cùng tạo nên mạng lưới bao gồm các tiến trình liên đới chặt chẽ đa chiều với nhau, như các bộ phận trên cùng một thân thể có Chúa là Đầu. Xin cho chúng con đừng tự tách mình ra khỏi toàn thể, để khỏi bị tiêu vong muôn đời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ hai tuần 19 thường niên

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa nhìn lại lời minh ước, và xin đừng nỡ lãng quên đời sống con người cơ khổ. Lạy Chúa, xin Chúa đứng lên xét xử, và xin đừng quên lãng những ai tìm kiếm Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 10, 12-22

“Các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi. Hãy yêu thương khách trọ, vì chính các ngươi cũng đã là khách trọ”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Giờ đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đòi hỏi các ngươi điều gì, nếu không phải là kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến Người, làm tôi Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi, tuân giữ các giới răn và nghi lễ của Thiên Chúa mà hôm nay tôi truyền cho các ngươi để các ngươi được hạnh phúc.

“Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay.

“Vậy các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa, vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi, là Thiên Chúa trên hết các chúa, là Chủ Tể trên hết các chủ tể, là Chúa cao cả, quyền năng và đáng khiếp sợ, là Ðấng không vị nể ai, và không để cho lễ vật hối lộ; Người giải oan cho cô nhi quả phụ, Người yêu mến người khách trọ và cho họ cơm ăn áo mặc. Vậy các ngươi hãy yêu thương khách trọ, vì các ngươi cũng đã là khách trọ trong đất Ai-cập.

“Các ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Ðấng các ngươi phải ca tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi đông như sao trên trời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a)

Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

Xướng: Người giữ cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo.

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 1, 2-5. 24 – 2, 1a (Hebr 1, 2-5. 24-28c)

“Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ngày mồng năm trong tháng, năm thứ năm vua Gioakim bị lưu đày, có lời Chúa phán cùng tư tế Êdêkiel, con của Buzi, ở xứ Calđêa, trên bờ sông Côbar. Chính tại đây, bàn tay Thiên Chúa đã đặt trên tôi.

Tôi nhìn thấy có một cơn gió mạnh từ phương bắc thổi đến. Có một đám mây to lớn và lửa bao bọc chung quanh và bốn bề có ánh sáng phát ra, và ở giữa bầu lửa như vàng pha sáng chói. Chính giữa, có giống gì như bốn con vật hình dáng giống như hình người.

Và tôi nghe tiếng cánh của chúng như tiếng nước lũ, như tiếng của Chúa vạn năng; khi chúng đi thì khác nào như đám đông người, như tiếng đạo quân: khi chúng dừng lại thì chúng xếp cánh xuống. Vì khi chúng nghe có tiếng trên không trung, trên đầu chúng, thì chúng dừng lại và xếp cánh xuống.

Và trên không trung, trên đỉnh đầu chúng, có cái gì như một viên ngọc thạch, hình như chiếc ngai, và trên ngai đó, phía trên hẳn, có hình giống như hình người. Và tôi thấy người như vàng pha sáng chói, bên trong, tứ bề khác nào như lửa, từ lưng người trở lên, và từ lưng trở xuống, tôi thấy có gì như lửa chiếu sáng chung quanh, giống như cái mống hiện ra trên mây trong ngày mưa: đó là hình thể chiếu sáng chung quanh. Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa. Tôi nhìn thấy thì sấp mặt xuống đất.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 148, 1-2. 11-12ab. 12c-14a. 14bcd

Ðáp: Trời đất đầy vinh quang của Người.

Hoặc đáp: Alleluia.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa từ muôn cõi trời, hãy ca tụng Người trên nơi cao thẳm. Các thiên thần Chúa, hãy ca tụng Người đi; ca tụng Người đi, hỡi các đạo thiên binh.

Xướng: Quân vương địa cầu và tất cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền nơi cõi đất, các thanh nhiên và cả những cô trinh nữ, những ông cụ già với đoàn con trẻ.

Xướng: Họ hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm Người tràn lan trên trời dưới đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 17, 21-26

“Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: “Thầy các ông không nộp thuế “đền thờ’ sao?” Ông nói: “Có chớ”.

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?” Ông thưa rằng: “Ðòi người ngoài”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội bánh và rượu này, để Giáo Hội dùng làm của lễ dâng lên Chúa; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận, và dùng quyền năng biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy ca tụng Chúa, Đấng đã cho ngươi ăn no tinh hoa lúa mì.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích nhiệm mầu là Mình và Máu Ðức Kitô; xin cho bí tích này giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, và giúp chúng con luôn vững vàng sống theo chân lý của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LÀM GƯƠNG
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Mỗi lần loan báo về cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su thường nói đến Phục sinh. Cụ thể như đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su bảo bác môn đệ mình rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mt 17, 21). Chúa nói về cái chết của mình và cũng mạc khải cho các môn đệ hiều luôn Người sẽ sống lại, vậy mà các ông vẫn buồn rầu và sợ hãi. Các ông buồn phiền chỉ vì nhớ phần thứ nhất của lời loan báo Chúa Giê-su bị giết chứ không để ý đến phần thứ hai Người sẽ sống lại.

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su, chúng ta thấy đau khổ và vinh quang luôn gắn liền với nhau. Chính Chúa đã trải qua những khổ đau rồi mới có được vinh quang phục sinh. Chúa làm gương trước và dạy chúng ta rằng: Đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới phục sinh.

Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa nên có quyền không nộp thuế cho đền thờ, nhưng Chúa đã làm gương để khỏi làm cớ cho người ta gai mắt. Dù là Con Thiên Chúa đáng được địa vị và vinh quang như Chúa Cha, nhưng Chúa đã khước từ và hủy mình ra không. Và như vậy, Chúa đã để lại mẫu gương quên mình để hoàn toàn sống vì người khác.

Lạy Chúa, xin giúp con biết noi gương Chúa sống mỗi ngày. Amen.

 

VIỆC ĐÓNG THUẾ CHO ĐỀN THỜ (Mt 17, 21-26)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su báo cho các môn đệ biết: Ngài sẽ bị nộp, bị giết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Các ông nghe Chúa nói vậy thì buồn lắm, nhưng không dám nói gì, vì sợ Chúa quở như đã quở ông Phê-rô. Còn việc nộp thuế cho Đền thờ, Chúa Giê-su chính là Con Thiên Chúa, Người có quyền không nộp thuế cho Đền thờ. Nhưng việc Chúa Giê-su nộp thuế chứng tỏ người chu toàn lề luật, sống khiêm nhường như những người Do-thái bình thường. Chúa đã để lại cho chúng ta một mẫu gương khiêm tốn và chu toàn lề luật.

2. “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Thích nghi với đời sống xã hội là một trong những đòi hỏi cơ bản nhất của đời sống.

Khi nhập thể làm người, Thiên Chúa như phải làm một cuộc hội nhập văn hóa. Ngài không phải là con người trừu tượng, nhưng là người Do-thái với tất cả quá khứ của một dân tộc. Ngài nên giống con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Làm người Do-thái  dưới thời đế quốc Rô-ma bảo hộ, Ngài cũng đăng ký  trong một cuộc tổng kiểm tra dân số trên toàn lãnh thổ đế quốc. Là người Do-thái sống dưới sự cai trị của người Rô-ma, Ngài đóng thuế cho đế quốc. Nhưng dĩ nhiên, Ngài cũng tuân thủ  tất cả lề luật của Do-thái giáo: chịu cắt bì, được dâng trong Đền thờ, đến Hội đường, giữ ngày hưu lễ, nộp thuế tôn giáo.

3. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ.

Vào thời Chúa Giê-su, người Do-thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Đền thờ nữa. Theo đó, mọi đàn ông Do-thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Pa-lét-tin, đều phải nộp thuế cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giê-su có phải nộp thứ thuế này không.

4. Chúa Giê-su giải quyết thế nào về việc nộp thuế cho Đền thờ?

Theo bài Tin Mừng, khi Phê-rô về tới nhà, Chúa Giê-su hỏi đón ông: “Si-mon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài”. Chúa Giê-su liền bảo: “Thế thì con cái được miễn”.

Đây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: Thế thì con cái được miễn”, Chúa Giê-su muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, bởi vì câu: “Thế thì con cái được miễn”. Chúa Giê-su muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Đền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giê-su bảo Phê-rô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phê-rô. Chúa không bảo Giu-đa xuất quỹ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

5. Chúa Giê-su là gương mẫu của vâng phục. Suốt 30 năm ẩn dật tại Na-da-rét Ngài đả vâng phục cha mẹ, tuân theo các lề luật của Mai-sen. Tin mừng hôm nay ghi lại việc Ngài đóng thuế cho Đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà Chúa Giê-su đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Đã làm người, Chúa Giê-su đã không đi ra ngoài những quy luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã trọn kiếp con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phao-lô đã khẳng định rằng: “Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt trên muôn ngàn danh hiệu”.

6. Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không còn bổn phận đóng góp cho Đền thờ Giê-ru-sa-lem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người Do thái kết án là tại Ki-tô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho Đền thờ. Có những việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.

7Truyện: Phải tránh gương xấu

Một cha sở kia ở miền núi, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, ngài thường quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa gần nhà cầu nguyện cho những người ở đó. Ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia, ngài nghe thấy có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Ngài nhìn kỹ thì thấy bóng một người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm chăng? Một tên điên chăng? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một gốc cây, ngài thấy rõ có một người lạ mặt đến quì trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết: “Cha ơi, cha có tha cho con không? Cha nói đi! Cha nói đi”.

Cha nhìn kỹ và nhận ra đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến nỗi chết đi. Ngài rón rén đến gần, đặt tay lên vai người đó và nói:

– Ô con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao?

Người bổn đạo khiếp sợ quá, nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói:

– Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.        

– Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng xử tệ với con như vậy. Ngày mai, con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm nữa.

10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa.

Cha sở buồn rầu thốt lên một lời:

– Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên chuyện này (Trích “Phúc)”.

HƯỞNG VINH QUANG CHÚA
(THỨ HAI TUẦN 19 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 19 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta đã được phúc gọi Chúa là Cha, xin Chúa cho chúng ta ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban.

Ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, bởi vì, Chúa hằng luôn yêu thương, tha thứ cho chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Hôsê dạy ta rằng: một ngày nào đó, con người sẽ trở lại, không ngại ngùng, không hậu ý, để đón lấy ân sủng. Đó sẽ là khởi điểm cho một cuộc sống mới trong tình thương của Thiên Chúa. Ta sẽ chữa dân Ta khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi dân Ta nữa.

Ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, bởi vì, Đức Kitô đã tự nguyện mang lấy mọi đau khổ, cực hình thay cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Giám Mục Thêôđôrê nói: Đức Giêsu đã nhiều lần báo trước cho các môn đệ và đã khiển trách ông Phêrô vì ông không sẵn lòng chấp nhận lời loan báo ấy… Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được bình an. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Người đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, bởi vì, Chúa cho chúng ta được thông dự vào vinh quang của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Êdêkien nói: Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của Đức Chúa. Vừa thấy thế, tôi liền sấp mặt xuống. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 148, vịnh gia đã kêu gọi: Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa. Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa, vì thánh danh Người cao cả vô song, và oai phong vượt quá đất trời. Thế lực dân Người, Người đã nâng cao.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy. Đức Giêsu đi vào Cuộc Khổ Nạn là đi vào trong vinh quang. Điều này là một mầu nhiệm gây cớ vấp phạm cho nhiều người, kể cả, các môn đệ là những người ở bên cạnh Đức Giêsu. Đức Giêsu đã nhiều lần tiên báo trực tiếp và gián tiếp về Cuộc Khổ Nạn của Người, nhưng, các môn đệ không hiểu. Vinh quang là chính Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, cho nên, vinh quang Người cũng tràn ngập khắp mọi nơi; Trời đất đầy tràn vinh quang Thiên Chúa; Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống. Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng để kêu gọi chúng ta đến hưởng vinh quang của Chúa. Qua Mầu Nhiệm Thập Giá, Đức Giêsu Kitô chính là vinh quang của Chúa Cha, nghĩa là, với ý chí nhân loại của mình, Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Người yêu Chúa Cha hoàn toàn vì Chúa Cha, để rồi từ đây, qua Đức Giêsu, mỗi khi chúng ta dùng ý chí nhân loại của mình để quy phục thánh ý Chúa Cha, chúng ta cũng được thông dự vào cùng một hy tế của Đức Giêsu, cùng được hưởng gia nghiệp với Đức Giêsu. Thiên Chúa đáng được ngợi khen, chúc tụng, tôn thờ vì chính Người, chứ không vì một điều gì khác. Người yêu chúng ta bằng một tình yêu nhưng không, và qua Đức Kitô, chúng ta cũng đáp lại tình yêu của Người cách nhưng không. Chúng ta đã được phúc gọi Chúa là Cha, ước gì chúng ta ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu, đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Ước gì được như thế!


‘NGƯỜI NGOÀI’
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?”. Phêrô đáp, “Thưa, người ngoài!”.

“Một xã hội không có Chúa Kitô thì trống rỗng và rối ren! Ngày nay, mức độ Chúa Kitô bị thế giới từ chối xảy ra thường xuyên hơn, tần suất Ngài bị gạt ra ngoài gia tăng hơn bởi rất nhiều người trong số những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội và trong các nền văn hoá. Thông thường, Ngài bị xử tệ trên các phương tiện truyền thông. Nhưng sẽ tệ hơn ngay trong đời sống ‘như không có Chúa’ - coi Ngài như người ngoài - của những ai mệnh danh là con cái Ngài!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với nhận định trên, Tin Mừng hôm nay bất ngờ tiết lộ một thực tế xót xa đến nỗi trái tim Chúa Giêsu có lẽ phải đau nhói. Người ta xem Ngài chỉ như một ‘người ngoài!’.

Tin Mừng cho biết, sẽ không có một kẽ hở nào về việc đóng sưu nộp thuế ngay cả đối với Chúa Giêsu! Từ sự khắt khe này, Ngài thừa nhận, người ta coi Ngài chỉ như một ‘người ngoài’. Họ không coi Ngài là một công dân Do Thái, là Con Thiên Chúa; không coi đền thờ là nhà của Cha Ngài. Họ nghĩ, Ngài phải nộp thuế! Matthêu mời chúng ta lùi lại lời tựa Phúc Âm thứ tư; ở đó, Gioan viết, “Ngài đã đến nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài!”. Điều này chắc hẳn khiến Chúa Giêsu hụt hẫng và trái tim Ngài ắt phải quặn đau khi cảm nhận sự ruồng rẫy bởi những con người Ngài đến để cứu chuộc!

Phần chúng ta, việc chúng ta chào đón Chúa Kitô vào đời sống phải ‘hơn là một cảm xúc!’. Bởi lẽ, Ngài đến, không chỉ để “ở” giữa chúng ta, ‘xây tổ’ giữa chúng ta mà còn xây nên cuộc đời mỗi người ‘cho bây giờ và cho đời đời’. Ngài đang chia sẻ vui buồn nhân thế và ‘tân khổ’ của mỗi gia đình, mỗi tâm hồn. Đón nhận Chúa Kitô vào linh hồn và cuộc sống mình có nghĩa là nhận biết Ngài không phải như một ‘người ngoài’ vốn đến để áp đặt điều này điều kia; nhưng như một người thân, một người nhà - là Chúa, là Thầy, là Cha, là Bạn, là Chủ - và là Đấng Cứu Độ! Kết quả của việc đón nhận Chúa Kitô là mỗi người sẽ ngập tràn bình an, niềm vui và sự thánh thiện.

Êzêkiel - bài đọc một - đã cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa khi “Tay Đức Chúa đặt trên ông”. Như Êzêkiel, như bao tâm hồn thánh thiện - con trai con gái của Chúa - chúng ta xác tín được Thiên Chúa ở cùng; đồng thời, nóng lòng cho “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa” như Thánh Vịnh đáp ca ao ước.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thưa, người ngoài!”. Chúa Giêsu chấp nhận bị coi là ‘người ngoài’. Và để tránh cớ vấp phạm cho sự phi lý đó, Ngài đã làm một phép lạ vừa đủ để Phêrô có một đồng bạc từ miệng cá đem nộp thuế cho Thầy và trò! Bị coi là ‘người ngoài’, Ngài sẽ bị bứng khỏi mặt đất bởi những người nghĩ rằng, Thiên Chúa là Đấng chỉ dành cho những ‘người ở trong!’. Vậy bạn và tôi coi Chúa Kitô như ‘người ở trong’ hay như ‘người ngoài?’, vì “sẽ tệ hơn, ngay trong đời sống ‘như không có Chúa’ của những ai mệnh danh là con cái Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, người nhà của con, cho con luôn là người nhà của Chúa; và không chỉ là người nhà, con ‘còn là nhà’ của Chúa nữa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây