TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 08/08/2024 14:29 |   332
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa… Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,39-56)

15/08/2024
thứ năm tuần 19 thường niên

Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Mẹ lên trời

Lc 1,39-56


linh hồn tôi ngợi khen chúa
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa… Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,39-56)

Suy niệm: Nơi Đức Ma-ri-a kết hợp những thực tại xem ra rất khác biệt không thể dung hoà: nữ tỳ khiêm tốn trở thành “đối tác” với Thiên Chúa chí tôn; trinh nữ “không biết đến người nam” lại cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; và nơi cung lòng của Mẹ, bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính con người trong con người Giê-su. Những sự kết hợp tuyệt vời ấy được diễn tả cách tuyệt vời qua lời tụng ca Magnificat. Mẹ cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, với niềm vui và sự rung động sâu xa tận tâm hồn: vì Mẹ nhận ra tình thương Chúa đang cúi xuống trên những con người nghèo hèn bé nhỏ; vì Mẹ nhận ra  rằng: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc,” không phải vì mình có công trạng khả năng gì, nhưng vì “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.

Mời Bạn: Vâng, lời ca tụng Magnificat không chỉ diễn tả tâm tình của Mẹ “hớn hở vui mừng” lúc bình minh ơn cứu độ, mà còn cảm nghiệm lòng thương xót Chúa khi đứng dưới chân thập giá và tôn vinh cánh tay Ngài biểu dương sức mạnh trong ngày Chúa Ki-tô phục sinh. Điều đó cho bạn và tôi thấy được tính chất ngôn sứ của Đức Ma-ri-a và của những ai dám theo Chúa đi vào đời với một niềm tin yêu hy vọng.

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Ma-ri-a, chúng ta hãy thể hiện niềm tin trong cuộc sống qua việc sống khiêm nhu và phục vụ để nâng cao phẩm giá những ai bé nhỏ, đói nghèo, bị khinh chê, bỏ rơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có được tâm tình sống như Mẹ để cuộc sống hôm nay là con đường đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng.

Ngày 15: Lạy Chúa! Chúng con thường thấy mọi người, mọi việc nằm riêng rẽ, chứ không nhìn thấy sự hợp nhất trong cùng một toàn thể, là bởi vì, chúng con không nhìn mọi người, mọi việc theo ánh nhìn của Chúa, nhưng lại để mình chìm sâu trong những suy nghĩ miên man bất tận. Suy nghĩ khiến chúng con cắt xén thực tại thành từng mảnh rời rạc. Những hành vi cực kỳ ngu xuẩn, và thiếu hiểu biết, đều phát sinh từ cách nhìn thực tại cách sai lầm, méo mó. Xin cho chúng con đừng nhìn mọi người, mọi việc theo thói quen dán nhãn, đừng giản lược tất cả vào trong các khái niệm. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ năm tuần 19 thường niên


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa nhìn lại lời minh ước, và xin đừng nỡ lãng quên đời sống con người cơ khổ. Lạy Chúa, xin Chúa đứng lên xét xử, và xin đừng quên lãng những ai tìm kiếm Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 3, 7-10a. 11. 13-17

“Hòm giao ước của Thiên Chúa sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan”.

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay Ta sẽ bắt đầu tôn ngươi lên trước mặt toàn thể Israel, để chúng biết rằng: Ta đã ở với Môsê thế nào, thì cũng sẽ ở với ngươi như vậy. Phần ngươi, ngươi hãy truyền lệnh này cho các thầy tư tế mang hòm giao ước rằng: “Khi các thầy đã đến sông Giođan, các thầy hãy đứng giữa lòng sông”.

Rồi Giosuê nói với con cái Israel rằng: “Hãy tiến lại đây mà nghe lời Chúa là Thiên Chúa các ngươi”. Và Giosuê nói: “Cứ dấu này mà các ngươi nhận biết Thiên Chúa hằng sống ở giữa các ngươi. Ðó là hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan. Khi các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, vừa đặt chân trong nước sông Giođan, thì nước phía dưới tiếp tục chảy đi và khô cạn, còn nước phía trên thì dừng lại thành một khối”.

Vậy, khi dân nhổ trại để qua sông Giođan, thì các thầy tư tế mang hòm giao ước đi trước dân. Vừa khi những người mang hòm giao ước đến sông Giođan và chân họ đụng nước, (suốt mùa gặt, sông Giođan tràn lan dọc theo hai bên bờ) thì nước từ nguồn chảy xuống dừng lại một nơi, từ xa trông như dãy núi kéo dài, từ thành Ađam đến luỹ Sarthan; còn phần nước phía dưới chảy vào biển Araba tức là Biển Mặn, thì chảy cạn hết. Dân vượt qua nhắm thẳng thành Giêricô. Các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa đứng yên trên đất khô, giữa sông Giođan, và dân đi qua lòng sông khô cạn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 113A, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Alleluia.

Xướng: Hồi Israel ra khỏi Ai-cập, nhà Giacóp thoát xa dân mọi, Giuđa đã trở nên cung thánh, Israel biến thành vương quốc của Người. – Ðáp.

Xướng: Biển khơi xem thấy và chạy trốn, Giođan thì bước lại đàng sau. Núi non nhảy chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con. – Đáp

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 12, 1-12

“Ngươi sẽ di cư giữa ban ngày trước mặt chúng”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, ngươi đang ở giữa dòng giống phản loạn, chúng có mắt để thấy mà không thấy, có tai để nghe mà không nghe, vì đó là dòng giống phản loạn. Phần ngươi, hỡi con người, hãy sửa soạn hành trang và hãy dời đi, giữa ban ngày, trước mặt chúng. Ngươi sẽ đi từ nơi đang ở đến một nơi khác, trước mặt chúng, để hoạ may chúng xem thấy, vì chúng là dòng giống phản loạn. Ngươi sẽ phô trương hành lý của ngươi như hành lý của người di cư giữa ban ngày trước mặt chúng, rồi ban chiều, ngươi sẽ ra đi trước mặt chúng như người di cư. Trước mắt chúng, ngươi hãy khoét tường mà chui ra. Trước mắt chúng, ngươi sẽ mang hành trang trên vai và đi ra trong bóng tối, Ngươi sẽ che mặt ngươi để đừng thấy xứ sở, vì Ta đã làm cho ngươi thành biểu hiệu cho nhà Israel”.

Vậy tôi đã thi hành như Chúa đã truyền cho tôi, tôi phô trương hành trang của tôi như hành trang của kẻ di cư, giữa ban ngày, và ban chiều, tôi lấy tay khoét một cái lỗ trong tường, vai mang hành trang, và ra đi trước mặt chúng trong đêm tối.

Và ban sáng có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, nào nhà Israel, dòng giống phản loạn, đã chẳng hỏi ngươi rằng: ‘Ông làm gì vậy?’ Hãy bảo chúng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán rằng: Sấm ngôn này chỉ về thủ lãnh ở Giêrusalem và cả nhà Israel ở đó’. Hãy nói: ‘Tôi là biểu hiệu cho các ngươi. Tôi đã làm thế nào thì việc sẽ xảy ra như vậy’. Chúng sẽ phải di cư và đi làm tôi. Và ai là thủ lãnh các chúng, người đó sẽ mang hành trang trên vai ra đi trong bóng tối, và chúng sẽ khoét tường mà đem ông ra. Mặt ông bị che kín để mắt khỏi thấy xứ sở”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 77, 56-57. 58-59. 61-62

Ðáp: Các ngươi đừng quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng: Họ đã thử thách và phản nghịch Thiên Chúa Tối Cao, và họ không tuân giữ các huấn lệnh của Người. Họ lùi bước và bội tín cũng như tổ tiên họ, họ lầm lạc như cánh cung trật đường giây.

Xướng: Họ chọc giận Người vì những nơi “thờ tự” trên cao, họ khiêu khích lòng ghen Người vì bao thần tượng. Thiên Chúa nghe biết và bừng cơn thịnh nộ, Người đã từ bỏ Israel một cách đắng cay.

Xướng: Người trao nạp sức mạnh mình cho thiên hạ bắt bớ, và vinh quang mình trong tay kẻ nghịch thù. Người bỏ mặc dân tộc Người cho cảnh gươm đao, và Người đã xung giận phần gia nghiệp của Người.

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 21 – 19, 1

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội bánh và rượu này, để Giáo Hội dùng làm của lễ dâng lên Chúa; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận, và dùng quyền năng biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy ca tụng Chúa, Đấng đã cho ngươi ăn no tinh hoa lúa mì.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích nhiệm mầu là Mình và Máu Ðức Kitô; xin cho bí tích này giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, và giúp chúng con luôn vững vàng sống theo chân lý của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NOI THEO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Theo nhà sử học nổi tiếng Giuseppe Flavio, vào thời Chúa Giê-su, một yến vàng trị giá bằng 10 ngàn quan tiền và như thế 10 ngàn yến vàng đổi được 100 triệu quan tiền. Đến đây chúng ta hiểu rằng, số nợ mà người đầy tớ cần phải trả cho ông chủ trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay lớn hơn quá nhiều lần so với 100 quan tiền mà người bạn của người đầy tớ này nợ anh.

Cả hai “con nợ” đều thưa với các “chủ nợ” cùng một lời khẩn cầu tha thiết: “xin rộng lòng hoãn lại cho tôi” và họ sẽ cố gắng hoàn trả hết số nợ. Người đầy tớ đã được ông chủ động lòng thương, cho y về và xóa hết nợ. Tuy nhiên, chính anh lại không chạnh lòng mà tha cho người bạn của mình, thay vào đó, anh bắt người này vào tù cho đến khi trả hết.

Một đằng là đầy tớ xin chủ, còn đằng kia là người bạn xin người bạn. Ông chủ thì thương nhưng người đầy tớ lại không biết thương bạn mình. Anh đã được lãnh nhận ân huệ lớn lao, nhưng anh không cảm nhận và làm cho nó sinh hoa trái. Anh chỉ biết nhận, nhưng không biết cho đi. Vì điều này, mà chính anh đã phải chịu cơn thịnh nộ của ông chủ.

Qua câu chuyện dụ ngôn, Chúa Giê-su muốn nhắc nhở các tông đồ, những người hiện diện thời đó và cả chúng ta ngày hôm nay về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa cùng với lời cảnh tỉnh về sự vô cảm, nhẫn tâm của con người. Chúa đã và tiếp tục yêu thương con người biết dường nào, nhưng đôi khi con người lại lãnh đạm với anh chị em mình.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong buổi đọc kinh truyền tin ngày 17 tháng 9 năm 2017 đã chia sẻ rằng: “từ lúc lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thiên Chúa đã tha thứ và xóa cho chúng ta một món nợ khổng lồ: tội nguyên tổ. Nhưng đây chỉ là lần đầu tiên. Sau đó, với lòng thương xót vô hạn, Ngài tiếp tục tha thứ mọi lỗi lầm ngay khi chúng ta chỉ có một chút biểu hiện của sự ăn năn. Thiên Chúa là như thế, luôn rất nhân từ”. Từ đây vị chủ chăn của Giáo hội cũng khuyên “khi chúng ta đang bị cám dỗ để đóng trái tim và khép mình trước những người đã xúc phạm và đang xin lỗi chúng ta” thì hãy nhớ lời của Cha chúng ta ở trên trời: “ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, người không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,35).

Xin Chúa tha thứ những lầm lỗi của chúng con và xin giúp chúng con cũng biết tha thứ cho anh chị em. Amen.

 

HÃY THA THỨ CHO NHAU
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm nên Chúa Giê-su dạy thêm bài học về tha thứ: phải tha thứ luôn như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Những gì chúng ta tha thứ cho nhau, thì không là gì cả so với sự tha thứ của Thiên Chúa với chúng ta. Thật thế, “Thiên Chúa là Tình yêu”, bản chất của Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu của Người không bờ bến, nên Người cũng muôn chúng ta  trao cho nhau tình yêu vô điều kiện, không giới hạn.

2. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức  để đạt tới đích được. Do đó, chúng ta hãy luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui (Mỗi ngày một tin vui).

3. Người Do-thái cũng được dạy cho biết phải tha thứ cho nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha đến lần thứ mấy mới thôi. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ tối đa là bốn lần, người Việt nam chúng ta thì nói “sự bất quá tam” hay “quá tam ba bận” là cùng, bước sang lần thứ tư là coi như  đã vượt chỉ tiêu. Do đó, ông Phê-rô đã thắc mắc và hỏi Chúa Giê-su. Chúa cho biết phải tha thứ luôn, phải tha thứ mãi, không giới hạn số lần. Và để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn này có nghĩa là chúng ta mắc nợ với Chúa thì nhiều lắm: tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa vừa nhiều vừa rất nặng nề, dường như không thể tha thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong khi đó những lỗi phạm của anh em với ta, dù thế nào chăng nữa, cũng không đáng gì so với tội lỗi chúng ta đã phạm đến Chúa, thế mà chúng ta chấp nhất, ti tiện, không tha thứ. Nếu vậy, chúng ta đừng hòng mong  Chúa tha thứ cho chúng ta. Phải thực hiện lời Chúa dạy: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (kinh Lạy Cha).

4. Chân phước Maurice Tornay nói: “Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành, luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trước”.

Hôm nay Chúa Giê-su dạy ông Phê-rô phải tha thứ cho người khác bảy mươi lần bảy. Ở đây, Chúa Giê-su không có ý nói ông Phê-rô hãy đếm số lần tha thứ: một lần, hai lần… nhưng điều Chúa Giê-su muốn nói là ông phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không tính toán, tha thứ tất cả. Tại sao vậy? Bởi vì trong văn hóa Ít-ra-en con số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, thành toàn, nên kiểu nói 70 lần 7 ở đây hàm nghĩa sự viên mãn tròn đầy. Vì vậy, khi Chúa Giê-su nói tha thứ 70 lần 7 nghĩa là tha thứ mãi, tha thứ tất cả.

5. Để diễn ta tình yêu thương của Chúa hầu khích lệ chúng ta tha thứ cho nhau đã trình bầy về dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ không biết thương xót.

– Mỗi nén vàng thời xưa là sáu ngàn quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công, và mười ngàn nén bạc, trị giá khoảng một trăm ngàn lượng vàng.

– Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người  khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác.

– Điều cần lưu ý là trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em  biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm (Trẫn Hữu Thành).

6. Chúa Giê-su dạy chúng ta  phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. 

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc  chiến đấu làm nên bản sắc của người tín hữu Ki-tô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Ki-tô khi họ biết tha thứ mà thôi.

7. Truyện: Tha thứ cho kẻ thù

Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời gian thuận lợi.

Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Brunô sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện.

Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng tiếng La tinh câu này: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ: “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”. Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giê-su trên Thập giá, hàng chữ là: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để tha thứ và để làm hòa với nhau (Góp nhặt).

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lễ vọng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Ca nhập lễ

Lạy Đức Maria, mọi người tôn vinh Mẹ là đấng hôm nay được nhắc lên trên các Thiên Thần, và khải hoàn với Chúa Kitô đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương nhìn đến tôi tớ khiêm nhường của Chúa là Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, và ban ân huệ tuyệt vời là cho Người làm Mẹ của Con Một Chúa nhập thể, và hôm nay còn ân thưởng cho Người vinh phúc vô song. Phần chúng con đã được Chúa thương cứu chuộc, xin Chúa nhận lời Ðức Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp, cho chúng con cũng được hưởng vinh quang trên trời. Chúng con cầu xin…

Hát hoặc đọc Kinh Tin Kính

Bài đọc I: 1 Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2

“Mọi người cung nghinh hòm bia Thiên Chúa đến đặt giữa nhà xếp do Đavít dựng lên”.

Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Đavít triệu tập toàn thể dân Israel và Giêrusalem, để cung nghinh hòm bia Thiên Chúa đến nơi đã dọn sẵn. Có cả con cái Aaron và những người thuộc dòng tộc Lêvi.

Con cái Lêvi dùng đòn khiêng mà khiêng hòm bia Thiên Chúa trên vai, như Môsê đã truyền dạy theo lời Chúa phán. Đavít cũng truyền lệnh cho các trưởng tộc người Lêvi phải cắt đặt anh em mình phụ trách ca hát, với những nhạc khí, gồm đàn cầm, đàn sắt và não bạt, để trổi lên những tiếng đàn ca hân hoan. Vậy mọi người cung nghinh hòm bia Thiên Chúa đến đặt giữa nhà xếp do Đavít dựng lên: đoạn hiến dâng của lễ toàn thiêu và cầu an trước mặt Chúa. Khi vua Đavít hiến dâng của lễ toàn thiêu và cầu an xong, người nhân danh Chúa chúc lành cho dân chúng. Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 131, 6-7. 9-10. 13-14

Đáp: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ, Chúa và Hòm bia oai quyền của Chúa cùng đi 

Xướng: Đây là điều chúng tôi đã nghe nói tại E-phra-ta, chúng tôi đã gặp thấy nơi đồng ruộng Gia-ar. Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa, hãy sụp lạy trước bệ dưới chân Người. 

Xướng: Các tư tế của Ngài hãy mặc lấy lòng đạo đức, và các tín đồ của Ngài hãy mừng rỡ hân hoan. Xin vì Đavít là tôi tớ Chúa, Chúa đừng hắt hủi người được Chúa xức dầu. 

Xướng: Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: “Đây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích”. 

Bài đọc II: 1 Cr 15, 54-57

“Người đã ban cho chúng ta sự chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì lúc ấy ứng nghiệm lời đã ghi chép rằng: “Sự chết đã tiêu tan trong chiến thắng. Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu? Nọc độc của sự chết là tội, thế lực của tội là lề luật”. Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 11, 28

Alleluia, alleluia! – Phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc âm: Lc 11, 27-28

“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Đó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Mừng lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời và tin tưởng vào lời chuyển cầu của Mẹ, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Giáo Hội, cho thế giớivà cộng đoàn chúng ta.

1. Đức Maria là khởi đầu và là hình ảnh của Giáo Hội, nơi đó Thiên Chúa đã mạc khải mầu nhiệm cứu độ. Xin cho Giáo Hội biết noi theo mẫu gương của Mẹ, để giảng dậy và làm chứng rằng, quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời.

2. Đức Maria linh hồn và xác lên trời chỉ cho chúng ta biết đâu là cùng đích của mỗi người. Xin cho chúng ta nhận biết và noi theo sứ điệp Phục Sinh Mẹ đã thực hiện trong đời sống mình.   

3. Đức Maria linh hồn và xác lên trời là kiểu mẫu của mỗi người chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta quyết tâm thực hiện chương trình của Chúa trong cuộc sống, nhờ đó trở nên con của Người trong Chúa Giêsu.

4. Đức Maria vinh hiển cả hồn lẫn xác là hoa trái đầu tiên của ơn cứu chuộc. Xin Mẹ trợ giúp mỗi người trong cộng đoàn chúng ta khi gặp gian nan, vất vả, luôn biết can đảm chiến thắng tội lỗi và tính ích kỉ của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa đã muốn cứu độ hết mọi người, và nơi Đức Maria, Chúa đã chỉ cho chúng con biết quê hương đích thực của chúng con ở trên trời. Nhờ lời chuyển cầu của mẹ Chúa Kitô, và là mẹ của mỗi người chúng con, xin lắng nghe lời chúng con tha thiết cầu xin. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày mừng Thánh Mẫu Ma-ri-a lên trời, xin thương nhận của lễ chúng con dâng để tạ tội và ngợi khen Chúa. Vì lễ tế này, xin tha thứ tội lỗi chúng con và giúp chúng con hằng biết cảm tạ Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng như trong thánh lễ chính ngày.

Ca hiệp lễ

Phúc cho lòng Đức Trinh nữ Maria đã cưu mang Con Thiên Chúa Cha hằng hữu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa là Chúa chúng con, chúng con vừa tham dự bàn tiệc thiên quốc trong ngày lễ Ðức Ma-ri-a được rước lên trời. Cúi xin Chúa mở lòng nhân hậu cứu chúng con khỏi mọi nguy hiểm đời này và đời sau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Bài giảng Thánh lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Đức TGM Girelli tại La Vang
TGM Leopoldo Girelli

Trước tiên, tôi xin gửi lời chào đến tất cả mọi người hiện diện ở đây. Thật là một niềm vui lớn cho tôi khi được hiện diện trong biến cố hân hoan này, với tư cách là đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Việt Nam.

Tôi xin hiệp ý với anh chị em trong lời cầu nguyện tại nơi La Vang thân yêu này, khi chúng ta cùng nhau cử hành Lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Xin thân ái kính chào Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng giám mục Huế; Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng toàn thể quý giám mục, quý linh mục, quý tu sĩ và tất cả anh chị em.

Xin cám ơn sự hiện diện của tất cả anh chị em.

Tôi xin chuyển đến anh chị em những lời cầu chúc tốt đẹp nhất và phép lành từ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đức Thánh Cha rất thân thiết gần gũi với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt trong dịp cử hành nghi thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên của Đền Thánh Toàn Quốc La Vang.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là ngày lễ của niềm vui, và hôm nay, niềm vui của chúng ta lại càng lớn hơn nữa, vì hôm nay, chúng ta khởi công xây dựng Đền Thánh Toàn Quốc này, để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ trên trời của tất cả chúng ta.

Trong bài đáp ca chúng ta vừa nghe, đó là bài thánh ca Magnificat, bài ca tuyệt diệu của niềm vui, xuất phát từ tâm hồn Mẹ Maria để ca tụng Thiên Chúa, nghĩa là loan báo những kỳ công của Ngài. Mẹ hằng mong mỏi cho Thiên Chúa được tôn vinh, được trở nên cao cả trên trần gian này và trong cuộc đời của Mẹ nữa, cũng như sự hiện diện của Mẹ giữa chúng ta. Mẹ biết rằng nếu Thiên Chúa cao cả, thì chúng ta cũng sẽ được trở nên giống như Người, vì cuộc sống của chúng ta không bị áp bức đè nặng, nhưng được thăng hoa và triển nở.

Thế giới hiện tại, với lối sống thực dụng hoặc ý thức hệ vô thần, luôn muốn Thiên Chúa của chúng ta biến mất đi, sợ rằng Ngài không ban được cho chúng ta sự tự do. Thế nhưng, một khi Thiên Chúa đã biến mất đi, thì con người lại chẳng trở nên tốt đẹp hơn tí nào, và rút cuộc, con người đơn thuần chỉ là một sản phẩm của cuộc tiến hóa, để con người chỉ có thể đem ra dùng, bị lợi dụng, và bị lạm dụng mà thôi. Chỉ có khi nào Thiên Chúa được tôn vinh cao cả thì nhân loại mới có thể trở nên tốt lành.

Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa được trở nên cao cả, được tôn vinh ngay tại Việt Nam của chúng ta, qua việc xây dựng Đền Thánh Toàn Quốc này, dâng kính Đức Mẹ La Vang. Đền Thánh này sẽ là Nhà của Thiên Chúa, bởi vì khi tôn vinh Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng tôn vinh Ngài chính là nơi mà Thiên Chúa ngự.

Mẹ Maria đã dọn chỗ cho Thiên Chúa trong tâm hồn mình, và như thế, Mẹ thực sự trở nên đền thờ đích thực, là nơi chính Thiên Chúa nhập thể và hiện diện nơi trần gian này. Mẹ Maria đã trở thành ngôi nhà của Thiên Chúa, bởi vì Mẹ đã tin thật vào Chúa. Cũng như Mẹ, Giáo Hội Công Giáo cũng tin vào sự thật của Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Kitô.

Nơi Đức Kitô, chúng ta tìm ra sự thật về Thiên Chúa và loài người. Nơi Ngài, mọi người sẽ tìm thấy sự tự do trọn vẹn, tìm thấy ánh sáng để hiểu ra chân lý sâu xa và biến đổi nó bằng sức mạnh của tình yêu.

Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói rằng trong chân lý của Chúa Kitô, chúng ta khám phá ra nền tảng của những giá trị luân lý chứa đựng những chỉ dẫn rõ ràng về sự sống, sự chết, về bổn phận, về quyền lợi, về hôn nhân gia đình và xã hội; tóm một lời, nó bao hàm những giá trị bất khả xâm phạm của con người.

Kitô giáo, khi làm sáng tỏ những giá trị ấy, không muốn áp đặt ai cả, nhưng muốn đưa ra lời mời gọi về Chúa Kitô để hiểu biết sự thật, mà sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu tin tưởng trao phó cho Giáo Hội nối tiếp sứ mạng của Người.

Để làm tròn bổn phận này, Giáo Hội phải quan tâm đến sự tự do tôn giáo căn bản, gồm khả năng rao giảng và cử hành đức tin cách công khai, mang sứ điệp tình thương cho người khác, mang lại sự giao hòa và bình an mà Chúa Giêsu đã đem đến cho trần gian.

Tại Việt Nam, Giáo Hội từng bước đã có thể thi hành sứ vụ căn bản này cho việc diễn tả đức tin một cách cởi mở và công khai.

Hôm nay, tại La Vang này, chúng ta cùng biết ơn Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện dễ dàng để tái thiết Thánh Địa này, nơi được coi như Trái Tim của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, ước gì những sự hiểu biết lẫn nhau được tiếp tục mãi, và tôi mong ước khuyến khích Chính quyền củng cố và tăng cường những gì đã được thực hiện qua đối thoại.

Quyền tự do của con người về tôn giáo, riêng tư, cũng như trong chiều kích công cộng, diễn tả một sự duy nhất tính của nhân bản của con người, con người đó, cùng một lúc, là một công dân và một tín hữu.

Như lời của Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ trở thành những người tín hữu tốt và công dân tốt, và chúng ta sẽ trở thành những công dân tốt nếu như chúng ta là những Kitô hữu tốt.

Trong thực tế hôm nay, người tín hữu có bổn phận phải tham gia vào việc xây dựng xã hội và củng cố những giá trị mang tính xã hội. Nuôi dưỡng niềm hy vọng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và tạo những điều kiện thuận lợi để kiến tạo hòa bình và sự phát triển hài hòa bằng các nguyên lý Phúc Âm.

Khi Giáo Hội Công giáo đề cao những quyền lợi này, Giáo Hội không hề muốn đòi hỏi những đặc ân nào riêng cho mình, mà Giáo Hội chỉ muốn trung thành với Thiên Chúa, với Đức Kitô và với Tin Mừng Phúc Âm.

Ở đâu có Chúa Kitô hiện diện, chúng ta trở nên nhân đạo hơn, và tính nhân loại của chúng ta trở nên hiện thực hơn. Đó là lý do tại sao mà Giáo Hội luôn tìm những chứng từ sống động bằng rao giảng và dạy dỗ. Hy vọng lớn lao biết mấy khi sắp tới đây, trên Đất Nước mến yêu này, Giáo Hội có thể mang lại cho những lĩnh vực của sự hiểu biết với các trường trung học, đại học và các phúc lợi của sứ vụ mình.

Anh chị em thân mến, “tin” có nghĩa là đi theo con đường chỉ dẫn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, với một ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với thế giới và lịch sử chúng ta đang sống, từ đó, chúng ta tham gia một cách hữu hiệu vào việc xây dựng một thế giới chan hòa công lý, nhân ái và hòa bình.

Năm Đức Tin bắt đầu từ tháng 10 tới đây, là cơ hội đặc biệt để nhắc lại lời cam kết đức tin của chúng ta.

Vào dịp mừng Đại Lễ Đức Mẹ Lên Trời hôm nay, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria: Mẹ dẫn chúng ta tới niềm hy vọng, dẫn tới tương lai tràn ngập niềm vui; Mẹ dạy chúng ta cách thế để thực hiện điều ấy bằng cách đón nhận Con của Ngài, là Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của chúng ta với lòng tin, bằng cách để lời của Ngài hướng dẫn chúng ta và bằng cách lần bước đi theo Ngài mỗi ngày.

Giờ đây, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta món quà, là chính Mẹ Ngài và cũng là Mẹ chúng ta, và chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta biết đi theo con đường Chúa Giêsu mỗi ngày.

Kính xin Mẹ Maria, Mẹ các Giáo Hữu, Nữ Vương Thiên Đàng, gìn giữ nước Việt Nam và đồng hành với chúng ta, cho đến khi hoàn thành Đền Thánh Quốc Gia La Vang này. Xin cám ơn.

Ban Truyền Thông TGP Huế ghi lại (tonggiaophanhue.net, 16-08-2012).

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

 

Ca nhập lễ

Một điềm lạ vĩ đại đã xuất hiện trên trời; một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn lẫn xác Ðức Ma-ri-a là trinh nữ vô nhiễm và là thánh mẫu của Con Chúa. Xin cho chúng con hằng biết hướng lòng về phúc lộc quê trời để mai sau được cùng thánh mẫu chung hưởng vinh quang. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

“Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng

Xướng: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy. 

Xướng: Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ. 

Xướng: Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người. 

Xướng: Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26

“Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-56

Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chiêm ngắm công trình cứu chuộc được Thiên Chúa hoàn thành trong cuộc đời Đức Mẹ Maria, chúng ta vững tin rằng, nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, chúng ta sẽ đạt tới nơi mà Đức Mẹ đã tới. Vì thế, chúng ta hãy tha thiết cầu xin cùng Thiên Chúa.

1. Xin cho Giáo Hội trở nên như Đức Maria, mau mắn vâng phục thánh ý Chúa, nhờ đó trở nên thánh cung để đón nhận, sinh hạ và trao ban Chúa Kitô cho nhân loại, qua việc loan báo Lời Chúa và cử hành các bí tích mỗi ngày.

2. Xin nâng đỡ các phụ nữ đang gặp đau khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, hoặc trở thành nạn nhân trong chính đời sống của mình, để họ biết noi theo tấm gương can trường và nhẫn nại của Đức Maria.

3. Xin cho các bạn trẻ, nhận ra giá trị của lời cầu nguyện và sự phục vụ những người kém may mắn trong xã hội theo gương bác ái và nhiệt thành của Đức Mẹ ngày xưa.

4. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, nhờ chiêm ngắm Đức Maria cùng với Chúa Giêsu, biết noi theo mẫu gương của Mẹ trong việc mau mắn lắng nghe và thực thi ý Chúa.

Chủ tế: Lạy cha nhân hậu, xin đón nhận lời cầu nguyện mà chúng con vừa dâng lên Cha với tất cả lòng tin mến, xin giúp chúng con mai ngày cũng được chung hưởng hạnh phúc cùng với Đức Maria. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng kính để mừng Ðức Ma-ri-a hồn xác về trời. Vì lời Người cầu thay nguyện giúp xin cho lòng chúng con bừng cháy lửa mến yêu và luôn luôn hướng về Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Hôm nay, Ðức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế. Chúa không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Chúa yêu quý, là Ðấng ban sự sống cho mọi loài. Vì thế, hiệp với các Thiên thần và các thánh, chúng con vui mừng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại Người quyền năng.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a lên trời, Chúa đã cho chúng con được hưởng nhờ bí tích cứu độ. Vì lời Ðức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con được sống lại vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

MỘT ĐIỀM LẠ VĨ ĐẠI

LỄ ĐỨC MẸ LINH HỒN VÀ XÁC LÊN TRỜI
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

“Một điềm lạ vĩ đại đã xuất hiện trên trời!”. Hôm nay, thế giới Công giáo chiêm ngưỡng và ca tụng một điều kỳ diệu. Ngay từ thuở sơ khai, các tín hữu Kitô đã nhận ra, người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải huyền là Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Đức Giêsu thành Nagiarét. Kể từ sau Công đồng Êphêsô (431), ngày lễ Đức Mẹ an nghỉ (Dormition de Marie) đã được cử hành tại nhiều nơi, nhất là trong các Giáo Hội Đông phương. Tuy vậy, phải đợi gần 20 thế kỷ sau, tín điều Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời mới được Giáo Hội công bố chính thức. Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác”. Trong lời tuyên tín long trọng trên đây, Đức Giáo Hoàng đã nhắc tới cả 4 đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, tức là ơn vô nhiễm nguyên tội; ơn trọn đời đồng trinh, ơn làm Mẹ Thiên Chúa và ơn được về trời cả hồn và xác.

Đức Maria là một điềm lạ không phải chỉ ở thời điểm Mẹ được đưa về trời, nhưng suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã trở nên một điềm lạ cho cả lịch sử. Điềm lạ là điều người ta rất ít thấy, hoặc là điều không thể có trong thế giới tự nhiên. Quả vậy, mọi người sinh ra đều mắc tội tổ tông truyền, riêng có Trinh nữ Maria thành Nagiarét được Chúa gìn giữ cách đặc biệt ngay từ khi được thụ thai trong lòng thánh Anna. Vì vậy, Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền, là hậu quả do Ađam và Evà đã phạm ở đầu lịch sử. Cũng vậy, theo lẽ thông thường, chẳng có phụ nữ nào đã sinh con mà lại còn trinh khiết. Đức Mẹ được ơn trinh khiết trọn đời, trước, trong và sau khi sinh Đức Giêsu. Có một thời, người ta bận tâm tranh luận về Đức đồng trinh của Đức Mẹ, nhưng nếu đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì như Sứ thần Gabrien nói với Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin: đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không làm được. Và sau cùng, là danh hiệu Mẹ Thiên Chúa. Đức Mẹ chỉ là một tạo vật, mà lại tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa. Bởi lẽ Đức Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, nên Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ Thiên Chúa.

Đức Maria vẫn đang là điềm lạ cho chúng ta. Mẫu gương của người Công giáo không phải là một con người trần thế, dù đó là một vĩ nhân hay một lãnh tụ. Lý tưởng của chúng ta là Đức Giêsu, Con Người Hoàn Hảo. Đức Maria cũng là mẫu gương cho chúng ta trong đời sống Đức tin. Bà Elisabeth đã ca ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Chính Đức tin và niềm tín thác của Đức Mẹ đã làm cho Đức Mẹ được tôn vinh. Dù đã về trời, Đức Mẹ vẫn hiện diện giữa Giáo Hội để dẫn dắt và nâng đỡ chúng ta trong hành trình Đức tin. Có Đức Mẹ dẫn đường, chúng ta sẽ không sợ lạc lối. Đức Mẹ được ví như Sao Biển, giúp người vượt biển lựa chọn hướng đi và cập bến bình an. Giáo Hội hân hoan mừng lễ hôm nay, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai. Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ).

Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại bài ca Tạ ơn (Magnificat) của Đức Trinh nữ Maria. Trinh nữ có ý lên đường để kể cho người chị họ những điều kỳ diệu Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân Ngài, thì bà Elisabeth đã biết hết những gì đã xảy ra, và bà nói: “Bởi đâu tôi được thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời vì cảm nhận được bàn tay Chúa thương yêu dìu dắt, Trinh nữ đã hát lên bài ca cảm tạ. Nội dung bài ca diễn tả lịch sử của dân tộc, với những đau thương và hạnh phúc đan xen, nhưng trên tất cả, đó là quyền năng yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không bỏ rơi dân riêng Ngài chọn, nhưng luôn nâng đỡ chở che và chăm sóc giữ gìn.

Nếu Đức Trinh nữ Maria là một điềm lạ cho thế giới, thì mỗi chúng ta, những người được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy, cũng phải trở nên một điềm lạ cho cuộc sống hôm nay. Quả vậy, khi chúng ta chuyên tâm thực hiện giáo huấn của Chúa, chúng ta sẽ làm cho hình ảnh và sự thánh thiện của Người lan tỏa trong môi trường sống của chúng ta, và nơi chúng ta, những người khác sẽ nhận ra chúng ta là con cái của Cha trên trời (x. Mt 5,16).

Nếu thánh Gioan Tông đồ đã nhìn thấy “Đền thờ Thiên Chúa trên trời mở ra”, thì Thánh Phaolô lại nói với chúng ta: “Đức Kitô đã trỗi dạy từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (Bài đọc II). Vâng, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, trời đã mở ra, con người có thể lên trời. Giấc mơ ngàn đời của nhân loại đã thành hiện thực. Đức Maria là tạo vật đầu tiên được qua cánh cửa Đền thờ Thiên Chúa trên trời. Chúa Giêsu đã hứa cho tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được vào Đền thờ Thiên Chúa. “Lòng các con đừng xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… ” (Ga 14,1-2).

Giữa biết bao khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy đến với Đức Trinh nữ Maria, xin Mẹ che chở và gìn giữ chúng ta.


HƯỚNG VỀ PHÚC LỘC QUÊ TRỜI
(LỄ MẸ LÊN TRỜI 15/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Mẹ Lên Trời hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã đưa lên trời cả hồn xác Đức Maria là Trinh Nữ Vô Nhiễm và là Thánh Mẫu của Con Chúa. Xin Chúa cho chúng ta hằng biết hướng về phúc lộc quê trời, để mai sau được cùng Thánh Mẫu chung hưởng vinh quang. “Kết thúc cuộc đời dương thế, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.” Với những lời đó, năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã xác định tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Đặc ân này xuất phát từ ơn được làm Đức Mẹ Chúa Trời và là hy vọng chắc chắn cho toàn thể nhân loại, là lời hứa cho toàn thể nhân loại sẽ được phục sinh.

Hướng về phúc lộc quê trời, với niềm hy vọng chắc chắn sẽ được hưởng vinh quang quê trời cùng với Mẹ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu… Ôi đẹp đẽ huy hoàng xiết bao khi Đức Trinh Nữ Maria rời bỏ thế gian này để lên cùng Đức Kitô. Để đón chào Trinh Nữ, các thiên thần ca hát, các tổng lãnh thiên thần chung tiếng ngợi khen. Người xuất hiện giữa triều thần thánh như vầng hồng rực rỡ giữa ngàn sao.

Hướng về phúc lộc quê trời, với niềm hy vọng được vinh thắng như Mẹ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Giáo Hoàng Piô XII nói: Lễ này không chỉ để kính nhớ việc thân xác Đức Trinh Nữ Maria sau khi chết không bị hư nát chút nào, mà còn kính nhớ việc Mẹ chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên trời cũng giống như Đức Giêsu Kitô, Con Một của Mẹ… Ngày rực rỡ vinh quang, ngày Mẹ Thiên Chúa lên ngự thiên đàng, nào chúng ta đồng thanh ca tụng: Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ, và Đấng Mẹ đã cưu mang cũng thật là có phúc. Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ thật là diễm phúc, và thật xứng muôn lời ca ngợi, vì Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô, Chúa chúng con, Người là mặt trời soi đường ngay nẻo chính.

Hướng về phúc lộc quê trời, với một tinh thần chiến đấu quyết liệt, để cùng chiến thắng như Đức Giêsu, Con Mẹ và Mẹ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 44, vịnh gia đã cho thấy: Nữ hoàng bên hữu Thánh Vương điểm trang lộng lẫy toàn vàng Ôphia. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: “Người là Chúa của bà.” Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Maria được rước lên trời, muôn vàn thiên sứ hoan hỷ mừng vui. Trong bài Tin Mừng, Đức Maria đã nói: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Mẹ đã chiến thắng tội lỗi và tử thần. Chiến thắng này là phần thưởng rất cao quý giữa những đặc ân Mẹ đã nhận được. Nhờ đó, Mẹ được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát chút nào trong phần mộ, và được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời. Nơi đó, Mẹ là nữ hoàng sáng ngời rực rỡ bên hữu Con của mình là Đức Vua bất tử muôn đời. Ước gì chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa để chiến đấu với ma quỷ, thế gian, và xác thịt cách kiên cường như Mẹ, để rồi, ta cũng sẽ được thưởng cùng Mẹ trên Nước Thiên Đàng. Ước gì được như thế!

 

Bài giảng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
 

Mẹ lên trời 2

Lc 1, 39-56
Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
        
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
        
“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
        
Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.
        
Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
        
Ðó là lời Chúa.

Bài giảng lễ Đức Mẹ Lên Trời
(Kh 11, 19a; 12, 6a.10b; 1Co 15, 20 – 27; Lc 1, 39 – 56)
Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Giọng đọc: Thanh Tâm      
 

 

Anh chị em thân mến,
        
Ngày hôm nay, toàn thể Giáo Hội trên thế giới mừng lễ Mẹ Lên Trời, một niềm vui lớn lao đổ tràn trên chúng ta. Niềm vui được tạo nên trong cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Isave, và niềm vui mà cả hai người cảm nhận được trong lòng. Niềm vui của tông đồ Phaolô và cộng đoàn Corintô, vì tin rằng Chúa Phục Sinh sẽ làm cho những người đã yên nghỉ được sống lại trong ngày sau hết. Và niềm vui nơi thánh sử Gioan trong thị kiến về ngày thế mạt, thấy những thế lực của sự dữ sẽ bị khuất phục.
        
Niềm vui gợi lên nơi những chứng nhân đức tin này không phải là một niềm vui thoáng qua, nhưng còn sâu xa hơn tất cả những lời nói động viên mà chúng ta từng biết đến. Niềm vui này đặt nền tảng trên thực tại mới mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta. Đó là hoa trái của niềm hi vọng vững chắc mà chúng ta nhìn về cuộc sống. Sự sợ hãi về một cái chết không thể tránh khỏi luôn ám ảnh chúng ta. Cuộc tìm kiếm hạnh phúc của chúng  trở nên chua chát vì những đau khổ bao vây chúng ta: bất công, bạo lực, đói kém, thiên tai, nuôi dưỡng sự sợ hãi đó. Chúng ta bám chặt vào thứ hạnh phúc nghèo nàn mà chúng ta gặp, chúng ta chấp nhận cuộc sống tầm thường và giòn mỏng, hoặc là chạy trốn nó. Đó có phải là sự thực về đời sống của chúng ta hay không? Hay là có một thực tại nào khác chỉ cho chúng ta thấy được chúng ta thực sự là ai và chúng ta sẽ đi về đâu?
        
Mẹ Maria và bà Isave là những chứng nhân của thực tại mới này. Các ngài cho chúng ta thấy rằng, đối với Chúa không có điều gì là không thể làm được. Bà Isave, người phụ nữ già và son sẻ, chờ đợi đứa con trai do quyền năng của Thiên Chúa: Gioan Tẩy Giả. Người sẽ mở mắt và tai của dân Chúa để họ nhận ra Đấng Cứu Thế, được mong đợi lâu ngày. Mẹ Maria là một cô thiếu nữ với cuộc sống dài trước mặt, nhưng Thiên Chúa lại nhìn mọi sự một cách khác. Ngài ước mong rằng Mẹ nhìn thấy cuộc đời của mọi người trước mặt mình, cuộc sống mới của thụ tạo mới. Mẹ cưu mang Con Người Mới trong mình. Người con của Mẹ sẽ làm cho nên trọn những lời mà các tiên tri đã báo trước: những người quyền thế sẽ bị lật đổ khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ; Người làm cho người đói khát được no thỏa và người giàu có đuổi về tay không. Lòng thương xót Chúa sẽ nâng đỡ Mẹ. Trong bài kinh Magnificat Mẹ đã hát lên bằng cả tấm lòng của mình. Những lời nói nơi miệng của các tiên tri xưa kia, nay đã trở thành hiện thực, niềm hi vọng đã trở thành thực tiễn.
        
Chứng từ thực tại mới này, mà như lời thánh Phaolô nói, chúng ta sống từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Chúng ta đón nhận Thánh Thần và Đức Kitô đến sống với chúng ta. Chúng ta dã trút bỏ tấm áo choàng của sự yếu đuối, tội lỗi và sự chết, để mặc lấy tấm áo Phục Sinh của Đức Kitô. Xa khỏi mọi nỗi sợ hãi của sự chết là thứ không còn chút quyền lực nào trên chúng ta. Như trong lời kinh nguyện Thánh Thể có nói, chúng ta bước từ cõi chết đến cuộc sống mới, nơi Đc Kitô đã chuẩn bị chỗ cho chúng ta, và nơi mà Mẹ Maria và các Thánh đã bước vào.
        
Thị kiến về trời mới đất mới mà tất cả những điều cũ sẽ qua đi: không còn đói khát, đau khổ, hận thù, chiến tranh, bất công và nước mắt. Thị kiến này đã được bắt đầu nơi Đức Kitô.
        
Anh chị em thân mến,
        
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều người chạy đến với Mẹ để trình bày với Mẹ về những âu lo trong cuộc sống. Chính vì mỗi lần như thế là một cuộc gặp gỡ trong niềm vui như vào thời của bà Isave. Ai chạy đến với Mẹ, sẽ gặp được nơi Mẹ Người Con yêu dấu của Mẹ và cuộc sống mới mà Người Con này ban tặng.
        
Ai lắng nghe Mẹ sẽ nghe lời Mẹ nói; “Hãy làm những điều Người dạy bảo”, như trong tiệc cưới Canna, và tìm được sự can đảm để vững tin vào Chúa. Ai nhìn Mẹ Maria, sẽ thấy được tương lai riêng của mình, vì cũng như Mẹ, chúng ta không bị giao nộp cho sự chết, nhưng được hứa ban sự sống đời đời. Ngày lễ của Mẹ cũng là ngày lễ của chúng ta. Chúng ta hãy mừng lễ trong niềm vui chân thành.
        
Hãy siêng năng chạy đến với Mẹ, vì Mẹ Maria là Mẹ của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
        
Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

NÂNG CON LÊN CAO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Mở đường là Đức Kitô, rồi đến những kẻ thuộc về Người!”.

Khi thi hài Lincoln được đưa từ Washington về Illinois, nó đi qua đại lộ Albany. Bên kia vỉa hè, một phụ nữ da đen nâng đứa con trai của cô lên cao nhất có thể qua đầu đám đông; cô hét lên, “Con yêu, mẹ nâng con lên cao. Nhìn kìa, ông ấy đã chết vì con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, mừng kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Mẹ Hội Thánh nâng bạn và tôi lên cao nhất có thể để nói với mỗi người chúng ta rằng, “Con yêu, nhìn kìa! Giêsu, không chỉ đã chết vì con nhưng còn ‘nâng con lên cao’ như đã nâng cao Đức Maria, Mẹ Ngài, cũng là mẹ của con!”.

Thánh Phaolô xác tín, “Mở đường là Đức Kitô, rồi đến những kẻ thuộc về Người!”. Maria thuộc về Chúa Kitô; và tuy là Thánh Mẫu, Mẹ còn là ‘Ái Nữ’ của Con. Maria đã dâng xác thân, linh hồn và trái tim cho Thiên Chúa; vì thế, sau cuộc lữ hành trần gian, Mẹ được Ngài ôm trọn xác hồn đưa lên trời vui hưởng thánh nhan. Hơn nữa, là một trong những môn đệ đầu tiên dự phần chiến thắng phục sinh của Chúa Con, Mẹ được vinh thăng với Con là điều phải lẽ. Như vậy, Mẹ Lên Trời là dấu chỉ phần thưởng cho mọi kẻ thuộc về Chúa Kitô; để rồi ai ai cũng nói được rằng, “Chúa sẽ ‘nâng con lên cao’ như đã nâng Maria lên tận cung lòng Ngài!”.

Đức Bênêđictô 16 nói, “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là biến cố vui mừng và hy vọng cho toàn nhân loại; biến cố này muốn nói rằng, đích đến của cuộc lữ hành trần gian là cùng Mẹ, chúng ta chiến thắng tuyệt đối trên tội lỗi và sự chết để bước vào hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Mẹ hát mừng Chúa; qua đó, Mẹ không chỉ dâng vinh quang lớn nhất cho Ngài mà còn cho biết Mẹ là ai, là người mà “hết mọi đời” sẽ khen là “diễm phúc”; người mà trên đó, “Đấng Toàn năng đã làm những điều cao cả”; là người sẽ công bố đời đời “vĩ nghiệp của Chúa” và linh hồn Mẹ sẽ mãi vui mừng trong Ngài, Đấng cứu độ Mẹ. Sách Khải Huyền tiên báo vinh hiển của Mẹ, “Một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao!” - bài đọc một. Với Thánh Vịnh đáp ca, Đavít cũng thấy trước Mẹ là “Nữ hoàng bên hữu Thánh Vương, điểm trang lộng lẫy toàn vàng Ôphia!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Mở đường là Đức Kitô, rồi đến những kẻ thuộc về Người!”. Lời đầu tiên của Mẹ - người thuộc về Chúa Kitô - là “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa!”. Có lẽ chúng ta đã quá quen với lời này, nên không còn để ý đến ý nghĩa của chúng. “Ngợi khen”, nghĩa đen là “phóng to”, “làm cho lớn”. Maria đã “làm cho Thiên Chúa lớn”; không thành vấn đề Ngài lớn bao nhiêu, nhưng Mẹ cảm thấy Thiên Chúa thật lớn và Ngài phải lớn hơn, vĩ đại hơn! Còn chúng ta, chúng ta thường làm cho Thiên Chúa nhỏ lại; bởi lẽ, chúng ta thường để mình ‘choáng ngợp’ bởi những khó khăn và bị ‘hấp dẫn’ bởi bao nỗi sợ! “Chúa Vĩ Đại” là tiền đề của Mẹ mà từ đó, Magnificat phát sinh, không phải do không có vấn đề, nhưng nó phát sinh từ sự hiện diện của Chúa, Đấng ở cùng Mẹ, trong Mẹ; cũng là Đấng cùng chúng ta, trong chúng ta. Và Đấng ấy, rồi đây cũng nâng mỗi người chúng ta lên cao!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, giúp con đừng la đà lệt đệt khi cuộc sống con cứ chiều theo những gì thuộc cõi thấp. Dạy con biết hướng thượng mỗi ngày, hướng tận đến Quê Trời!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây