TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIX Thường niên -B

Thứ năm - 08/08/2024 10:49 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   219
“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. (Ga 6, 41-52)

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIX Thường niên -Năm B

CN19TNb 2

Ga 6, 41-52
“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
        
Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống’”.
        
Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hóa của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.
        
“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
        
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

NGUỒN TRỢ LỰC ĐỜI TA
(Chúa Nhật XIX TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Một hiện thực của cuộc đời tại thế là không ai được ở mãi trên các tầng mây cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau phút giây vinh quang, thành công, sốt sắng là một chuỗi ngày vất vả, truân chuyên lẫn nhàm chán của đời thường, và chưa kể đến biết bao trở ngại phải đương đầu và cả những thất bại phải chuốc lấy cách này cách khác. Thời kỳ sốt mến sau ngày chịu chức linh mục, giai đoạn thánh thiện sau ngày tuyên khấn trong Hội dòng, tháng ngày mặn nồng sau lễ hôn ước, khoảng thời gian sau khi nhận một nhiệm sở, một chức vụ… sao mà chẳng thể được lâu. Thế rồi ta phải hạ cánh với các cảnh ngộ cuộc đời dù chẳng mong và thường không như ý.
        
Cảnh ngộ của Ngôn sứ Êlia qua bài đọc thứ nhất của Chúa nhật XIX Thường niên -Năm B là một minh chứng. Trước mặt vua Akhap, một mình thách đấu với 450 ngôn sứ thần Baal trên núi Carmel, ngài Êlia thật can trường và đáng khâm phục. Êlia đã chiến thắng, khi cầu khẩn Thiên Chúa và được Người nhậm lời cho lửa từ trời xuống thiêu hủy lễ vật. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất chúng ta phải tôn thờ, ngoài Người ra, tất thảy đều là “sản phẩm do tay loài người làm nên”. Êlia hãnh diện về niềm tin của mình. Ngài phấn khởi về chiến công của mình.
        
Thế nhưng Êlia đã phải lập tức rời bỏ vinh quang của chiến thắng lẫy lừng ấy để chạy trốn khỏi sự truy diệt của hoàng hậu Giêgiaben. Chỉ mỗi một tiểu đồng cùng chung cảnh ngộ với ngài. Nhưng khi vào sa mạc, thì ngôn sứ Êlia chỉ còn một thân một mình. Một mình một thân trong cảnh tình của kẻ chiến bại giữa hoang mạc khô cằn. Êlia buồn bã, thất vọng, Ngài xin Chúa cất mạng sống mình đi: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! bây giờ, xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Thành công thì chốc lát, nhưng khó khăn, cảnh gập ghềnh thì ít thoảng qua. Cuộc đời làm con Chúa, cuộc đời người tông đồ không ít lần rơi vào cảnh “đêm tối của đức tin”. Tha nhân vẫn có đó mà ta như bước đi một mình. Như Êlia, đã đôi lần ta muốn thiếp ngủ đi.
        
Chúa lại đến đánh thức ta. “Chỗi dậy mau, vì đường vẫn còn xa!” (x.1V 19,7) Thiên Chúa không để một ai chịu thử thách quá sức mình. “Ơn Ta đủ cho con” (x.2 Cor 12,9). Nguồn trợ lực không phải ở dưới trần này mà là từ trên cao. Khi trao cho vị ngôn sứ bánh và nước, sứ thần muốn khẳng định với Êlia và với chúng ta rằng Chúa chính là nguồn sống đích thực đời ta, là năng lực giúp ta tiến bước trên cõi lữ thứ này.
        
Nguồn sống từ trời cao không còn là thứ bánh vật chất thưở nào cho dân đi trong hoang mạc 40 năm về đất hứa hay cho Êlia đủ sức tiếp bước trong 40 ngày để đến núi Horeb gặp Chúa. Nguồn sống ấy nay đã được tỏ bày cách minh nhiên là chính Đấng từ trời xuống, Giêsu Kitô. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 50-51). Chúa Kitô không ngại ngần tỏ bày một sự thật cho dù nó đi ngược với quan niệm thời bấy giờ. Người Do Thái vẫn hằng quan niệm ăn thịt ai, là xem người đó như kẻ thù (x.Tv 27,2; Dcr 11,9), và uống máu là một trọng tội đáng bị tru diệt (x.St 9,4; Lv 3,17; Dnl 12,23). Chắc chắn Chúa Giêsu biết rõ điều này, thế mà Người vẫn minh nhiên công bố thì ta đủ thấy tầm quan trọng của chân lý được tuyên rao.
        
Khi tuyên bố mình chính là bánh hằng sống, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là nguồn sống của chúng ta. Ai muốn được sống, sống đời đời thì phải đón nhận Người, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6). Người là lẽ sống, là nguồn sống của đời chúng ta. Người là nguồn trợ lực giúp chúng ta vững trước trước gian nan, khốn khó. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
        
Thực tế đã có đó nhiều người vững vàng trong cảnh lao tù, khốn khó, nhờ sức mạnh của Thánh Thể Chúa. Đã có đó nhiều vị tông đồ lấy lại được sức mạnh mà kiên trì với sứ mệnh nhờ những phút giây hiện diện trước Thánh Thể. Cành nho chỉ có thể sinh trái, đơm hoa nhờ kết liền với thân nho. Không có Người thì chúng ta chẳng thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,1-8). Kitô hữu chúng ta ít nhiều đều xác tín và cảm nghiệm chân lý này ngay trong cuộc đời của mình.
        
Sau khi Chúa Kitô truyền hãy cầm lấy bánh mà ăn, hãy cầm lấy chén mà uống, thì Người đã truyền rằng hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (x.1Cor 11,23-25). Đón nhận Chúa Kitô là bánh hằng sống, là lương thực trường sinh, là nguồn trợ lực trong những cơn gian nan, khốn khó, cô đơn, thất vọng, để có thể tiếp tục hành trình dương thế, thì chính chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh trao ban sự sống, nguồn trợ lực cho tha nhân. Thiết tưởng cũng thật cần thiết kiểm điểm xem sự hiện diện của chúng ta có đem lại sự bình an, sức sống, nguồn trợ lực cho những người mà chúng ta gặp gỡ hay đang chung sống với chúng ta như thế nào?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây