TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA CHAY

Thứ hai - 12/02/2024 13:24 |   300
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20-26)

23/02/2024
THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA CHAY
Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo

t6 t1 MC

Mt 5,20-26


CÔNG CHÍNH HƠN
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20-26)

Suy niệm: Steve Jobs, một thiên tài với khả năng sáng tạo dường như vô tận, có một câu nói được nhiều người nhớ là: “Tôi nghĩ rằng nếu bạn làm được một điều gì đó rất tốt, bạn nên đứng dậy và làm những thứ khác tuyệt vời hơn, thay vì ngồi một chỗ tự mãn và tận hưởng chiến thắng. Hãy nghĩ xem cái gì nên được làm tiếp theo.” Chỉ có cái chết mà ông gọi là “phát minh duy nhất, tuyệt vời nhất” mới ngăn cản ông không làm được điều tiếp theo. Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải “công chính hơn” những người Pha-ri-sêu và các kinh sư vì họ cho rằng việc giữ luật Mô-sê của họ là quá tuyệt vời rồi, không thể tốt hơn nữa. Trong khi đó Chúa dạy phải nên “hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, các Ki-tô hữu phải nỗ lực để nên công chính hơn, bằng cách luôn hướng đến Chúa Cha, Đấng hoàn thiện, là gương mẫu và cùng đích của mình.

Mời Bạn: Sự tự mãn là liều thuốc độc làm tê liệt mọi khả năng thăng tiến, cách riêng trong đời sống thiêng liêng. Đối nghịch với sự tự mãn này là việc nhìn nhận mình là người tội lỗi trước mặt Chúa để sám hối. Lời mời gọi sám hối không phải để gợi lên một thứ mặc cảm tự ti, tội lỗi, mà là để từ bỏ nó và quay đầu lại với Thiên Chúa là Đấng nhân từ yêu thương đang kêu gọi bạn trở về với Ngài. Người Ki-tô hữu hôm nay phải công chính hơn hôm qua và ngày mai phải hơn hôm nay, cho đến khi nên hoàn thiện như Cha trên trời”.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian xét mình, xin ơn thống hối và quyết tâm sửa chữa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

Thứ Sáu MC I: Lạy Chúa! Để của lễ lại trước bàn thờ, đi về làm hòa với người anh em đang bất hòa với mình. Mệnh lệnh này thật quá khó khăn: họ không thích tương quan với chúng con, nhưng chúng con lại phải chủ động, đi bước trước làm hòa với họ. Thật ra, mệnh lệnh này không có gì vô lý cả, chúng con là các chi thể trên cùng một thân thể, nên sự bất bình của người anh em, không chỉ liên quan tới người đó, mà còn liên quan đến chúng con; sự bình an của người đó, cũng chính là sự bình an của chúng con. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng một trực giác bén nhạy, dám chủ động đi bước trước. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin cứu tôi khỏi mọi gian truân, xin hãy nhìn đến nỗi khốn khó và cực nhọc của tôi, và tha thứ mọi tội lỗi tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nguyện xin cho các tín hữu Chúa biết nhiệt thành chuẩn bị lễ Vượt Qua; ước gì khi chúng con tình nguyện sống khắc khổ lại càng được ơn thánh dồi dào. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 18, 21-28

“Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?”

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Nếu kẻ gian ác ăn năn sám hối mọi tội nó đã phạm, tuân giữ mọi giới răn của Ta, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ sống chớ không phải chết. Ta sẽ không nhớ lại mọi tội ác nó đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc công chính mà nó đã thực hành! Chúa là Thiên Chúa phán: “Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?

Còn nếu kẻ công chính bỏ đàng công chính, và phạm tội ác cách ghê tởm như người gian ác quen phạm, có phải nó được sống ư? Chẳng ai còn nhớ đến mọi việc công chính nó đã thực hiện, vì sự bất trung nó đã làm và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.

Các ngươi nói rằng: “Ðường lối của Chúa không chính trực”. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8

Ðáp: Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư?

Xướng: Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. .

Xướng: Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.

Xướng:Tôi hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn tôi trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn tôi mong đợi Chúa tôi, hơn người lính gác mong trời rạng đông. –

Xướng: Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa tôi: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.

PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26

“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa rất nhân từ, xin vui lòng chấp nhận hiến lễ chúng con dâng, hiến lễ do tình thương Chúa thiết lập, để chúng con được giao hoà với Chúa và hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Chúa phán:”Ta là Đấng hằng sống, Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng Ta muốn nó trở lại và được sống”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã bồi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh; xin đổi mới chúng con tận đáy lòng: là giúp chúng con thanh tẩy mọi vết nhơ con người cũ để được thông phần ơn cứu độ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TÔN GIÁO NỘI TÂM
Lm. Antôn Trần Văn Phú

Một nền tôn giáo nội tâm là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi nhưng kẻ tin. Đối với ngôn sứ Giêrêmia, đây là điều kiện của Giao ước mới: “Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33). Nội tâm hóa là động lực của mọi sinh hoạt tôn giáo và mọi nghi thức phụng tự. Một nền tôn giáo đúng nghĩa không có chỗ cho những thực hành nghi lễ có tính cách giả tạo bên ngoài. Dưới cái nhìn của các ngôn sứ thì việc cử hành những nghi lễ giả tạo bên ngoài là phản bội Thiên Chúa. Chính Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Hôsê rằng: “Ta muốn tình thương chứ không màng hy lễ” (Hs 6,6). Đồng thời, các ngôn sứ muốn giải thoát dân ra khỏi ảnh hưởng của những người Canaan, những dân thờ thần Baan với nhiều nghi thức có tính dị đoan, ảo thuật, dâm đãng. Thế nên, những nghi lễ mà các ngôn sứ ao ước và rao giảng phải được mặc lấy chiều sâu chứ không là những nghi lễ mang hình thức giả tạo bên ngoài. Các nghi lễ phụng tự phải xuất phát từ chiều sâu của con tim. Đây cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi những người môn đệ Nước Trời: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Những người môn đệ Nước Trời không thể là những người sống hình thức theo kiểu đạo đức giả. Những người môn đệ Chúa không thể giữa đạo bề ngoài, nhưng được mời gọi sống một đời sống nội tâm hóa. Một đời sống xuất phát từ một trái tim biết yêu thương. Có như thế, thì lễ vật tiến dâng hằng ngày của chúng ta mới đẹp lòng Chúa.

 

——-

TÌNH YÊU HÓA GIẢI HẬN THÙ
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Người Công Giáo chúng ta thật hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha và được Người nhận là con trong ân sủng. Hơn nữa, chúng ta được Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc chúng ta bằng chính cái chết trên Thánh Giá. Mặt khác, Ngài tiếp tục thi ân giáng phúc cho chúng ta qua Giáo Hội nơi các Bí tích.

Tuy nhiên, nếu niềm vui, hãnh diện, tự hào vì được đảm bảo bao nhiêu, thì chúng ta phải cẩn trọng bấy nhiêu, vì chính Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn Luật sĩ và Pharisiêu thì anh em không được vào Nước Trời”.

Đức Giêsu đã cắt nghĩa vấn đề này bằng một loạt bài giảng về luận lý từ chương 6 đến chương 8 trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu: đừng giận ghét, đừng gian dâm, đừng nóng giận, đừng thề thốt… Về vấn đề giận dữ, thánh Gioan còn nói rõ: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Hơn nữa, Ngài còn nói rõ điều kiện để được Chúa nhận lời là phải tha thứ: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Trong cuộc sống hôm nay, biết bao mối thù hận, giận ghét ngay trong gia đình như: mẹ chồng nàng dâu; cha mẹ với con cái; anh chị em trong gia đình với nhau… Hay hàng xóm; nghề nghiệp, bạn bè… Biết bao nhiêu giận hờn chồng chất!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy lấy tình yêu hóa giải hận thù, vì chỉ có tình yêu mới cải tạo được con người; còn bạo lực, oán thù chỉ đem lại chết chóc mà thôi. Nếu có ai đó mà chúng ta không thể thương được thì đừng làm hại họ, nhưng hãy làm ơn cho họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho chúng con biết yêu thương anh chị em mình bằng tình thương của Chúa. Yêu đến nỗi đi bước trước và chết cho người mình yêu. Amen.

NHIỆT THÀNH CHUẨN BỊ LỄ VƯỢT QUA
(THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA CHAY)

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 1 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết nhiệt thành chuẩn bị lễ Vượt Qua, ước gì khi chúng ta tình nguyện sống khắc khổ, thì càng được ơn thánh dồi dào.

Đức Giêsu đã phải đổ máu mình ra để cứu chuộc chúng ta. Theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Chúa trong vinh quang: Xưa con cái Ítraen đã lấy máu chiên bôi lên khung cửa nhà mình, và máu chiên đã là một dấu hiệu, nay, chúng ta được cứu chuộc nhờ máu Con Chiên vô tỳ tích là Đức Kitô, và máu Người cũng là một dấu hiệu. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Khi Thiên Chúa thực hiện dấu lạ cuối cùng: các con đầu lòng của người Aicập phải chết, thì mọi sức chống đối đã bị đập tan, và Người đã hoàn tất chương trình như lời đã hứa. Nhờ Thiên Chúa, dân Ítraen thoát khỏi ách nô lệ, trở thành kẻ chiến thắng, tước đoạt của cải của những kẻ áp bức mình, và thế là, một dân mới khai sinh.

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, chân phước Enrêđi, viện phụ đã cho thấy: Muốn sống tình bác ái huynh đệ, phải theo đúng gương lành của Đức Kitô: Yêu thương kẻ thù là đỉnh trọn lành của tình bác ái huynh đệ. Lạy Cha, xin tha cho họ. Ai nghe lời nói lạ lùng này, một lời đầy dịu hiền, yêu thương, bình thản... lại không đem tất cả lòng yêu thương mà ôm ngay lấy kẻ thù?

Nhiệt thành chuẩn bị Lễ Vượt Qua, là tình nguyện sống khắc khổ, sám hối quay trở về với Chúa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Êdêkien đã cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa: Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết, Ta lại không muốn cho nó từ bỏ con đường tội lỗi của nó mà được sống sao?

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 129, vịnh gia đã cho thấy lòng nhân từ của Chúa: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay cho thấy: một quả tim mới,thần khí mới là một quả tim và một thần khí có thể dung nạp, và yêu  được cả kẻ thù của mình như Đức Giêsu: Đức Chúa phán: Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Để của lễ lại trước bàn thờ, đi về làm hòa với người anh em đang bất hòa với mình, mệnh lệnh này thật quá khó khăn, không thể nào hiểu nổi, nguyên nhân bất hòa không đến từ chúng ta, nhưng đến từ đối phương, chúng ta không làm chi cả, tự dưng, tự động, tự nhiên, họ không ưa, không thích, không tương quan với chúng ta, nhưng, chúng ta lại phải chủ động, đi bước trước làm hòa với họ. Thật ra, mệnh lệnh này không có gì vô lý, vì tự bản chất chúng ta là một hữu thể có tương quan tính, nên sự bất bình của người anh em, không chỉ liên quan tới người đó, mà còn liên quan đến chúng ta; sự bình an, hạnh phúc của người đó, cũng chính là sự bình an, hạnh phúc của chúng ta. Ước gì chúng ta sống tâm tình sám hối Mùa Chay với trực giác bén nhạy, dám can đảm, chủ động đi bước trước như lời Chúa dạy. Ước gì được như thế!

CHỦ QUAN ĐẠO ĐỨC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu các con không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, với những ‘chủ quan đạo đức’, chúng ta sẽ ‘tự hào về sự khiêm tốn’ của mình. Khi điều này xảy ra, tốt trở nên xấu; nhân đức trở thành tệ nạn; công chính trở nên bất chính! Như một giảng viên giáo lý, người đã kể những mẫu chuyện về sự giả hình; sau đó, cô nói với trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không như những biệt phái!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với nhận xét của Powell, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế”, Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘chủ quan đạo đức’, điều đã xảy ra nơi những kẻ cho mình là ‘công chính’. Chúa Giêsu nói về họ rằng, “Nếu các con không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các kinh sư và người Pharisêu? Không nhiều! Thật đáng nghi! Bởi lẽ, công chính của họ chỉ là thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh. Và điều gì ở bên trong những linh hồn như thế? Rất nhiều tự mãn, lừa dối bản thân với những ‘chủ quan đạo đức’ khi họ hợm hĩnh cho mình ‘thánh hơn người!’. Đọc Phúc Âm, chúng ta dễ dàng nhăn mũi trước những biệt phái ‘khó thương’ đó; nhưng trong thực tế, bạn và tôi cũng rất dễ trở nên mù loà với bản thân như họ!

Thật trùng hợp, người cùng thời Êzêkiel cũng vấp phải những ‘chủ quan đạo đức’ tương tự. Họ nghĩ, họ chính trực, Chúa thì không! Vì thế, Ngài phán, “Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi không ngay thẳng?” - bài đọc một.

Như vậy, xem ra lằn ranh giữa ‘chính trực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện và vờ thánh thiện’ khá mong manh! Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn xét mình với một nhận thức sâu sắc về sự giới hạn và khốn cùng của mình. Tôi đang theo đuổi một ‘thánh thiện thực’, hay đang ruổi theo một ‘thánh thiện ảo’ khi chỉ tìm kiếm cái tôi và tô vẽ nó? Nói cách khác, tôi thích ‘vờ làm thánh’ hay thích ‘nên thánh thực’ mà không giả vờ? Đừng quên, “Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc!”. Vì thế, thái độ đúng đắn của chúng ta là xin Ngài xót thương. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa khiêm tốn nhìn nhận phận mình; mùa tháo cởi và ném xa những ‘chủ quan đạo đức’. Cốt lõi của sự thánh thiện thực nơi một con người là chính trực ‘bên trong lẫn bên ngoài’. Hãy chiêm ngắm ‘Giêsu Toàn Thánh’, Đấng hiền lành và khiêm nhượng, cũng là Đấng từng nói, “Nào ai bắt tôi được lỗi gì!”. Vì rằng, như dầu với nước, kiêu ngạo xa lạ với thánh thiện; chúng không bao giờ hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa! Ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa không thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu căng! Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu hãnh! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa ‘sẽ không còn’ là Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘tự hào’ về một điều gì ngoài tội lỗi của con. Cứu con khỏi những huyễn danh; giúp con liệng xa những ‘chủ quan đạo đức’. Xin thương xót con!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây