TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Lễ Mùng Hai Tết

Thứ năm - 08/02/2024 04:29 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   472
“Hãy thảo kính cha mẹ”. (Mc 7,1-2. 5-13a)

Suy niệm Tin Mừng Lễ Mùng Hai Tết

Mùng 2 tết 2

Mc 7,1-2. 5-13a
“Hãy thảo kính cha mẹ”.


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”

Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”.

Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, người đó phải chết”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)”, rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau”.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Mùng Hai Tết
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm



LỄ MÙNG HAI TẾT

(Kính nhớ Tổ Tiên Ông bà) - Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Có thể nói một trong những nét phân biệt giữa loài người với các loài vật đó là lòng thảo hiếu. Đây là đặc điểm trổi vượt của loài người so với các loài hữu hình được Chúa dựng nên. Trong khi các loài vật càng lớn lên thì chúng như càng quên và càng không biết đến cội nguồn sinh thành, nuôi dưỡng chúng, thì trái lại, con người càng thêm tuổi thì càng gắn bó thiết thân với dòng tộc, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành đã khắc ghi vào bản thể nhân loại lẽ đạo hiếu. Và có thể nói rằng bất cứ dân tộc nào, ngôn ngữ nào, dù ở thời đại và hoàn cảnh nào thì cũng chân nhận sự bất hiếu là điều vô đạo và ai bất hiếu là kẻ không xứng đáng làm người. Để làm nổi rõ lẽ sống hay quy luật tồn tại và phát triển này, chính Thiên Chúa đã lề luật hóa đạo thảo hiếu như một đòi hỏi mang tính tất yếu. Ai thảo hiếu các đấng bậc sinh thành thì được chúc phúc và người vô thảo, bất hiếu thì sẽ bị trừng phạt. Thậm chí Chúa Giêsu khẳng định rằng các lễ vật dâng cho Thiên Chúa theo luật Corban của người Do Thái cũng không thể thay thế cho đạo hiếu thảo.

Truyền thống Công giáo trong dân tộc Việt muốn đặc biệt đề cao chữ hiếu khi cho đoàn con cái cử hành Phụng vụ trong thánh Lễ Mồng Hai Tết với mục đích “kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ”. Chữ hiếu xem ra cũng có dăm ba đường thể hiện. Đã hiếu thảo với các đấng bậc sinh thành dưỡng dục thì phải biết mến yêu và vâng nghe lời chỉ dạy của các ngài. Lòng thảo hiếu còn được thể hiện qua việc con cháu biết phụng dưỡng các bậc mẹ cha ông bà khi các ngài còn sống và luôn tưởng nhớ, cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã qua đời. Tuy nhiên, một con đường sống đạo thảo hiếu xin được đặc biệt đề cập đó là làm rạng rỡ gia phong bằng chính cuộc sống tốt lành, thánh thiện, hữu ích của đoàn cháu con.

Con hơn cha, nhà có phúc. Cháu hơn bà, gia phong rực rỡ. Để hiểu điều này thì không gì hơn hãy nhìn vào tâm tư ước vọng của những người làm mẹ cha, ông bà. Mẹ cha quần quật một nắng hai sương cũng là vì tương lai con cái. Thậm chí các ngài còn cảm nhận rằng để lại cho con một đống vàng không bằng một sàng chữ. Như thế ít nhiều các ngài vẫn ý thức chuyện con cháu thành công trong cuộc sống không bằng việc chúng thành nhân.

 

Quả thật khi một người không chỉ thành đạt với vật chất của tiền, địa vị hay danh vọng mà còn là người sống thánh thiện, hữu ích cho tha nhân, cho xã hội thì chính cha mẹ, ông bà là những người được vinh danh. Ngược lại, khi cháu con sống bê tha, trở thành mối họa cho xã hội thì cũng chính cha mẹ, ông bà của họ là những người bị thế gian nguyền rủa. Những năm vừa qua, đất nước chúng ta đã thêm phần rạng rỡ trước thế giới khi một vài con dân gốc Việt thành danh đó đây, dù hiện nay họ đang sinh sống ở nước ngoài hay tại quốc nội.
 

Một Philipp Rosler từ một trẻ mồ côi lại đã từng là phó thủ tướng nước Đức hùng mạnh hay một nhà toán học Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields danh giá đã làm rạng rở danh con dân nước Việt. Khi cô H’Hen Niê đoạt danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 thì không chỉ anh em sắc tộc Êđê mà cả người Kinh ở huyện Cư M’ Nga tỉnh Đăk Lăk đều hỉ hoan và hãnh diện. Anh thủ môn đội tuyển bóng đá Việt Nam gốc nửa Việt nửa Nga là Đặng Văn Lâm làm dấu Thánh Giá và cầu nguyện trong các trận đấu bóng khiến nhiều Kitô hữu Công giáo phấn khởi hân hoan, dẫu anh ta là một tín hữu Chính Thống giáo. Dĩ nhiên ông bố là Đặng Văn Sơn, một nghệ sĩ múa nay trở thành nhân vật của công chúng.
 

Mới đây Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh làm việc tại trường Đại học University College London - UCL (Vương quốc Anh) đã được trao giải thưởng danh giá Thomas Graham 2023 của liên hiệp SCI/RSC gồm Hiệp hội công nghiệp hóa chất và Hiệp hội hóa học Hoàng gia Anh. Năm 2022 bà được xướng tên trong bảng xếp hạng “những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới”. Vào tháng 2/2023, GS Nguyễn Thục Quyên được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ (NAE). Bà là một trong 124 thành viên (bao gồm 106 nhà khoa học người Mỹ và 18 nhà khoa học quốc tế) được NAE bầu là tân viện sĩ. Tháng 6/2023, GS Nguyễn Thục Quyên trở thành người gốc Việt đầu tiên nhận huân chương Wilhelm Exner năm 2023 của Hiệp hội Thương mại Áo nhờ đóng góp có tác động trực tiếp đến kinh tế qua phát triển pin mặt trời hữu cơ.
 

Để lớn lên, sinh trái đơm hoa cống hiến cho đời, cho xã hội, cho quê hương và cho Giáo hội, thì không gì hơn cây phải bám đất mẹ và hướng lên trời cao xanh. Người biết bám đất mẹ là người luôn gắn bó với cội nguồn tiên tổ, với quê hương đất nước. Cây mất gốc thì sớm muộn cũng héo khô và số phận là lò lửa. Người biết hướng lên trời cao là người không chỉ khao khát vươn lên mà còn biết đặt trọn niềm tin vào Đấng của mọi cội nguồn phụ tử, mẫu tử.

Trong ngày đầu năm mới, với tâm tình hướng đến cội nguồn tổ tiên ông bà cha mẹ, mong sao đạo thảo hiếu của chúng ta không dừng lại với vài buổi lễ giỗ vì rất có thể có cảnh tình này: khi sống thì không phụng dưỡng các bậc sinh thành, đến khi các ngài qua đời thì cháu con làm mâm giỗ cúng luôn cho cả bọ ruồi. Việc tảo mộ tiên tổ dịp đầu năm là việc phải đạo nhưng phải viếng mộ thắp nhang thế nào để cháu con biết cội biết nguồn để rồi sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau và giúp nhau phát triển hầu làm rạng rỡ gia phong dòng tộc và nhất là biết sống sao cho phải đạo với các đấng bậc sinh thành hiện đang còn sống.

Một ca từ khá phổ biến: Quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người. Cũng vậy, kẻ vong ân bội nghĩa, người bất hiếu vô đạo thì chỉ mới đáng là “con”, tức là loài vật, chứ chưa phải là “người”. Ngày xuân dân tộc đang về, xin dành giây phút tĩnh lặng để nhớ về tiên tổ, nhớ đến các đấng bậc sinh thành còn sống hay đã qua đời để sống tình tri ân cảm tạ. Mong sao lời cảm tạ tri ân ấy được cụ thể hóa bằng những hành động và cuộc sống cụ thể của chúng ta, đoàn cháu con luôn tích cực làm rạng rỡ gia phong, dòng tộc tổ tiên ông bà cha mẹ bằng chính cuộc sống nhiệt tâm trong sáng, chính trực, hữu ích cho đời, hữu ích cho Giáo Hội.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây