TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – B

Chủ nhật - 14/04/2024 14:05 |   531
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,1-8)

28/04/2024
chúa nhật V PHỤC SINH – b

CN5PSb

Ga 15,1-8


“Ở LẠI TRONG CHÚA”
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,1-8)

Suy niệm: Nếu Đức Giê-su sống ở Việt Nam, hẳn Ngài sẽ nói: “Thầy là cây ổi, Thầy là cây xoài… anh em là cành.” Cũng như cây ổi, cây xoài, cây nho có cành lá, có hoa trái. Muốn có lá xanh trái ngọt, thì cành phải gắn liền với cây, tiếp nhận nhựa sống của cây. Người môn đệ Chúa Ki-tô cũng vậy, muốn cây đời của mình sinh hoa trái thơm ngon, phải ở lại trong Ngài, hiệp thông với sự sống thần linh của Ngài. Thế nào là “ở lại trong Ngài”? – Là sống mối tương quan thân thiết với Ngài: cầu nguyện, đối thoại với Ngài, đọc Lời Chúa, “tiêu hóa” Lời ấy qua việc suy niệm, hiện thực Lời hằng sống trong cuộc sống mỗi ngày; hiệp thông với Ngài qua các bí tích, cách riêng trong Thánh Thể, cố gắng trở nên giống Đấng mình lãnh nhận, đồng hình đồng dạng với Ngài.

Mời Bạn: Nếu đến trang trại nho trong thời gian cắt tỉa, bạn sẽ ngạc nhiên vì số cành lá bị cắt tỉa nằm dưới đất nhiều hơn cành lá trên cây. Chủ trang trại sẽ giải thích phải làm vậy mới có mùa nho sai trái. Đời bạn cũng vậy thôi, phải để Chúa “cắt tỉa” mình qua hy sinh, khổ chế, thập giá… đó là những nhát kéo cắt tỉa đau đớn, nhưng nhờ vậy, đời Ki-tô hữu bạn mới sản sinh hoa trái ngon ngọt của tình mến Chúa yêu người.

Sống Lời Chúa: Tôi suy nghĩ xem phải làm gì để có thể “ở lại trong Ngài” trong hoàn cảnh cụ thể của bậc sống mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cây nho Chúa Cha đem trồng trong vườn nho Nước Trời. Tất cả chúng con là cành nho gắn liền với cây nho. Xin cho con luôn nỗ lực “ở lại trong” Chúa qua việc gắn bó với Chúa trong mọi sinh hoạt đời thường của mình. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và ngành nho, để nói lên sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và người Kitô hữu. Chúa ví Người như cây nho, Chúa Cha là người trồng nho, còn ta là ngành nho. Cây nho gồm nhiều ngành được hợp nhất với nhau, tạo thành một giàn nho. Cành nào không gắn liền với thân nho sẽ bị chết khô vì không hút được nhựa sống. Cũng vậy người Kitô hữu phải tháp nhập vào thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô bằng ơn thánh, hầu sinh hoa trái thiêng liêng. Để đáp lại tình yêu của Người, chúng ta hãy giao hòa với Thiên Chúa và với nhau, để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu; Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt muôn dân – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

“Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.

Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”.

Xướng: Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa.

Xướng: Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Ðiều đó Chúa đã làm”.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 18-24

“Ðây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.

Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.

Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 4 và 5b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Muốn sống hiệp thông, chúng ta phải tăng triển đời sống thân mật với Chúa, và thi hành sứ mệnh Ngài trao cho trong tinh thần khiêm tốn, cậy trông. Muốn được như vậy chúng ta tha thiết cầu xin:

1 .”Hội Thánh được bình an… sống trong sự kính sợ Chúa” Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa được tràn đầy nhựa sống ân sủng của Đức Kitô, để hăng say thi hành chức vụ, và gìn giữ ơn bình an cũng như lòng kính sợ Chúa cho dân Người.

2. “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ” Xin cho các tín hữu ý thức được hồng ân sống trong nhiệm thể Chúa Kitô, và trách nhiệm phải sinh hoa trái, là do tuân giữ giới răn Chúa truyền dạy và sống kết hiệp với Người.

3. “Nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn” Xin cho những ai dấn thân làm việc tông đồ, nhận ra tình yêu và ân sủng Chúa qua những gian nan thử thách, đau khổ và cả sự chết, vì đó là những phương thế đem lại kết quả cho việc tông đồ.

4. “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết hân hoan vui mừng được có Thánh Lễ hằng ngày, để được tiếp rước Chúa Thánh Thể và hiệp nhất nên một với Người.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi ngày chứng con liên kết mật thiết với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, xin cho chúng con ý thức được bổn phận phải sống trong tình yêu của Chúa và tình thương nhau, để làm sung mãn đời sống thiêng liêng cho bản thân và mọi người, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa sẽ thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán:”Thầy là cây nho thật, các con là nhành, ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Cây nho

Đối với người Do Thái thì cây nho là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi, giống như hình ảnh cành tre khóm trúc đối với người Việt Nam. Thế nhưng Chúa Giêsu muốn nói gì qua hình ảnh cây nho?

Tôi xin thưa: Qua hình ảnh cây nho, Ngài cho chúng ta biết rằng Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài đến không phải chỉ để trông nom chăm sóc vườn nho, mà hơn thế nữa, còn để trở thành chính cây nho, hầu có thể trực tiếp thông ban sự sống của mình cho chúng ta; như thân cây nuôi ngành cây bằng nhựa sống của nó. Từ hình ảnh trên, chúng ta thấy được hai ý nghĩa nổi bật.

Ý nghĩa thứ nhất: Thiên Chúa là người trồng nho, còn chúng ta là những cây nho. Thế nhưng kể từ nay giữa chúng ta và Thiên Chúa, còn có một trung gian đó là Đức Kitô. Và như chúng ta đã biết: Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, có nghĩa là Ngài cũng đã trở thành một cây nho, một cây nho hảo hạng, một cây nho giống tốt để tạo nên một vườn nho mới. Nói cách khác, Đức Kitô là một con người mới, là một Adong mới hầu tạo nên cho Thiên Chúa một nhân loại mới, theo đúng hình ảnh của Ngài.

Ý nghĩa thứ hai đó là một sự trao đổi kỳ lạ, được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể. Đúng thế, với mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã bước xuống phận con người, để con người được bước lên ngôi Thiên Chúa. Ngài đã trở thành cây nho, để chia sẻ cho chúng ta, những cành nho của Ngài, chính nhựa sống thần linh. Kể từ nay, mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa, không phải chỉ là mối liên hệ cứng nhắc giữa Đấng hoá công và loài người thụ tạo, nhưng là một liên hệ thân thương, gần gũi và gắn bó mật thiết như cành liền cây hiệp thông cùng một nhựa sống, đến nỗi chúng ta có thể nói: Thiên Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Thiên Chúa. Hay: Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.

Một khi đã hiệp thông trong cùng một nhựa sống, thì chúng ta cũng phải chia sẻ những khổ đau với Ngài. Thực vậy, nếu thân cây bị chặt thì những cành lá cũng phải chết theo. Và một khi chồi mới mọc lên thì những cành lá mới cũng ló dạng. Là Kitô hữu, đời sống của chúng ta từ nay không thể tách rời Đức Kitô. Do đó, những khổ đau của Ngài cũng phải là những khổ đau của chúng ta và sự chết của Ngài cũng phải là sự chết của chúng ta, để rồi sự phục sinh của Ngài cũng phải là sự phục sinh của chúng ta. Như lời thánh Phaolô xác quyết: Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị.

Đó cũng chính là ý nghĩa của việc cắt tỉa mà Chúa Giêsu đã nói đến, để cho cành cây sinh nhiều trái hơn. Cành nho càng được cắt tỉa thì lại càng mang nhiều trái. Cũng vậy, đời sống người Kitô hữu càng kết hiệp với Đức Kitô, càng chịu nhiều gian nan thử thách, thì lại càng nhiều ơn phúc trước mặt Thiên Chúa hơn.

Ở trong Chúa

Đoạn Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy về mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và những kẻ theo Ngài. Đây là một mối quan hệ mật thiết đến độ cả hai trở nên như một, vì mang cùng một sức sống. Mối quan hệ này đã được Chúa Giêsu diễn tả bằng hình ảnh cây nho và ngành nho như lời Ngài đã phán: Thầy là cây nho các con là ngành nho. Từ hình ảnh này chúng ta rút ra được mấy điểm suy nghĩ.

Điểm thứ nhất đó là Chúa Giêsu và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống: Các con hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta được thanh tẩy trong cái chết, chết cho tội lỗi và trong sự sống lại với cuộc sống mới của Ngài. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, còn có nghĩa là được nắm giữ một vai trò sống động trong chương trình cứu độ của Chúa. Như thế mối quan hệ này được đặt nền tảng trên sự trung tín và thương yêu.

Điểm thứ hai được Chúa Giêsu nhấn mạnh, đó là ngành nho phải sinh trái. Một ngành nho không sinh trái, mặc dù vẫn còn dính vào thân cây nho, thì cũng chỉ là một ngành nho đã chết, và một ngày kia sẽ bị cắt tỉa mà quẳng vào lửa.

Hình ảnh này có thể đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, bởi vì đâu cần phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan nguội lạnh hay phạm những tội tầy đình mới bị cắt ra khỏi cộng đoàn của Chúa. Không sinh trái, đã có nghĩa là không còn ở trong Chúa, không còn liền thân với Chúa. Như vậy sức sống từ Chúa trao ban chỉ có thể là sức sống, chỉ có thể là động lực làm sinh hoa kết trái. Và do đó, chỉ có hai trạng thái: sinh trái hay không sinh trái mà thôi, chứ chẳng có trạng thái thứ ba, được hiểu theo nghĩa là cầm hơi, cầm chừng.

Người Kitô hữu trở thành môn đệ Chúa bằng chính việc sinh nhiều trái chứ không phải bằng lời nói hay những nghi thức nào khác. Nhưng thế nào là sinh trái? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong bài đọc thứ hai, trích thư của thánh Gioan tông đồ: Ai giữ các giới răn của Chúa thì ở trong Ngài và Ngài ở trong họ. Và đây là giới răn của Chúa: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Ngài là Đức Kitô, và phải thương yêu nhau. Vẫn theo thánh Gioan thì chúng ta đừng yêu nhau bằng lời nói và miệng lưỡng, nhưng bằng việc làm và chân thật.

Như thế chúng ta có thể hiểu được rằng sinh trái có nghĩa là yêu thương, và yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem lại hạnh phúc cho người khác.

Trái nho chính là những hành động bác ái yêu thương, thế nhưng chúng ta đã thực sự là những ngành nho sinh nhiều trái hay chưa?

Cây nho

Bất cứ ai sống trên đời cũng đều có quan hệ không nhiều thì ít với những người chung quanh, nhất là những người có cùng một máu mủ với mình. Mối quan hệ đó càng khắng khít bao nhiêu là tùy thuộc vào sự hiệp thông có mật thiết hay không.

Cuộc sống đấy ắp yêu thương chỉ có thể tồn tại khi con người đặt tình thương yêu cào tất cả các mối quan hệ, giao tiếp và thông hiệp với nhau trong tình người với người, hơn nữa trong tình anh em ruột thịt.

Ngoài những mối giây liên hệ giao tiếp bình thường như những người khác, người Kitô hữu còn có dây liên hệ với Thiên Chúa là Cha mình và với Hội Thánh cùng các chi thể của Ngài. Mối dây liên hệ này có được sẽ làm phong phú thêm những giá trị vốn có trong cuộc đời.

Hình ảnh cây nho và hoa trái ngon ngọt của nó, mà chúng ta vừa nghe qua đoạn Tin mừng hôm nay đã từng được xem là biểu tượng của mối dây liên kết và hiệp thông, đồng thời cũng được xem là kết quả của những con người tin vào Đức Kitô Phục sinh. Thực vậy, cây nho và vườn nho trước tiên đã được áp dụng cho dân Do Thái để chỉ lòng yêu thương và việc Thiên Chúa kén chọn dân tộc này trong chương trình cứu độ của Ngài. Thiên Chúa đã vun trồng và chở che vườn nho ấy.

Hình ảnh vườn nho và cây nho sau này được thánh Gioan mở rộng đến tất cả những kẻ tin theo Chúa. Hơn thế nữa, còn cho thấy chính Đức Kitô là cây nho thật và mỗi người trong chúng ta là một cành nho của cây nho ấy.

Với mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người đã trở nên cây nho thật, một cây nho tốt, để tạo nên một vườn nho mới, một dân tộc mới, một sức sống mới cho con người đã từng mang mầm mống của tội lỗi và diệt vong.

Do đó, niềm vui mừng và hy vọng lớn lao nhất của con người chính là được thông hiệp với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, Ngài đã trở thành cây nho và chúng ta là những cành lá của cây nho ấy. Điều đó có nghĩa chúng ta là những chi thể của Ngài và được mang lấy chính sự sống thần linh của Ngài. Với mầu nhiệm nhập thể, chúng ta còn thấy: Thiên Chúa làm người là để cho con người được trở nên Thiên Chúa và có sự sống viên mãn nhờ Đức Kitô. Muốn có được sự sống mới ấy, chúng ta phải thực thi tình yêu thương và phục vụ như Đức Kitô bằng những hành động và việc làm cụ thể.

Ngoài ra, để có một cuộc sống mới thật phong phú và sinh hoa kết trái dồi dào thì ngay từ giờ chúng ta cần phải hy sinh quên mình, giống như cành nho nào được cắt tỉa, thì đó chính là cành nho có nhiều hoa trái hơn cả.

Cuộc sống của người Kitô hữu càng kết hiệp với Đức Kitô, càng hiệp thông với các chi thể khác của Ngài, trong đó có những người anh em bất hạnh và khổ đau, đòi hỏi nhiều hy sinh, thì cuộc sống của người Kitô hữu ấy càng phong phú và nhiều hy vọng hơn cả. Bởi vì, nếu ta chết với Đức Kitô, thì chúng ta sẽ cùng sống với Ngài. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, thì chúng ta sẽ cùng Người hiển trị.

Sinh nhiều hoa trái
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.

Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.

Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.

Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.

Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.

Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.

Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.

Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?

2- Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?

3- Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không

4- Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?

HƯỞNG GIA NGHIỆP MUÔN ĐỜI
(CHÚA NHẬT TUẦN 5 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Đức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng ta, và nhận chúng ta làm nghĩa tử: xin Chúa lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn chúng ta, là những kẻ tin kính Đức Kitô, và ban cho chúng ta được trở nên những con người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.

Hưởng gia nghiệp muôn đời là được tham dự vào tiệc cưới Con Chiên, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Đức Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng đã lên ngôi hiển trị. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền.

Hưởng gia nghiệp muôn đời là vui hưởng ánh sáng của Đức Kitô, Người là “ngày” không bao giờ tàn lụi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Mácximô đã nói: Ánh sáng của Đức Kitô là ngày không có đêm, là ngày vô tận. Thật thế, chính Chúa Con là Ngày, vì Chúa Cha là Ngày hằng thông ban bí nhiệm thần tính của Người cho Chúa Con. Tôi xin nhắc lại : chính Chúa Con là Ngày, vì Người đã phán qua vua Salômôn: Ta đã làm cho ánh sáng không tàn lụi bừng lên trên trời.

Hưởng gia nghiệp muôn đời là ơn cứu độ phổ quát dành cho tất cả mọi người, vì thế, chúng ta phải rao truyền ơn cứu độ đó cho mọi người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phaolô và thánh Banaba đã nhiệt tình rao giảng Tin Mừng khắp nơi: Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.

Hưởng gia nghiệp muôn đời thì phải sống xứng đáng, và phải có cung cách hành xử giống như Đấng đã cho chúng ta được cùng hưởng gia nghiệp với Người, đó chính là phải biết yêu thương nhau, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 21, vịnh gia cũng nguyện giữ trọn điều khấn hứa cùng Chúa: Lạy Chúa, giữa lòng đại hội, con nguyện tán dương Ngài. Điều khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước mặt những ai kính sợ Người. Kẻ nghèo hèn được ăn uống thỏa thuê, người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng. Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Cành nho sẽ không thể tự mình sinh trái, nếu không gắn liền với cây nho; nếu không ở lại trong Đức Kitô, chúng ta sẽ thể tồn tại được; nếu không chấp nhận bị cắt tỉa, chúng ta không thể sinh  hoa trái được. Hoa trái của Thánh Thần xuất phát từ thân nho Giêsu, không tháp nhập, không thông dự vào những đau khổ của Đức Kitô, chúng ta không thể sinh được những hoa trái tốt lành. Nhờ Đức Kitô, Chúa Cha đã thương cứu chuộc chúng ta, và nhận chúng ta làm nghĩa tử. Ước gì chúng ta biết ở lại trong Đức Kitô, để chúng ta được trở nên những con người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Ước gì được như thế!

Ở LẠI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế  

“Thầy là cây nho, các con là cành!”.

“Tôi cảm thấy rất tiếc cho những người không muốn già đi. Tôi say sưa với những năm tháng cuối đời của mình. Đây là những năm tháng đẹp nhất đời tôi, một đời gắn bó với Chúa. “Con người bên ngoài” của tôi đang hư mất, nhưng “con người bên trong” của tôi đang được đổi mới và tôi hân hoan mỗi ngày. Bởi lẽ, tôi không chỉ ‘ở lại’, nhưng sẽ ‘ở đời đời’ với Ngài, ‘Cội Nguồn tồn tại’ của tôi!” - Henry Durbanville.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cội Nguồn tồn tại của tôi!”. Với Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là cây nho đích thực và chúng ta, những cành nho, không thể sống nếu không kết hợp với Ngài. Không cây nho nào mà không có cành và ngược lại. Cành không tự cung cấp nhưng phải gắn chặt - ‘ở lại’ - với thân nho, ‘cội nguồn tồn tại’ của nó.

Chúa Giêsu dùng động từ “ở lại” đến bảy lần! Trước khi rời bỏ thế gian, Ngài đã trấn an các môn đệ rằng, họ có thể tiếp tục hiệp nhất với Ngài bằng cách “Ở lại trong Thầy!”. Việc “ở lại” này không thực hiện cách thụ động, “ngủ quên” trong Chúa, mặc cho cuộc sống ru ngủ. Không! Việc “ở lại” Chúa Giêsu đề nghị là ‘ở lại’ cách tích cực và hỗ tương. Tại sao? Vì như cành lìa cây, không thể làm được gì, chúng cần nhựa để lớn lên và sinh trái, vì đó là ‘cội nguồn tồn tại’. Nhưng thật thú vị, cây nho cũng cần cành nho vì quả không mọc trên thân! Đây là một nhu cầu hỗ tương để sinh hoa trái. Chúng ta ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong chúng ta. Chúng ta cần Ngài, Ngài cần chúng ta!

Nói rằng, Chúa Giêsu cần chúng ta như thân cần cành. Điều này xem ra có vẻ táo bạo! Vậy Ngài cần chúng ta theo nghĩa nào? Ngài cần chứng tá của chúng ta! Như những cành nho, hoa trái chúng ta sinh ra là chứng tá cho đời sống Kitô hữu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, nhiệm vụ của các môn đệ - của bạn và tôi - là tiếp tục loan báo Tin Mừng. Và chúng ta làm điều đó bằng cách làm chứng cho tình yêu Chúa. Hoa trái phải sinh ra là tình yêu. Bên cạnh đó, gắn bó với Ngài, chúng ta nhận được các ân huệ Thánh Thần, nhờ đó, có thể làm điều tốt cho người lân cận, cho xã hội và cho Giáo Hội. Xem quả thì biết cây! Qua 2.000 năm, các Kitô hữu thực sự đã làm chứng cho Chúa Kitô.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thầy là cây nho, các con là cành!”. Để có thể thực sự là một cành sống động trên thân nho Giêsu, chúng ta hãy yêu mến việc cầu nguyện. Cầu nguyện là ‘ở lại!’. Sống bác ái yêu thương là ‘ở lại!’. Hãy sống cuộc sống của mình cách sáng tạo để người khác được hưởng lợi! Vì lẽ, những người khác chỉ đến được với Chúa Giêsu khi họ có thể nhìn thấy ảnh hưởng của Ngài trên cuộc đời chúng ta - qua lời nói, hành động và hành vi - của một lối sống Kitô trong một nền văn minh tình thương. Vậy “Đã có bao nhiêu người biết và tin Chúa Giêsu nhờ tôi? Có bao nhiêu người xin được rửa tội nhờ gương sáng của tôi?”. Chỉ qua cách sống của chúng ta mà mọi người mới được truyền cảm hứng để khám phá những gì chúng ta khám phá. Điều chúng ta khám phá là niềm vui được biết tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lo lắng và không muốn già đi. Cho con luôn ‘ở lại’ với Chúa hôm nay, và cả khi con đã ‘ở đời đời’ với Ngài, con cũng tiếp tục đơm hoa kết trái!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây