TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa nhật tuần 18 thường niên -B

Thứ tư - 31/07/2024 21:14 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   271
“Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Chúa nhật tuần 18 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

CN18TNb a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 6, 24-35)

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.

Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.

Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.

Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 


Suy niệm

Khát vọng sống của con người luôn thôi thúc họ đi tìm kiếm những gì cần thiết cho bản thân. Họ lao mình vào trong một thế giới hỗn độn, họ chấp nhận để mình bị cuốn vào một thế giới thực dụng, nặng về tiêu thụ và hưởng thụ. Sau khi có đầy đủ những nhu cầu về đời sống thể xác, họ đi tìm những lương thực cho đời sống tinh thần, vì thế, bao nhiều trào lưu, bao nhiêu giáo phái tôn giáo, bao nhiêu triết lý sống thực dụng ra đời, vừa lôi kéo, vừa ru ngủ, vừa mê hoặc con người, làm cho con người rơi vào thế bị động, mất tự chủ, mất sự sáng tạo và mất luôn giá trị của chính mình. Câu chuyện trong bài Tin mừng của phụng vụ Lời Chúa tuần 18 thường niên, là lời cảnh tỉnh của Đức Giêsu, trước những đòi hỏi, những kiếm tìm của dân chúng, khi họ cứ kéo theo Ngài mỗi ngày.

Sau khi được sứ thần Thiên Chúa giải cứu khỏi ách nô lệ từ đất Ai-cập, dân Do-thái quá đỗi vui mừng vì từ nay, họ được tự do, không còn vất vả tủi nhục trên đất khách, thế nhưng, đi chưa được bao xa, họ đã kêu trách Thiên Chúa không lo lắng cho họ có cái ăn hàng ngày, họ không nghĩ rằng Thiên Chúa là một người Cha, đã lo lắng cho con khi đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ, chắc Ngài sẽ lo cho họ cái ăn cái mặc bằng cách này cách khác, chỉ vì tham sống sợ chết nên họ đã kêu trách Thiên Chúa: “Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”. Dẫu biết Thiên Chúa luôn bên cạnh nhưng khi cái đói cái khát ập đến, họ bất chấp tất cả, phàn nàn, kêu ca Thiên Chúa, trách móc những người đại diện của Ngài. Có phải vì thiếu niềm tin hay tính yếu đuối của phận người, đã làm cho họ thay đổi nhận thức, thay đổi lòng dạ của mình bấy lâu nay dành cho Thiên Chúa.

Chỉ vì sống chung với anh chị em không cùng niềm tin, con cái cộng đoàn Ê-phê-sô luôn bị lôi kéo, dụ dỗ từ những hành vi xấu, những niềm tin lệch lạc, vì thế, người thầy của họ là thánh Phaolô đã căn dặn họ rất nhiều trong lá thư mục vụ gởi tới cho cộng đoàn Giáo hội tại đó: “Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Ðức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Ðức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc”. Đức Kitô là người Con của Thiên Chúa và là Thiên Chúa, nơi Người không có sự giả dối, không có sự gian ác, vì thế, những ai tin nhận Người là Thiên Chúa thì không được thay lòng đổi dạ, không được để cho niềm tin của mình bị tục hóa, bị mai một. Một thế giới nặng về vật chất, nặng về tiền bạc luôn là một cạm bẫy cho các tín hữu Kitô, bởi họ còn bao lo lắng cho kiếp mưu sinh nên dễ bị lôi kéo, dễ bị mua chuộc, cần có một điểm tựa tinh thần cho họ, để họ cố gắng kiên định với niềm tin của mình.

Được ăn no nhưng không phải lo lắng, được chăm sóc nhưng không phải lo trả phí, ai chẳng thích và chẳng kiếm tìm, dân Do-thái ngày xưa được ăn no từ dấu lạ bánh hóa nhiều, họ đi tìm Đức Giêsu và muốn tôn Ngài làm vua, chắc vị vua đó sẽ lo liệu cho họ tất cả, không để đói, khát và thiếu thốn. Vì thế, Ngài đi đến đâu, họ đều tìm tới: “Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Con người tồn tại, sống không chỉ có thể xác, nhưng còn đời sống tinh thần nữa, vì thế, Đức Giêsu kêu gọi họ đừng dừng lại trong suy nghĩ hưởng thụ, hãy cố gắng suy nghĩ, làm việc và lớn lên trong nhận thức và thái độ sống.

Đức Giêsu chỉ cho họ thấy giá trị của con người không phải sinh ra chỉ là để đi kiếm ăn nhưng là biết làm việc, biết lao động trong sự sáng tạo, chính khi biết làm việc, con người mới thấy giá trị của mình và thấy được ý nghĩa của mình trong thế giới này và trước mặt Thiên Chúa: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Sự cao cả của con người không phải là biết tìm kiếm những nhu cầu cho cuộc sống, nhưng là biết kiếm tìm những gì cần thiết cho sự hiện diện và lớn lên của con người. Đừng chúi đầu vào tìm kiếm vật chất và của cải mà đánh mất những giá trị tinh thần khác lớn lao và ý nghĩa hơn đối với con người.

Sau khi được nuôi dưỡng bằng bánh ngon, Đức Giêsu muốn nhắc nhở họ nên đi tìm thứ bánh đem tới sự sống thiêng liêng, vừa tốt cho đời sống tâm linh con người, đó là bánh trường sinh. Bánh đó đến từ trời, và chính Ngài là Bánh ban sự sống đời đời cho con người: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”. Sự hiện hữu của con người không phải chỉ đi tìm kiếm những thứ thuộc về vật chất của cải, nhưng còn phải đi tìm kiếm những giá trị về tinh thần như là chân lý, là tính nhân văn, là kiến thức, là tâm tình tôn giáo, là ý nghĩa về cuộc sống con người. Chính những yếu tố này mà con người luôn là một sinh vật bậc cao, có lý trí và ý chí.

Chạy đua với vật chất, của cải, một lúc nào đó, con người bị vong thân, đánh mất chính mình, xã hội đang tạo cho con người một quỹ đạo quay từ hấp lực của vật chất và của cải. Nếu con người sống buông thả, mặc cho mình trôi theo dòng đời, một lúc nào đó, giá trị của chính mình sẽ bị mai một, ý nghĩa cuộc đời chỉ còn lại con số 0, Thiên Chúa không muốn con người đánh mất giá trị cao quý đó, Ngài muốn họ không chỉ chăm sóc cho mình về thể xác, nhưng cần phải chăm sóc đời sống tinh thần và tình liên đới với nhau, để sống và để thăng tiến về mọi mặt.

Lạy Chúa, chúng con đang đói, đang khát tình Trời, tình người, xin ban cho chúng con thứ lương thực không chỉ nuôi sống thể xác, nhưng là nuôi sống linh hồn và tinh thần của chúng con, để mỗi ngày sống, chúng con biết mình phải làm gì, phải sống thế nào trong tương quan với Thiên Chúa và anh chị em. Chúa đã giới thiệu cho chúng con thứ bánh hằng sống là chính Ngài và Lời Ngài dạy dỗ, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa và siêng năng tới tham dự bàn tiệc thánh, để được Chúa nuôi dưỡng, được Chúa yêu thương và chăm sóc trong vòng tay của Ngài. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây