Ý nghĩa của Tuần Thánh
TUẦN THÁNH: BẢO VẬT – NĂNG LƯỢNG – ĐIỂM ĐẾN
Toàn thể Hội thánh Công giáo đang chuẩn bị bước vào một tuần lễ đặc biệt trong năm Phụng vụ gọi là Tuần Thánh. Sở dĩ được gọi là Tuần Thánh vì đây là một biến cố quyết định sức mạnh của niềm tin và sự kiên định của người tin, dẫu có đối diện với bao nhục hình, bắt bớ, đánh đập, tù đày và án tử, nhưng sự kiên định trong niềm tin sẽ là sức mạnh giúp vượt qua, đó là chặng đường khổ giá, dám bỏ mình, vác thập giá mình theo Thầy tới đỉnh đồi Canvê.
Tuần Thánh khởi đầu là ngày Chúa nhật Lễ Lá, tưởng niệm biến cố Đức Giêsu long trọng tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Ngài tiến vào đó không phải để tổ chức lễ đăng quang như bao vị vua trần thế là thể hiện quyền bính, sức mạnh và bá chủ, Ngài tiến vào đó để giới thiệu một báu vật của trời cao, đó là sức mạnh của Tình yêu. Tiếp sau đó là những ngày đầy thăng trầm nơi chặng đường cứu độ của Đức Giêsu, lập các bí tích: bí tích Thánh Thể, bí tích Truyền Chức Thánh, bên cạnh đó, để giới thiệu ý nghĩa và chiều sâu thiêng liêng của sức mạnh tình yêu đó là nghi thức rửa chân cho các học trò. Ngài đã cúi xuống, rửa chân cho từng người một, rửa luôn cho kẻ phản bội Ngài. Sau một ngày với nhiều cảm xúc, người tín hữu được mời tôn kính, thờ lạy Thánh giá, bởi Thánh giá là niềm hy vọng của niềm tin. Dân ngoại coi Thánh giá là khổ hình, là nhục nhã, nhưng người tín hữu Kitô coi Thánh giá là chìa khóa hạnh phúc, mở cánh cửa tương lai cho bản thân. Bước qua vùng tối của ngày thứ sáu Thánh, con người không rơi vào tuyệt vọng như Giuda, nhưng đầy hy vọng vào quyền năng Thiên Chúa sẽ cho người Con của Ngài là Đức Giêsu sống lại, và Ngài đã sống lại.
Tuần thánh như là báu vật đối với người tín hữu Kitô dưới lăng kính đức tin, là báu vật bởi đó là một biến cố có một không hai, là ngày Con Thiên Chúa chấp nhận án tử vì mong muốn cứu độ nhân loại. Mong muốn đó là chương trình của Chúa Cha, người Con đã thực hiện ý Cha trọn vẹn. Báu vật đó giúp người tín hữu khi nhìn lên cây Thánh giá, họ sẽ tìm được nguồn năng lượng thiêng liêng, giúp họ đón nhận trách nhiệm và bổn phận hiện tại cách nhẹ nhàng và bình an. Báu vật bởi nhờ biến cố đó, người tín hữu được Chúa Cha mời gọi cộng tác loan báo tin vui đó cho nhân loại, giúp họ tìm được nguồn cội của mình và được cứu độ.
Sống trong một thế giới dù vào giai đoạn nào, người tín hữu Kitô luôn được mời lên đường để giới thiệu tin mừng sự sống cho thế giới, cho tha nhân. Muốn cộng tác với Thiên Chúa, người tín hữu phải nạp nguồn năng lượng thiêng liêng tích cực cho bản thân, nguồn năng lượng đó là gì là thay đổi trái tim chai đá bằng một trái tim bằng thịt, một trái tim luôn rung động, luôn mở ra và sẵn sàng cho đi những gì là tốt nhất, là quý giá nhất. Tiếp theo là khối óc của mình, nhận thức, tri thức là những món quà vô giá Thiên Chúa cho mỗi người và mời gọi họ sử dụng tất cả cách hữu ích cho cuộc sống. Suy nghĩ, nhận định và chọn lựa là những thái độ của tri thức, khuôn mặt Thiên Chúa như thế nào, hiện tại Ngài đang ở đâu, Ngài sai người Con đến cứu nhân loại để làm gì, đó là những câu hỏi được gợi lên để con người dùng tri thức nhận định và đưa ra sự thay đổi cho phù hợp với bản thân và hoàn cảnh. Vì thế, Tuần Thánh được coi là nguồn năng lượng sạch cho đức tin và sự sống thiêng liêng của con người, nguồn năng lượng đó không chỉ lan tỏa trong bản thân, nhưng còn phải lan tỏa tới mọi người chung quanh, giúp mọi người đang trên đường lữ hành đầy hy vọng, niềm vui và sức sống, để chu toàn trách vụ của người tín hữu Kitô trong hiện tại.
Điểm đến là vị trí cuối cùng của hành trình. Trong hành trình đức tin, vị trí cuối cùng không phải là vũng sâu của tội lỗi và sự chết, cũng không phải là những kinh nghiệm từ thế gian nhưng vị trí cuối cùng của hành trình cuộc đời phải là Nước Trời. Con Thiên Chúa được Chúa Cha vinh thăng sau biến cố phục sinh, như là phần thưởng cho những ai thi hành ý của Ngài. Người tín hữu hôm nay đang chọn con đường mang tên Giêsu, đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất nhưng không bằng phẳng để tới Nước Trời. Những cảm xúc của chiều thứ Năm Thánh, làm cho trái tim người tín hữu như thắt lại khi chứng kiến Đức Giêsu thực hiện những việc làm và hiểu được phần nào ý nghĩa của mỗi việc đó, bước sang ngày thứ Sáu với bầu khí ảm đạm, Thầy mình thất bại sao, Thầy mình sao cứ im lặng không một lời đối đáp khi bị chất vấn, bị kết án bất công, hoang mang quá Thầy ơi. Sao Thầy chấp nhận vác khổ giá đi giữa rừng cánh tay giơ cao kết án vậy, nhục nhã cho Thầy và xấu hổ cho con. Hành trình không dừng lại đó, thứ Bảy Thánh với nhiều ký ức về Thầy ùa tới, hoang mang vì mất điểm tựa cuộc đời, và ngay lúc đó, Thầy sống lại từ quyền năng của Chúa Cha. Nếu Thầy không sống lại, niềm tin của chúng con ra vô ích thiệt luôn. Điểm đến cuộc đời là đây, là sự phục sinh vinh quang từ Nước Trời, người tín hữu luôn hướng về đó để sống mỗi ngày tốt hơn trong bổn phận và trách nhiệm của mình.
Nếu không có giá trị của một báu vật, làm sao người tín hữu có thể mạnh dạn sống và lên đường, nếu không có nguồn năng lượng thiêng liêng vô giá đó, làm sao người tín hữu can đảm giới thiệu một tin mừng sự sống cho thế giới và nếu không có một điểm đến rõ ràng, đầy hy vọng, làm sao người tín hữu dám cúi xuống rửa chân với tinh thần tha thứ, dám chấp nhận thua thiệt vì Nước Trời. Để hiểu nhiều hơn về ba khía cạnh thiêng liêng của Tuần Thánh, người tín hữu cần biết mình để rồi biết Chúa nhiều hơn, và khi biết Chúa nhiều sẽ biết mình phải làm gì, phải sống như thế nào để về tới đích an toàn trong hy vọng và mừng vui.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Những tin cũ hơn