TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chia sẻ của một bác sĩ tuyến đầu từng là F0

Thứ năm - 19/08/2021 19:10 | Tác giả bài viết: Nguyên Nhi |   1015
Mạnh Tuấn là một bác sĩ trẻ, Công giáo, thuộc GP Ban Mê Thuột, hiện đang công tác tại bệnh viện Trung ương Huế.
Chia sẻ của một bác sĩ tuyến đầu từng là F0

CHIA SẺ CỦA MỘT BÁC SĨ TUYẾN ĐẦU TỪNG LÀ F0

 

Mạnh Tuấn là một bác sĩ trẻ, Công giáo, thuộc GP Ban Mê Thuột, hiện đang công tác tại bệnh viện Trung ương Huế. Từ giữa tháng 5/2021, bạn là một trong nhiều bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện điều trị Covid-19 của huyện Đăkmil, một cơ sở chuyển đổi từ TT Y tế huyện. Khi chúng tôi liên hệ cũng là lúc Mạnh Tuấn vừa nhận được giấy ra viện với kết quả âm tính Covid-19. 14 ngày chống chọi với Covid và những ngày trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân F0 có lẽ sẽ là những ngày khó quên nhất trong hành trình nghề nghiệp của anh bác sĩ trẻ.

Đó cũng là ấn tượng của tôi khi liên lạc với bạn. Buổi sáng tôi ngỏ lời, bạn liền sắp xếp buổi chiều để chia sẻ những câu chuyện đã trải qua trong những ngày đáng nhớ vừa rồi. Mạnh Tuấn là một bác sĩ trẻ thuộc giáo xứ Xã Đoài, GP Ban Mê Thuột, hiện đang công tác tại bệnh viện Trung ương Huế. Từ giữa tháng 5/2021, khi đợt giãn cách thứ tư bùng phát, trung tâm y tế huyện Đăkmil chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19. Tuấn được điều chuyển về đây, cũng là quê nhà của mình, để hỗ trợ chống dịch.

Theo lời kể của bác sĩ trẻ, khi trở về Đăkmil, bạn đã tham gia hai đợt trực chống dịch, mỗi đợt kéo dài từ 14 đến 21 ngày. Công việc chính của Tuấn là trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi các trường hợp F1 có nguy cơ cao (tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid, có xuất hiện các triệu chứng bệnh,…) và thực hiện các ca cấp cứu khác khi cần thiết. Khoảng đầu tháng 7, khi tỉnh Đăk Nông bắt đầu có ca nghi nhiễm đầu tiên, bạn được giao lấy mẫu cho người này, sau đó là thân nhân trong gia đình của người nghi nhiễm. Tất cả đều có kết quả dương tính. Tuấn cùng đồng nghiệp được phân công trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân F0 đầu tiên này.

Đến ngày 23/7, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) cũng bắt đầu có các khu phong tỏa và xuất hiện ca F0. Lãnh đạo của trung tâm y tế huyện Đăkmil lập tức triệu tập một đội phản ứng nhanh. Luôn chuẩn bị sẵn bộ “đồ nghề” y tế và đầy ắp lòng nhiệt huyết, Tuấn và 6 đồng nghiệp, cùng một tài xế lái xe, cả nhóm gồm 8 thành viên, tình nguyện lên đường ngay trong đêm đến Gia Nghĩa. Cuộc khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm diễn ra gấp rút suốt đêm ấy đến tận sáng sớm hôm sau mới gần như hoàn tất.

Trở về lại Đăkmil để tiếp tục công việc, Tuấn và các đồng nghiệp nghe tin anh tài xế trong chuyến xe đêm qua đã dương tính. Vì trước đó, tài xế này được phân công chở các bệnh nhân Covid đến nơi điều trị nên bị lây nhiễm. Tối hôm sau, Tuấn bắt đầu lên cơn sốt. Ban đầu, bạn chỉ nghĩ, vì mấy hôm nay làm việc liên tục nên có thể hơi đuối sức. Nhưng khi một vài bạn trong đội cũng gặp tình trạng tương tự, kèm theo một số triệu chứng bệnh, nhóm bác sĩ lập tức được test nhanh và PCR. Tuấn kể:

“Sau khi lấy mẫu, mãi không thấy báo kết quả, mình cũng lo, một cảm giác rất khó tả. Một lúc sau, thấy các đồng nghiệp khác, trong bộ đồ bảo hộ, vác theo máy khử khuẩn đi về phía phòng mình… Thế là hiểu rồi. Tất cả chuẩn bị chuyển đến khu điều trị dành cho bệnh nhân Covid”.

Tuy trong quá trình làm việc, tất cả thành viên đều trang bị đồ bảo hộ và thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch. Nhưng tình trạng phơi nhiễm là điều khó tránh khỏi khi phải làm việc trong môi trường có nguy cơ rất cao. Vì vậy, luôn trong tâm thế sẵn sàng và cũng đã chuẩn bị tâm lý, Mạnh Tuấn vui vẻ đón nhận kết quả này như một điều tất yếu sẽ xảy ra.

Những ngày sau, cứ cách khoảng một ngày lại có thêm 1-2 bạn trong đội dương tính. Cuối cùng, các thành viên trong nhóm đi Gia Nghĩa đêm đó đều bị lây nhiễm. Một số chỉ đau họng, ho, sốt,… Một số khác còn bị tức ngực, sốt liên tục nhiều ngày và có dấu hiệu trở nặng. Đa số các bạn trong nhóm đều là các bác sĩ và nhân viên y tế trẻ, nhưng cũng có hai bạn phải chuyển xuống khu cấp cứu để thở máy và được giám sát kỹ hơn.

Tuy đã hoạt động trong môi trường bệnh viện, đối diện với nhiều ca cấp cứu đầy thương tâm, nhưng một số bạn sau khi trở thành F0, tâm lý cũng có phần lo lắng, hoảng loạn. Mạnh Tuấn cùng một số bạn khác liên tục trấn an đồng nghiệp và các bệnh nhân trong khu điều trị. Các bác sĩ tự chăm sóc mình và tìm mọi cách để hỗ trợ bệnh nhân trong khả năng có thể.

Cách đây vài ngày, Tuấn được xét nghiệm lại, kết quả âm tính lần hai được báo về. Nhưng cũng đã có trường hợp, nhiều bạn đồng nghiệp tái dương tính sau khi đã xuất viện. Nên cho đến chiều nay, khi nhận kết quả âm tính lần 3, anh bác sĩ trẻ mới phần nào yên tâm và đang chờ đợi nhiệm vụ mới từ cấp trên.

Khi được hỏi về tình hình sức khỏe hiện tại, bạn trả lời ngay:

“Mình đang rất khỏe và mọi thứ đều ổn. Mình đã sẵn sàng để trở lại chiến tuyến”.

Cũng là một Huynh trưởng Hướng đạo, Mạnh Tuấn tình nguyện tham gia vào nhóm tư vấn từ xa của hội Hướng đạo Việt Nam để hỗ trợ các bệnh nhân Covid. Một cách khiêm tốn, “Tuấn có một chút chuyên môn và kinh nghiệm, cũng từng trải qua cảm giác là F0”, anh bác sĩ trẻ luôn sẵn lòng nghe máy, đôi khi chỉ là một lời động viên, một sự an ủi, một liều “vaccine tinh thần” cho những ai đang bối rối giữa đại dịch. Tuấn chỉ mong một điều, mình có thể bắt máy khi có ai gọi đến, có chút thời gian nói chuyện và chia sẻ nỗi lo âu, những cảm xúc rối bời hoặc bất cứ điều gì họ cần.

Cuộc nói chuyện giữa tôi và anh bạn bác sĩ, chỉ vỏn vẹn hơn chục phút, nhưng phải gián đoạn đến mấy lần. Tôi vẫn nghe thấy tên Mạnh Tuấn vang lên trong điện thoại, lúc thì người này ghé đưa cơm, lúc thì ai đó ghé qua trao đổi công việc. Thời gian là điều quý giá đối với các bác sĩ và cả bệnh nhân trong lúc này. Bạn không quên dặn dò, nếu có ai đó là F0, hãy cứ bình tĩnh, theo các hướng dẫn để có thể tự chăm sóc mình trong khi chờ cơ quan y tế đến. Các bác sĩ vẫn đang cố gắng hết sức từng giờ, từng ngày. Họ sẽ không bỏ lại ai bao giờ, chỉ là họ đang quá tải. Nếu còn trẻ, có sức đề kháng và không có bệnh nền, hãy tích cực và lạc quan. Liệu pháp quan trọng nhất là tinh thần vui vẻ, tin tưởng và hy vọng của bạn.

Kết thúc cuộc gọi, Mạnh Tuấn nhắc lui nhắc tới “các bạn nhớ giữ gìn sức khỏe nha”. Câu nhắn “nhớ giữ gìn sức khỏe”, một điều nghe có vẻ thường tình, đơn giản, nhưng có lẽ lại là điều cần kíp nhất lúc này.

Nếu bạn đang lo lắng, bất an hoặc đơn giản là cần một cuộc gọi để yên tâm.

Đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ Mạnh Tuấn – 0974902355. Và, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!

Bài viết: Nguyên Nhi
Thiết kế: Nguyễn Linh
Hình ảnh: Bs. Mạnh Tuấn

Nguồn: ymagazine.net (19.8.2021)
Website của Ủy ban Giới trẻ / HĐGMVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây