TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Covid: Chuyện vui, chuyện buồn…

Chủ nhật - 05/12/2021 21:15 | Tác giả bài viết: Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành CMR |   1086
“Niềm vui chia sẻ niềm vui lớn - Nỗi buồn chia sẻ nỗi buồn vơi”
Covid: Chuyện vui, chuyện buồn…

Covid: Chuyện vui, chuyện buồn…

TGPSG -- Thật sự lúc ấy tôi chẳng biết nói gì, cổ họng tôi cũng nghẹn cứng, lòng tôi cũng trĩu nặng. Hai dòng nước mắt tôi cũng tuôn ra, tôi đau đáu trong lòng… Một cảm giác thật khó tả…

“Niềm vui chia sẻ niềm vui lớn
Nỗi buồn chia sẻ nỗi buồn vơi”

Nói đến chuyện vui, chuyện buồn thì ai cũng có. Trong đợt tham gia Tình Nguyện Viên (TNV), vẫn còn đó trong trái tim tôi, trong ký ức của mỗi người những niềm vui, nỗi buồn. Tôi luôn hoài tưởng lại để nhớ về những kỷ niệm đó.

Niềm vui: vui lắm, nhớ hoài

Bắt đầu ngày đi làm, ca trực của các nhóm là ca tối. Có lẽ các TNV rất hồi hộp có xen chút ít lắng lo của buổi đầu tiên nên lịch đưa ra là 19g tối xe sẽ đón, thế mà mới 18g30 đã có các TNV hớt ha hớt hãi chạy xuống sảnh vì bị sợ “xe bỏ”… Nhìn xuống chân, có người đi phải dép “anh”, dép “em” mà không hay biết, có người mang vội dép đi trong phòng khách sạn… Một Thầy phát ngôn: “Hỡi ơi, nào xe đã chạy đâu mà sao các anh các chị hối xuống nhanh thế, làm em quên cả phụ tùng…” một trận cười giòn tan trong khi chờ nhau đông đủ để lên xe đi làm…

Ngày hôm sau nhóm khác, lần đầu lên khoa nhận kíp, có Thầy không biết duyên cớ vì sao, “theo ai” mà lại vào cầu thang nhiễm trong khi trên người không áo bảo hộ, chỉ có chiếc balô của TNV khoác trên vai và chiếc khẩu trang N95 trên mặt… Thế là đành chia tay nhóm 3 ngày để đi cách ly…

Còn cái vui của tôi mới là lạ:

Tôi đang lau hè bỗng nghe tiếng gọi:

- Con ơi … con ơi!

Nhìn vào phòng, tôi thấy một cánh tay đang vẫy gọi. Tôi liền gác công việc và chạy đến:

- Dạ.

Một cô đưa cho tôi cái ly nói:

- Lấy cho mẹ ít nước nóng để mẹ uống thuốc nha, bác sĩ bảo uống nước âm dương rất tốt.

Tiếng ‘mẹ’, nghe rất thân thương khiến tôi ấm lòng, sung sướng làm sao:

- Dạ, để con lấy cho.

Tình mẹ - con được gắn chặt bởi ‘ly nước’:

- Nước nóng của “mẹ” đây!

Cô cầm ly nước và nắm lấy tay tôi xoa xoa vuốt vuốt. Tuy tay được bọc bởi 3-4 lớp bao tay nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình yêu thương của người mẹ.

- Thương con quá đi thôi, hy sinh vào đây để chăm sóc các bệnh nhân, bỏ chồng con ở nhà… Thương quá, thương quá đi!

Nghe thấy “chồng con” tôi bật tỉnh và cười trong sự bối rối:

- Dạ không. Con không “chống lầy” mà cũng không có con…

Tôi vừa buồn cười vừa lúng túng không biết giải thích làm sao cho “mẹ” hiểu. May quá, có bác bên cạnh “đỡ” giùm:

- Cô ơi, đây là Sơ, các TNV ở đây là các sơ, các cha, các thầy đi tu, ở nhà thờ, không có lấy chồng - lấy vợ…

Lúc đó tôi chỉ biết gật, gật để hưởng ứng lời nói của bác là đúng.

“Mẹ” liền nói:

- Vậy à, cứ tưởng...

Cả phòng cười vui, tôi chào bác và “mẹ” để tiếp tục công việc…

Các cha, các Thầy cũng chia sẻ niềm vui:

Một cha nói: ‘Sau đợt đi TNV này, tôi sẽ lên tay nghề và có thể mở được nhiều tiệm như: tiệm spa gồm có gội đầu, sấy tóc; tiệm cắt tóc cả nam lẫn nữ theo nhu cầu rồi tiệm nail nữa chứ… mà không cần bằng cấp hay cấp bằng cho tôi đâu.

Có thầy chia sẻ: “Còn em, hôm bữa mới vào ca trực, em bị một chị điều dưỡng lôi đi nhanh lắm, em không hiểu chuyện gì! Ai ngờ chị kéo em đến bên một bệnh nhân hỏi: ‘Bác sĩ ơi, nếu chỉ số và nhịp tim của bệnh nhân này như vầy thì sao hả bác sĩ, có thêm thuốc không bác sĩ?’ Em ngơ người ra một chút rồi nói với chị: ‘Dạ, em là TNV chứ không phải bác sĩ…’. Chị điều dưỡng nhìn em, vỗ vào vai em cái ‘chát’ và nói: ‘Trời!!! sao không nói sớm…’ Thì ra, vội quá, em quên ghi tên sau lưng. Hai chị em có một trận cười vui vẻ… thế là… “trước lạ sau quen”.

Sáng kiến của TNV

Tôi thấy có một sơ rất sáng kiến: với chiếc áo bảo hộ thụng thình có hai cái túi hai bên. Thường thì chúng tôi bỏ điện thoại vào đó nhưng sơ lại bỏ đầy bánh kẹo rồi đi từng phòng đến từng bệnh nhân để phát. Sơ luôn tươi cười hỏi han bệnh nhân: “Chú thích gì? Cô ăn cái này được không? Bà uống sữa nhé, có đường hay ít đường? Dạ… dạ… chờ con một chút con sẽ quay lại ngay…” Trông sơ như chú Đôrêmon có chiếc túi thần kỳ vậy.

Có thầy có những ‘sáng kiến’ không ai ngờ như: dám hy sinh sức khỏe, thời gian để đi đến với bệnh nhân như: một Thầy đã xin làm từ hai, ba ca một ngày không nghỉ để kiêm thêm các việc như: mát xa, cắt tóc, làm vệ sinh, bôi thuốc cho bệnh nhân bị lở loét…

Còn, còn rất nhiều chuyện vui không thể nào kể xiết… Nó vẫn còn đó trong tâm trí mỗi TNV những kỷ niệm khó phai, những dấu ấn khó quên…

Nỗi buồn khó phai

Vui có thì chắc hẳn buồn cũng có. Nhắc lại để nhớ đến, thương đến và cầu nguyện:

Có Thầy chia sẻ “Sơ ơi buồn lắm, sao phận người mỏng manh quá! Có lần con đút cháo cho bác kia, bác ăn hết luôn. Rồi con qua bên kia phụ phát cơm. Đi một vòng, khi con quay trở lại thì… bác đã được các anh chị đang lo hậu sự rồi… Con bị ám ảnh mấy ngày luôn”

Và tôi, tôi chứng kiến một đôi vợ chồng đều bị nhiễm. Cô được khỏi bệnh, bác sĩ cho xuất viện. Nhưng thương chú nên xin ở lại chăm sóc. Mỗi lần vào ca, tôi và một sơ nữa hay đến thăm động viên:

- Cố lên chú nhé, cô đang chờ chú cùng xuất viện đấy…

Rồi một lần tôi vào thăm, thấy tôi, cô nói:

- Sơ ơi, hai bữa nay chú chẳng chịu ăn gì cả, ép mãi mới uống được một chút sữa, rồi lại bỏ.

Tôi động viên:

- Dạ. Vậy cô chịu khó cho chú uống nhiều lần nhé. Con có mang nước yến và sữa Ensuer đây, cô cho chú uống thêm để có sức.

Cô cầm lấy và cảm ơn tôi. Ca chiều ngày hôm sau, tôi cũng đến thăm cô chú như mọi lần. Bước vào căn phòng, tôi có cảm giác buồn hơn, vắng hơn. Thấy tôi đến, cô ôm lấy tôi trong tiếng khóc than:

- Con ơi, … chú đi rồi … chú đi rồi…

Lúc đó, tiếng gọi không phải là “sơ” mà là “con”. Tiếng gọi như báo tin cho người thân trong gia đình biết là chú đã mất. Lúc đó tôi nghẹn lời chỉ biết đáp lại bằng cái ôm cô thật chặt và cánh tay tôi chỉ biết xoa xoa vỗ vỗ vào lưng cô để an ủi, để tỏ lòng cảm thông. Thật sự lúc ấy tôi chẳng biết nói gì, cổ họng tôi cũng nghẹn cứng, lòng tôi cũng trĩu nặng. Hai dòng nước mắt tôi cũng tuôn ra, tôi đau đáu trong lòng… Một cảm giác thật khó tả… Thương lắm, thương lắm lắm!

Đây là lần đầu tiên tôi cảm nghiệm và chứng kiến được nỗi đau mất người thân ra đi trong cô quạnh và đau xót. Tôi vội trấn an và yên ủi cô:

- Cô ơi, chúng ta dâng chú cho Lòng Thương Xót Chúa cô nhé. Con tin Chúa đưa chú về nơi hạnh phúc hơn, sẽ không đau đớn nữa. Con hứa sẽ cầu nguyện cho chú. Còn bây giờ con giúp cô dọn đồ để tí nữa xuất viện nha!

Cái đau, cái mất mát ấy có lẽ để lại trong tâm trí tôi hoài hoài  và tôi nhớ mãi mãi trong lời cầu nguyện.

Nhắc đến chuyện vui để niềm vui kéo dài, nhắc đến chuyện buồn để cảm thông, để cầu nguyện. Ước chi những kỉ niệm ấy giúp cho mỗi TNV có cái gì đó còn đọng lại trong tâm như một “dấu ấn” sẽ luôn không bao giờ xóa nhòa bởi sự cho đi vô vị lợi của những con người sống cho nhau vì nhau.

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành CMR

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây