TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đi và Mời mọi người (Mt 22,1-14)

Thứ bảy - 19/10/2024 03:18 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   237
“Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”.

ĐI VÀ MỜI MỌI NGƯỜI
Chúa Nhật Truyền Giáo -Năm 2024: Mt 22,1-14

LmTN 191024a

 

Suy niệm

Chủ đề cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô lấy từ dụ ngôn Tin Mừng về bữa tiệc cưới. Tôi xin tóm tắt suy niệm của Đức Thánh Cha để chia sẻ về bài Tin Mừng này.

Sau khi các vị khách từ chối lời mời của nhà vua, ông truyền cho các gia nhân: “Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận thấy rõ một số khía cạnh quan trọng của việc loan Tin Mừng, đặc biệt đúng lúc cho tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo của Đức Kitô, trong giai đoạn cuối của tiến trình Thượng Hội Đồng, mà khẩu hiệu là: “Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”, nhằm tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội, là rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

1. “Đi và mời!” người khác đến dự tiệc của Chúa

Trong lệnh nhà vua truyền cho các đầy tớ có hai từ diễn tả trọng tâm của việc truyền giáo: các động từ “đi ra”“mời” mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Là Đấng giàu lòng thương xót, Thiên Chúa không ngừng ra đi để gặp gỡ mọi người, và kêu gọi họ đến hưởng hạnh phúc trong Nước của Người, ngay cả khi Người phải đối diện với sự dửng dưng và chối từ của họ. Đức Giêsu Kitô, Mục tử Nhân hậu và sứ giả của Chúa Cha, đã ra đi tìm kiếm những con chiên lạc nhà Israel và Người còn muốn đi xa hơn nữa, để đến được cả với những con chiên xa xôi nhất (Ga 10:16). Cả trước và sau khi phục sinh, Người thường xuyên nói với các môn đệ, “Hãy đi!”, nghĩa là cho họ tham gia vào chính sứ vụ của Người (Lc 10, 3; Mc 16,15). Về phần mình, Hội Thánh luôn trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước các khó khăn và trở ngại.

Chúng ta đừng quên rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi tham gia vào sứ vụ phổ quát này, để toàn thể Hội Thánh có thể liên tục cùng với Chúa của mình đi ra “mọi ngả đường” của thế giới hôm nay. “Cái bi kịch trong Hội Thánh hôm nay là Chúa Giêsu vẫn đang gõ cửa, nhưng từ bên trong, chúng ta lại không mở cho Người đi ra! Chúng ta thường trở thành một Hội Thánh ‘giam hãm’ không cho Chúa ra, mà cứ giữ Người lại “làm của riêng mình”, trong khi Chúa đã đến là để truyền giáo và muốn chúng ta là những người truyền giáo”

Một khía cạnh khác của dụ ngôn là vua không chỉ nói với các đầy tớ “hãy đi”, nhưng cũng bảo “hãy mời”: “Đến dự tiệc cưới!”. Các đầy tớ chuyển lời mời của vua với sự thúc bách nhưng cũng đầy kính trọng và dịu dàng. Khi rao giảng cho thế giới “vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô chết và sống lại từ cõi chết”, các môn đệ truyền giáo phải rao giảng với niềm vui, sự độ lượng và nhân hậu vốn là những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong lòng họ (Gl 5, 22). Không phải bằng gây áp lực, cưỡng ép hay chiêu dụ, nhưng bằng sự thân thiện, cảm thương và dịu dàng, và bằng cách này phản ánh cách hiện hữu và hành động của chính Thiên Chúa.

2. “Đến dự tiệc cưới”. Chiều kích cánh chung và Thánh Thể của sứ vụ Đức Kitô và Hội Thánh.

Sứ vụ của Đức Kitô liên quan đến thời gian viên mãn, như Người đã tuyên bố lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người: “Thời gian đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần kề” (Mc 1,15). Chúng ta biết rằng nơi các Kitô hữu thời kỳ đầu, nhiệt tình truyền giáo đã có một chiều kích cánh chung rất mạnh. Họ cảm nhận được tính cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng. Ngày nay cũng vậy, điều quan trọng là giữ vững thái độ này, vì nó giúp chúng ta rao giảng Tin Mừng với niềm vui của những người biết rằng “Chúa đã đến gần”.

Trong khi thế gian bày ra trước mặt chúng ta những “bàn tiệc” của chủ nghĩa tiêu thụ, sự tiện nghi ích kỷ, sự tích luỹ của cải và chủ nghĩa cá nhân, thì Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc ngập tràn niềm vui, sự chia sẻ, công lý và tình huynh đệ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác. Lời mời đến dự bữa tiệc cánh chung mà chúng ta đem đến cho mọi người được kết nối với lời mời gọi dự bàn tiệc Thánh Thể, ở đó Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng lời Người và Mình Máu Người. “Đối với chúng ta, tham dự bàn tiệc Thánh Thể là thực sự cảm nếm trước bữa tiệc cánh chung đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 25, 6-9) và được Tân Ước mô tả như là ‘tiệc cưới Chiên Con’ (Kh 19, 9), sẽ được cử hành trong niềm vui của sự hiệp thông các thánh” (Sacramentum Caritatis, 31).

3. “Mọi người”. Sứ mệnh hoàn vũ của các môn đệ Chúa Kitô trong Hội Thánh hoàn toàn hiệp hành và truyền giáo

Suy tư thứ ba là tiệc cưới dành cho “mọi người”, không trừ một ai. Ngày nay, trong một thế giới bị xâu xé bởi những chia rẽ và xung đột, Tin Mừng của Chúa Kitô vẫn là một tiếng nói dịu dàng nhưng kiên quyết kêu gọi các cá nhân gặp gỡ nhau, nhìn nhận mình là anh chị em của nhau, và vui mừng trong sự hoà thuận giữa các khác biệt. Vì “Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 4). Các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô phải luôn chân thành quan tâm tới hết mọi con người, bất kể tình trạng xã hội hay thậm chí luân lý của họ thế nào.

Dụ ngôn bữa tiệc dạy chúng ta rằng, theo lệnh của nhà vua, các đầy tớ đã đi tập hợp “tất cả những ai họ gặp, bất luận tốt xấu” (Mt 22:10). Và còn hơn thế nữa, cả “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14, 21), tóm lại là những người anh chị em hèn mọn nhất của chúng ta, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, họ trở thành những khách mời đặc biệt của vua. Bất cứ ai, bất luận nam hay nữ, đều được Thiên Chúa mời gọi thông phần vào ân sủng của Người, ân sủng có sức biến đổi và cứu sống. Người ấy chỉ cần thưa “vâng” trước món quà cho không này của Thiên Chúa, chấp nhận nó và để mình được nó biến đổi, mặc nó vào mình như một chiếc áo cưới” (x. Mt 22, 12).

Sau cùng, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Đức Maria, người đã xin Đức Giêsu làm phép lạ đầu tiên ngay tại một tiệc cưới ở Cana xứ Galilê (x. Ga 2,1-12). Chúa đã ban cho đôi tân hôn và tất cả các khách mời tràn trề rượu mới, như một điềm báo trước bữa tiệc cưới mà Thiên Chúa đang dọn sẵn cho mọi người vào ngày tận thế. Chúng ta nài xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các môn đệ Chúa Kitô trong thời đại chúng ta. Với sức mạnh phát sinh từ sự dịu dàng và tình âu yếm của Mẹ, chúng ta hãy ra đi đem đến cho mọi người lời mời của Đức Vua, Cứu Chúa của chúng ta. Thánh Maria, Ngôi Sao loan báo Tin Mừng, xin cầu cho chúng con!

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ,
đó chính là ân phúc quá lớn lao,
cho đời con trở thành lời loan báo.


Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.


Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.


Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.


Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.


Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
tin Cha là Đấng toàn năng cao cả,
là niềm vui ơn cứu độ chan hòa. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây