TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hiểu thế nào về “Missio” - Truyền Giáo?

Thứ ba - 15/10/2024 22:56 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB |   398
Đức Giêsu khi thi hành sứ mạng, Người luôn ý thức căn tính của mình là: được sai đến, không phải để làm theo ý mình, nhưng, là làm theo ý Đấng đã sai mình;

Hiểu thế nào về “Missio” - Truyền Giáo?

tbd 161024b


“Missio” thường được dịch là “truyền giáo”, nên chúng ta thường để ý đến việc truyền đạo, đem Chúa đến cho người khác, mà quên mất “Missio” nghĩa là việc gửi đi, phái đi, sai đi thi hành sứ mạng, thi hành mạng lệnh. Chúng ta chỉ một sứ mạng duy nhất, đó chính là sứ mạng của Đức Kitô, Người được Chúa Cha sai đến thế gian (x. Ga 5,24;17,3); Chúa Kitô Phục Sinh sai Chúa Thánh Thần đến với Hội Thánh (x. Lc 24,49; Ga 15,26). Đức Kitô sai các Tông Đồ và Hội Thánh đi rao giảng Tin Mừng (x. Mc 16,15; Mt 28,19; Cv 1,8). Sứ mạng của mỗi người chúng ta xuất phát từ sứ mạng của Đức Kitô. Do đó, “truyền giáo” là thông dự vào và chia sẻ cùng một sứ mạng của Đức Kitô: sứ mạng thì chỉ có một, nhưng bao gồm nhiều sứ vụ khác nhau: sứ vụ tông đồ (apostolat), sứ vụ mục vụ (pastoral), sứ vụ của các mục tử, sứ vụ của người giáo dân, sứ vụ của các nhà giáo dục, sứ vụ của các nhà hoạt động xã hội… Một điều cần lưu ý nữa liên quan đến từ “Missio”: sứ mạng, chúng ta thường thấy trên các thiệp mời của lễ truyền chức phó tế và linh mục là: lãnh nhận tác vụ phó tế, tác vụ linh mục, thiếu mất chữ “thừa”, chữ “thừa” mới cho thấy căn tính và sứ mạng của người lãnh nhận, bởi vì, đương sự không thực hiện tác vụ của chính mình, nhưng, là thi hành tác vụ do sự thừa kế, thừa hưởng, thừa hành, thừa lệnh của Đức Kitô. Do đó, đầy đủ phải là lãnh nhận thừa tác vụ phó tế, thừa tác vụ linh mục.

Đức Giêsu khi thi hành sứ mạng, Người luôn ý thức căn tính của mình là: được sai đến, không phải để làm theo ý mình, nhưng, là làm theo ý Đấng đã sai mình; Lương thực của Người là thi hành ý muốn của Chúa Cha, còn chúng ta, khi thi hành sứ mạng, dường như, chúng ta quên mất căn tính, nguồn cội của mình. Chắc, có lẽ vì thế mà, chúng ta vẫn có rất nhiều chương trình, kế hoạch truyền giáo rất hoành tráng: tốn rất nhiều công sức, và tiền của, nhưng, dường như, việc truyền giáo của chúng ta vẫn không mang lại những hoa trái tốt đẹp như lòng Chúa ước mong.

Để thi hành sứ mạng truyền giáo, chúng ta phải xác tín rằng: Động lực đầu tiên thúc đẩy chúng ta thi hành sứ mạng là tình yêu của Ðức Giêsu, Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta. Chính tình yêu cứu độ này đã thúc bách chúng ta yêu Người mỗi ngày một hơn. Thử hỏi có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không cảm thấy: có nhu cầu, cần phải nói cho người khác biết về người mình yêu? Nếu chúng ta không cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt, để chia sẻ về tình yêu này, chúng ta cần phải tha thiết cầu xin Chúa: chạm đến tâm hồn cứng cỏi của chúng ta, mở rộng cõi lòng băng giá của chúng ta, và lay động con tim thờ ơ lãnh đạm của chúng ta.

Chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa với một tấm lòng rộng mở, hãy để cho Người ngắm nhìn ta, để ta bắt gặp ánh mắt chan chứa tình yêu của Người. Trong khi thi hành sứ mạng truyền giáo, thật tốt lành biết bao khi ta đứng trước Thánh Giá, hoặc quỳ gối trước Thánh Thể, hay đơn giản chỉ là ở trong sự hiện diện của Chúa để chiêm ngắm Chúa và thầm thĩ với Người. Tốt lành biết mấy khi Người một lần nữa chạm đến cuộc đời chúng ta, và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới của Người cho người khác: “Ðiều chúng tôi đã thấy, đã nghe, và đã chạm đến, chúng tôi loan báo lại cho anh em” (1Ga 1,3).

Chúng ta phải thừa nhận rằng: Động lực tốt nhất để loan báo Tin Mừng, đến từ việc chiêm niệm Tin Mừng với tình yêu mến, ước gì chúng ta biết dừng lại bên những trang Thánh Kinh và đọc Lời Chúa với cả tấm lòng. Nếu chúng ta tiếp cận Lời Chúa theo cách này, vẻ đẹp của Lời Chúa khiến chúng ta phải ngỡ ngàng, kinh ngạc. Chúng ta hãy nhớ rằng: mình đã được ủy thác một kho tàng quý báu, kho tàng này làm cho chúng ta trở nên người hơn, giúp chúng ta sống một đời sống mới trong Chúa, và chia sẻ đời sống đó cho tất cả mọi người.

Hội Thánh là Đoàn Dân Thiên Chúa: “Xưa kia anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa” (1Pr 2,10). Chúng ta phải ý thức rằng: “Sứ mạng” là niềm say mê của Đức Giêsu, đồng thời, cũng là niềm say mê của Dân Người. Khi đứng trước Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy chiều sâu tình yêu bừng sáng của Người: trải rộng ra, để ôm trọn tất cả Dân của Người. Bởi vì, Người chọn chúng ta từ giữa muôn dân và sai chúng ta đến với Dân của Người, cho nên, sứ mạng truyền giáo của chúng ta phải đưa chúng ta đến tận trung tâm của Dân Người. “Sứ mạng” ở giữa lòng dân chúng không phải là một phần của đời sống chúng ta, hay như một thứ đồ trang sức, mà chúng ta có thể tháo cởi; “sứ mạng” này không phải là một “vai phụ”, hay là một thời gian phụ trội trong đời sống chúng ta. Trái lại, “sứ mạng” là điều gì đó chúng ta không thể bứng ra khỏi con người của chúng ta, mà không hủy diệt chính bản thân mình. Chúng ta là “sứ mạng” trên trần gian này, đó là lý do: tại sao chúng ta có mặt ở đây, trong trời đất này.

Ước gì chúng ta ý thức rằng: Chỉ một lần chúng ta tách “sứ mạng” ra khỏi cuộc sống của mình, thì ngay lập tức, tất cả mọi sự sẽ trở nên tẻ nhạt, và chúng ta sẽ đi tìm danh vọng, cùng những tham vọng ích kỷ của mình. Khi đó, chúng ta không còn là Đoàn Dân Chúa nữa. Ước gì chúng ta ý thức rằng: Qua sứ mạng đem Tin Mừng đến cho mọi người, chúng ta được đóng ấn là Đoàn Dân Chúa. Nếu chúng ta có thể giúp: ít nhất cho một người, có một cuộc sống tốt hơn, được hưởng ơn cứu độ của Chúa, chỉ điều đó thôi, cũng đủ là hy lễ của cuộc đời chúng ta rồi. Ước gì chúng ta luôn hướng tới mục tiêu trở thành một Dân trung thành của Chúa, với “sứ mạng” mà Chúa đã trao phó cho chúng ta. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây