TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng ghen tị nhau…

Thứ sáu - 27/09/2024 21:50 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   244
“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (x.Mc 9, 40).

Chúa Nhật XXVI – TN – B
Đừng ghen tị nhau…

tbd 28092024a


Ghen tị là gì? Thưa, theo Wikipedia định nghĩa: “Ghen tị (ganh tị, đố kỵ) là một cảm xúc xảy ra khi một người thiếu đặc điểm tốt đẹp, thành tích, vật sở hữu của người khác và mong muốn điều đó, hoặc mong muốn người khác không có được điều đó.”

Lm. Giuse Đỗ văn Thụy, trong bài viết “Lòng Ghen Tị trong Đời Sống Gia Đình và Xã Hội”, có lời trình bày chi tiết hơn, lời trình bày rằng: “Ghen tị là một cảm xúc phổ biến như tình yêu hay tức giận, và tất nhiên ghen tị cũng là một cảm xúc mạnh mẽ như bất cứ đam mê nào khác trong lòng người.

Sự ghen tị làm chúng ta buồn phiền, bất chấp ý hướng hay những nỗ lực tốt lành mà chúng ta muốn thực hiện để khắc phục sự ghen tị. Trong khi một số người chỉ cảm nhận sự ghen tị như một cảm xúc nhất thời và chóng qua, thì có những kẻ lại bị ‘chế ngự bởi sự ghen tị’, và hậu quả là họ phải đau đớn trầm trọng về mặt tâm thần khi sự ghen tị thống trị cuộc sống và tâm thức của họ.

Thần học và tâm lý học Kitô giáo đều cảnh giác chúng ta đừng coi thường sức hủy hoại của lòng ghen tị. Truyền thống Kitô giáo xem lòng ghen tị như một điều xấu cố hữu, nên đã xếp lòng ghen tị vào danh sách bảy mối tội đầu”. (nguồn: website hdgmvietnam).
Đúng vậy. Với những ai bị-chế-ngự-bởi-sự-ganh-tị, nhẹ thì cô lập cuộc sống của mình, xa lánh mọi người, luẩn quẩn với uất ức. Nặng thì hãm hại đối phương có khi dẫn tới cái chết. Suốt chiều dài lịch sử con người, có không ít người đã gây ra án mạng chỉ vì bị chế ngự bởi sự ganh tị.

Xưa thật là xưa, có câu chuyện Ca-in và A-ben. Chuyện kể rằng: Ca-in tức giận khi Đức Chúa Trời chấp nhận lễ vật của A-ben, nhưng lại không đoái hoài lễ vật của ông. Ca-in có thể khắc phục hoàn cảnh này, thế nhưng, chỉ vì sự ghen tị trong lòng ông quá lớn; lớn đến nỗi ông không thể kiềm chế, thế rồi ông lừa A-ben ra đồng vắng và giết em mình.

Câu chuyện trên đây, được ghi trong Kinh Thánh, sách Sáng thế ký (4, 4-8), gọi nôm na là chuyện “nhà đạo”. Còn chuyện đời! Thưa, đầy dãy.

Chuyện đời, cũng xưa thật là xưa, tiêu biểu là chuyện Chu Du và Khổng Minh ở nước Trung Hoa thời Tam Quốc. Chu Du là tướng của Đông Ngô, vì ghen tị Khổng Minh Gia Cát Lượng, quân sư của nhà Thục, tài trí hơn mình. Bao nhiêu mưu kế của mình đều bị Khổng Minh “bắt thóp”. Chu Du “đau đớn trầm trọng về mặt tinh thần” tìm mọi cách để giết Khổng Minh. Tiếc thay! mưu kế của ông không qua mặt được Khổng Minh. Cuối cùng uất hận, Chu Du thổ huyết mà chết.

William Shakespeare, một nhà viết kịch và cũng là nhà thơ, qua vở bi kịch Othello, có nói rằng: sự ganh tị giống như “con quái vật mắt xanh.” Vâng, đúng là quái vật. Cái “quái” của con quái vật này ở chỗ, nó luôn chọn đúng thời điểm để khơi dậy sự ganh tị, nơi con người.

Nhóm Mười Hai môn đệ của Đức Giê-su cũng hơn một lần là nạn nhân của quái-vật-mắt-xanh. Chuyện là thế này, một ngày nọ, các môn đệ bắt gặp “có người lấy danh Đức Giê-su trừ quỷ”. Các ông ấm ức. Ấm ức vì họ trừ được quỷ, còn các ông tuy đã được Thầy Giê-su ban cho quyền năng trừ quỷ, thế mà một ngày nọ, có một “…Cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra”, người thân của cháu bé đã “nói với các môn đệ (của Đức Giê-su), để các ông trừ quỷ, nhưng các ông không làm nổi” (x.Mc 9, 17-18).

Chuyện là vậy đó. Cho nên, lòng ghen tị của các ông bùng lên. Các ông đã nhanh chóng tố giác chuyện này với Đức Giê-su. Nghe qua, Ngài không có sự phản đối. Trái lại, Ngài đã dạy các ông một bài giáo huấn về sự ganh tị. Bài giáo huấn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại: một ngày nọ, ông Gio-an, là một người trong số Nhóm Mười Hai, đến với Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”

Vâng, nghe qua, không khó để chúng ta đoán rằng: thấy có người không thuộc về nhóm mình, không do mình kiểm soát, nay lại “lấy danh Thầy trừ quỷ”, các ông đã ganh tị.

Thế nhưng, với Đức Giê-su, một Giê-su “hiền lành và khiêm nhường” Ngài không tán đồng cung cách phản ứng của các môn đệ. Thế nên, sau khi nghe lời tường trình, rất hòa nhã, Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta”.

Không cần biết những người ấy thuộc “giáo phái” nào, và cũng không quan tâm rằng, những người ấy “có theo chúng ta” hay không, Đức Giê-su giải thích cho các môn đệ, rằng: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Cuối cùng, Ngài tuyên bố: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (x.Mc 9, 40).

***
Đức Giê-su đã bảo: “Đừng ngăn cản – ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Có thể nói, lời dạy bảo này là một lời dạy bảo tế nhị. Rất, rất tế nhị vì Ngài đã không nói với các ông rằng: “Các anh ganh tị với nhóm người đó sao! Các anh dù đã được ban quyền năng trừ quỷ, thế mà lại “không làm nổi”, nay lại ganh tị khi họ chỉ “lấy danh Thầy” mà lại trừ được quỷ, sao!

Đức Giê-su không trách móc các môn đệ. Trái lại, Ngài còn dạy dỗ các ông cách thức chế ngự sự ganh tị. Đó là chế ngự bằng lòng bác ái. Lòng bác ái quan trọng lắm.

Thánh Phao-lô, sau khi trở thành môn đệ của Đức Giê-su, đã cảm nghiệm được chân lý này, nên đã có lời dạy rằng: “Trong mọi việc, tôi khuyên anh em hãy đặt tình bác ái lên trên hết” (2Cr 2,8).

Nếu các vị môn đệ xưa, đặt tình bác ái lên trên hết, các ngài sẽ không bị con quái vật ganh tị chế ngự. Và đó chính là khởi đầu cho việc các ngài cư xử với nhóm người đã lấy danh Thầy mình trừ quỷ như là “huynh đệ chi binh”. Nói theo cách nói của Đức Giê-su, họ cũng chính là những người “anh em thuộc về Đấng Ki-tô”.

Đúng. Những người lấy danh Đức Giê-su, cũng chính là những người “thuộc về Đấng Ki-tô”. Họ đâu có chống Đức Giê-su. Họ lấy danh Ngài để trừ quỷ cơ mà! Dài dòng như thế để chúng ta có thể hiểu rằng, tại sao Đức Giê-su lại đặt tầm quan trọng lên việc “Bác ái đối với môn đệ”.

Vâng, rất trân trọng. Hôm ấy, Đức Giê-su tiếp lời rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (x.Mc 9, 41).

****
Đức Giê-su đã có lời hứa: người-đó-sẽ-không-mất-phần-thưởng. Bên cạnh đó, Ngài còn công bố một số điều kiện, điều kiện rằng: “Đừng làm cớ cho người khác và cho (chính) mình sa ngã”.

Hôm ấy, Ngài đã lớn tiếng nói rõ ràng, rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”

Chưa hết, Ngài còn nói rằng: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi, thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi, thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt ma bị ném vào hỏa ngục.” (x.Mc 9, 21-49).

Nghe rất khủng khiếp, phải không thưa quý vị? Đúng, rất khủng khiếp nếu chúng ta hiểu theo nghĩa của mặt chữ. Và nếu hiểu như thế, lịch sử Giáo Hội với hơn hai ngàn năm, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người, (có thể có cả chúng ta) cụt tay, cụt chân hoặc là “hiệp sĩ độc nhãn”.

Tuy nhiên, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, những lời Đức Giê-su đã công bố, chỉ là cách nói, nói theo ngôn ngữ “Semit”, lối nói nhấn mạnh.

Tưởng chúng ta cũng nên biết: “Thuật ngữ ngữ tộc Semit được sử dụng đầu tiên bởi các học giả của Trường Lịch sử Göttingen vào thập niên 1780, xuất phát từ cái tên Shem, một trong ba con trai của Noah, trong Sách Sáng Thế” (nguồn: Wikipedia).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, khi luận bàn về những điều Đức Giê-su nói (nêu trên), ngài đã có lời chia sẻ rằng: “Những lời Đức Giê-su (nói), không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của Người gợi ra, nghĩa là đoạn tuyệt với sự dữ dưới mọi hình thức, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất.”

Đúng vậy, buộc-phải-tiến-tới… đoạn-tuyệt-với-sự-dữ-dưới-mọi-hình-thức. Thế nên, nếu tay “trái” anh lỡ sa ngã, phạm tội, hãy dùng tay “phải” của anh đấm ngực ăn năn, hơn là thụ động chặt-nó-đi.

Nếu chân “trái” anh lỡ bước tới những nơi có nguy cơ làm cho anh sa ngã, phạm tội, hãy dùng chân “phải” của anh như bộ phận “cài số de” để lui ra những nơi chốn đó, hơn là chặt-nó-đi.

Cũng vậy với đôi mắt của mình. Nếu đôi mắt của mình lỡ sa vào những trang web đen, thay vì lấy bàn tay móc đôi mắt, thì hãy lấy chính bàn tay đó “delete” ngay những trang web đen đó.

Có thể nói, những lời dạy (nêu trên) của Đức Giê-su rất là sâu sắc. Sâu sắc ở chỗ, chúng ta vẫn có thể thực thi lời dạy bảo của Ngài “đúng theo mặt chữ”.

Đúng-theo-mặt-chữ, chúng ta đừng ngại… Đừng ngại “cắt đi” những tật xấu, đại loại như: nóng giận, tranh chấp, bè phái, v.v… là những tật xấu có hại cho cộng đoàn. Đừng ngại gì mà không “chặt đi” những thói xấu, đại loại như: đố kỵ, ganh tị v.v… là những thói xấu dễ làm tổn thương kẻ khác, và kết quả là chúng ta sẽ mất-phần-thưởng mà Chúa hứa ban, đó là được vào Nước Thiên Chúa”.

*****
Như vậy, đã là một Ki-tô hữu, lòng ganh tị không có chỗ đứng trong con người chúng ta. Vâng, không thể có chỗ đứng. “Vì ở đâu có sự ghen tị và tham vọng ích kỷ, ở đó sẽ có sự hỗn loạn và mọi hành vi xấu xa." Đó là lời khuyến cáo, một lời khuyến cáo cần ghi nhớ, của thánh Gia-cô-bê.

“Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”. Đó là lời khuyên của thánh Phao-lô, một lời khuyên giúp chúng ta chiến thắng cảm giác ghen tị.


Vâng theo lời khuyến cáo và ghi khắc lời khuyên của hai vị tông đồ (nêu trên), nó sẽ tạo cho chúng ta nguồn cảm hứng, một nguồn cảm hứng để chúng ta “chấp nhận, hài lòng, tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta.” Chính nguồn cảm hứng này, giúp chúng ta “tập trung vào lòng biết ơn hơn là so sánh.”

Một nhà truyền giáo đã có sự cảm nghiệm này. Nhà truyền giáo này, tiếp lời chia sẻ rằng: “Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi nâng đỡ lẫn nhau và ăn mừng những thành công của nhau, thay vì để cho sự ghen tị mưng mủ trong lòng.”

Nói theo cách nói của William Shakespeare, đừng để “quái vật mắt xanh” tạm trú trong tâm hồn chúng ta. Nói tắt một lời: “Đừng ghen tị nhau”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây