Nghe và thực hành
Khi ta học ngoại ngữ, không chỉ đọc hiểu và viết, ngoại ngữ còn là giao tiếp, đối thoại nơi những cộng đồng sử dụng, thường gọi là sinh ngữ.
Sinh ngữ là một ngôn ngữ luôn sống động và phát triển. Lời Chúa còn hơn là sinh ngữ bởi trong Lời có sự sống cho linh hồn và thể xác.
Khi so sánh Lời Chúa và sinh ngữ dù có khập khiễng, nhưng ta có thể thấy một số điều khám phá để sống Lời Chúa đích thật.
Lời Chúa giống như một sinh ngữ là luôn sống động và phát triển trong một cộng đồng sống. Nếu cộng đồng người Kitô hữu không nói, không sống Lời Chúa cho người khác, thì Lời Chúa trở thành ngôn ngữ chết (cổ ngữ), nghĩa là không phát triển. Muốn nói và sống Lời Chúa cần học hiểu, áp dụng để sống.
Lời Chúa khác với sinh ngữ ở chỗ, không chỉ học hiểu và nói mà còn là để suy tư, chiêm niệm, cầu nguyện, nghĩa là để thẩm thấu vào trong tâm hồn. Khác với sinh ngữ học hiểu nhờ lý trí, Lời Chúa còn cảm nghiệm bằng trái tim, đòi hỏi đổi cách sống cho phù hợp với Lời đã nghe, đã cảm nghiệm. Nghĩa là Lời Chúa đòi hỏi hoán cải, không chỉ một lần mà nhiều lần, không chỉ một hai ngày mà cả cuộc đời, sao cho nên “Hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Sinh ngữ làm cho ta có thể hoà nhập với cộng đồng sống nói sinh ngữ ấy. Lời Chúa không chỉ giúp ta sống hoà hợp trong cộng đoàn mà còn sống nhờ bởi Lời của Thiên Chúa.
Quan trọng hơn một sinh ngữ, ta còn được sống trong gia đình huyết thống của Chúa: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8, 21).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan