TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy để NGÀI quyến rũ

Thứ năm - 27/05/2021 21:33 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   666



Chúa Nhật III – TN – B

 
Hãy để NGÀI quyến rũ
 
Đức Giê-su, theo Kinh Thánh ghi lại thì, Người khởi sự rao giảng Tin Mừng lúc trạc ba mươi tuổi. (x.Lc 3, 23). Lời rao giảng đầu tiên mà Người đã loan báo, đó là lời kêu gọi thiết tha, rằng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1, 14-15).

Ý định của Đức Giê-su là Tin Mừng phải được loan báo “cho mọi loài thụ tạo”. Chính vì thế, ngoài việc rao giảng Tin Mừng, Ngài còn có một kế hoạch tuyển chọn các môn đồ để tiếp tục sứ mạng của mình. Đã có mười hai người được tuyển chọn. Bốn người môn đệ đầu tiên được tuyển chọn, đó là: Ông Si-môn, ông An-rê, ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Cuộc tuyển chọn này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Vâng, câu chuyện được kể rằng, hôm đó, khi “Chúa Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá”. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi…”

Loan báo Tin Mừng, lại là Tin Mừng cứu độ cho muôn dân ở khắp tứ phương thiên hạ, thế nên Ngài cần có những người môn đệ, là những người sẽ được giao trọng trách tiếp tục sứ mạng của Ngài.

Chính vì thế, sau lời mời gọi “hãy theo tôi”, Chúa Giê-su nói tiếp “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, biển hồ là nơi tụ tập rất nhiều ngư phủ và chắc hẳn khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó, không thiếu những ngư phủ đang vất vả “quăng lưới cá”, nhưng tại sao Ngài lại gọi đích danh Simon, An-rê? Chưa hết, sau khi gọi Simon và An-rê. Đi xa hơn một chút, Chúa Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêdê, và người em là Gioan. Hai người này đang vá lưới trong thuyền. Chúa Giê-su, một lần nữa, “Người liền gọi các ông” (Mc 1, 16-… 19).

Phải chăng Chúa Giêsu đã biết bốn anh chàng ngư dân này?

Thưa, rất có thể đúng là vậy. Nói, đúng là vậy, vì hôm trước, khi ông Gioan tẩy giả thấy Chúa Giê-su đi ngang qua và đã giới thiệu các môn đệ của ông ta rằng, Người chính là “Chiên Thiên Chúa”, lập tức, hai trong bốn người được Ngài gọi hôm nay, là ông Anrê và một người môn đệ khác, họ đã đi theo Chúa Giêsu. Có phần chắc, họ đã, một cách nào đó, tiết lộ thân thế và nghề nghiệp của họ. Hơn nữa, họ đã đến xem chỗ Chúa Giêsu ở và đã ở lại với Người. Vì thế, không ngạc nhiên cho lắm khi Chúa Giêsu gọi đích danh họ.

Hôm ấy, đích thân Người đến gọi các ông, rằng “các anh hãy theo tôi”. Đáp lời mời gọi, phản ứng của hai ông Si-mon và An-rê thật nhiệt tình. Chuyện kể tiếp rằng: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài”. Còn Gia-cô-bê và Gio-an thì sao? Thưa, dù đang mải mê “vá lưới ở trong thuyền”, nhưng khi nghe Chúa Giê-su gọi, hai ông cũng đã “bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1, …20).

Hôm đó, bốn chàng ngư phủ đã đáp lời mời gọi, họ bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài.

***
Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, có hai điều chúng ta phải suy gẫm. Điều thứ nhất đó là lời truyền dạy: “Anh em hãy sám hối”.

Vâng, đây là một lời truyền dạy mà mỗi chúng ta đều phải ghi khắc trong con tim mình. Phải ghi khắc là bởi, có sám hối thì mới nhận được ơn cứu độ.

Câu chuyện dân thành Ninivê nhờ biết “ăn năn sám hối” nên thoát được sự hủy diệt của Thiên Chúa như một điển hình.

Chuyện được Kinh Thánh kể lại rằng: Dân thành Ninivê đã có những hành động “gian ác thấu tận trời cao” nhưng nhờ nghe tiếng cảnh cáo của Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giôna, rằng “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ”.

Nghe được lời cảnh báo như thế, từ vua quan cho tới dân đen, họ đã “khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3, 8).

Cuối cùng “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (x.Gn 3, 10).

Đừng quên, Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang của Thiên Chúa”. Mọi người đều phạm tội, thế nên, chẳng phải mọi người đều phải sám hối, sao!

Và, đây là điều thứ hai. Điều thứ hai là một lời mời gọi chân tình: “Các anh hãy theo tôi”. Vâng, chắc chắn lời mời gọi này cũng là lời mời gọi được Đức Giê-su gửi đến cho mỗi chúng ta.

Đừng sợ… đừng sợ rằng, khi đáp lời mời gọi, mà-đi-theo-Ngài, chúng ta cũng phải “bỏ hết mọi sự”, bỏ công ăn việc làm, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa, như bốn vị: Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã thực hiện năm xưa.

Đức Giê-su không quá khắc nghiệt, thưa quý vị. Điều chúng ta phải “từ bỏ”, đó là từ bỏ “những việc do tính xác thịt gây ra”, những việc “ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén…” (x.Gl 5, 19).

Trong tinh thần của một người hiến trọn cuộc đời cho Chúa, “bỏ hết mọi sự” còn được hiểu là dám sống một cuộc sống hy sinh ngay cả bản thân của mình cho chân lý mà mình tin theo. “Bỏ hết mọi sự” còn có nghĩa là dám sống một đời sống phục vụ cho một lý tưởng mà ta đã chọn lựa.

Đừng… đừng bao giờ có tư tưởng chủ bại mà nghĩ rằng: Ôi! theo Chúa sao phải từ bỏ nhiều thứ như thế!

Vâng, ngày xưa, tông đồ Phê-rô, cũng vì ám ảnh chuyện phải “từ bỏ mọi sự” nhiều quá, nên ngài đã hỏi Chúa Giê-su, rằng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Chúng ta được gì? Đây, hãy nhớ, hôm đó, Chúa Giê-su đã đáp rằng: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử… Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19, 27-29).

Thưa quý vị, những điều Chúa Giê-su hứa ban cho những ai bỏ hết mọi sự mà theo Ngài, có “quyến rũ” không, nhỉ! Hay, chúng ta cho rằng, những điều satan và con cái chúng cho, đại loại như: tiền tài, danh vọng, quyền lực, theo sau là một lối sống tự do, tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, và những điều khác giống như vậy v.v… quyến rũ hơn?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên lời Đức Giê-su đã cảnh báo, rằng: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì”.

Vâng, chẳng ích gì, vì Kinh Thánh còn có lời khuyên chúng ta rằng: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

Trở lại với những điều Đức Giê-su hứa ban. Ngài hứa ban quá nhiều đấy chứ! Thú vị nhất, đó là “sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử…” - xét xử những tên lãnh tụ độc tài, những tên tham quan bán nước hại dân v.v... và v.v… phải không, thưa quý vị?

Thế nhưng, đó là chuyện “đời sau”. Còn “đời nay” thì sao? Thưa, nếu chúng ta từ bỏ những việc do tính xác thịt, (được nêu trên), cái “mất” chẳng bao nhiêu, nhưng cái “được” rất nhiều. Đó là, chúng ta sẽ có một cơ thể cường tráng trong một tinh thần minh mẫn, và điều tất yếu sẽ xảy ra, “đời nay” chúng ta sẽ có một cuộc sống “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Được rất nhiều như thế, chẳng phải là quyến rũ hơn sao! Được rất nhiều như thế, chẳng phải là chúng ta nên cất lên lời tạ ơn cùng Chúa, tạ ơn rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (x.Gr 20, 7).

Chúng ta đã là một Ki-tô hữu, có nghĩa, chúng ta là môn đệ của Đức Giê-su. Là môn đệ của Đức Giê-su, có nghĩa là chúng ta đã đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài. Tôi đã theo Ngài, thì hãy để cho Ngài quyến rũ ta.

Vâng, hãy “để Ngài quyến rũ”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây