Hãy Yêu Nhau Đi
Hãy yêu nhau đi là một tác phẩm viết trong bối cảnh đất nước loạn lạc bởi chiến tranh, khi ấy, những cuộc gặp gỡ giữa người với người đều có thể là lần gặp gỡ cuối cùng. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn kêu gọi con người hãy dành thời gian mà yêu nhau.
Điệp ngữ “Hãy yêu nhau đi” được lặp đi lặp lại như cùng hứa với nhau rằng sẽ biết quan tâm đến nhau hơn, sẽ nhạy cảm về cảm xúc của nhau hơn.
Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi dòng nước có trôi xa
Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ
Yêu thương không đi sau sự chờ đợi, phân vân, đừng đắn đo mà hãy yêu thương nhau nhanh đi, hãy yêu ngay đi. Yêu nhau lúc khu rừng sum suê lá, cao cả hơn, yêu cả lúc rừng thay lá, cả lúc giòng nước đã trôi xa. Và khi con tim đã mở rộng lòng để yêu thương không toan tính, con tim sẽ đong đầy những nỗi nhớ, gạch đá cũng sẽ có tin vui, thời gian đợi chờ cũng sẽ trở thành vĩnh cửu. Và, khi chúng ta đắm chìm trong một tình yêu lớn lao, bao la, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp từ những điều giản đơn xung quanh mình.
Khi trái tim được mở ra để trao cho nhau tình yêu, sự quan tâm và lòng bao dung thì những vết thương mới được chữa lành. Khi chúng ta đón nhận cả những thương đau, thiếu sót đó thì cũng là lúc chúng ta đang tìm đến một niềm hạnh phúc thật, đó chính là sự bình an tâm hồn.
Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn dù sáng mưa bom
Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau
Hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều
Bình an là điều mà nhân loại luôn mong muốn khấn cầu. Con người cần bình an như cần khí thở. Bình an sẽ mang lại cho con người bầu khí sống thân thiện đầy yêu thương, ngược lại khi tâm chúng ta không có bình an, tức là cuộc sống chúng ta đang thiếu yêu thương và đoạ đầy nhau.
Nhưng ở đời đâu dễ tìm được sự bình an. Thân thể cũng có lúc đau yếu bệnh tật. Tai nạn vẫn có thể xảy đến mọi nơi. Đặt niềm tin nơi đồng loại thường nhận lại sự giả dối, thiếu chân thành. Tất cả những điều ấy khiến chúng ta hoang mang, sầu khổ và mất bình an.
Niềm tin ky-tô giáo cho chúng ta thấy, bình an trong tâm hồn chỉ được tìm thấy qua sự hiểu biết gần gũi, và sự tin cậy trọn vẹn, vào Đức Chúa Trời, Đấng đáp ứng “mọi nhu cầu của anh em theo sự giàu có vinh quang của Ngài trong Đấng Giê-su Ky-tô” (Phil 4,19).
Tâm trạng của các tông đồ sau biến cố tuần thương khó là tâm trạng buồn sầu và lo sợ. Họ sợ liên luỵ vì từng là đồ đệ của Thầy Giê-su. Từ sợ hãi dẫn đến đánh mất niềm tin. Sợ hãi đã làm cho các ông hoa con mắt đến nỗi “nhìn cò ra quạ”, nhìn thấy Chúa lại tưởng là ma.
Chúa đã quở trách các ông “sao lại hoảng hốt thế! Ma đâu có xương có thịt như vầy!”. Chúa chỉ cho các ông biết nguyên do của sợ hãi là thiếu lòng tin. “Sao lòng anh em còn ngờ vực?”. Đã bao năm sống với Thầy. Đã nhiều lần chứng kiến những phép lạ Thầy làm. Đã từng được nghe lời Thầy tiên báo “Sau ba ngày Thầy sẽ sống lại”. Thế mà các ông vẫn không tin?
Thế nên, trong Đức Giê-su con người mới có bình an. Có Thiên Chúa thì con người sẽ vì Chúa mà trao yêu thương qua sự chia sẻ, cảm thông và bao dung. Có Thiên Chúa sẽ mang lại hoa trái là niềm hoan lạc, tươi vui, bình an và hy vọng cho nhau.
Vâng, Chúa Phục sinh vẫn mang bình an đến cho chúng ta như xưa Ngài đã mang đến cho các tông đồ. Ngài vẫn đến với chúng ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của dòng đời. Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Cho dù cuộc đời có nhiều nghi nan. Cho dù dòng đời có nhiều bất trắc và giông tố. Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa. Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa. Hãy lấy lòng mển để vâng theo thánh ý Chúa.
Xin Chúa Giê-su phục sinh luôn ở lại với chúng ta theo như lời Người đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn