TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa - Ai có tai thì nghe

Thứ năm - 27/05/2021 03:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   757



CHÚA NHẬT XV – TN – A


Lời Chúa - Ai có tai thì nghe

Trong Kinh Thánh có ghi một câu chuyện, một câu chuyện nói về việc Thiên Chúa hủy diệt Sô-đô-ma và Gô-mô-ra. Chuyện kể rằng, Thiên Chúa đã không dấu diếm ông Áp-ra-ham về sự hủy diệt của Người.

Biết được điều này, ông Áp-ra-ham đã đến gần và thưa với Chúa rằng: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với người dữ sao? Giả như trong thành đó có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu? Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” (x.St 18, 23-25).

Không thấy Kinh Thánh cho biết dân số của hai thành ấy vào lúc đó là bao nhiêu. Nhưng, trước con số là năm mươi, Thiên Chúa đã chấp nhận.

Kinh Thánh ghi lại như sau: ĐỨC CHÚA đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Sô-đô-ma năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó”.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, con số năm mươi người vẫn là con số khó kiếm, ông Ap-ra-ham đành phải năn nỉ với Chúa để giảm dần, giảm dần. Từ năm mươi người, ông xin xuống bốn lăm. Rồi từ bốn lăm ông xin xuống bốn mươi. Để ‘chắc ăn’, ông xin thêm một lần nữa, từ bốn mươi xuống còn ba mươi. Chưa vững dạ, từ ba mươi, ông xin xuống hai mươi. Và cuối cùng từ hai mươi, ông nói với Chúa rằng: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần nữa thôi, giả như tìm được mười người thì sao?”.

Thì sao nhỉ? Thưa, lòng từ bi của Thiên Chúa rất tuyệt vời. Ngài sẵn sàng vì số ít người công chính mà tha cho cả dân thành: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Sôđôma” Nhưng rồi… rồi dù chỉ là mười người, ông Apraham cũng tìm không ra.

Cuối cùng, Kinh Thánh kết luận: “Sau khi phán với ông Apraham, Đức Chúa đi, còn ông Apraham thì trở về nhà” (c.33). Và chuyện gì xảy ra đã xảy ra. Thành Sô-đô-ma bị hủy diệt.

Nhắc lại chuyện Sô-đô-ma để làm gì? Thưa, để nhìn vào thế giới mà chúng ta đang sống, hôm nay. Vâng, hãy nhìn xem, nhân loại, sau một thời gian ngắn không xảy ra cuộc đại chiến thế giới nào, bây giờ sóng gió lại nổi lên.

Gần một trăm năm trôi qua, con người đã không tận dụng thời giờ, tài năng, và tài nguyên Chúa ban để xây dựng hòa bình, đem lại hạnh phúc cho thế giới hôm nay. Trái lại, những vị lãnh đạo quốc gia, nhất là những vị lãnh đạo độc tài, họ lại xây dựng một guồng máy cai trị hà khắc, họ đã chế tạo các loại vũ khí tối tân, tiêu diệt hàng loạt để thống trị thế giới.

Đã có một tên lãnh tụ độc tài tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân để chống lại vũ khí hạt nhân. Y rất ngạo mạn và muốn đặt mình là chúa tể thế giới này.

Ngoài vũ khí nguyên tử, những con virus, đại loại như virus corona cũng đã được xem là một hình thức tạo ra chiến tranh thế giới.

Về mặt tâm linh, ngày nay có vẻ như cả thế giới đang ngang nhiên chống lại Thiên Chúa. Nhiều quốc gia đã phạm thượng và ngạo nghễ đốt phá nhà thờ, giật đổ thánh giá, phá hủy mười điều răn, v.v...

Vâng, thế giới hôm nay là thế đó, và nếu ngày nay, Thiên Chúa tiêu diệt con người bằng một đại chiến nguyên tử, san bằng trái đất như đại hồng thủy thời Noe! Nếu Người sẽ tiêu hủy các quốc gia, các thành phố, như Người đã làm đối với Sôđôma và Gômôra, xưa kia! Nếu Người làm thế, có một Apraham mới, đứng ra ‘thương lượng’ với Thiên Chúa, không? Và, quan trọng hơn, liệu chúng ta có đủ “năm mươi người lành”, một con số để Thiên Chúa dừng cơn giận của Người?

Vâng, chẳng phải là năm xưa, mà ngay tại thời điểm này, năm-mươi-người-lành rất quan trọng. Và, đó là lý do mà chúng ta nên tự hỏi mình, làm thế nào để chúng ta được gọi là những ‘người lành’?

Vâng, có lẽ chúng ta sẽ bảo với nhau rằng, những ‘người lành’ của thời điểm hôm nay, chính là những người siêng năng tham dự thánh lễ, đọc kinh và cầu nguyện.

Thế còn với Đức Giê-su thì sao? Thưa, Ngài đã phán rằng “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.

Những người lành, theo như lời Đức Giê-su đã truyền dạy, đó là ‘kẻ nghe Lời và hiểu’. Nghe Lời Chúa và hiểu… Vâng, lời truyền dạy này được Ngài diễn giải qua ‘dụ ngôn người gieo giống’ và được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**
Dụ ngôn mang tên “người gieo giống” đã được thánh Mát-thêu ghi lại như sau: “Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ”. Ngay lập tức: “dân chúng tụ họp bên Người rất đông”. Và không bỏ lỡ cơ hội: “Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều”.

Hôm đó, dựa vào đời sống của một nhà nông, Đức Giê-su nói chuyện liên quan đến “Người gieo giống đi ra gieo giống”.

Thưa bạn, bạn có phải là một nông dân? Nếu phải, chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên về “người nông dân” đã được Đức Giê-su mô tả trong dụ ngôn này.

Theo lời kể của Đức Giê-su, anh nông dân này quá ư là phí phạm hạt giống của mình. Thì đây, chuyện kể rằng: “Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường… Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều… Có những hạt rơi vào bụi gai… Có những hạt lại rơi nhằm vào đất tốt…”.

Vâng, gieo như thế, nói theo ngôn ngữ bình dân, đó là “gieo từa lưa”, bạ đâu gieo đó, gieo như thế, không gọi là gieo phí phạm thì gọi bằng gì đây!

Thật ra, nếu nghĩ như thế, chúng ta chưa hiểu gì về ruộng đất của nước Israel. Ruộng ở Do Thái thời đó khác ruộng ở Việt Nam. Theo lời kể, ruộng đất ở Do Thái, điển hình là “ở phía tây ngạn của Biển Hồ. Đồng bằng này có nhiều lối mòn chằng chịt, rải rác những giải đất sỏi đá, đá nằm ngay dưới mặt đất, và có cả những bụi gai. Khi người nông dân gieo giống, họ cứ thế mà gieo, có cày lên cũng không làm vỡ đất. Với loại đất như thế, những loại đất xen cả sỏi đá, gai góc, v.v... thì có những hạt sẽ sinh hoa kết quả nhiều, có hạt ít, và có hạt không sinh hoa quả gì hết”. (nguồn: internet)

Với Lm Charles E.Miller, dưới cái nhìn theo chiều hướng tâm linh, ngài nói: “Một nông dân thận trọng luôn cân nhắc cặn kẽ để chỉ gieo ở những nơi bảo đảm sẽ mang lại kết quả tốt. Song người gieo giống trong bài Tin Mừng đã không tiếc các hạt giống của mình vì ông tượng trưng cho Thiên Chúa là Đấng luôn quảng đại với các ân sủng của Người”.

Thiên Chúa là Đấng quảng đại ư! Thưa, đúng vậy. Thế nhưng, trước hết chúng ta hãy nhìn xem chuyện gì đã xảy ra cho những hạt giống đã được người nông dân gieo.

Vâng, theo câu chuyện được kể, có bốn loại đất đã tiếp nhận những hạt giống. Loại đất vệ đường: “chim chóc đến ăn hết”. Loại đất toàn sỏi đá: “nó mọc ngay, vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô”. Loại đất đầy gai góc: “gai mọc lên làm nó chết ngạt”. Và loại đất cuối cùng, đất tốt: “nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (x.Mt 13, 4-8).

Và đây, lòng quảng đại của Thiên Chúa đã được bày tỏ qua việc: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc… Tưới từng luống, sang từng mô đất, khiến dầm mưa, cho hạt nảy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (x.Tv 65, 10-12).

Hôm đó, Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng một lời khuyến cáo mạnh mẽ, rằng: “Ai có tai thì nghe”. (Mt 13, 8).

***
“Ai có tai thì nghe”. Phải chăng, lời khuyến cáo này cũng là lời khuyến cáo dành cho chúng ta, hôm nay! Thưa, đúng vậy. Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng: tôi đã nghe dụ ngôn này được bao nhiêu lần? Mới lần đầu? Mười lần? Hai mươi lần? Hay năm mươi lần?

Thật ra, dù chúng ta đã nghe bao nhiêu lần đi chăng nữa, nhưng sẽ chẳng ích lợi gì, nếu chúng ta “nghe mà không nghe không hiểu”. Nghe mà không nghe không hiểu, sẽ là một thảm họa cho đời sống đức tin của chúng ta. Thảm họa đó đã được Đức Giê-su cho biết, rằng: “quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo vào lòng người ấy”.

Thật ra, qua dụ ngôn này, với những lời giải thích, quá rõ ràng của Đức Giê-su, nếu ta nói rằng ta không hiểu, thì đó là ta làm bộ không hiểu. Ta làm bộ không hiểu, không phải vì ta không hiểu, nhưng ta cố tình không muốn hiểu, mà thôi.

Đức Giê-su đã giải thích rất rõ ràng, rằng: “Còn kẻ được gieo nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời”… Vâng, Ngài nói tiếp: “khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay”. Điều này rất đúng với một số người Công giáo ở miền nam Việt Nam sau biến cố 30/04/1975. Hồi đó, có một số người, dù đã là Ki-tô hữu, nhưng họ không dám kê khai vào sơ yếu lý lịch hoặc chứng minh nhân dân…
 
Xã hội chúng ta đang sống hôm nay, là một xã hội cổ súy cho một lối sống vô thần, một xã hội tôn thờ nền văn hóa sự chết. Bả vinh hoa phú quý, đại loại như: tiền bạc, danh vọng, quyền lực, v.v... Đó chính là những cạm bẫy, những cám dỗ mà không ít người Ki-tô hữu chúng ta vấp ngã.

Với những ai vấp ngã vì lý do này, Đức Giê-su nói, họ là “kẻ được gieo vào bụi gai”.

Còn một loại người nữa, Đức Giê-su nói, đó là: “Kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ đã nghe Lời và hiểu”. Những người “nghe Lời và hiểu” thì sao? Thưa, nghe Lời và hiểu, Đức Giê-su gọi đó là điều thật có phúc, “còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe”.

Đúng là thật có phúc, hồng phúc đó được chính Đức Giê-su chúc phúc, rằng: “kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”.

****
Vâng, câu chuyện đã được Đức Giêsu giải thích quá rõ ràng. Đừng nói là khó hiểu, nhưng hãy tự hỏi lòng mình rằng, mảnh-đất-tâm-hồn-của-tôi thuộc loại nào trong bốn loại đất đã được Đức Giêsu nêu trong dụ ngôn?

Mảnh đất bên vệ đường ư! Hay là mảnh đất chỉ toàn sỏi đá! Có phải là mảnh đất đầy gai góc! Hay mảnh đất tốt chính là mảnh đất tâm hồn của tôi?

Tất nhiên là không ai trong chúng ta lại mong muốn mảnh đất tâm hồn của mình thuộc ba mảnh đất “xấu” nêu trên.

Thế nhưng, chắc hẳn chúng ta sẽ băn khoăn và tự hỏi rằng: làm thế nào để mảnh đất tâm hồn mình thuộc loại “mảnh đất tốt”! Thưa, chỉ cần… chỉ cần tưới vào mảnh đất ấy một loại phân bón mang tên “Lời Chúa”.

Một sai lầm nghiêm trọng, không ít người trong chúng ta mắc phải, đó là, chúng ta cho rằng chỉ cần “tưới Lời Chúa”, một tuần một lần vào thánh lễ ngày Chúa Nhật, là đủ.

Không, như thế vẫn là chưa đủ. Hãy noi gương cộng đoàn dân Chúa ở Beroia năm xưa. Họ đã “đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không” (x.Cv 17,11).

“Ngày ngày tra cứu sách Thánh”. Vâng, tại sao lại không làm thế, nhỉ? Có ai mà không tưới cây mỗi ngày? Thế nên, chẳng có lý do gì để ta không “tưới Lời Chúa” mỗi ngày vào mảnh đất tâm hồn của ta.

“Tưới Lời Chúa” mỗi ngày vào mảnh đất tâm hồn của ta, đó chính là chúng ta đã làm cho mảnh đất tâm hồn ấy mỗi ngày một màu mỡ hơn. Mà, một khi mảnh đất tâm hồn của chúng ta ‘màu mỡ’, có lẽ nào mảnh đất ấy không sinh nhiều hoa trái, hoa trái của “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”!

Một khi mảnh đất tâm hồn của chúng ta sinh được những loại hoa trái nêu trên, có lẽ nào chúng ta không được công nhận là một người chồng hoặc một người vợ ‘lành’ trong gia đình! Có lẽ nào chúng ta không được bạn bè thân hữu nhìn nhận rằng, anh ấy, chị ấy là một người bạn ‘lành’! Có lẽ nào chúng ta không được mọi người lớn tiếng nói… nói rằng “Chúa ơi, có rồi, có người lành rồi!”.

Không… không có gì phải bàn cãi về việc chúng ta phải “nghe Lời và hiểu”. Điều cần bàn, đó là chúng ta có “lắng nghe”! Hãy nhớ, Đức Giê-su đã phán truyền “Ai có tai thì nghe”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây