TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cuối Năm Phụng Vụ và Những Ước Nguyện

Thứ ba - 19/11/2024 03:52 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB |   70
Bản chất của Hội Thánh là Mầu Nhiệm Cánh Chung, bởi vì, Hội Thánh chỉ được quan niệm trong tương quan với Nước Trời.

CUỐI NĂM PHỤNG VỤ VÀ NHỮNG ƯỚC NGUYỆN

tbd 191124a

 

Bản chất của Hội Thánh là Mầu Nhiệm Cánh Chung, bởi vì, Hội Thánh chỉ được quan niệm trong tương quan với Nước Trời. Hội Thánh luôn hướng về đó, và có sứ mạng dẫn đưa mọi người tới đó. Thật ra, chính Hội Thánh đã là Nước Trời rồi, một Nước đang lữ hành và chịu đóng đinh. Hội Thánh đã phục sinh cùng với Đức Kitô, cùng lúc, chia sẻ cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người. Ước gì Hội Thánh không thuộc về thế gian, nhưng vẫn tác động vào thế gian, và làm chứng trước mặt thế gian về các giá trị của thế giới mai sau. Cánh chung không phải là cớ để Hội Thánh xao lãng những mục tiêu trần thế, nhưng, những mục tiêu trần thế phải được tương đối hóa, và phụ thuộc vào những mục tiêu cánh chung.

Bị loại ra khỏi Nước Trời là một thất bại. Hội Thánh luôn nhấn mạnh đến khả thể của thất bại này, không phải để dọa nạt, nhưng là để cảnh giác đề phòng. Mục đích tối hậu của đời sống chúng ta là vào Nước Trời, nơi Đức Kitô mời gọi tất cả mọi người đến. Ước gì chúng ta biết tiến về Quê Trời với tất cả niềm tin và niềm hy vọng vững vàng. Sự sống thay đổi, chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị hủy diệt, chúng ta được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê Trời. Ước gì chúng ta biết xử sự: như hôm nay mình phải chết, để lương tâm chúng ta được thanh thản, không quá sợ hãi cái chết khi biết: đời người là có hạn, thân xác sẽ trở về bụi đất, và sinh khí sẽ trở về với Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, ước gì chúng ta được diễm phúc chết trong ân nghĩa Chúa.

Cái chết đã vào trần gian vì loài người đã phạm tội, nhưng, Chúa không muốn chúng ta phải chết, bởi vì, cái chết đi ngược lại với ý định của Chúa. Cái chết đã được biến đổi nhờ Đức Giêsu đã chịu chết vì mang thân phận loài người chúng ta. Nhờ vâng phục Cha, Người đã biến đổi cái chết: từ chỗ là lời nguyền rủa, trở thành lời chúc lành cho tất cả loài người chúng ta. Nhờ cái chết và sự phục sinh của mình, Đức Kitô đã mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta. Các thánh đã được hưởng trọn vẹn hoa quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô. Những ai tin vào Đức Kitô và trung thành với Người cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người. Trong vinh quang Thiên Đàng, các thánh vẫn tiếp tục hân hoan thi hành thánh ý Chúa Cha đối với những người khác và toàn thể các thụ tạo. Ước gì chúng ta ngày sau cùng được họp đoàn với các thánh trên Thiên Đàng.

Chỉ nơi Chúa, chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui, nên cực hình chính yếu của hỏa ngục là bị xa cách Chúa đời đời. Những điều Thánh Kinh xác quyết và Hội Thánh dạy về hỏa ngục là lời mời chúng ta phải có trách nhiệm sử dụng tự do để đạt tới hạnh phúc đời đời. Ước gì chúng ta biết ăn năn hối cải: cố gắng vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Sự trông đợi “trời mới đất mới” không làm suy giảm, nhưng trái lại, kích thích nỗ lực của chúng ta để làm cho quả đất này ngày càng tăng trưởng. Cho dẫu, chúng ta phải phân biệt rõ ràng: giữa những tiến bộ trần thế, với việc mở rộng Vương Quốc của Đức Kitô, nhưng thật ra, những tiến bộ trần thế cũng trở nên quan trọng đối với Nước Trời, tùy theo mức độ góp phần của chúng, bởi vì, tất cả những thành quả mà chúng ta đã đạt được, chúng ta sẽ được: nhận lại chúng sau này, khi chúng đã được thanh luyện khỏi mọi tỳ ố, được chiếu sáng và biến đổi trong Đức Kitô.

Đức Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Trong nhiệm cục ân sủng, Mẹ vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ Hội Thánh, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết kêu cầu Mẹ, để nhờ sự trợ giúp của Mẹ, chúng ta luôn tiến bước vững vàng; ước gì chúng ta luôn biết hướng nhìn về Mẹ, như dấu chỉ và hình ảnh cánh chung của Hội Thánh. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây