TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa sẽ chăm sóc chúng ta

Thứ năm - 27/05/2021 04:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   788



CHÚA NHẬT – XX – TN – A


Chúa sẽ chăm sóc chúng ta

Kỳ thị là gì? Thưa, kỳ thị là sự phân biệt đối xử đối với một người hay một nhóm người, một địa điểm hoặc một quốc gia có thể xác định được.

Khi nói tới sự kỳ thị, có thể nói rằng, đó là căn bệnh trầm kha trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Người ta kỳ thị sắc tộc, người ta kỳ thị tôn giáo, người ta kỳ thị vùng miền, v.v… Và, đó là nguyên nhân xảy ra xung đột, xảy ra chiến tranh.

Tài liệu wikipedia có ghi lại rằng: “Chủ nghĩa Đức Quốc Xã thúc đẩy ý tưởng về một dân tộc Đức thượng đẳng ưu tú vượt trội, hoặc một chủng tộc Aryan ở Đức vào đầu thế kỷ 20. Những quan niệm về quyền tối thượng của người da trắng và ưu thế chủng tộc của người Aryan được kết hợp vào thế kỷ 19, với những người theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng duy trì niềm tin rằng, người da trắng là thành viên của một chủng tộc Aryan ‘cao cấp’ ưu tú thượng đẳng hơn các chủng tộc khác...”. Đó… đó chính là động lực để Adolf Hitler phát động một cuộc chiến tranh, và cuộc chiến đó đã lan rộng khắp thế giới, như một điển hình.

Ki-tô giáo không khuyến khích sự kỳ thị. Vì, Kinh Thánh đã có lời chép rằng: “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất... ” (x.Cv 17, 26) .

Còn quan điểm của Đức Giê-su thì sao nhỉ! Thưa, Ngài đã có lời truyền dạy rằng: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (x.Mt 23, 8). Đức Giê-su không kỳ thị. Ngài không loại trừ bất cứ ai. Câu chuyện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an”, được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, như một minh chứng điển hình.

**
Chuyện kể rằng: Một ngày nọ “Đức Giêsu lui về miền Ti-a và Xi-đôn”. Khi nói về Ti-a và Xi-đôn, tưởng chúng ta nên biết, ngày nay vùng đất này thuộc miền nam Liban, các nhà chú giải Thánh Kinh còn cho biết, đó là miền giáp ranh với đất của dân ngoại.

Nhắc tới điều này để biết rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi qua “vùng đất dân ngoại”.

Vâng, đã có một lần Ngài và các môn đệ “bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê”. Đi theo lộ trình này, Đức Giê-su phải băng qua Samari. Băng qua Samari, đồng nghĩa với việc băng qua vùng đất của dân ngoại.
 
Hôm đi ngang Samari, có một người phụ nữ đi lấy nước ở giếng Giacop, và tại đây bà ta đã gặp Người. Còn hôm nay, hôm nay khi đến Ti-a và Xi-đôn, Đức Giê-su cũng gặp một người phụ nữ.

Hai cuộc gặp gỡ là hai cơ hội để Đức Giê-su thể hiện Ngài chính là một Thiên Chúa của tình yêu, một Thiên Chúa “Không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đếu được Người tiếp nhận” (x.Cv 10, 34-35).

Thì đây, tại Samari, vượt qua sự kỳ thị vốn có của người Do Thái đối với người dân ngoại, Đức Giê-su đã có một cuộc trò chuyện cởi mở và chân tình với người phụ nữ Samari, một cuộc trò chuyện, mà sau đó đã đem lại cho “nhiều người trong thành đó tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng”. (x.Ga 4, 39).

Còn hôm nay, tại Ti-a và Xi-đôn, Đức Giê-su đã đối xử với người phụ nữ này như thế nào! Thưa, rất ly kỳ. Nói theo cách nói dân gian, đó là “tiền hung hậu kiết”.

Vâng, ngay khi Ngài đặt bước chân vào vùng đất ấy, chuyện kể rằng “thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra”. Bà ta đi ra và kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”.

Quỷ ám… quỷ ám nghĩa là sao! Thưa, đó là “Một cá nhân bị một thực thể siêu nhiên ác độc nhập hồn, thường gọi là ác quỷ. Các biểu hiện của quỷ ám thường bao gồm mất trí nhớ hoặc nhân cách, ngất lịm như thể người đang hấp hối. Người bị quỷ ám có nhiều thay đổi rõ rệt trong ngữ điệu và khuôn mặt, xuất hiện những vết thương bất thường (vết cào, cắn), có sức mạnh siêu phàm. Không giống như trong mượn xác, chủ thể không thể kiểm soát được thực thể nhập vào mình và nó chỉ ra khỏi khi bị trục xuất, thường là bằng một hình thức trừ tà. Đây là một vấn đề Tâm linh chứ không phải là vấn đề mà khoa học thông thường có thể giải thích được”. (nguồn internet).

Ghê như thế, thế mà Đức Giê-su - “Người không đáp lại một lời”. (x.Mt 15, 23).

Đức Giê-su không đáp lại một lời, còn các môn đệ của Ngài thì… thì sao nhỉ! Thưa, rất lạnh lùng. Hôm ấy, các ông đã lạnh lùng nói: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”.

Không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì về phản ứng của bà ta trước lời nói của các môn đệ. Thế nhưng, có gì ngăn cản chúng ta nghĩ rằng, bà ta sẽ buồn bã cất tiếng thở than, than rằng: “ông nỡ lạnh lùng đến thế sao, tim (tôi) tan nát tự hôm nào… Giờ đây đã nát càng thêm nát. Muốn nói mà sao vẫn nghẹn ngào”!
 
Vâng, quả là con tim của bà ta “đã nát càng thêm nát”. Có “nát” không kia chứ, khi Đức Giê-su nói: “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.
Thế nhưng, dù bị xếp vào thành phần “chó con”, một thứ ngôn từ mà người Do Thái thời đó dùng để nói tới “dân ngoại”, không phải dân riêng của Thiên Chúa, bà ta vẫn kiên nhẫn khẩn khoản nài xin. Bà nghẹn ngào nài xin rằng: “Đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống, Thưa Ngài!”

Jean Jacques Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát nhưng quả của nó lại ngọt”.

Ôi, ông Rousseau ơi! Ông nói đúng quá! Hôm ấy, với sự kiên nhẫn và lòng kiên trì, người đàn bà Ca-na-an đã nhận được “quả ngọt” từ lòng thương xót của “Con vua Đa-vít”. Hôm ấy, sau khi nghe bà ta nói như thế, Đức Giê-su truyền phán: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Vâng, một kết quả thật ngọt ngào cho bà ta. Mô tả những “quả ngọt” mà bà ta nhận được, thánh sử Mát-thêu tóm tắt bằng tám chữ: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi”.

***
Câu chuyện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an” kết thúc ở đây. Và, nói theo cách nói bình-dân-học-vụ, thì đó là một cái kết ‘có hậu’.

Nhờ đâu mà có hậu như thế! Phải chăng là nhờ người đàn bà Ca-na-an này có lòng nhẫn nhục và khiêm nhu?

Thưa, đúng vậy. Trước lời tuyên phán của Đức Giê-su: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”, một lời tuyên phán nhuốm đầy sự phân biệt và kỳ thị, thế mà bà ta, bà ta phản ứng sao nhỉ! Chẳng phải là bà ta nhẫn nhục, “cắn răng chịu đựng”, không một chút phàn nàn, đó sao!

Tiếp đến, không chỉ bị Đức Giê-su phớt lờ trước lời cầu xin, mà còn bị Ngài so sánh như là “lũ chó con”, thế nhưng, bà ta vẫn “khiêm nhu”, khiêm nhu chấp nhận thân phận ngoại bang của mình.

Nhắc lại hai đức tính nhẫn nhục và khiêm nhu của người đàn bà Ca-na-an này để làm gì? Thưa, là để nói lên một điều rằng: đây là những đức tính mà một người Ki-tô hữu cần phải có. Cần phải có là bởi, hai đức tính này chính là chất xúc tác tăng thêm đức tin và đức cậy, cho chúng ta.

Ông Gióp, một nhân vật thời Cựu Ước, nhờ có được hai đức tính này đã không chao đảo mất niềm tin vào Thiên Chúa, cho dù ông ta bị rơi vào thảm cảnh mất hết tài sản, con cái chết chóc. Trước nỗi tang thương ấy, ông ta vẫn đón nhận trong một tinh thần nhẫn nhục, chịu đựng và khiêm nhu, không chút oán trách thở than.

Ông ta đã không chao đảo trước lời càm ràm của vợ mình, rằng: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa và chết đi cho rồi.”

Ông ta vẫn vững tin, tin vào Thiên Chúa trong một tâm tình khiêm nhu: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (x.G 2, 9-10).

****
Chúng ta vừa nghe lại câu chuyện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an”. Và, sau khi nghe xong, chúng ta có nhìn lại, nhìn lại bản thân của mình và tự hỏi rằng: lòng tin của tôi vào Thiên Chúa có ‘mạnh’ như lòng tin của người đàn bà Ca-na-an?

Sẽ… sẽ thật là tệ hại nếu lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa, chưa bằng được một “hạt cải”. Chưa bằng được một hạt cải, thì làm sao chúng ta “muốn sao thì sẽ được vậy”?

Hãy nhìn xem, chúng ta đang sống ở đâu? Chẳng phải là trong một xã hội đầy dẫy tội ác, một xã hội đầy bất an và bạo lực, một xã hội mạnh vì gạo, bạo vì tiền, một xã hội đầy gian dối, đó sao!

Chẳng phải là chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội đầy dẫy những “sản phẩm của satan”, những sản phẩm đại loại như: những game giải trí bạo lực, những phim ảnh khiêu dâm, những game show - ‘sô’ những nội dung phản giáo dục, và nguy hiểm nhất đó là những lời tuyên truyền dối trá, v.v… chúng được xuất hiện trên truyền hình, trên internet, suốt 24/24 giờ, đó sao!

Và, ai… ai trong chúng ta dám khẳng định rằng, con em chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng! Ai trong chúng ta dám tin chắc rằng, con em chúng ta sẽ không bị “satan ám” bởi những sản phẩm của nó!

Hãy nhớ rằng “Satan never sleeps – Quỷ địa ngục không bao giờ ngủ”. Quỷ… không bao giờ ngủ. Nó luôn rình rập nơi cửa sổ tâm hồn con em chúng ta.

Ai sẽ cứu con em mình, nếu không phải là chúng ta! Vâng, chính chúng ta phải hành động. Hành động như người đàn bà Ca-na-an đã hành động.

Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài có lời truyền dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (x.Mt 7, 7-11).

Đức Giê-su đã truyền dạy như thế… cớ gì chúng ta không làm như thế, nhỉ! Cớ gì chúng ta không làm như thế, khi hôm nay chúng ta đang phải đối diện với quá nhiều nan đề. Nào là dịch bệnh ngày càng bùng phát với tốc độ lây lan chóng mặt. Nào là thiên tai do lũ lụt, do động đất. Nào là chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Vâng, những nan đề đó, liệu chúng ta có thể tự mình giải quyết! Hay chúng ta sẽ đem những nan đề đó, đến với Đức Giê-su – Chúa chúng ta!

Phải là vậy. Chính tông đồ Phê-rô với sự trải nghiệm của mình, đã khẳng định rằng: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (x.1Pr 5, 7).

Là con cái Chúa, mọi nan đề của mình, hãy trút cả cho Chúa. Hãy tin “Chúa sẽ chăm sóc chúng ta”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây