CHÚA NHẬT XIX – TN – A
Thưa Chúa, xin cứu chúng con
Nước, đó là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Con người có thể sống sót trong một khoảng thời gian dài mà không cần thức ăn, nhưng nếu không có nước uống thì con người sẽ bị đánh gục nhanh chóng. Thế nhưng, đôi lúc nước lại gây ra cái chết cho con người.
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, con người không ít lần phải đối diện thảm họa do nước gây ra. Mới chiều hôm 06/08/2020 vừa qua, chỉ là một trận mưa kéo dài ba giờ đồng hồ, thế mà cả thành phố Saigon như phải hứng chịu một trận hồng thủy.
Và theo báo chí đưa tin, thì: “Tại quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, xảy ra sự cố xe ôtô bốc cháy. Một người dân chứng kiến sự việc thông tin cho DKN, sự cố xảy vào khoảng 0g30’ đến 1g đêm ngày 7/8. Người này nói, chiếc xe lưu thông từ đường số 2, bị ngập nước chết máy, khi ra quốc lộ 13 đề máy lại thì bị chập điện bốc cháy trước cửa hàng 115 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Khoảng 1 giờ sau thì đám cháy được khống chế nhờ cảnh sát PCCC. Sự cố khiến một cửa hàng liên quan bị cháy xém bảng hiệu là tiệm photocopy Thanh Đạt và tiệm bánh mỳ. Thiệt hại chưa thống kê chi tiết”.
Nói tới nước, chúng ta không thể không nhớ tới mười hai vị tông đồ của Đức Giê-su. Trong nhóm các ông, có một số người là dân chài lưới. Vì thế, nước như là nguồn sống của các ông, và sông nước như là ngôi nhà thứ hai của các ông. Thế mà, đã có lần, khi đối diện với sự hung hãn của nước, các ông đã phải cuống cuồng lên cầu cứu Đức Giê-su, bởi các ông biết, sự hung hãn của nước đồng nghĩa với cái chết.
Vâng, lần đó “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Đầy nước đến độ các ông nghĩ rằng thuyền sẽ chìm, Thầy và trò “chết đến nơi rồi…”. Và các ông đã cầu cứu Đức Giê-su. Hôm ấy, Đức Giêsu đã “ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ”. Lúc đó các ông mới cảm thấy “nhột nhạt” trước lời trách cứ của Thầy mình: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin” (x.Mt 8, 26)
Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã cho các môn đệ thấy quyền năng của mình, không chỉ có thể dẹp tan cuồng phong bão tố, nhưng còn có thể bước đi khoan thai trên mặt đại dương như thể đang bước đi trên con đường làng quê Nazareth của mình. Vâng, sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.
**
Câu chuyện được kể rằng: hôm ấy, sau biến cố làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, các môn đệ, theo lệnh truyền của Đức Giêsu, “xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng”. Hôm đó, sau khi giải tán đám đông xong, “Người lên núi một mình mà cầu nguyện”.
Tối đến, đang khi Đức Giê-su “vẫn ở đó một mình”, thì ngoài kia, ngoài biển khơi “xa bờ đến cả mấy cây số” chiếc thuyền của các môn đệ “bị sóng đánh vì ngược gió”.
Sóng và gió… vâng, đó là điều không hay chút nào cho một cuộc hải hành. Tuy không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng sự bối rối, sự căng thẳng đã xuất hiện trên khuôn mặt các ông.
Thật vậy, làm sao không bối rối cho được, khi “Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”.
Đi trên mặt biển, với một con người bình thường như bao người bình thường, có thật không! Và, đó là nguyên nhân làm cho các ông hoảng hốt, hoảng hốt đến độ các ông bảo nhau “Ma đấy!”.
Nghe thế, nhưng Đức Giê-su không trách móc các ông. Có lẽ, Ngài thấu hiểu nỗi lòng của các ông. Nỗi lòng của những con người đang phải sống trong một xứ sở đầy dẫy những tên biệt phái “ma đầu giáo chủ” luôn rình rập, chực chờ hãm hại Ngài cũng như các môn đệ của Ngài.
Hôm ấy, Đức Giêsu xóa tan sự hoảng hốt nơi các môn đệ bằng một lời nói rất rõ ràng: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.
Phê-rô… vâng, lại là tông đồ Phê-rô, với tính khí bốc đồng, ông ta đưa ra một lời cầu xin, lời cầu xin như là một phần để xác thực người đang đi trên mặt biển chính là Thầy Giê-su, ông cầu xin Đức Giê-su, rằng: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.
Lời cầu xin của ông Phê-rô được Đức Giê-su chấp nhận, Ngài nói: “Cứ đến!”. Nghe thế, ông Phê-rô “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su”.
Thế nhưng, “thấy gió thổi thì ông đâm sợ”. Rồi, khi cảm thấy mình “bắt đầu chìm”, ông Phêrô la lên “Thưa Ngài, xin cứu con với”.
Ơ hay, là dân chài, tất nhiên ông Phê-rô phải biết bơi chứ! Sao ông ta lại phải cầu cứu nhỉ! Thật là khó hiểu, phải không thưa quý vị!
Với Đức Giê-su, Ngài hiểu vì sao ông cầu cứu. Thế nên, Ngài “liền đưa tay nắm lấy ông và nói: Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi”. Ô! vậy ra chỉ vì kém tin và hoài nghi…
Và khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Trước sự kiện vô tiền khoáng hậu này, chuyện kể tiếp rằng, những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.
***
Kém tin và hoài nghi chính là nguyên nhân làm cho ông Phê-rô “đâm sợ”. Có lẽ, ông Phê-rô quên... quên rằng, Lời Chúa, qua Thánh Vịnh 118, 5-6, có chép: “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.
Chưa “kêu cầu Chúa”, ông Phêrô “bắt đầu chìm”. Và khi ông la lên “Thưa Ngài, xin cứu con với”, Đức Giê-su, liền thực hiện lời hứa “đưa tay nắm lấy ông”.
Hôm đó, quyền năng của Đức Giê-su đã được thể hiện, nhờ thế ông Phê-rô đã cùng Đức Giê-su tay-trong-tay cùng bước “lên thuyền”.
Vâng, đó là những gì đã xảy ra hơn hai ngàn năm xa trước đó. Còn hôm nay… hôm nay thì sao nhỉ! Thưa, Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, Ngài cũng sẽ thực hiện cho chúng ta y như Ngài đã thực hiện cho ông Phê-rô. Chúa cũng sẽ “đưa tay nắm lấy chúng ta”, nếu chúng ta kêu-cầu-Chúa.
Mà, sống trên đời này, có ai trong chúng ta lại không hơn một lần gặp-cảnh-gian-truân, nhỉ! Gian truân bởi thiên tai. Gian truân bởi nhân tai v.v…
Chúng ta sẽ làm gì khi gặp hạn hán mất mùa! Kêu cầu Thượng Đế: “Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm. Lấy rơm đun bếp”!
Hay chúng ta lại ngạo mạn gân cổ lên nói, đại loại như: “Thằng Giời đứng sang một bên. Để cho nông hội đứng lên làm Giời!”, hoặc là: “Ấm no không đợi trời cho. Người làm ra nước, người to hơn trời!”.
Chúng ta sẽ làm gì khi đại dịch Corona virus đang hoành hành khủng khiếp, như hôm nay! Nên chăng ngước mắt lên trời cao và khẩn nguyện, nguyện rằng: “Lạy Trời ban xuống. Những điều con muốn. Dịch lệ tiêu trừ. Ngài không chần chừ. Cho con khỏi bệnh... Trời cho không thấy. Trời lấy không hay... Nếu biết lạy Trời và thờ Trời thì Trời sẽ cho và được thấy!” (nguồn internet)
Tất nhiên, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, với kinh nghiệm sống đức tin của mình, thánh Phao-lô có lời khẳng định: “Điều gì Người đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4, …21).
Mà, Đức GIÊ-SU đã hứa gì nhỉ! Thưa, Ngài đã hứa rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (x.Mt 11,28).
Vâng, hôm nay, một thế giới của hôm nay đầy hỗn loạn và bạo lực. Hỗn loạn vì con người đang bị lôi kéo bởi những tà thuyết mị dân, bởi một nền văn hóa hưởng thụ. Bạo lực vì con người chối bỏ Thiên Chúa. Chối bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời.
Và, những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến trên khắp thế giới, như: đốt nhà thờ, đập phá tượng Chúa, tượng các thánh, cũng như các cuộc cướp bóc, hãm hiếp của nhóm người da đen… bên cạnh đó là dịch bệnh ngày một lây lan, chẳng phải là những cơn-sóng-dữ đang hoành hành trên con thuyền cuộc đời của chúng ta sao! Chẳng phải đó là những nan đề mà chúng ta cần mang đến với Chúa sao!
Xưa, Đức Giê-su đã cất tiếng bảo với ông Phê-rô rằng: “Cứ đến”, thì nay, Ngài cũng vẫn nói như thế với chúng ta, rằng “Hãy đến”.
Chỉ cần… chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn phó thác và cất tiếng thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Chúa, nếu quả là Chúa nói vậy… Thưa Chúa, xin cứu con với!”
Vâng, hãy ngước mắt nhìn lên thánh giá Chúa Ki-tô và thưa với Ngài rằng: “Thưa Chúa, xin cứu chúng con”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn