TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày cùng tận (Mc 13, 24-32)

Thứ bảy - 16/11/2024 02:49 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   165
“Khi ấy mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các tinh tú bầu trời bị lay chuyển”.

NGÀY CÙNG TẬN
Chúa Nhật 33 Thường Niên năm B: Mc 13, 24-32

LmTN 161124a


Suy niệm

Hôm nay là Chúa Nhật áp chót của năm Phụng vụ, nên Giáo hội  chọn đọc bài Tin Mừng nói về ngày cùng tận. Ngày ấy sẽ đến như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay mô tả rằng: “Khi ấy mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các tinh tú bầu trời bị lay chuyển”. Những hình ảnh ấy khiến cho chúng ta thấy sẽ có một ngày thật khủng khiếp. Nhìn vào những biến cố trong thời hiện đại, phải chăng thế giới này sẽ tận diệt bằng một cuộc chiến tranh nguyên tử hay vũ khí hạt nhân? Chúng ta biết đây là đoạn Tin Mừng viết theo văn thể Khải Huyền, trong đó những hình ảnh không quan trọng, chỉ là phương tiện để diễn tả một ý tưởng, vì thế cần nhận ra tư tưởng nòng cốt hơn là miên man trong những tình tiết.  

Thực ra, những hình ảnh được dùng trong bài Tin Mừng này cũng không phải do Chúa Giêsu đưa ra, nhưng Ngài lấy lại những hình ảnh mà các ngôn sứ quen dùng để nói về ngày cùng tận. Chẳng hạn như một đoạn trong sách Isaia diễn tả ngày ấy như sau: Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa, và ban đêm, ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi: Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ”. (Is 60, 19). Các ngôn sứ và cả Đức Giêsu đều không quan tâm ngày cùng tận sẽ xảy ra thế nào, mà chỉ quan tâm đến điều quan trọng nhất là ngày ấy Chúa sẽ đến, sẽ hiển trị đời đời: là một ngày khủng khiếp đối với những kẻ tội lỗi, nhưng là ngày ngập tràn ánh sáng vinh quang, ngày hân hoan vui mừng cho những người công chính ở trước Thiên Nhan Chúa. Người ta vẫn suy đoán về ngày tận thế, nhưng ngày ấy vượt tầm trí của con người, chỉ có một mình Chúa Cha biết mà thôi.

Có ngày khởi đầu thì đương nhiên có ngày kết thúc. Ngày kết thúc có thể xem ra như tai nạn hay như hậu quả của một sự hủy diệt nhau, nhưng chúng ta tin ngày ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Đó là một ngày mà Thiên Chúa làm nên một thế giới mới cho nhân loại. Nơi đó, công bằng sẽ ngự trị, hạnh phúc sẽ ngập tràn, và niềm vui sẽ trọn vẹn cho những ai “bền đỗ đến cùng”. Với cái nhìn đầy tin tưởng, Seneca - một nhà tư tưởng lớn của La-mã - đã nói: “Ngày mà bạn cho là cùng tận của mọi sự, lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu”.

Chúng ta không biết ngày nào Chúa sẽ đến trong vinh quang, nhưng chúng ta biết chắc, để được vào vương quốc ấy, trước tiên bản thân mỗi người phải xét lại chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và vũ trụ vạn vật, để tiến tới một sự hòa hợp sâu xa hơn. Điều này đòi chúng ta xếp đặt lại cuộc sống mình cho phù hợp với đường hướng và ý muốn của Thiên chúa, đồng thời tích cực dấn thân trong việc xây dựng một gia đình nhân loại đầy tình yêu thương, để  công lý và hòa bình có thể triển nở khắp nơi trên thế giới.  

Cha Mark Link viết: “Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao”. Vì tình yêu là ngôn ngữ và là chất liệu của đời sống trên Thiên đàng, nên chỉ những ai có trái tim đong đầy yêu thương mới được bước vào. Chính lòng từ bi nhân hậu là tâm thế và là tấm thẻ căn cước không thể thiếu của những công dân Nước Trời. Những giá trị tạm bợ của đời trần gian như tiền bạc, của cải vật chất, địa vị, danh giá đều đã trôi qua như phù vân, không còn giá trị gì. Tuy nhiên, những thứ đó cũng có thể được phục hồi lại một cách mới mẻ trong sự sống mới, khi chúng đã được trao ban và đem ra phục vụ vì ích lợi phần rỗi của tha nhân. Và như vậy, cũng chính tình yêu làm thăng hoa tất cả.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới không ổn định, hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác; bạo lực, xung đột và chiến tranh tàn sát liên hồi dưới mọi hình thức; thực tế là dịch bệnh và chiến tranh xảy ra không ngừng trên thế giới, khiến con người không luôn lo âu và sợ hãi, hết sức cần một cái gì đó vững chắc để dựa vào. Nhưng rồi chẳng có gì vững chắc trong cuộc đời này. Người ta chỉ có thể dựa vào một mình Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống, Đấng đã hứa với loài người chúng ta qua Đức Giêsu: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi”. Chúng ta hoàn toàn an tâm vì biết rằng mọi sự đều nằm trong bàn tay Chúa. Ngài đã có chương trình và dự định riêng cho mỗi người chúng ta từ muôn thuở, nên ta cứ sống theo Lời Ngài, vững tâm theo đường lối Ngài. Sống thuộc về Chúa hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ được thuộc về Chúa mai ngày và mãi mãi.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Con tin rằng rồi sẽ tới một ngày,
thế giới này sẽ không tồn tại nữa,
tất cả sẽ qua đi chẳng còn gì,
bởi vì tất cả đều là tạm bợ,
do duyên cơ hay duyên nợ tác thành,
như phương tiện thi hành thánh ý Cha.


Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra,
giống như ngày thánh đô bị tàn phá,
Chúa cho biết mọi người phải tránh xa,
nhưng xem ra dân chúng vẫn lơ là,
và đúng là tới ngày tan tác cả,
vì đã không nhận ra Chúa viếng thăm.


Chúa cũng báo ngày tận cùng thế giới,
trước khi Chúa ngự đến trên mây trời,
sẽ có nhiều điềm thiêng và dấu lạ,
khắp trên đất liền và ngoài biển cả,
dân xôn xao vì trời cao chuyển động,
ai cũng hoang mang lo sợ phập phồng.


Nhưng chúng con không hoảng hốt lo âu,
vì là phút khởi đầu Chúa sắp đến,
con cần phải đứng thẳng ngẩng đầu lên,
để gặp Đấng suốt đời con trông đợi,

Đấng con muốn mãi ngàn đời ca ngợi,
muốn yêu mến và cảm tạ không ngơi.


Ngày tận thế chẳng biết bao giờ tới,
nhưng có ngày Chúa đến với riêng con,
xin cho con đừng ham mê thế sự,
nhưng sẵn sàng buông bỏ mọi vấn vương,
để ngẩng đầu đón nhận Chúa tình thương,
là cùng đích đời con cõi thiên đường. Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây