NGƯỜI CÓ NGHE THƠ MẦU NHIỆM RA ĐỜI?
Nhà thơ Hàn Mặc Tử trong trường ca “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”, đã có những câu thơ liên quan đến biến cố truyền tin trong cuộc đời Đức Mẹ như sau:
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời?
Qua những vần thơ đó, chúng ta thấy được rằng, khi sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ, cả trời đất cùng muôn ngàn tinh tú ra như “náo động” và “xôn xao” trước lời đáp trả “xin vâng” của Mẹ.
Tận chốn trời cao, Thiên Chúa cũng trông chờ, bởi vì Ngài là đấng trung thành. Ngài đã đặt niềm hy vọng của Ngài cũng như của chúng ta vào một trái tim nhỏ bé. Ngài đã âm thầm gìn giữ và trang điểm cho trái tim nhỏ bé ấy bằng muôn vàn ơn sủng. Trái tim nhỏ bé ấy chính là trái tim của Mẹ Maria, một thiếu nữ xứ Galilêa.
Qua biến cố “truyền tin”, Thánh Luca muốn chỉ cho chúng ta thấy được nguồn gốc “thần linh”, nguồn gốc Thiên Chúa của Chúa Giêsu: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao...”. Khi con người từ chối cộng tác với Thiên Chúa vì những ích lợi riêng tư của bản thân, thì liệu Con Thiên Chúa có thể đến thế gian để thực thi Thánh Ý của Chúa Cha hay không? Mặc dù “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng Thiên Chúa vẫn muốn con người cộng tác vào công việc của Ngài. Hằng ngày, Mẹ vẫn cầu nguyện, xin Thiên Chúa nhìn đến nỗi khổ đau của con người. Rồi khi thời gian viên mãn, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại được thực hiện. Nhờ Mẹ, nhân loại được tiến đến cùng Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận tình thương của Ngài. Câu chuyện xảy ra dưới mái nhà Nagiarét.
Chương trình cứu độ chỉ có thể được thực hiện với hai tình yêu: tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của nhân loại. Thiên Chúa trao ban con một Ngài, còn nhân loại thì mở rộng cõi lòng để đón nhận người con ấy. Qua tiếng “Xin Vâng”, Mẹ Maria đã chấp nhận lệnh truyền của sứ thần, để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, để trở thành người “đồng công cứu chuộc”. Sự chấp nhận ấy của Mẹ, chúng ta thấy được rằng, không mang tính cách liều lĩnh, “một ăn một thua” hay “nhắm mắt đưa chân”, nhưng là với một niềm xác tín mạnh mẽ vào một Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa yêu thương. Thật vậy, đứng trước mầu nhiệm lớn lao cùng với những sự việc vượt quá sức hiểu biết của trí năng con người, (nào là sẽ thụ thai, sẽ sinh con trai, sẽ đặt tên là Giêsu; nào là con mình sẽ nên cao cả, sẽ là Con Đấng Tối Cao, sẽ trị vì nhà Giacóp…) Đức Maria không đòi cho mình một dấu chỉ, hay phép lạ nào, nhưng bằng sự khiêm tốn đầy phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Dù chưa hiểu được tất cả ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm được loan báo, nhưng Mẹ vẫn quảng đại đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, để nói lời “Xin vâng” thì không khó, nhưng để thực thi lời “Xin vâng” thì không đơn giản chút nào. Chính vì thế, muốn làm được điều như Đức Mẹ đã làm, chúng ta cần phải biết siêng năng chạy đến với Thiên Chúa, để xin Ngài ban ơn giúp sức cho chúng ta, đồng thời chuyên cần học đòi bắt chước theo gương của Mẹ. Như Abraham, Đức Maria cũng phải bước đi trong đêm tối, tin tưởng vào Đấng đã kêu gọi Maria. Tuy nhiên, câu hỏi ” việc đó xảy ra thế nào được?” chứng tỏ Đức Maria đã sẵn sàng thưa “xin vâng” bất chấp mọi hoàn cảnh. Maria không đặt câu hỏi liệu lời hứa có được thực hiện hay không, nhưng chỉ hỏi việc đó xảy ra thế nào và đã thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1, 38). Với những lời trên, Đức Maria chứng tỏ mình là nữ tử thuộc dòng dõi Abraham đã trở thành Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của tất cả những người tin. Nhờ lời thưa “xin vâng” của Đức Maria tại Nagiaret mà mầu nhiệm Nhập Thể hoàn tất cuộc gặp gỡ của Abraham với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta hát mừng người nữ “đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian” (Hymne Ave Regina Caelorum).
Chúng ta đang sống trong tháng Năm – tháng dâng hoa kính Mẹ. Trong tháng này, toàn thể Hội Thánh khắp nơi trên thế giới hướng về Đức Mẹ cách đặc biệt, qua việc siêng năng cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi như những đóa hoa đặc biệt để thể hiện lòng sùng kính của mỗi người chúng ta đối với Đức Mẹ.
Bên cạnh việc dâng hoa kính mẹ, siêng năng lần hạt Mân Côi chính là điều Mẹ luôn nhắn nhủ với con cái loài người chúng ta trong những lần hiện ra. Từ đó, chúng ta thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc siêng năng lần hạt Mân Côi. Tuy nhiên, siêng năng lần hạt Mân Côi không phải chỉ là chịu khó lần hạt cho nhiều,; nhưng chính là phải biết kết hiệp với Mẹ Maria để suy niệm và sống các mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, để cùng Tử Nạn và cùng Phục Sinh với Chúa Giêsu. Có như thế, cuộc đời chúng ta sẽ nên một chuỗi Mân Côi sống, tựa như những đóa hoa hầu diễn tả lại các tâm tình của Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày.
Và trong tháng hoa kính Mẹ này, xin cho mỗi người chúng ta biết luôn chạy đến với Mẹ và siêng năng khoác lên vai Mẹ những tràng hoa qua việc lần hạt Mân Côi cách sốt sắng. Vì: “Ai yêu mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp đi lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (ĐHV 947). Vì vậy, “kinh Mân Côi phải trở nên như hơi thở của mọi tâm hồn, đồng thời cũng là kinh riêng của các gia đình Công Giáo” (ĐGH Gioan XXIII).
Đức Hữu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn