Nhớ Ba, Người Thợ Mộc – NVMN 26.10.2021
Niềm Vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
NVMN 26.10.2021
Nhớ Ba, Người Thợ Mộc
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Trước năm 1975, tôi thấy ba hay làm đồ mộc. Làm không phải để bán, nhưng là để sử dụng trong gia đình. Lúc đó, ba tôi là một nhân viên của Ty Xã Hội.
Sau năm 1975, với kiến thức nghề mộc, ba tôi vào làm cho Công ty quốc doanh Cao Su, trở thành một người thợ lặng lẽ bên công việc của mình. Và cũng để nuôi dưỡng ơn gọi cho 2 anh em.
Năm nay, thu lại đến. Đây là giỗ lần thứ 9 của ba. Tôi mới viết về ba. Tên thánh của ba là Phêrô. Như Phêrô của Chúa. Thẳng thắn và cương nghị. Luôn ngửng cao đầu. Không chịu cúi lưng trước người khác. Luôn chia sẻ và cho đi. Cuộc sống đầy thứ tha.
Nghề nghiệp lại là thợ mộc. Như thánh Giuse. Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Âm thầm và lặng lẽ chu toàn thánh ý của Chúa.
Tôi nghe kể rằng, sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh lỵ Phước Long bình địa. Gia đình phải về Phước Vĩnh, nương tựa trong mảnh đất của Giáo xứ. Trước là để có nơi ở, sau là giữ Nhà Thờ Giáo xứ. Vì sợ hãi, mà nhiều giáo dân đã lấy đinh đóng cửa Nhà Thờ tránh bị chiếm lấy.
Mảnh đất của gia đình tại đây hồi thập niên 60 đang bị một người lạ chiếm lấy. Những người hàng xóm bảo làm đơn xin lại, họ sẽ làm chứng cho. Nhưng cha tôi nói: “Họ ở rồi thì thôi vậy!.” Và lại bắt đầu làm việc từ đầu.
Trong cuối thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, trong những dịp nghỉ, tôi về phụ giúp gia đình. Giúp ba khai hoang đất đai. Nhiều mảnh đất sau này không thấy còn canh tác. Hỏi ra, ba đã cho người ta rồi.
Chính tấm lòng rộng rãi của ba vẫn còn ảnh hưởng đến con cái chúng tôi hôm nay.
Một lần, tôi nghe kể, căn nhà mà ba làm (2010) trước khi mất (2012) là căn nhà thứ mười ba.
Tôi còn nhớ căn nhà tại Đức Bổn, nơi tôi sinh ra (1959), mái nứa, bốn bên thưng tre, trước mặt là con đương làng. Xa hơn một tí là giòng sông êm ả trôi. Có lẻ trước đó là một căn nhà tạm bợ, vì chúng tôi di dân từ An Du Bắc, Vĩnh Linh, Quảng Trị vào.
Khi lên Phước Vĩnh, chắc chắn ba đã làm một căn nhà mới tạm bợ. Một căn nhà gỗ khang trang hơn được hoàn thành vào năm 1968. Mùa xuân này nó đã bị phá hủy.
Một căn nhà mới khác xuất hiện ở Nhơn Hòa I khi gia đình chạy vào đó ẩn cư.
Lại một căn nhà nữa được cất lên tại trung tâm tỉnh lỵ Phước Long. Nhà tôn, vách ván. Nhưng căn nhà này bị tiêu hủy hoàn toàn khi Phước Long được giải phóng vào ngày 6 tháng giêng 1975.
Giữa những đau thương và mất mát, gia đình lại phải tìm về nơi chốn cũ để tìm cách sống sót. Phước Vĩnh là nơi chốn cũ, cùng nhiều bà con thân thuộc, và cũng có nhiều đất đai để khai hóa. Và ba tôi đã chọn nơi này và nương nhờ trên mảnh đất của giáo xứ, ở sát cạnh bên Nhà Thờ.
Một căn nhà mái tranh được cất lên. Bốn bên thưng tre nứa. Ban đêm, ngồi đọc kinh, thấy có những con vật nhỏ rơi xuống trước mặt. Nhìn kỹ, chúng là những con bò cạp từ trên mái tranh rơi xuống.
Khi khá lên, ba tôi đã thay ngôi nhà tranh vách nứa bằng ngôi nhà tôn vách ván với muôn vàn lỗ thủng đêm đêm có thể nhìn thấy sao trời..
Năm 1991, khi có linh mục về làm quản xứ, gia đình đã trả lại đất cho giáo xứ, và di chuyển cách đó khoảng 300m. Một căn nhà khác đã xuất hiện.
Chính tại nơi đây, năm 2010, ba tôi đã làm căn nhà thứ 13, khang trang và thoáng mát. Và ba đã ra đi ngày 26 tháng 10 năm 2012.
Trong lần giỗ thứ 9 này, giữa đại dịch diễn ra khắp nơi, chúng con không thể quây quần cùng nhau, nhưng với những lời kinh thương nhớ, với những thánh lễ online, những việc hy sinh ... trong ngày giỗ này nói lên ba/ông vẫn còn mãi trong tâm hồn chúng con. Một di sản mà ba/ông để lại cho chúng con là : Sống yêu thương – luôn phó thác vào Thiên Chúa và yêu mến Mẹ Maria qua trang chuỗi Mân côi.
Nhớ Ba nhiều lắm.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
Nguyễn Thái Hùng