TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếc

Thứ sáu - 29/03/2024 03:54 | Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR |   400
Và ta tiếc cho anh Giuđa, vì mặc cảm tội lỗi quá lớn, anh không còn nhìn thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, anh cứ theo cách thế trốn chạy của mình là tự tử.
Tiếc
TIẾC !
 

Hối tiếc hay tiếc nuối là một phản ứng cảm xúc tiêu cực có ý thức đối với một tình huống không mong muốn. Hối tiếc có liên quan đến cơ hội nhận thức. Cường độ của nó thay đổi theo thời gian sau khi quyết định, liên quan đến hành động so với không hành động, và liên quan đến tự kiểm soát ở một độ tuổi cụ thể.

Trong cuộc đời có nhiều lần ta hối tiếc. Có tác giả tiếc cho đời người kỹ nữ nên đã thốt lên :

Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
Loài người vô tình giẫm nát thân em
Loài người vô tình giày xéo thân em
Loài người vô tình giết chết đời em.

Hay tiếc thương cho cuộc tình đã không đến được với nhau: Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền Còn đâu ước mơ gì cũng thế Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ lòng mới quên được người xưa ...

Nhìn vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhân vật ấn tượng nhất có lẽ là Giuđa. Giuđa đã bán Thầy với cái giá rẻ mạt. Ta cũng tiếc cho Giuđa vì Giuđa đã bán Thầy với nụ hôn giả tạo.

Giuđa hôn má của Thầy, ông đang đứng ở một khoảng cách rất gần trong tương quan với Chúa Giêsu. Cũng nụ hôn nhưng ta thấy người phụ nữ tội lỗi hôn chân Thầy để biểu lộ lòng sám hối, cô ấy tự đặt mình ở một khoảng cách rất xa trong tâm hồn.

Nụ hôn của môn đệ nộp Thầy và nụ hôn của người đàn bà xem chừng là thống hối biểu tỏ lòng ăn năn. Cùng một nụ hôn nhưng khác nhau về nội dung cũng như ‘chất”. Hai nụ hôn này không chỉ khác về vị trí mà ánh mắt cũng rất khác lạ. Kinh Thánh không mô tả thần thái của hai gương mặt này trong khi hôn. Chỉ có Chúa mới đo được tình yêu của hai nụ hôn này và Ngài hiểu thấu tâm can của mọi hành vi, ngay cả khi hai người ấy chưa hành động.

Giuđa nói với đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc: “Tôi hôn ai thì đó chính là Người, các anh bắt lấy” (Mt 26,48). Cái bi đát của tình yêu là dùng chính cử chỉ âu yếm nhất để phản bội tình yêu. Nụ hôn của Giuđa đau hơn ngàn cái tát, nhục nhằn hơn dòng nước mắt, quặn thắt hơn vết thương sâu. Chúa Giêsu ngỡ ngàng trước thái độ của Giuđa nên hỏi: “Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? (Lc 22,48). Chúa Giêsu không tưởng tượng được một môn đệ sau ba năm chung sống, bây giờ dùng nụ hôn chỉ điểm cho đám người đến bắt Ngài. Nếu Giuđa dùng cái tát tai hoặc cú đấm để làm dấu chỉ thì Chúa đỡ đau lòng hơn. Cái bi đát ở đây là Giuđa dùng chính cái hôn để phản bội tình yêu, dùng chính cái hôn để chà đạp sỉ nhục tình yêu. Có nhiều cách phản bội, nhưng Giuđa đã chọn cách phản bội đau lòng nhất.

Giuđa đã dùng nụ hôn vốn là “ngôn ngữ yêu thương” để “chỉ điểm” và bán Thầy với giá “ba mươi đồng” (Mt 26,15; Mt 27,3.9). “Ba mươi đồng” chỉ là số tiền nhỏ so với “ba trăm quan tiền” giá chiếc bình bạch ngọc đựng dầu cam tùng hảo hạng (Mc 14,5; Ga 12,5) mà người phụ nữ tội lỗi đã đập bể và lấy dầu xức chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simon (Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Ga 12,1-8). Bán Thầy giá “ba mươi đồng” so với bình dầu “ba trăm quan tiền”, nên Giuđa tiếc nuối cho rằng cô kia làm như vậy là hoang phí (Mt 26,8; Mc 14,4). Giuđa không ngay thẳng khi mượn danh người nghèo để trách lòng quảng đại của người phụ nữ: “Phí phạm dầu để làm gì? Sao không bán để giúp cho người nghèo?”. Thánh Gioan nhận định rất rõ trong trang viết của Ngài: “Hắn nói thế không phải vì thương người nghèo đâu, nhưng vì hắn giữ tiền chung, hay bớt xén tiền của anh em”. Khi lòng người đã không ngay thẳng, không thật thà, thì những hành động hoặc lời nói bên ngoài cũng sẽ không trung thực. Hay khi toan tính riêng tư cho mình thì con người có thể làm bất cứ điều gì người ta muốn. Khi lòng tham đã trỗi dậy thì người ta không khước từ một việc gì mà người ta không dám làm.

Đời thường, ta thấy hôn là một hành động nhằm biểu đạt tình yêu. Nụ hôn luôn được coi là “biểu tượng đẹp” trong tình cảm của con người. Chữ hôn được ghép với nhiều chữ khác như hôn nhân, hôn ước, hôn phối, hôn lễ, thành hôn, kết hôn, tái hôn. Chữ hôn đứng vai chủ động diễn tả hành động yêu thương, cử chỉ trìu mến, tác thành như tân hôn, kết hôn, thành hôn, tái hôn. Chữ hôn dùng trong trường hợp cử hành các nghi thức mừng vui như hôn lễ, hôn phối, hôn ước. Và chữ hôn còn dùng diễn tả sự kiện đau buồn, cô đơn như tiêu hôn.

Khi suy nghĩ, ta thấy nụ hôn Giuđa đã khiến cho cái chết của Chúa Giêsu vốn đã đau đớn lại thêm tê tái hơn. Nụ hôn của Giuđa để lại một kỷ niệm buồn. Hơn hai nghìn năm lịch sử vẫn không phai mờ, bởi Giuđa đã hôn Thầy bằng một nụ hôn không chút tình yêu. Nếu mỗi nụ hôn trao nhau là một đóa hoa hồng, thì nụ hôn không chút tình yêu của Giuđa trở nên vòng gai nhọn trao cho Chúa Giêsu.

Và ta tiếc cho anh Giuđa, vì mặc cảm tội lỗi quá lớn, anh không còn nhìn thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, anh cứ theo cách thế trốn chạy của mình là tự tử. Có cách đối diện với sự thật là nhận trách nhiệm về mình, tự thú những sai lầm với các bạn trong nhóm, hòa cùng với những người đã sai lỗi, không phải để bao che lẫn nhau mà cùng nhau nhận trách nhiệm với công chúng. Cần thiết thì đền bù và rút lui nhường chỗ cho người khác tài giỏi hơn. Cũng giống các môn đệ khác rút lui về nhà, trở lại vườn rau, nghề biển, thấy không còn xứng đang là môn đệ của Chúa nữa. Nếu Chúa còn tín nhiệm gọi về để làm việc tiếp thì lại ra công cố gắng: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).

Nụ hôn của Giuđa là nụ hôn không tình yêu và là nụ hôn phản bội. Ngày hôm nay, nhiều lần nhiều lúc ta cũng hôn vợ hôn chồng hôn con hôn anh chị em mình nhưng cũng có khi là cái hôn không tình yêu và là cái hôn mua bán. Nhiều lần nhiều lúc quá khéo léo mà ta phản bội vợ chồng con cái hay cha mẹ của chúng ta cũng với những cử chỉ xem ra ngọt ngào thế nhưng những thứ đó ngọt ngào và man trá.

Ngày hôm nay, chuyện cha mẹ bán con, vợ bán chồng và chồng bán vợ cũng như con cái bán cha mẹ vẫn xảy ra. Và rồi đó là bài học cay đắng của cuộc đời.

Đừng tiếc cũng như đừng trách Giuđa phản thầy của mình, nếu có trách và tiếc thì trách và tiếc vì ông đã để cho ma quỉ bước vào cuộc đời và dẫn lối đời mình (x. Lc 22,3). Mà nếu trách như vậy thì thử hỏi ai trong chúng ta không đáng trách! Ai trong đời cũng có đôi lần để ma quỉ dẫn lối đi về miến u tối của bất trung. Và như thế, chúng ta có tiếc nuối và trách móc mình hay không? Câu trả lời là tự mỗi người chúng ta.

Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Giuđa, Tiếc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây