TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin biến đổi con

Thứ tư - 12/05/2021 06:42 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   705
Xin biến đổi con

Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A

Xin biến đổi con

Trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo, đó là cuộc tử nạn và sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Chính vì thế, đức tin Ki-tô giáo dạy rằng: Đức Giê-su “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Giáo Hội, với hơn hai ngàn năm trôi qua, vẫn luôn tuyên xưng niềm tin này. Và hàng năm, cử hành một thánh lễ tưởng niệm vào ngày thứ sáu Tuần Thánh và ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Thế nhưng, với các tông đồ năm xưa, là những người đã bỏ hết mọi sự và theo Đức Giê-su, thì, đó là một điều không phải một sớm một chiều. Khi nói tới cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô, đã nghĩ rằng, đó là điều không thể xảy ra.

Thật vậy, một hôm, khi Đức Giê-su tiên báo điều này cho các môn đệ, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”… ngay lập tức, tông đồ Phê-rô đã phản ứng, ông ta liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người, rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện đó”. Nhưng Đức Giê-su đã bảo ông ta rằng: “Xa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (x.Mt 16, 22-23)

Và để cho Phê-rô biết đâu là “tư tưởng của Thiên Chúa”, Đức Giê-su đã đưa ông đi riêng ra một chỗ, theo lời kể của tông đồ Mat-thêu, thì đó là “một ngọn núi cao”. (Mt 17, 1)
**
Theo trích thuật Tin Mừng thánh Mat-thêu, hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình”. Chuyện kể tiếp rằng: “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao”.

Và, đúng như những gì Đức Giê-su đã nói với Nathanaen, rằng: “Anh em sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Hôm đó, khi Thầy và trò đang ở trên núi, một điều lớn lao đã xảy ra, Đức Giê-su “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.(Mt 17, 2)

Chưa hết, Phê-rô cùng với hai người môn đệ khác là Gia-cô-bê và Gioan còn chứng kiến một thị kiến khác, đó là hình ảnh “ông Môse và ông Elia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”.

Trong sự kinh ngạc, trong nỗi bàng hoàng, một đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. (Mt 17,5).

Nghe vậy, ý nguyện chân thành của các ông “xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Đức Giê-su, một cho ông Mô-se, và một cho ông Elia” tan vỡ, tan vỡ tận đáy sâu thẳm của các ông, các ông đã “ngã sấp mặt xuống đất”. Và để xoá tan nỗi kinh hoàng của các ông, Đức Giê-su lại gần và nói với các ông rằng: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”.

Đối với Đức Giê-su, đưa các ông lên núi không phải để tổ chức một buổi “trại bay”, nhưng là để các ông biết rằng “Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”.

Hôm đó, kết thúc chuyến lên núi là một cuộc “hạ sơn” âm thầm nhưng thấm đậm tâm tình hiểu biết của các ông. Thánh Mat-thêu cho biết: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người” (Mt 17, 13).

***
Có thật là “các môn đệ hiểu Người”? Thưa, chẳng những hiểu mà các ông còn “vâng nghe lời Người”.

Trước khi “lên núi” các môn đệ còn lo lắng, hoang mang bởi lời quả quyết của Đức Giê-su rằng, Ngài phải tới Giê-ru-sa-lem để chịu nhục hình. Trước mắt các ông là một màu xám ảm đạm.

Thế nhưng, sau khi “xuống núi”, và nhất là sau khi “Đức Giê-su từ cõi chết trỗi dậy” cuộc sống đức tin của các ông đã minh chứng cho lời nhận định nêu trên.

Tông đồ Phê-rô, một trong ba nhân vật cùng lên núi với Đức Giê-su, là một minh chứng điển hình.

Theo truyền tụng, tháng 8 năm 64, hoàng đế Nero bắt đầu bách hại Ki-tô giáo. Tông đồ Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” Chúa Giê-su đáp: “Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo.

Vâng, Phê-rô đã “Vâng, nghe lời Người”.

****
Chúa Nhật hôm nay (16/03/2014) Giáo Hội bước vào tuần thứ hai của Mùa Chay Thánh. Trong thánh lễ, chúng ta thấy các vị chủ tế thay đổi phẩm phục áo lễ màu trắng, màu xanh bằng chiếc áo màu tím.

Có rất nhiều cách giải thích về phẩm phục áo lễ màu tím. Người thì cho là “tượng trưng cho sự sám hối và canh tân; đồng thời cũng là dấu chỉ của hi vọng”. Người khác cho là “dùng màu tím muốn diễn tả đời sống cũ của con người sụp tàn qua đi, và đời sống mới trong con người nảy mần mọc lên” (nguồn: internet)

Trong một ý nghĩa tích cực hơn, ý nghĩa hơn, thì đây chính là mùa để mỗi người Kitô hữu chúng ta không chỉ thay đổi cách ăn, cách mặc nhưng còn thay đổi cách sống. Chính sự thay đổi cách sống nó sẽ dẫn chúng ta đến sự biến đổi tâm hồn. 

Biến đổi tâm hồn chính là chất xúc tác để biến đổi bản thân, biến đổi gia đình và trên hết biến đổi cả xã hội.

Trở lại câu chuyện “Đức Giêsu hiển dung”, lời mở đầu, thánh Matthew thuật rằng: “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

Vâng, đã bao nhiêu Mùa Chay đi qua, là một Ki-tô hữu, hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi đã bao nhiêu lần “đi riêng ra một chỗ” để gặp gỡ Đức Giêsu? Chúng ta đã bao nhiêu lần đi-riêng-ra-một-chỗ, gặp gỡ Đức Giê-su qua Thánh Thể và Lời Chúa, một phương cách tốt nhất để biển đổi, để biến hoá tâm hồn chúng ta?

Đừng quên rằng, trong một thế giới, một xã hội ngày càng “tục hoá” nếu chúng ta không “biến hoá” tâm hồn mình, đừng hy vọng chúng ta sẽ không bị “đồng hoá” với đời.

Đức tin Ki-tô giáo dạy rằng: người Ki-tô hữu chỉ là lữ khách trần gian, sống giữa đời những không đồng hoá với đời. Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, hôm nay, tôi đã “đi riêng ra một chỗ” để cảm nhận và hiệp thông với Đức Giêsu?

Nếu có, hãy cùng Rabbouni mà cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.”

Vâng, Lạy Chúa… “Xin biến đổi con”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây